Angkor Car – câu trả lời của người Campuchia
“Thật khó tưởng tượng ra người Campuchia tự sản xuất được chiếc xe hơi của mình” – tờ Bangkok Post bình luận. Trước khi Campuchia trình làng mẫu xe Angkor Car vào đầu năm nay, đất nước này vẫn được xem là quốc gia có trình độ kỹ thuật thấp, khó có cơ hội gia nhập thế giới các nhà sản xuất ôtô, nhất là khi nước láng giềng là Thái Lan đã trở thành một trung tâm sản xuất xe hơi cho toàn khu vực Đông Nam Á. Angkor Car quả là câu trả lời của ngành công nghiệp ôtô “bí ẩn” của đất nước Angkor.
Angkor Car trên đường phố
Chiếc Angkor EV 2013 là sản phẩm của Công ty Heng Development, có trụ sở tại Phnom Penh. Xe có nhiều phụ tùng được sản xuất tại Campuchia, một số khác được nhập khẩu, bởi vậy tờPhnom Penh Post cho rằng khó có thể gọi Angkor EV 2013 là một chiếc xe hơi 100% nội địa. Giám đốc của Heng Development cho biết giá bán của Angkor Car không thấp hơn 10.000 USD, nhưng công ty chưa quyết định giá bán chính thức. Số lượng xe dự tính bán ra trong năm nay cũng chưa được tiết lộ.
Với thiết kế nhỏ của dòng xe đô thị, ưu thế của chiếc Angkor Car là linh hoạt, dễ dàng điều khiển trên các con đường nhỏ hẹp và đông người qua lại. Động cơ điện giúp tiết kiệm xăng, thứ nhiên liệu vốn khá đắt đỏở nước này. Ngoài ra, xe cũng giảm tối đa khí thải và tiếng ồn ra môi trường. Theo thông báo của nhà sản xuất, Angkor Car có tốc độ tối đa 60km/g và có khả năng chạy liên tục quãng đường 300km chỉ sau một lần sạc pin. Và mức giá khoảng 10.000 USD, Angkor Car sẽ thích hợp cho đa số người tiêu dùng ở đô thị, đồng thời cũng là bằng chứng cho sự khéo léo của người Campuchia, làm đảo ngược định kiến của nhiều người.
Vùng đất mới
Thị trường xe hơi Campuchia đang bắt đầu gây chú ý với các nhà sản xuất xe hơi quốc tế. Số lượng xe hơi đăng ký biển số năm 2012 tăng gấp đôi so với năm 2006, lên 231.352 chiếc các loại. Xu hướng mua các dòng xe cao cấp cũng tăng tới 27% (đó là con số của năm 2011 so với năm 2010, theo công bố của Ngân hàng Thế giới). Hàng loạt thương hiệu xe hơi cao cấp bắt đầu tấn công thị trường mới của khu vực Đông Nam Á, mà một trong những người đi trước là BMW. Thương hiệu xe hơi cao cấp này của Đức đã khai trương showroom chính hãng đầu tiên tại Phnom Penh từ tháng 12 năm ngoái, trong khi đó, banderole của Mazda phấp phới bay trên đường phố thủ đô Campuchia để chuẩn bị cho cuộc “bùng nổ” của Mazda trong năm nay. Năm 2012, một trong những nhà phân phối Toyota ở Campuchia cho biết đã bán được khoảng 800 xe – số lượng kỷ lục so với khoảng 500 xe bán ra trong năm 2011. Hãng xe Ford cũng tăng được 15% doanh số bán hàng tại Campuchia trong năm 2012 so với một năm về trước.
Nội thất Angkor Car
“Số lượng xe hơi ở Campuchia vẫn còn thua xa nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, nhưng sẽ tăng lên trong thời gian tới cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc gia đang rất sáng sủa” – ông Hiroshi Suzuki, chuyên gia của Viện nghiên cứu Kinh doanh về Campuchia (Business Research Institute for Cambodia) nhận định như vậy. Cùng với xu hướng đổ đầu tư vào ngành công nghiệp ôtô tại Thái Lan để cung cấp cho thị trường Đông Nam Á, không ít hãng xe hơi lớn đã bắt đầu chuyển hướng một phần dòng đầu tư sang đất nước Angkor. Hyundai mới khai trương một nhà máy lắp ráp phụ tùng trị giá 62 triệu USD tại khu kinh tế đặc biệt Koh Kong vào tháng 1-2011. Cũng cuối năm ngoái, Ford đã khai trương một nhà máy lắp ráp phụ tùng tại tỉnh Preah Sihanouk với năng suất 6.000 xe/năm dành cho thị trường nội địa. Trước đó, tháng 9-2012, Công ty BIW của nước Anh đã ký một hợp đồng hợp tác với Công ty ACICA của Campuchia để xây dựng một nhà máy sản xuất xe hơi cũng đặt tại Preah Sihanouk với sản lượng lên tới 300.000 xe/năm để không chỉ cung cấp cho thị trường nội địa, mà còn cho khu vực ASEAN và một số thị trường khác trên thế giới. Trị giá hợp đồng lên tới 2 tỉ USD và theo kế hoạch, trong ba năm tới, nhà máy này sẽ chính thức đi vào hoạt động, sản xuất những chiếc xe “made in Cambodia” thuộc dòng xe nhỏ, có giá mềm từ 7.000 USD/chiếc.
Rào cản của thị trường đen
Một trong những vấn đề mà người tiêu dùng Campuchia phải đối mặt là giá xe rất cao so với khả năng của người tiêu dùng, mà nguyên nhân là thuế cao. Với một số mẫu xe mới, người Campuchia phải mua với giá cao gấp đôi so với giá bán ở một số nước láng giềng.
Hiện nay, Campuchia là một trong những nước áp mức thuế nhập khẩu xe hơi vào loại cao trên thế giới, trong đó 45% thuế tiêu thụ đặc biệt, 35% thuế nhập khẩu và 10% thuế giá trị gia tăng. Mặt trái của chính sách này là sự xuất hiện và tồn tại của thị trường nhập khẩu xe không chính hãng mà giới kinh doanh thường gọi là thị trường đen. Ở đó, xe hơi nhập khẩu vào Campuchia bị gian lận về giá gốc, về thuế để giảm giá tối đa so với giá bán chính hãng và điều này khiến cuộc cạnh tranh giữa các nhà nhập khẩu chính hãng và không chính hãng khá gay gắt. Người tiêu dùng mua xe nhập khẩu không chính hãng với giá ban đầu rẻ hơn nhưng chịu thiệt thòi về các dịch vụ sau bán hàng.
Bên cạnh sự cạnh tranh không lành mạnh của các nhà phân phối, thị trường xe hơi Campuchia cũng đang bị chi phối bởi thị phần lớn của thị trường xe cũ. Giám đốc kinh doanh của một nhà phân phối chính hãng xe Ford tại Campuchia cho biết rằng nhu cầu của thị trường xe nhập khẩu đang tăng khá nhanh, khoảng 20 – 25%/năm (tính từ năm 2009), còn thị trường đen tăng tới 30 – 35%. Theo ước đoán của chuyên gia này, Mercedes-Benz chỉ bán được 20-60 xe/năm tại thị trường Campuchia theo con đường chính hãng, nhưng trong thập niên 1950, hãng xe ngôi sao ba cánh đã từng tiêu thụ ít nhất 400 xe/năm tại Campuchia. Hiện có khoảng 2.000-3.000 xe Mercedes đang lưu hành ở Campuchia, trong đó 2/3 được mua từ thị trường đen.
Những yếu tố đó đang là rào cản cho sự phát triển của thị trường xe hơi Campuchia nên Chính phủ nước này đang nỗ lực để dỡ bỏ. Phát biểu tại Triển lãm ôtô quốc tế Phnom Penh lần thứ nhất (từ 15 đến 17-3), Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia cho hay lượng xe hơi được sản xuất hằng năm tại khu vực ASEAN sẽ vượt qua mốc 2 triệu xe sau khi cả khu vực thành một khối thống nhất và ngành công nghiệp ôtô Campuchia cũng sẽ phát triển mạnh sau năm 2015 – thời điểm thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Thủy Phạm