Tóm lược tình trạng tài khoản các quốc gia châu Âu trong 2012, Văn phòng Thống kê Eurostate thuộc Liên minh châu Âu (EU) cho biết Pháp bị thâm hụt 4,8% GDP (mục tiêu là 4,5%), còn Tây Ban Nha bị thâm hụt 11% GDP (mục tiêu là 10,2%). Tổng số nợ xấu hiện tại ở Eurozone trong năm qua cũng đã chạm mức cao kỷ lục: 90,6% GDP. Sau khi nhìn thấy kết quả của chính sách cắt giảm ngân sách vì suy thoái kinh tế kéo dài suốt hơn hai năm qua, giới kinh tế học EU cho rằng những mục tiêu kinh tế cứng nhắc hiện tại cần phải điều chỉnh linh hoạt hơn. Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso đầu tuần qua nhìn nhận chính sách “khổ hạnh” áp dụng bấy lâu nay dù “hoàn toàn đúng đắn” đã chạm đến mức giới hạn.
Người dân châu Âu biểu tình chống lại chính sách cắt giảm công quỹ của chính phủ
Để thực hiện thành công một chính sách thì bản thân nó phải được thiết kế chuẩn, đồng thời phải nhận được sựủng hộ nhất định từ xã hội. Cắt giảm ngân sách đã trở thành chiến lược trung tâm của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài đã ba năm, nhưng lại bị cho là nguyên nhân dẫn đến sự phá hủy mang tính chu kỳ mà tại đó, các chính phủ hạ nguồn công quỹ, các doanh nghiệp sa thải nhân viên, khiến người dân chi tiêu ít hơn và giới trẻ ít có hy vọng tìm kiếm việc làm mới. Tỷ lệ thất nghiệp leo thang và bạo lực bùng phát tại khu vực Nam Âu đã thúc ép giới làm luật phải suy nghĩ lại và giờ đây chuyển sang chiến lược tăng trưởng kinh tế. Theo ông Barroso, Eurozone phải kết hợp điều chỉnh giữa vay tiền chính phủ, thâm hụt ngân sách, nợ công với những chính sách phù hợp với chiến lược tăng trưởng.
Trong năm 2012, tổng mức thâm hụt tài khóa của 17 quốc gia thuộc Eurozone là 3,7% GDP (năm 2011 và 2010 lần lượt là 4,2% và 6,5%). Riêng Pháp và Tây Ban Nha có lẽ sẽ tốn nhiều thời gian hơn để vươn đến mục tiêu cam kết với EU là 3%. Rất có thể trong ngày 29-5 tới, EC sẽ quyết định liệu có nên đề nghị các bộ trưởng EU cho phép Paris và Madrid gia hạn thời điểm cắt giảm mức thâm hụt tài khóa xuống 3% GDP đến 2015, chứ không phải năm 2014. Trong lúc chưa rõ việc thay đổi chính sách từ EU sẽ ra sao, trước mắt, Ngân hàng Châu Âu và Đức vẫn đòi hỏi Eurozone cẩn trọng hơn trong cách sử dụng nguồn tài chính của mình để tránh gia tăng thâm hụt và nợ vay không cần thiết. Thêm vào đó, Hiệp ước tài khóa EU được ký bởi các nước EU (trừ Anh và Cộng hòa Czech) hồi tháng 3-2012 yêu cầu các chính phủ phải giữ ngân sách quốc gia ở mức cân bằng hoặc nếu có thặng dư thì tỷ lệ thâm hụt không được vượt quá 0,5% GDP.
B. Trịnh theo Reuters