Với bà Etel Adnan, sáng tác là nguồn sống và không có tuổi già. Ngoài sở trường văn xuôi, thơ và viết tiểu luận, Etel Adnan còn đam mê hội họa. Tranh của Etel Adnan có trong nhiều bộ sưu tập cá nhân và các bảo tàng nhiều nước trên thế giới.
Sinh năm 1925 tại Beirut với cha mang quốc tịch Syria theo đạo Hồi, mẹ là người Hy Lạp theo Công giáo, tuổi thơ của Etel Adnan trải qua ở Beirut và Damascus, tuổi thanh niên là những năm tháng theo học triết học tại Đại học Sorbonne (Pháp) rồi sang Mỹ tiếp tục học ở các đại học danh tiếng Berkeley và Harvard. Dạy triết học tại một trường cao đẳng ở California những năm 1958-1972, sau đó Etel Adnan về quê nhà Beirut làm biên tập cho tờ nhật báo L’Orient – Le Jour, đến năm 1976 thì trở lại phương Tây sống và sáng tác. Bà đã xuất bản nhiều tập văn thơ bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, viết kịch bản sân khấu và nhạc kịch. Cảm hứng văn chương chủ đạo của bà đến từ cuộc nội chiến đẫm máu tại Beirut. Tác phẩm nổi tiếng nhất – tiểu thuyết Sitt Marie Rose viết về tấn thảm kịch ở Beirut với những xung đột chính trị – tôn giáo – sắc tộc cùng vai trò của người phụ nữ trong cuộc nội chiến dai dẳng, đã đoạt giải thưởng văn học tại Pháp dành cho các tác giả Ả Rập năm 1977, được dịch ra hàng chục thứ tiếng và được coi là một tác phẩm cổ điển về văn chương chiến tranh.
Etel Adnan bắt đầu hướng đến nghệ thuật tạo hình vào thời kỳ diễn ra cuộc chiến tranh giành độc lập ở Algeria; hồi đó bà không được quân du kích Algeria chào đón do bị coi là có quan điểm chính trị thân Pháp và lại viết văn bằng Pháp ngữ dù bà rất muốn viết về họ. Thế là Etel Adnan tìm đến với thế giới màu sắc để thể hiện tình cảm của mình. Những bức tranh đầu tiên được bà vẽ vào năm 1958 khi chuyển tới San Francisco và dạy triết học tại đây. Một trong những nguồn cảm hứng chính trong văn chương của Etel Adnan thời kỳ này là đỉnh núi Tamalpais. Ngoài truyện và thơ bày tỏ tình yêu của mình với ngọn núi cao nhất vùng vịnh San Francisco, bà còn thể hiện nó trong nhiều bức tranh. Với bà, đỉnh Tamalpais là sự tổng hợp của cái đang trở thành (becoming) và cái đã tồn tại vĩnh cửu (permanence), là biểu tượng của vũ trụ, là kinh nghiệm mà con người có được về thiên nhiên và trong ý nghĩa này, ngọn núi còn là sự hiển linh của cái tôi sâu xa nhất.
Dù ngôn ngữ trong tranh của Etel Adnan gần gũi với trừu tượng nhưng những gì bà vẽ đều là phong cảnh thiên nhiên, song không phải là thứ phong cảnh dễ dàng nhận biết bằng mắt thường mà phải cần tới sự mặc khải để nhận ra những gì ẩn khuất phía sau cái nhìn thấy được. Trong tranh không có hình bóng con người, bởi theo tác giả vẻ đẹp của tự nhiên, của vũ trụ là đã quá đủ cho nghệ thuật tạo hình. Có thể dễ dàng nhận thấy trong tranh những mảng màu nguyên, những nhát cọ quyết đoán và mạnh mẽ, không chút do dự của tác giả. Phong cách hội họa của Etel Adnan, qua những bức tranh vẽ ở tuổi chín mươi, vẫn súc tích và giản dị như văn chương của bà. Nhiều tác phẩm của Etel Adnan hiện được trưng bày tại Bảo tàng hoàng gia Jordan, Bảo tàng mỹ thuật hiện đại Tunis (Tunisia), Bảo tàng Sursock ở Beirut, Bảo tàng Thế giới Ả Rập ở Paris, Bảo tàng quốc gia Anh ở London, Bảo tàng mỹ thuật nữ giới ở Washington DC… Năm ngoái, lần đầu tiên một triển lãm cá nhân của Etel Adnan được tổ chức tại Bắc Kinh.
- Y Chiêu