Với vị thế là triển lãm hàng không lớn nhất và lâu đời nhất, Paris Airshow luôn là sân khấu hấp dẫn thu hút hàng đầu đối với ngành hàng không thế giới.
Một lần nữa, không gian náo nhiệt của sân bay Le Bourget tại Paris đã được chuẩn bị để đủ sức đón chào những nhà sản xuất, những đại diện quân sự, những nhà kinh doanh và giới truyền thông toàn cầu với cuộc triển lãm hàng không quy mô lớn đã diễn ra từ ngày 15 đến 21-6-2015.
Trong sự kiện hàng không hoành tráng nhất được tổ chức định kỳ hai năm một lần này, khách tham quan đã được chứng kiến những màn trình diễn độc đáo nhất với những sản phẩm hàng không mới nhất, hiện đại nhất cùng với những bản hợp đồng mua bán khổng lồ được công bố.
Bùng nổ sức mua từ châu Á
Sự phát triển của ngành vận tải trên không luôn gắn kết mạnh mẽ với sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu vì vậy không có gì ngạc nhiên để nhận thấy các quốc gia có nền kinh tế mới nổi và những nước đang có tốc độ phát triển kinh tế nhanh đang thể hiện những nhu cầu cao nhất về số lượng máy bay và những dịch vụ về thiết kế nội thất khoang khách.
Trong đó châu Á đang vươn lên trở thành một khu vực được kỳ vọng sẽ chiếm 2/3 thị phần tăng trưởng của hàng không toàn cầu cho đến năm 2034. Chiếm thị phần đặt hàng lên đến 50%, với tổng số máy bay cần mua 403 chiếc, khu vực châu Á – Thái Bình Dương thể hiện sự bùng nổ về nhu cầu gắn liền với những cái tên nổi bật như Garuda Indonesia, Korean Air, Eva Air, Vietjet Air, Cebu Pacific Air,… Các hãng hàng không đến từ khu vực Trung Đông cũng đạt số lượng đặt hàng đáng kể với tỷ lệ chiếm giữ 8%, nổi trội là đơn đặt hàng 30 chiếc A320ceo của Hãng hàng không Saudia.
Sự hiện diện của những dòng máy bay kinh tế phù hợp với xu hướng sử dụng của các hãng hàng không hiện nay đã giúp Airbus vượt mặt đối thủ Boeing tại Paris Airshow 2015 với tổng số máy bay được đặt hàng lên đến 421 chiếc đạt tổng giá trị 57 tỉ đôla so với 331 chiếc với tổng giá trị 50,2 tỉ đôla dành cho Boeing. Có công giúp Airbus chiến thắng được Boeing trong cuộc đua tại Le Bourget chắc chắn đến từ hãng hàng không của Hungary – Wizz Air với đơn đặt hàng chiếm kỷ lục tại triển lãm lên đến 110 chiếc A321 neos.
Đây cũng chính là kỳ triển lãm đánh dấu sự thành công của Airbus với các dòng máy bay tầm trung thế hệ mới có hiệu quả kinh tế cao như A320/ 321neo hay A320ceo vốn đang rất được các hãng hàng không ưa chuộng. Hãng hàng không đang thể hiện sức tăng trưởng ấn tượng nhất tại Đông Nam Á – Garuda Indonesia cũng chứng minh sức vươn lên của mình bằng những bản hợp đồng nặng ký dành cho cả hai hãng sản xuất hàng đầu với lần lượt 9 tỉ đôla mua A350XWB và 11 tỉ đôla cho B787s/737.
Bên cạnh những dòng máy bay tầm trung, nhu cầu về dòng máy bay thân rộng đường dài tại khu vực châu Á cũng đang được chú ý mặc dù vẫn còn nhiều vấn đề hạn chế về các dịch vụ bảo dưỡng trong khu vực bởi phần lớn những trung tâm bảo dưỡng của các nhà sản xuất dành cho dòng máy bay này hiện vẫn chỉ tập trung tại khu vực châu Âu và Bắc Mỹ. Ngoài ra, với số lượng thực tế các sân bay tính trên mỗi triệu dân tại khu vực châu Á chỉ ở mức 1%, thấp hơn nhiều so với tại phương Tây cũng cho thấy sự tăng trưởng tất yếu của hệ thống các sân bay khu vực là một cơ hội lớn dành cho các hãng hàng không mới mở rộng các đường bay đến những khu vực có nhiều tiềm năng.
Tuy nhiên, theo giới quan sát thì việc phát triển số lượng cũng như sắp đặt vị trí của các sân bay tại khu vực châu Á phải hòa hợp với sự phát triển dân số trong khu vực cũng là một rào cản lớn cho sự phát triển của ngành vận chuyển hàng không của các quốc gia trong khu vực chứ không hẳn chỉ tập trung vào việc tăng số lượng máy bay khai thác.
Đám mây công nghệ trong những đám mây thiên nhiên
Những điều liên quan đến sự hiện diện của internet trên các chuyến bay không còn là những điều mới mẻ. Các thiết bị tự động vận hành bằng cảm ứng và kỹ thuật số đã trở nên thông dụng trong việc sản xuất cũng như trang bị trên máy bay trong hơn một thập niên qua.
Trong những năm gần đây, sự tấn công của nhiều công nghệ mới và đầy quyền năng đã tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các công ty không gian và quốc phòng. Sau những chấn động về các vụ rơi máy bay vào cuối năm 2014, sự quan tâm dành cho lĩnh vực thiết bị giám sát tình trạng bay thực tế của máy bay càng được quan tâm nhiều hơn.
Những màn trình diễn cũng như trưng bày tại Paris Airshow 2015 đã cho thấy đang có những cơ hội rất lớn dành cho các nhà sản xuất về công nghệ này trong tương lai với những kỳ vọng sẽ tạo nên được một sự kết nối trực tiếp và cập nhật hơn giữa các khu vực cảm biến trên máy bay và hoạt động giám sát tại mặt đất. Sẽ không gọi là ảo tưởng khi hy vọng sẽ xuất hiện một loại động cơ có thể được trang bị hệ thống dự phòng để đối phó với những tình huống sự cố khi đang giữa không trung đồng thời có thể kích hoạt các hệ thống quan trọng tại mặt đất để giữ cho chuyến bay tiếp tục được an toàn.
Về khía cạnh dịch vụ hành khách, cuộc cách mạng di động đã tạo nên một trào lưu muốn được online mọi lúc mọi nơi và hành khách trên các chuyến bay cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, mặc dù đã có nhiều sự đầu tư nâng cấp từ các hãng hàng không trên khắp thế giới thì nhu cầu này vẫn mới chỉ được thỏa mãn một số lượng rất ít cho hành khách hàng không. Chính vì vậy, sự sôi động nổi bật nhất tại Le Bourget chính là cuộc chiến giữa các nhà sản xuất công nghệ với những màn trình diễn mang tính đột phá nhất từ những bộ thiết bị có khả năng phát sóng ở tần suất cao nhất đồng thời phải tăng tính tuyệt đối trong vấn đề an ninh.
Những khoang hành khách của tương lai
Thiết kế nội thất máy bay là một thị trường khổng lồ luôn sôi động và đầy tiềm năng tại bất kỳ cuộc triển lãm nào trên thế giới. Những trải nghiệm mang tính tương lai về khoang khách được rất nhiều các công ty chuyên nghiệp đem đến tại Paris Airshow 2015 với những màn trình diễn ấn tượng về không gian cá nhân và riêng tư, kích thước ghế ngồi lý tưởng, khả năng cắt giảm trọng lượng và không khí trong khoang khách.
Thực tế, bức tranh chung về kinh doanh của ngành hàng không thế giới hiện nay tập trung ở hai gam màu khá đối chọi. Một là phải nỗ lực để cắt giảm chi phí tối đa đồng thời tăng số lượng ghế ngồi trên các khoang khách và nhu cầu ngược lại là phải tăng tiêu chuẩn sang trọng để tiếp tục cải tiến thị phần trên những phân khúc hạng cao cấp có lãi.
Chính thực tế này đã đưa đến sự phát triển của ngành thiết kế nội thất khoang khách máy bay được phô diễn với sự xuất hiện chính thức của hai khoang hạng cao cấp mới trên khoang hạng phổ thông truyền thống. Còn đối với lĩnh vực hàng không giá rẻ, sự thiết kế sẽ tập trung vào khả năng sử dụng không gian thông minh và phân bổ trọng lượng hợp lý để gia tăng số lượng ghế ngồi trên khoang càng nhiều càng tốt.
Đối với ngành hàng không Việt Nam, Paris Airshow 2015 là một sự kiện ghi dấu ấn đặc biệt với hình ảnh của chiếc Boeing 787-9 khoác chiếc áo thương hiệu Vietnam Airlines có một màn trình diễn hết sức ấn tượng.