Sau thành công của chương trình visa triệu phú dành cho giới thượng lưu Trung Quốc, Úc tiếp tục hứa hẹn cấp quốc tịch cho những người giàu có tại Mỹ vốn sẵn sàng mang tiền đầu tư và tri thức xuống phía nam bán cầu. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt cần chú ý trong chương trình mới tung ra hồi đầu tháng này: những ai tham gia vào chương trình Visa đầu tư cao cấp PIV trên cơ chế được mời tham dự cần phải đầu tư ít nhất 15 triệu AUD, tương đương 11,57 triệu USD, để đổi lấy passport Úc, thay vì con số 5 triệu AUD dành cho người di dân mang quốc tịch Trung Quốc thuộc chương trình Visa đầu tư đặc cấp SIV. Câu hỏi đặt ra là vì lẽ gì những doanh nhân thành công tại Mỹ lại muốn đầu tư một khoản tiền mặt không nhỏ vào Úc – một quốc gia rất tương tự Mỹ, chỉ có điều cách xa mọi thứ – chỉ để đổi lấy chiếc hộ chiếu không mang đến bất kỳ một lợi ích bổ sung đang chú ý nào? Theo giới phân tích từ tổ chức tư vấn Baker & McKenzie, nước Mỹ có những vấn đề mà Úc không phải đối diện, đáng nói nhất là nạn phân biệt chủng tộc, tội phạm liên quan đến súng nhưng có điều đó vẫn chưa phải là lý do để tất cả người giàu có tại Mỹ bỏ sang Úc. Điểm khác biệt là so với chương trình SIV, chương trình PIV không yêu cầu người sở hữu phải ở lại Úc ít nhất 40 ngày mỗi năm và buộc số tiền đầu tư phải nằm trong các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Bộ Thương mại Úc Austrade cũng cho hay chương trình cấp visa đặc biệt này sẽ không chỉ dừng ở Mỹ mà còn hướng tới các quốc gia giàu có khác, chẳng hạn như Anh, để thu hút một thị trường đầu tư hai chiều. Dù yêu cầu khá cao về khoản tiền đầu tư, nhưng PIV không hề đặt trọng tâm là tiền mà hướng đến việc thu hút nguồn chất xám từ toàn cầu, đặc biệt là từ Mỹ. Austrade kỳ vọng những nhà đầu tư Mỹ sẽ tạo dựng cầu nối giữa Úc với những trung tâm doanh nhân nổi bật như thung lũng Silicon, Los Angeles và Boston. Austrade khẳng định Úc từ lâu đã là nơi của những ý tưởng sáng tạo, nghiên cứu và phát triển nhưng thường xuyên thiếu nguồn vốn, mức độ kiến thức chuyên sâu về kinh doanh và khả năng thương mại hóa các ý tưởng để áp dụng vào thực tiễn. Tuy nhiên, trong bốn năm liên tục gần đây, Úc luôn lọt vào Top 10 điểm đến quốc tế cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, theo báo cáo từ Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên Hiệp Quốc. Mặc dù sẽ không có đặc cách về thuế cho nhà đầu tư Mỹ, nhưng việc đồng Úc trượt giá cùng với vị trí địa lý cạnh các nền kinh tế đang phát triển như Indonesia và Trung Quốc hứa hẹn sẽ thu hút vốn và tri thức Mỹ. Hẳn nhiên tiềm năng từ thị trường chứng khoán Úc cũng cần phải kể đến.
B. Trịnh theo Reuters (DNSGCT)