Theranos là start-up công nghệ trong y học nổi tiếng tại Thung lũng Silicon ra đời vào năm 2003, được đánh giá cao và thu hút được rất nhiều nhà đầu tư. CEO trẻ tuổi Elizabeth Holmes dự án này từng được ví là “Steve Jobs của nữ giới” và có mặt trong danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới của Time.
Chuyện bất ngờ vào tháng 8-2018, khi start-up đầy tiềm năng này đã tuyên bố phá sản do bị phóng viên John Carreyrou lật tẩy về những âm mưu lừa đảo của dự án. Vụ việc đưa Theranos đối mặt với rất nhiều cáo trạng về pháp lý, thương mại từ giới chức, nhà đầu tư, ủy ban giao dịch chứng khoán, bệnh nhân, đối tác…
Từ quá trình điều tra của mình, phóng viên Carreyrou đã xuất bản một cuốn sách có tên gọi “Bad Blood” (Tạm dịch: Máu xấu), trở thành một trong những cuốn sách hay nhất năm 2018. Thậm chí, Bad Blood đang được Hollywood xem xét chuyển thể thành phim và sau đây là tóm tắt về sự ra đời, sụp đổ của đế chế Theranos – vụ lừa đảo lớn nhất Thung lũng Silicon.
Từ start-up công nghệ thử máu được định giá 9 tỷ USD
Dựa trên ý tưởng sử dụng công nghệ độc quyền vào việc thử máu và chỉ cần dùng một mẫu máu nhỏ, CEO Elizabeth Holmes đã trở thành một hiện tượng, được lên trang bìa của các tạp chí kinh doanh lớn. Start-up Theranos lúcđóđược ca ngợi là bước đột phá trong thị trường công nghệ thử máu và được định giá lên tới 9 tỷ USD.
Năm 2003, khi Elizabeth mới 19 tuổi, cô đã bỏ học Đại học Stanford để bắt đầu dự án Theranos với tên gọi ban đầu là Real-time Cures. Lấy cảm hứng từ sự nghiệp y tế của ông mình và kỳ thực tập mùa hè tại Singapore, Elizabeth đã viết một ứng dụng sáng chế tích hợp với thiết bị theo dõi máu, có khả năng chẩn đoán và điều trị y tế.
Để gây quỹ, Elizabeth đã tận dụng các mối quan hệ thân thiết từ 2 nhà đầu tư là Tim Draper – cha của người bạn thời thơ ấu của và Victor Palmieri – người bạn lâu năm của bố mình. Đến cuối năm 2004, Elizabeth đã huy động được gần 6 triệu USD.
Vào năm 2005, ý tưởng thiết kế cho thiết bị Theranos là hệ thống đầu đọc và hộp mực phụ thuộc vào chất lỏng vi sinh và hóa sinh – nguyên mẫu được đặt tên là Theranos 1.0. Đồng thời, công ty cũng lên kế hoạch xin cấp giấy phép công nghệ và phân phối cho các công ty dược phẩm, công nghệ này được sử dụng để xác định được những phản ứng bất thường của thuốc trong các thử nghiệm lâm sàng.
Tháng 8-2007, nữ CEO đã cho sử dụng Theranos 1.0 quá sớm trong một nghiên cứu với bệnh nhân ung thư ở Nashville, Tennessee. Sau đó, một mẫu thử nghiệm mới có tên là Edison được ra đời, thậm chí Elizabeth đã kéo một số nhà thiết kế của Apple về làm việc cho mình, giao cho họ phụ trách kiến trúc tổng thể của mô hình Edison.
Khi Theranos bắt đầu có quan hệ đối tác với Safeway – một trong những chuỗi siêu thị lớn nhất nước Mỹ, CEO Elizabeth đã tạo ra một thiết bị mới có thể thực hiện nhiều loại xét nghiệm máu hơn. Thiết bị đó là MiniLad và được đặt tên là 4S – theo mô hình của iPhone.
Đầu năm 2012, Theranos đã thử nghiệm phiên bản beta xét nghiệm tại một phòng khám sức khỏe cho nhân viên Safeway. Song Giám đốc y tế của Safeway lo ngại về sự tương phản và sự khác biệt giữa các giá trị mà Theranos theo đuổi nên sau đó ông gạt bỏ nó đi.
Tháng 9-3013, Theranos mới bắt đầu cho ra đời mẫu máy 4S với một trang web mới và một phần giới thiệu bởi Elizabeth trên tờ The Wall Street Journal. Mặc dù các nhà khoa học của công ty cho rằng công nghệ này chưa sẵn sàng nhưng quỹ đối tác của Theranos vẫn mua tới 5,6 triệu cổ phiếu của công ty với mức giá 17 USD/đồng cổ phiếu.
Thời điểm này, Theranos được định giá có trị giá 9 tỷ USD và Elizabeth Holmes sở hữu gần 5 tỷ USD. Tiếp đó, Theranos và CEO bắt đầu thu hút sự chú ý của giới truyền thông, nhờ việc xuất hiện trên trang bìa tạp chí Fortune vào tháng 6-2014.
Đến “thương vụ lừa đảo” bạc tỷ
Đầu tháng 2-2015, phóng viên điều tra John Carreyrou của tờ Wall Street Journal, lần theo vài thông tin về Theranos. Sau đó, ông liên lạc với một giám đốc phòng thí nghiệm cũ tại Theranos và tìm về những thực hành phi đạo đức tại công ty.
Vào thời điểm này, Theranos đã hoạt động với công suất hạn chế hơn, đồng thời tạo ra kết quả sai lệch và không đáng tin cậy cho bệnh nhân. Thậm chí, công ty từng nghĩ đến việc tiến hành xét nghiệm HIV dựa vào công nghệ của mình trước khi giám đốc phòng thí nghiệm cũ nói chuyện với CEO và Balwani.
Phía các nhà khoa học đã bắt đầu nêu lên một số câu hỏi về các công nghệ của công ty. Phóng viên Carreyrou hé lộ câu chuyện về cuộc điều tra chống lại công nghệ xét nghiệm máu của Theranos. Sau đó, CEO Elizabeth phải xuất hiện trên truyền hình để bảo vệ công ty trong những tuần sau đó.
Khi sự việc được phanh phui, Theranos liên tục đối mặt với hàng loạt cáo trạng về pháp lý khác, khi bị FDA (Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm) kiểm tra phòng thí nghiệm và nói rằng công ty đang vận chuyển một “thiết bị y tế không rõ ràng”. Còn trung tâm dịch vụ y tế và chăm sóc sức khoẻ đã trích dẫn những lo ngại rằng một trong những phòng thí nghiệm của Theranos đặt ra “nguy cơ tức thì” cho bệnh nhân.
Thế nhưng, Theranos vẫn tiếp tục trình bày công nghệ của mình tại một hội thảo khoa học. Tuy nhiên, những giải thích chi tiết về công nghệ vẫn chưa được sáng tỏ, mà công ty chỉ xoay quanh việc xử lý mẫu mới có tên miniLab.
- Xem thêm: Bill Gates: IQ không phải là tất cả mọi thứ, đây là những gì bạn cần phải có nếu muốn thành công
Một vài tháng sau đó, công ty đóng cửa phòng thí nghiệm lâm sàng, sa thải khoảng 340 nhân viên và chỉ làm việc trên công nghệ miniLab của mình. Các vụ kiện bắt đầu dấy lên, thậm chí Theranos đã phải hoàn trả hàng triệu USD cho các bệnh nhân đã từng được xét nghiệm.
Đến cuối năm 2017, Theranos cần bổ sung tiền mặt và đã thực hiện thỏa thuận với Tập đoàn Đầu tư Fortress với số tiền 100 triệu USD hỗ trợ các khoản nợ sẽ được bảo đảm chi trả vào năm 2018. Sau đó, CEO Elizabeth không những phải trả tiền phạt mà còn bị cấm làm giám đốc hoặc nhân viên của bất cứ công ty giao dịch công khai nào trong vòng 10 năm.
Trong lá thư tháng 12-2017 tới các nhà đầu tư, Theranos cho biết rằng công ty vẫn đang chịu sự điều tra từ Bộ Tư pháp, CEO Elizabeth Holmes và cấp dưới có thể có những trách nhiệm hình sự. Tới tháng 8-2018, do không thể tiếp tục cầm cự công ty tuyên bố phá sản.
Theranos không chỉ là một phi vụ lừa đảo xôn xao dư luận mà đằng sau đó còn là sự tham vọng của các nhà đầu tư vào dự án của Thung lũng Silicon. Bởi ngay từ khi ra đời đã thu hút sự chú ý đông đảo từ nhiều lĩnh vực về những hứa hẹn đầy hấp dẫn về khởi nghiệp.
Câu chuyện kinh doanh từ Theranos cho thấy được cơ chế hoạt động bên trong của Thung lũng Silicon nói riêng và cộng đồng startup nói chung. Sự việc cũng là lời cảnh tỉnh cho các công ty khởi nghiệp trên thế giới khi xây dựng nền móng đánh mất những giá trị đạo đức cốt lõi.