Chìm trong ánh sáng tự nhiên hay nhân tạo, tranh của Edward Hopper giống như một cuốn phim đen trắng quay giữa ban ngày. Thậm chí bức tranh còn thô bỉ, sống sượng, luôn luôn phải làm lại, nhưng chưa bao giờ bí ẩn của nó được làm sáng tỏ. Tại sao Edward Hopper lúc nào cũng ám ảnh mọi người? Tạp chí Mỹ thuật cố tìm hiểu bí ẩn của họa sĩ hàng đầu nước Mỹ có ảnh hưởng lớn đến điện ảnh, nhân cuộc triển lãm lớn tranh của ông tại Bâle, Thụy Sĩ.
Một khoảnh khắc bị bỏ rơi bất ngờ, một cảm giác kỳ lạ trước một nơi mà người ta tin là mình đã biết rõ, ánh sáng rực rỡ của mặt trời khi bước chân ra ngoài lần đầu tiên trong ngày, một nỗi tiếc nuối ngọt-đắng khi bước chân ra khỏi chiếc giường… Có cảm giác như đã nhìn thấy rồi khi ngắm những bức tranh của Edward Hopper (1882-1967). Cũng thật là oái oăm giữa khoảng cách xa xôi của bức tranh và cảm giác gần gũi mà nó tạo ra.
Những góc nhìn sầu muộn và lặng lẽ mà ông có được từ nước Mỹ hiện đại đã nói thay cho tất cả mọi người, khiến ai cũng đồng tình đến mức thể hiện thành một cách sống nào đó. Chúng được tái bản liên tục trong tranh ảnh, bìa tiểu thuyết, poster điện ảnh. Thoạt đầu tranh của ông xuất hiện liên tục trong văn học, sau đó nó trở thành nguồn cảm hứng hàng đầu của các nhà điện ảnh vĩ đại. Độc nhất, ngoại hạng, Edward Hopper không thể xếp vào danh sách nào cả và nằm ngoài dòng lịch sử nghệ thuật của thế kỷ 20. Cùng với Jackson Pollock (1912-1956) ông là một trong hai cây trụ cột chính của nghệ thuật hội họa hiện đại của nước Mỹ.
Ánh sáng tràn ngập
Những khoảnh khắc đông cứng, đầy ẩn ý, bí hiểm, khó giải tranh của Hopper mở ra một con đường trong ký ức của chúng ta để hòa trộn với những kỷ niệm cá nhân. Với thời gian, một số chi tiết đã hiện diện khắp nơi, trong khi những cái khác đã biến mất, đến mức mỗi người có với ông một mối quan hệ riêng, và có bao nhiêu người xem tranh là có bấy nhiêu Edward Hopper! Làm cách nào một họa sĩ có được mức độ thầm kín đến thế với những người thưởng lãm tranh? Người có sức hấp dẫn đến thế là một kẻ như thế nào? Có lẽ trước tiên phải đi tìm quy trình sáng tạo của ông.
Thích rõ ràng, không dài dòng lý thuyết, trong một lần gặp gỡ hiếm hoi, ông tiết lộ: “Thông thường, tôi phải mất mấy ngày mới tìm được một đề tài đủ sức thu hút mình, và phải mất rất lâu nữa để tìm ra kích thước khung vải thích hợp cho bức tranh”. Edward Hopper tập trung vào thế giới nội tâm, sắp xếp lại vô thức của mình trước khi thấy xuất hiện rõ rệt trong đầu hình ảnh mà ông muốn thể hiện. Đó là một quy trình thai nghén lâu dài trong tâm trí và xúc cảm mới sinh ra từ đó. Ông vẽ không nhiều: khoảng 100 bức trong khoảng 42 năm, từ những năm 1924-1966, không hề ngẫu nhiên theo cảm hứng, mà là kết quả của một sự nghiền ngẫm chậm chạp, sâu lắng, bắt đầu bằng chính hình dáng của nó.
Sau những tác phẩm đầu tiên theo phong cách điền viên của trường phái Hudson River, vẽ phong cảnh đầu tiên của nước Mỹ, rồi hiện thực của Robert Henri, tại Trường Mỹ thuật New York từ năm 1902, ông đến Paris, giai đoạn bắt buộc của mọi sinh viên mỹ thuật. Một phát hiện mới cho chàng họa sĩ trẻ. Edward Hopper bị ánh sáng nhân tạo trong các các phẩm của Seurat thu hút; ông học được cách phân ô sáng tạo của Degas. Ông vừa học vẽ, vừa học điêu khắc, vừa kiếm sống bằng nghề vẽ minh họa cho báo chí.
- Xem thêm: Nhà đồng quê trị giá 10 triệu USD
Đến năm 40 tuổi, ông mới dành trọn thời gian cho các tác phẩm hội họa lúc nào cũng tràn ngập ánh sáng. Nó không giả vờ đi phớt qua, mà là đập thẳng vào nhân vật. Ông vẽ khuôn mặt giống như mặt nạ, xô đẩy không gian để dí một phần cảnh vật vào trong bóng tối. Mang đầy năng lượng sống, mặt trời được Edward Hopper vẽ theo kích thước của tâm linh.
Edward Hopper là một đứa con của nước Mỹ hiện đại, tôn vinh máy móc, sản xuất và tiến bộ kỹ thuật. Ông tham gia chuyển hóa từ một quốc gia có vị trí thuận lợi thành một cường quốc kinh tế và công nghiệp hàng đầu thế giới. Didier Ottinger, thuộc Viện Bảo tàng Grand Palais tại Paris, cho biết: “Ông là một phần của thế hệ nhìn thấy giấc mơ một nước Mỹ trong trắng và thiên đường của trường phái Hudson River biến mất. Từ đó dẫn đến sự phân cực trong tranh của Hopper, giữa nội và ngoại, thành phố và hoang dã. Trong bản chất, ông là kết tinh mối lo lắng của một nền văn minh đã phản bội lý tưởng của các nhà sáng lập.
Đừng quên rằng Hopper là đệ tử của nhà triết học Ralph Waldo Emerson căm ghét thói hám lợi, khi ông này đã từng viết: ‘Tôi không tìm kiếm cái gì là vĩ đại, xa xôi, lãng mạn… Tôi ôm ấp cái bình thường, tôi khai thác và tôi là bài học trong gia đình’. Cái mà Hopper thực hiện khi ông vẽ đường phố New York, những quán rượu, văn phòng, nội thất kín đáo, cuộc sống của giới trung lưu… Ông khai thác những nơi qua lại, không gian vắng vẻ, không có người tại những thành phố nhỏ. Ông vẽ những ngôi nhà vĩnh hằng từ thời đại Victoria tại Cap Cod, bang Massachusetts, nơi ông sống với vợ từ những năm 1930”.
Một họa sĩ chống chủ nghĩa tư bản?
Edward Hopper chứng tỏ mình cô độc và căm ghét xã hội tiêu thụ. Trong bức tranh Automat (Tự động), ông vẽ cửa hàng bán nước ngọt bằng máy tự động. Trong bức Gas (Trạm xăng), người ta thấy nền văn hóa xe hơi và hệ quả của nó: khai thác dầu hỏa. Trong thế giới phi nhân tính này, con người dường như chỉ có nỗi phiền muộn.
Nhưng cảm giác khó chịu và buồn rầu sâu sắc này được Edward Hopper kết hợp một cách cân đối, lại có vẻ còn phức tạp hơn nữa. Theo Didier Ottinger, đó là một hình thức phản kháng sự cuồng nhiệt của chủ nghĩa tư bản. Các nhân vật của ông không phải là nạn nhân, mà là những chủ thể có trực giác về cái mà thế giới này đã bị mất mát. Buồn rầu, cô độc, thụ động và thái độ trầm tư được đặt ra như thành lũy chống chủ nghĩa tiêu thụ và xã hội đóng kịch. Trong bức New York Movie (Chiếu phim tại New York), cô công nhân xinh đẹp tảng lờ với cuốn phim đang trình chiếu, thể hiện một thái độ tâm linh có thể đang diễn ra hàng ngày.
Một cái thùng chứa tranh khống lớn
Cho mọi vật một hình thù xác định rồi đặt nó lên một vị trí, chồng lên bằng chân không, sợ hãi và kinh dị, bằng cách loại chúng ra khỏi tấm vải trắng này, công việc đó rất giống với điện ảnh mà Edward Hopper đang làm: một cái thùng chứa tranh khống thật lớn, tức là giá vẽ. Đó là những dòng chữ mà Wim Wenders viết về Edward Hopper, một trong những kẻ ngưỡng mộ ông.
Edward Hopper có liên quan rất gần gũi với nghệ thuật thứ 7. Nhưng trái với niềm tin phổ biến, chính ông đã ảnh hưởng tới điện ảnh. Dĩ nhiên, ông đã chìm trong văn hóa điện ảnh. Khi mất hứng khởi sáng tác, ông thú nhận mình đã bỏ đi xem phim! Nhưng ông không tiêu thụ trực tiếp. Tranh, khác với hình ảnh chuyển động của phim, là một khoảnh khắc ngưng đọng mà người ta không biết đầu đuôi ra sao. Với chúng, không thể nào không kể lại chuyện đã xảy ra. Dĩ nhiên là phải cố sáng tác ra, những ô nhục trong quá khứ, hiện tại và tương lai của các nhân vật trong ảnh. Edward Hopper đã từng nói: “Mọi ý tưởng tâm lý phải được chính người xem tranh tạo ra”.
Trong một bức tranh như Nighthawk (Diều hâu đêm), có lẽ là nổi tiếng nhất, người ta nhìn thấy xuyên qua vách kính của quán rượu đêm một phụ nữ ngồi tại quầy trước mặt 3 gã đàn ông, đã gợi ý lên những suy luận điên khùng nhất. Các nhà điện ảnh không ngừng lục lọi trong danh mục tác phẩm của ông. Dẫn đầu là đạo diễn Alfred Hitchcock, lấy ngẫu hứng từ bức tranh House by the Railroad (Ngôi nhà cạnh đường ray) để làm bộ phim Nhà trọ tâm thần (1960).
- Xem thêm: Tranh Mỹ xưa
Woody Allen khôi phục không gian nội thất của Edward Hopper trong phim Accords et Désaccord (Đồng ý và Bất đồng – 1999). David Lynch lại gieo cấy bí ẩn theo phong cách Edward Hopper, gây ra lo sợ và nói về mặt trái của “giấc mơ Mỹ”. Wim Wender cho biết mình lấy ngẫu hứng từ Edward Hopper để dựng bộ phim Người bạn Mỹ (1976) đến mức đã cất giấu bản sao bức tranh này trong xưởng sản xuất và còn mang theo đến tận khách sạn của nhóm quay phim. Sau này, những bộ phim của ông như Paris, Texas (1984) và Don’t Come Knocking (Đừng đến đập cửa – 2005) đều lấy phong cảnh thành phố và nông thôn Mỹ theo phong cách của Edward Hopper.
Hãy đi tìm đàn bà
Thông thường cảm nhận từ xa, các nhân vật của Edward Hopper phần lớn thể hiện qua động tác nhiều hơn là khuôn mặt vốn khá mờ nhạt. Trong số đó, có một hình ảnh mới quay trở lại là một phụ nữ dáng dấp cao, lực lưỡng, gợi cảm một cách lãnh đạm, không kích dục. Sự hiện hữu dữ dội và xa xăm của nàng không thể nào bỏ qua được.
Người phụ nữ trong thế giới im lặng của Edward Hopper chính là Josephine Verstille Nivison (1883-1968), vốn là họa sĩ vẽ minh họa cho báo chí, vợ ông từ năm 1924. Ông thường gọi nàng là Jo. Ông tán tỉnh nàng bằng những danh thiếp đầy mỉa mai, pha trộn giữa hình vẽ và chữ viết. Cả hai kết nhau. Ông có dáng cao lớn, tính tình bộc trực và lõi đời. Nàng nhỏ nhắn, nóng nảy, nói năng bất chấp. Nàng đi theo Eward Hopper khắp nơi, ghi lại nhật ký với rất nhiều chi tiết quý giá cho các nhà sử học nghệ thuật. Nàng không ngần ngại sửa sai, chặn họng và nói thế cho ông, nhưng họ chẳng bao giờ bỏ nhau.
Jo là người mẫu chính của ông. Sẵn sàng khỏa thân, mặc áo quần, nhuộm tóc vàng, nâu hay đỏ để ngồi cho ông vẽ Rất thích giả trang, lúc còn trẻ nàng từng là diễn viên. Trong bức tranh Girlie Show, nàng đi ngang sân khấu bằng những bước chân dài, rất gợi cảm, ngực và mặt hãnh diện ngước lên trời. Giáo hội Công giáo chỉ trích bức tranh này rất nặng lời.
Chính nàng cũng ngồi trên giường, tóc bới cao, ngó ngang nhìn ra cửa sổ đón ánh nắng mặt trời cho Edward Hopper vẽ trong bức Morning sun (Mặt trời buổi sáng). Cũng vẫn là Jo trong bức Excursion into Philosophy (Đi vào triết học), nằm dài trên giường, áo ngủ vén lên, phơi mông và cặp đùi to tướng, trong khi người tình ngồi trước mặt, áo quần nghiêm chỉnh, cặp chân mày nhíu lại, có vẻ lo sợ trước mắt. Tuy nhiên tác phẩm này lại là thất bại cho cả hai.
Bức tranh cuối cùng của Edward Hopper là Two Comedians (Hai diễn viên), là một sự tôn vinh ngọt ngào của ông dành cho vợ, được trưng bày tại Colombine. Một sự hứng khởi cho bộ phim Enfants du paradis (Những đứa trẻ trên thiên đàng – 1945) của đạo diễn Marcel Carné. Hai người nắm tay nhau xuất hiện trên sân khấu của nhà hát để chào từ biệt khán giả, rồi kéo màn.