Imexco trở thành “người hùng” về XNK, Imexco cháy, Imexco với món nợ khổng lồ… Tất cả những nỗ lực, sáng tạo của một thành phố để cởi bỏ cơ chế, và những “vết thương” của người tiên phong phá vỡ cơ chế dường như đều nằm trong bước đường thăng trầm của Imexco. Người gắn bó với Imexco sau khi cháy không ai khác là Dương Kỳ Hiếu -Tổng Giám đốc Công ty cổ phần XNK và đầu tư TP.HCM – Imexco. Anh không được hưởng một chút vinh quang, vai trò của anh là… trả nợ và trả nợ, “phục hồi nhân phẩm” cho cái tên Imexco, cho những con người đã hết lòng mang lại những lợi ích cho đất nước, giải oan cho hậu quả vụ cháy Imexco, và đưa doanh nghiệp này sang một trang mới. Làm thế nào anh “giải thoát” Imexco khỏi món nợ khổng lồ 79 triệu USD? Làm thế nào để có thể “sống sót” qua bao cuộc “hành quyết” liên miên? Làm thế nào để giữ cho mình sự bình lặng và thanh thản của tâm hồn?…
Bữa ăn trưa của chúng tôi kéo dài đến cả… ăn chiều. Anh có một vẻ ngoài vừa phong trần, vừa hơi khắc khổ, áo hai túi bụi bụi, dáng vẻ trẻ trung, cách trò chuyện thẳng thắn, mạnh mẽ, hài hước. Anh tự trào với chút đắng cay: “Chuyện buồn 10 năm nhìn lại của Imexco là 10 năm lột xác sâu bọ lên làm người”…
____
Anh có thể lý giải vì sao một đơn vị có một quá khứ hào hùng như Imexco lại để cho mình mắc một món nợ khổng lồ như thế?
Quá khứ thành công của Imexco cũng là do cơ chế, do thời thế tạo anh hùng. Và món nợ mà Imexco phải nhận lãnh cũng chính là món nợ của việc chuyển đổi cơ chế quá nhanh. Thời điểm từ 1983-1988, Imexco đã làm được rất nhiều việc, không chỉ cho TP.HCM, mà còn nhập hàng cho cả đồng bằng sông Cửu Long, miền Nam, miền Trung, với phương thức hàng đổi hàng, chủ yếu lấy “nhập để nuôi xuất”.
Có thời điểm đất nước quá khó khăn, Imexco được Trung ương giao nhiệm vụ trong thời gian ngắn nhập nguyên liệu vật tư làm nhiệm vụ chính trị, cho các xí nghiệp Trung ương… Lúc ấy tôi mới chỉ là lớp đàn em, nhưng cũng lặn hụp trong chuyện “tháo gỡ cơ chế”, đấu tranh, đi xin Trung ương việc này việc nọ… Thời kỳ 1985-1988, kim ngạch XNK của Imexco đứng đầu cả nước, một năm lên đến 250 triệu USD.
Imexco thực sự chỉ là một “người chiến sĩ ngoài mặt trận”, mà phía sau là cả một thành phố để đấu tranh với những bất hợp lý của cơ chế. Từ những minh chứng rất cụ thể của Imexco, thành phố mới kiến nghị với Trung ương. Có thể nói Imexco là tác phẩm, là con đẻ của cả một thành phố để mang lại sự đổi mới cho đất nước, nhất là việc xóa bỏ cơ chế độc quyền XNK.
Nhưng khi Nhà nước thay đổi cơ chế, thành phố cũng đổi cái rụp. Các công ty được phép XNK trực tiếp, thế là Imexco nắm một cục nợ rất lớn chủ yếu do dùng vốn tín dụng trung hạn của Nhật, Hồng Kông, Singapore… Imexco là đầu mối công nợ của nhiều tỉnh, thành. Phần nữa là sự chênh lệch tỉ giá USD, tỉ giá thật của thị trường là 600 đồng/1USD, nhưng tỉ giá ngân hàng chỉ là 360 đồng/1USD, phần bù chênh lệch này được cân đối bằng hàng nhập, giao cho các quận huyện bán ra ngoài thị trường.
Cộng thêm sự phá giá của đồng yen, vì khoản nợ tập trung 80% là thị trường Nhật, đã đưa tổng nợ của Imexco lên đến 79 triệu USD. Người phá cơ chế lại là người nhận lãnh tất cả nỗi đau của cơ chế để lại. Nhưng đó mới chỉ là một phần, khi “thả gà khỏi chuồng”, các công ty bỏ chạy hết, Imexco chỉ còn biết dựa vào UBND TP. Trong lúc đang mày mò tìm cơ chế buộc các đơn vị giải quyết món nợ này, thì đùng một cái bị cháy.
____
Đúng lúc này anh được bổ nhiệm làm Phó tổng, rồi Tổng giám đốc Imexco. Không ít dư luận đã lên án Imexco “ăn đã đời rồi đốt”, lý do nào khiến anh dám đảm nhận việc trả món nợ khổng lồ này?
… Lúc ấy tôi… không nhận, chạy quá trời luôn (cười), làm giám đốc một công ty nhỏ đang ngon lành mà… Nhưng khi lên gặp chú Năm Nghị (Phạm Chánh Trực), chú Bảy Dự (Nguyễn Võ Danh) động viên: “Mày trẻ, hiểu rõ việc, phải về để tìm cách tháo gỡ thôi, có tụi tao sau lưng mà…”. Nhìn cái nguồn gốc của mình, mấy chú tin. Không còn cách nào khác, phải nhận thôi.
Lý do tôi chấp nhận tháo gỡ, chống chọi, chính là vì tôi hiểu bản chất của món nợ. Đó là do khách quan, do cơ chế đẻ ra, là nợ do làm nhiệm vụ cho thành phố, chứ không phải là do Imexco làm ăn yếu kém. Nợ này từ trên trời rơi xuống, sao lại bắt tập thể Imexco gánh chịu? Giải quyết món nợ này cũng là “phục hồi nhân phẩm” cho Imexco. Bên cạnh đó là niềm tin cá nhân mạnh mẽ.
Có những thời gian tôi mệt mỏi đến mức muốn buông xuôi, không phải vì nợ, mà vì đấu tranh để những người lãnh đạo mới hiểu được vấn đề. Nhưng anh em tin mình, gắn bó cực khổ với mình, thu nhập chẳng bao nhiêu, ở lại đồng cam cộng khổ để lấy lại danh dự, coi mình như đầu tàu… Mục đích vì cái chung, cùng bản tính thích thử thách, mạo hiểm, và cũng khá liều lĩnh… đã giúp tôi vượt qua.
Có những thời gian tôi mệt mỏi đến mức muốn buông xuôi, không phải vì nợ, mà vì đấu tranh để những người lãnh đạo mới hiểu được vấn đề.
____
Việc mua bán nợ qua Ngân hàng ING đã trở thành chỗ dựa cho Imexco, một hình thức rất mới mẻ với Việt Nam, anh hẳn đã tích lũy rất nhiều kinh nghiệm về đòi nợ và trả nợ, về ngân hàng, về đối tác?
Suốt năm đầu, tôi chỉ đi các tỉnh để hệ thống lại công nợ, vì các giấy tờ đã bị lửa thiêu sạch hết. Tôi đã xác định được số nợ phải thu, phải trả và cân đối nguồn đủ. Mình là con nợ lớn của Nhật, nhưng lại là chủ nợ lớn của các công ty. Ròng rã suốt nhiều năm trời, đang là một người mạnh mẽ, sung sức, tôi thấy tuổi xuân của mình héo mòn đi… mà trước mắt vẫn còn 33 triệu USD! Làm sao trả? Qua một người bạn làm ăn tại Hà Lan, tôi được giới thiệu dịch vụ mua bán nợ của Ngân hàng ING.
Khi tôi trình dự án này lên UBND TP, ban đầu có người còn cho là điên khùng. Sau khi tìm hiểu cặn kẽ về dịch vụ này, UBND TP đã đồng ý cho Imexco chính thức mua bán nợ. Phải nói thêm cho rõ, khi được UBND TP thuận về nguyên tắc thì vai trò quyết định sự thành bại trong dịch vụ mua bán nợ này là Vietcombank TP.HCM, người đã giúp đỡ kịp thời về tài lực và kỹ thuật thương lượng. Đàm phán ban đầu, tỷ lệ phải trả là 40-50% trên nợ gốc, xóa lãi toàn bộ.
Đó là một hình thức coi như Imexco đã chết, để nợ khê đọng, và ING sẽ đi đàm phán để bán nợ. Những cuộc đàm phán căng thẳng, triền miên, phải dùng mọi chiêu, từ mềm mỏng, cứng rắn, phút cuối cùng mới đưa ra những chiêu “độc”… Đến giờ nghĩ lại còn thấy… ngán! Không hiểu vì sao mình làm được như thế (cười). Người ủng hộ tôi nhiều nhất về mặt tinh thần chính là các anh lãnh đạo ở UBND TP, là anh Sáu Trí (Nguyễn Văn Trí, Phó Chủ tịch UBND TP lúc ấy), và Sở Thương mại TP.HCM… Mãi đến cuối năm 2000 mới thương lượng “bán” khoản nợ cuối cùng.
____
Khi đối diện với các ngân hàng thế giới, các tập đoàn lớn, anh có mặc cảm, tự ti không? Mười năm nhìn lại, anh thấy điều gì đã giúp mình trụ được?
Tôi luôn nghiên cứu rất kỹ về đối tượng của mình trước khi đàm phán, xác định đối tượng nhanh lắm, và có những phản ứng gần như bản năng. Nguyên tắc của tôi là lúc nào cũng nhận phần thiệt về mình, nhưng không sợ họ. Tư cách của mình là một nhà kinh doanh. Họ kinh doanh cho tập đoàn, còn mình kinh doanh cho đất nước. Bản tính nóng, nhưng nhờ những cuộc đàm phán mà đã mềm lại nhiều lắm. Chính sự lì lợm vì cái chung, vì thương hiệu Imexco đã giúp tôi trụ vững. Đây là một đơn vị chưa bao giờ lừa ai, buôn bán rất sòng phẳng.
____
Vụ bài báo của Hoàng Linh có gây cho anh nhiều suy nghĩ?
Lúc này cũng có nhiều đề xuất cho tôi chuyển sang chức vụ khác, về cá nhân thì thuận lợi, nhưng tai tiếng, miệng đời đã khiến tôi dằn vặt nhiều, như vụ Hoàng Linh báo Tuổi Trẻ viết bài cho rằng tôi gây ra món nợ lớn, mất cân đối 530 tỉ. Sau khi bài báo ra, tôi đã đến gặp Ban Biên tập, đưa tất cả hồ sơ về công nợ của Imexco để lãnh đạo báo hiểu rõ hơn. Cũng chính bài báo ấy giúp mình tương kế tựu kế, tôi đã dịch ra và gửi cho các chủ nợ. Có một thời báo chí nhắm mũi dùi vào các giám đốc quốc doanh, mô tả họ nào là bụng phệ, em út, bia bọt, hợp đồng đều ký trên bàn nhậu… Thực ra cũng có, nhưng không phải là tất cả. Cây ngay đâu sợ chết đứng.
____
Imexco cũng là một trong những công ty quốc doanh tiến hành cổ phần hóa, sau nửa năm giải quyết những khoản nợ tồn đọng, anh đánh giá thế nào về hiệu quả của việc chuyển đổi này?
Biết là cổ phần hóa rất khó, nhưng nếu không cổ phần hóa, không thể nào làm lành mạnh hóa và giải quyết những tồn đọng lưu cữu từ thời cũ để lại, giải quyết rõ vấn đề tài sản và vấn đề sở hữu, có như vậy mới ngóc đầu dậy, mới làm việc với ngân hàng được. Việc giải quyết tỷ lệ Nhà nước – tư nhân cũng là… vấn đề rất hóc búa. Niêm yết cổ phiếu chỉ ba ngày là bán sạch. Đây mới thực sự là bước thử thách mới, để mọi người biết Imexco là ai, với áp lực cổ tức 11,6% làm sao có đủ lực làm những dự án mới, chuyển đổi công nghệ? Tính tôi vậy, thích phiêu lưu, khám phá. Công danh không quyến rũ mình bằng ham muốn tự thể nghiệm. Nhưng đó là sự thể nghiệm có tính toán trước, và phải bước qua.
Làm kinh doanh rất cần đến một nền tảng gia đình. tôi luôn soi vào gia sản tinh thần mà ông bà cha mẹ mình đã để lại, để có thể tự tin hơn trước khi quyết định.
____
Cách để anh nạp năng lượng sau bao nhiêu mệt mỏi như thế?
Tập thể dục thể thao, bơi lội. Tôi rất khoái đi biển. Buổi sáng dù ngủ say cỡ nào cũng phải bật dậy đúng giờ, để đầu óc sáng suốt. Tôi thường chạy bộ, có khi vài cây số, còn leo núi thì ít ai theo kịp.
____
Nhược điểm lớn nhất của anh?
Nhiều nhược điểm lắm, kể không hết (cười), đó là tính nóng nảy, không chấp nhận mưu mô hoặc kỷ luật trong tổ chức, không “thủ đoạn” được. Bổ nhiệm thì dễ, nhưng quyết định cho thôi việc, đuổi ai rất khó khăn, nhất là đối với phụ nữ… Nguyên tắc của tôi là phải tham khảo ý kiến của mọi người. Việc chuyển hóa cán bộ hiện rất căng thẳng, nhất là đội ngũ kế thừa. Cái khó với tôi hiện nay là thiếu tiếng nói ngược lại. Phải có người phản biện, đặt ra thật nhiều câu hỏi, nêu thật nhiều khó khăn, mới có thể tìm thấy sự đồng thuận từ bên trong, chứ không thể luôn luôn coi mình là đúng.
____
Ở một thời điểm mới, Imexco lại tiếp tục vay nợ ngân hàng, anh có sợ nợ không?
Mình làm ăn muốn phát triển thì đừng sợ nợ. Không nợ thì không phải là doanh nghiệp. Cố gắng làm sao giảm thiểu được rủi ro, có biện pháp phòng ngừa. Cố gắng của tôi là xây dựng thương hiệu cho hàng hóa của Imexco bằng những ngành hàng sản xuất với một hệ thống nhà máy tương đương, để có thể đi bằng hai chân, vừa sản xuất, vừa kinh doanh.
____
Cha anh là một nhà hoạt động chính trị, nhưng vì sao mấy anh em anh đều theo con đường kinh doanh?
Làm kinh doanh rất cần đến một nền tảng gia đình. Là con người ai chẳng tính toán, nhưng tôi luôn phải suy nghĩ lại, nhìn sau lưng, soi vào gia sản tinh thần mà ông bà cha mẹ mình đã để lại, để có thể tự tin hơn trước khi quyết định. Tôi học được ở cha mình cách sống vì người khác, vì bạn bè. Còn sự tự ái, liều lĩnh, bình thản và chai lỳ này âu có lẽ là do số phận phải hứng chịu bao buồn vui thời cuộc.
____
Động lực nào quan trọng nhất giúp anh vượt qua những khó khăn?
Tôi còn “sống sót” đến hôm nay chính là nhờ nhiều bạn tốt, chủ yếu là bạn từ thuở cơ hàn, chơi với nhau từ nhỏ, biết nhau tường tận. Tôi chẳng có tài cán gì, chỉ nhờ bạn bè thương. Bất kỳ giây phút nào bạn bè cũng có thể đến nhà tôi, uống rượu, trò chuyện cho tới sáng. Tôi hầu như không có bạn mới, mà chỉ là quan hệ làm ăn.
____
Là một gia đình nề nếp, có chức quyền, anh có cố gắng tạo cho con một môi trường thuận lợi?
Cách giáo dục tốt nhất là nhìn qua ứng xử của cha mẹ với nhau. Không bao giờ tôi to tiếng với vợ, lúc cô ấy nói thì tôi nín. Cô ấy thực sự là một nội tướng, hy sinh công danh sự nghiệp để lo hết cho con. Tôi đã trải qua một tuổi trẻ xông xáo, cực khổ, tôi luôn nói với con: “Con phải biết con là ai? Phải làm được gì cho mình và cho đời sau này? Đừng bao giờ sợ cực, phải học ở trường, học ở cuộc đời, khoan sốt ruột”. Hai cháu của tôi may mắn rất ngoan, học giỏi, giờ đã đi làm.
Các cháu đều có những người bạn rất tốt. Sau buổi làm việc, tôi thích ngồi ngoài lề đường, hay đi cùng anh em đến một quán bụi nào đó ngồi nhậu, nói chuyện đời, bàn luận chuyện bóng đá… Được cái vợ thương, không bao giờ cằn nhằn, dù tôi luôn đi sớm, về khuya. Cô ấy luôn tạo mọi điều kiện cho tôi làm việc, lo hết chuyện con cái. Những lúc phải giải trình căng thẳng với các đoàn phúc tra, cô ấy luôn thông cảm chia sẻ với tôi
Tôi đã trải qua một tuổi trẻ xông xáo, cực khổ, tôi luôn nói với con: “Con phải biết con là ai? Phải làm được gì cho mình và cho đời sau này?”.
____
Nguyên tắc của anh trong kinh doanh và trong cuộc sống?
Trong kinh doanh, buôn bán phải có lời, và phải biết chấp nhận rủi ro. Nói thì đơn giản, nhưng làm thì khó lắm. Còn trong cuộc sống, cố gắng vui vẻ, công việc thì phức tạp, nhưng luôn phải đơn giản hóa để hóa giải nó. Và cố gắng đừng ghét ai. Nếu không vừa ý thì tránh đi, đừng hại nhau, đừng tàn ác. Những người cư xử ác với tôi hay những gì xấu tôi quên đi rất nhanh, quyết không để nó vương vấn trong đầu mình. Tôi luôn nghĩ mình không là gì cả, đừng hoang tưởng. Tôi rất cần đến mọi người.
____
Những ngày nghỉ anh thường làm gì?
Đọc sách là chính. Tôi đọc đủ loại, từ tiểu thuyết, lịch sử, khoa học. Cuốn sách gối đầu giường của tôi là Tư duy lại tương lai. Tôi thích sách về các vĩ nhân, như Đặng Tiểu Bình, Chu Dung Cơ, Mao Trạch Đông, Putin, Yeltsin, Bill Clinton, Lý Quang Diệu… Tôi cũng mê nhạc Trịnh. Lúc nào căng quá thì lôi Nguyễn Hiến Lê ra đọc, buồn buồn thì dở kinh Dịch…
____
Ước mong gần nhất của anh?
Có sức khỏe, đủ “mưu” để làm xong một khởi đầu mới cho Imexco trong ba năm tới.