Ông cha ta từ xa xưa đã xem chuyện xây nhà dựng cửa là cực kỳ quan trọng, phải xem tuổi gia chủ, xem hướng nhà, thế đất, phong thủy… và khi đã thành hình rồi thì… bất di bất dịch. Nhà cửa dân gian còn thế, đình chùa miếu mạo – những công trình kiến trúc to lớn, kiên cố hơn càng phải “bất động”, không thể di chuyển được, nếu ai đó làm được chắc không phải là người trần mắt thịt mà phải là “thần”. Người nông dân Nguyễn Cẩm Lũy -Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng – Cầu đường – Thủy lợi Cẩm Lũy, được mọi người khâm phục, gọi tên “Thần đèn” là vì vậy: không chỉ di dời một vài công trình kiến trúc lớn, hơn mười năm nay, ông đã thực hiện di dời, nâng cao, chống sụt, nghiêng, lún… gần 200 công trình xây dựng, kiến trúc lớn nhỏ trên khắp cả nước.
Một số công trình di dời nổi tiếng là những di tích văn hóa, lịch sử quốc gia như đình Vĩnh Hòa ở Tân Châu (Châu Đốc), Bửu Tháp của chùa Giồng Thành (Tân Châu, An Giang), đình Nại Nam (TP. Đà Nẵng) v.v… Gặp ông còn khó hơn gặp một doanh nhân (dù cũng có thể gọi ông là doanh nhân), bởi ông vắng nhà suốt, hôm nay ở Long Xuyên, mai đã nghe ông gọi ở Đà Nẵng, vài ngày sau đã miệt mài ở Cà Mau… Ở đâu có công trình cần “cứu cấp” vì nghiêng, lún, hay cần di dời khỏi khu giải tỏa, ở đó người ta lại vời đến ông.
____
Ông làm thế nào để thực hiện những điều tưởng chừng như không thể là “bứng” những công trình kiến trúc ra khỏi vị trí cũ hàng chục, thậm chí hàng trăm mét?
Đầu tiên phải khảo sát kết cấu xây dựng của công trình, khảo sát địa chất đất, tính toán khối lượng công trình. Sau đó tính xem cần phải có những dụng cụ chuyên dùng gì, rồi cuối cùng là lên phương án thực hiện, cần bao nhiêu công nhân, làm gì trước, làm gì sau…
____
Nghe khá… dễ. Ông có thể kể một chuyện cụ thể, chẳng hạn di dời hai cây đa cổ thụ mỗi cây nặng hơn 5 tấn, đường kính hơn 3 mét ở đình Nại Nam đi hàng chục mét vào tháng Ba năm ngoái được không?
Trong thời gian nâng đình, tôi đã phải suy nghĩ nhiều đêm, nghiên cứu cách sao cho cây vẫn sống tốt sau khi đã sang chỗ an cư mới. Tôi để ý nguồn nước khu vực đó quá nhiều phèn làm cây ít phát triển rễ cái, trong khi đa lại là loại cây có bộ rễ chùm phát triển mạnh. Bởi vậy, sau khi cho thợ xén đất xung quanh hai cây đa, tôi cho cắt bớt rễ cái và kích thích cho rễ phụ mọc bằng cách tưới nước thường xuyên suốt cả tháng trời. Đến phần dịch chuyển, đầu tiên tôi cho thợ dùng kích bật gốc cây cao lên hơn 1 mét, dùng lưới thép B40 bó bồn đất đường kính tới 5 mét bao quanh bộ rễ, định vị đáy bồn bằng một lớp bê tông mỏng.
Sau đó, tôi cho đào một đường hào rộng 6 mét, sâu 4 mét, dài hơn 40 mét, đáy lát ván, cây đa được kéo di chuyển trên ván này bằng những trục lăn nối với hệ thống dây tời từ một chiếc palan có tải trọng 10 tấn, mỗi ngày khoảng 10-15 mét. Khác biệt duy nhất so với việc di dời các công trình xây dựng là phải đề phòng tình huống có thể có gió mạnh giật đổ cây. Tôi cho đặt ở bốn góc hào bốn chiếc palan và cho buộc chặt bốn cành đa lớn vào hệ thống tời do bốn người phụ trách. Khi hệ thống tời ở gốc cây vận hành kéo gốc đa dịch chuyển, hệ thống tời ở bốn góc hào cũng từ từ dịch chuyển theo.
____
Đó có phải là công trình khó nhất mà ông từng di dời?
Không, theo tôi lần khó khăn nhất là dời nhà cho linh mục Nguyễn Minh Sơn trong khu vực nhà thờ Tân Hòa, Q. Phú Nhuận, khoảng năm 1996. Đó là một ngôi nhà 3 tầng, dài 12 mét, rộng 13 mét, nặng khoảng 200 tấn, phải di dời đến vị trí mới cách vị trí ban đầu cả trăm mét, qua một ao lớn rộng khoảng 50m, lại không cùng phương với phương vuông góc từ nhà đến ao. Tôi cho làm đường ray từ nhà chạy thẳng đến ao, rồi làm cầu (đóng các trụ gỗ xuống lòng ao) “vượt” qua ao, rồi tịnh tiến tiếp theo chiều ngang ngay đến vị trí cuối…
Tôi có một thói quen là đứng trước bất cứ khó khăn gì, công việc gì cũng phải tìm cho ra cách giải quyết.
____
Thật là công phu và phức tạp! Tất cả những cách thức thực hiện đó có học được không, thưa ông? Và theo ông vì sao những kỹ sư, kiến trúc sư xây dựng được học hành bài bản lại không làm được những công việc mà ông – một nông dân trình độ văn hóa hết lớp 3 – đã làm?
Theo tôi, có lẽ ở trường họ được trang bị rất tốt về lý thuyết, nắm rất vững kết cấu sắt thép bê tông thế nào, sức bền vật liệu ra sao… nhưng lại ít có kinh nghiệm thực tiễn. Mà anh xem, mỗi ngôi nhà, đình, chùa, tháp… đều có đặc điểm riêng, vật liệu xây dựng, tình trạng hiện tại, địa chất, địa thế… tất cả đều có tác động vào cách thức tiến hành công việc, công cụ sử dụng, vậy làm sao họ ứng dụng những kiến thức chỉ có tính nguyên lý được?
____
Vậy ông học được từ đâu?
Từ chính bản thân. Từ nhỏ tôi đã đam mê việc mày mò nghiên cứu, sáng tạo. Tôi có một thói quen là đứng trước bất cứ khó khăn gì, công việc gì cũng phải tìm cho ra cách giải quyết. Vì gia cảnh, tôi không được học nhiều, chỉ hết lớp 3, nhưng thời đi học cũng là một học sinh giỏi, được thầy cô yêu quý. Nghỉ học, lao động như một nông dân, nhưng có thời gian rảnh, tôi lại mày mò sáng chế đủ thứ vật dụng trong gia đình, từ cái gáo múc nước cho mẹ tới cái máy cắt thuốc lá cho ba.
Nhà có đám vườn trong một cù lao lớn nằm giữa dòng sông, vườn cách sông đến mấy trăm mét, ngày ngày gánh nước tưới cây rất cực, tôi bèn suy nghĩ, ông cha ta có câu “thủy bình diện”, mà mặt vườn chỉ cao hơn mực nước sông chừng 3 mét, vậy sao không lấy nước ở ngay dưới chân mà phải đi xa? Tôi dựng tre làm “cẩu” xúc đất đào giếng, đào đến đâu cắm cọc tre và bao vải bạt xung quanh cho khỏi đất bồi, xuống hơn 3 mét là dư nước xài, muốn múc nước cũng dùng cẩu chứ không kéo tay…
____
Nhưng những công việc kiểu đó đâu liên quan gì đến chuyện di dời… sau này?
Có chứ. Tôi luôn được coi là cây sáng kiến của cả vùng, vì vậy đầu tiên là họ hàng, người quen, bà con chòm xóm mỗi lần xây dựng, sửa chữa nhà cửa đều kêu tôi, sau cả đến người ở xa. Tôi đặc biệt thích chế tạo mọi công cụ sử dụng cho công việc. Dần dà nhà cửa, công trình lớn cỡ nào tôi cũng có thể sửa, xây được.
____
Vậy chỉ có thể gọi ông là thầu xây dựng được thôi. Cơ duyên nào đưa ông đến với sự nghiệp mới?
Trong quá trình làm nghề, nhiều lần tôi đã “tiện tay” di dời mồ mả, nhà sàn, nhà ngói… nói chung là những công trình nhỏ, nhưng cũng đem đến cho tôi những kinh nghiệm quý và tôi đã tự đúc kết cho mình một phương pháp kỹ thuật riêng để di dời các công trình kiên cố. Dịp ấy đến vào năm 1992, khi đang làm việc gần chùa Ông Cố ở Hồng Ngự thì tôi được nhà chùa hỏi có thể dời cổng Tam quan của chùa sang vị trí mới cách đó vài chục mét được không, nếu không thì họ phải đập bỏ xây cái mới.
Sau vài ngày suy nghĩ, tôi nhận lời, bởi đây không chỉ là một công việc mà còn là một vấn đề tâm linh, là giữ gìn được một công trình văn hóa cho đời, dù thú thực lúc ấy tôi chưa hề thấy hay nghe nói đến chuyện di dời một công trình lớn cỡ đó. Sau lần thành công này, tôi rất quan tâm đến việc di dời, nâng, chống nghiêng… các công trình kiến trúc là di tích văn hóa, lịch sử quốc gia. Và cũng từ đó, tôi trở nên nổi tiếng và bước hẳn vào nghề.
____
Và nổi tiếng luôn với tên gọi “Thần đèn”?
Từ khi một bài báo, hình như là tờ Công an TP.HCM viết bài về tôi và đặt tôi tên đó, ai cũng gọi tôi như vậy. Tôi nhớ hồi năm ngoái tham dự chương trình “Người đương thời” của VTV, chị Tạ Bích Loan cho tôi xem một cây đèn dài dài rồi hỏi tôi biết là cái gì không. Tôi đáp không, chị mới kể tôi nghe câu chuyện Aladin và cây đèn thần rồi bảo tôi xong việc là… chui trở lại vào đèn.
____
Thế ông có chui vào không?
Sao chui vào được? Với lại phải ở ngoài để bất cứ ai có việc kêu mình thì đi liền chớ.
Nếu chúng ta không nhanh chóng cứu lấy những di tích đang xuống cấp trầm trọng thì mai đây con cháu chúng ta lại phải hài lòng với những mảnh vỡ của ngày nay.
____
Vâng, từ hai năm nay, ông đã là Giám đốc Công ty TNHH Cẩm Lũy rồi. Ông muốn được gọi là “Thần đèn” hay ông giám đốc? Nghe người ta nói ông giàu lắm… Đã có thể gọi ông là nhà doanh nghiệp thành đạt được chưa?
Làm “thần đèn” cũng thú vị, bởi có thể giúp ích được nhiều người hơn. Tôi mở công ty để có tư cách pháp nhân cho dễ dàng khi làm việc, chứ bảo tôi giàu có hay thành đạt e các vị giám đốc doanh nghiệp cười cho. Gia tài chỉ một vài tỉ đồng, tôi đầu tư hết vào xưởng cơ khí riêng để chế tạo máy móc phục vụ cho công việc.
____
Trở lại với việc dời cổng Tam quan, người dân địa phương đón nhận “sự kiện” đó ra sao?
Vui lắm. Ngày đầu làm gì có được trang thiết bị như bây giờ? Để di dời, tôi sử dụng… máy cày để kéo. Bà con hò reo tở mở, có cả các vị lãnh đạo chính quyền địa phương đến xem. Thành công, ai cũng khuyến khích, động viên tôi tiếp tục với nghề.
____
Hẳn đó là lần đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của ông?
Không, lần đáng nhớ nhất chính là lần dời nhà cho ông linh mục Sơn. Khi nhà mới được kéo đến sát mé ao thì tôi phải lên Đắc Lắc dời gấp một căn nhà ra khỏi khu quy hoạch quốc lộ 14. Đó là một ngôi nhà hai tầng của một cán bộ phòng Cảnh sát Giao thông Đắc Lắc. Có chuyện vui là tại đây, nhóm phóng viên của truyền hình Đồng Tháp đang thực hiện phóng sự về tôi, họ “kiểm chứng” bằng cách ngồi trong ngôi nhà đang từ từ di chuyển…
____
Rồi sao nữa, thưa ông?
À, vì lên Đắc Lắc gấp nên tôi dừng công việc đang tiến hành ở TP. Hồ Chí Minh, tuy nhiên công nhân của tôi vẫn ở đó chờ tôi về làm tiếp. Xong, trở lại, tôi mới biết ông Sơn đã nhập viện.
____
Tại vì lo lắng quá?
(Ông cười lớn) Sợ chứ không phải lo. Ông ấy nghĩ rằng tôi làm không được nên bỏ trốn rồi, ông nằm bệnh viện nhưng ngày nào cũng cho người về xem công nhân của tôi có còn đó không. Đến khi tôi quay lại, di dời thành công, lập tức ông ấy hết bệnh, khỏe mạnh hơn xưa. Sau ông Sơn nói nếu tôi làm thất bại, chắc ông ấy cũng… trốn luôn vì hổ thẹn với giáo dân.
____
Vậy ông đã thất bại lần nào chưa?
Chưa. Tôi làm việc rất cẩn thận và khoa học. Đến bây giờ tôi tự tin để nói rằng tôi có thể di dời, nâng cao, chống nghiêng… bất cứ công trình kiến trúc nào ở Việt Nam. Còn đối với các công trình kiến trúc ở nước ngoài, như tháp nghiêng Pisa ở Ý chẳng hạn, tôi nghĩ mình cũng có cách…
____
Cách gì vậy, thưa ông? Và theo ông, trên thế giới người ta có làm giống như ông không?
Dĩ nhiên các nước tiên tiến trên thế giới người ta cũng di dời các công trình nhưng bằng các trang thiết bị hiện đại hơn tôi nhiều. Có lẽ ý anh muốn hỏi tại sao với các trang thiết bị hiện đại cỡ đó mà họ còn không dám “đụng” đến tháp Pisa, còn tôi thì lại dám phải không? Người Việt mình bao đời nay vẫn vậy, có thể làm được mọi việc với chỉ những gì mình sẵn có.
Chẳng phải ngày xưa cha ông mình chỉ dùng gậy tầm vông vạt nhọn mà vẫn chiến thắng quân Pháp với vũ khí tối tân đó sao? Tuy nhiên, ý tôi không phải chỉ một mình có thể thực hiện công việc vĩ đại đó. Có thể là từ ý tưởng, phương pháp của tôi, các nhà khoa học sẽ cùng tôi nghiên cứu, bàn bạc đưa ra phương án hoàn hảo nhất, tính toán chính xác nhất và sau hết là một đoàn kỹ sư, công nhân Việt Nam cùng tôi sang Ý thực hiện. Tôi cho rằng người Việt Nam rất thông minh, việc gì cũng có thể làm được.
Không phải thật giàu mới có hạnh phúc, bởi khi chết đi có ai đem được theo tài sản đâu, mà quan trọng là khi sống mình để lại được một chút tiếng tăm.
____
Thế còn ở Việt Nam, ước mơ cứu những di tích lịch sử, văn hóa và những công trình công cộng xuống cấp của ông đã được thực hiện đến đâu rồi? Nào là chùa Cầu ở Hội An, tháp Chàm Mỹ Khánh ở Huế, nâng những cây cầu ở TP.HCM…
Vẫn chưa đến đâu. Cũng bởi đây là các công trình của Nhà nước nên muốn có sự thay đổi phải có sự kết hợp của nhiều ban, ngành khác nhau, nào là bảo tồn, văn hóa, chính quyền… Chẳng hạn chùa Cầu, tôi đã trình dự án chi tiết từ lâu rồi, cái tháp ở Huế cũng vậy, cũng đã bay vào bay ra, làm dự toán, thuyết trình trước hội đồng khoa học… đủ cả nhưng cũng chưa đi đến đâu. Tôi thực sự mong được Nhà nước hỗ trợ về pháp lý (thủ tục hành chính, giấy phép) và nếu được là vốn (mua các trang thiết bị hiện đại chuyên dùng) để tôi có thể đem năng lực và sở nguyện phục vụ nhiều hơn nữa cho xã hội.
Nhiều khi tôi cảm thấy rất buồn, như anh biết đó, vừa qua chúng ta khai quật thành cổ Thăng Long, thu được rất nhiều mảnh vỡ những di chỉ, vết tích của hàng trăm năm trước, quý giá lắm. Nhưng nếu chúng ta không nhanh chóng cứu lấy những di tích đang xuống cấp trầm trọng thì mai đây con cháu chúng ta lại phải hài lòng với những mảnh vỡ của ngày nay…
____
Vâng, quả cũng đáng buồn. Còn hiện tại thì sao, ông có cảm thấy hạnh phúc không? Hình như “thần đèn con” đã nối được nghiệp cha?
Gần như vậy, người con trai thứ năm của tôi, tên Nguyễn Trung Nguyễn, năm nay 29 tuổi, đã có thể xem là nối nghiệp tôi được rồi. Cháu bây giờ có thể tự đi khảo sát, tính toán, lên kế hoạch thực hiện, tôi chỉ kiểm tra thôi. Cháu kế út vừa thi vào đại học, khoa xây dựng, cũng tính theo nghề của bố. Tôi đang rất hạnh phúc, có một gia đình yên ấm, con cái nối được nghiệp, bản thân vẫn còn đóng góp được cho đời. Theo tôi không phải thật giàu mới có hạnh phúc, bởi khi chết đi có ai đem được theo tài sản đâu, mà quan trọng là khi sống mình để lại được một chút tiếng tăm…
____
Nếu cho ông một điều ước, ông sẽ ước gì?
Tôi ước mình có thể “cứu” hết những công trình văn hóa, lịch sử trên toàn quốc đang cần sự giúp đỡ và song song đó là làm sao cho đời sống của người dân, đặc biệt là nông dân nghèo bớt khổ…
Vâng, đã nhiều lần ông kể về những lần làm việc ở các vùng quê nghèo, thấy bà con đi qua những chiếc cầu tre, cầu khỉ vắt vẻo, hoặc những cây cầu lớn thấp lè tè làm ghe thuyền qua lại khó khăn, ông cảm thấy áy náy không yên. Cứ có dịp là ông lại làm hay nâng giúp bà con một cây cầu cho dễ đi. Như lần gần đây nhất, khi đi cưới vợ cho cậu con trai, phải qua một con kênh lớn mà không có cầu, ông bàn với gia đình sui gia cùng ông góp tiền bắc một cây cầu hơn 20 triệu đồng…