Trong tình hình xuất bản khó khăn như hiện nay, hai đơn vị phát hành sách online thuộc hàng lớn nhất nước là Tiki và Vinabook lại quay sang “chiến” với nhau, bất kể các nhà xuất bản đang gắng gượng tìm cách để tự cứu lấy mình. Câu chuyện này những tưởng không liên quan nhưng lại đang là mối lo ngại cho nhiều người, và rộng hơn là cho cả ngành xuất bản.
Chúc một ngày tốt lành là tên một cuốn sách hết sức dễ thương vừa ra mắt cách đây không lâu của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Nó cũng là cuốn sách lập kỷ lục với 55 ngàn bản in lần đầu tiên. Tuy nhiên, chính cuốn sách có cái tên dễ thương này lại là mầm mống tạo nên “cuộc chiến” giữa hai ông lớn trong lĩnh vực phát hành sách online.
Trong một thời gian dài, Tiki đã dùng chính sách giảm giá thái quá để giành giật thị phần, khiến nhiều nhà sách gặp khó khăn. Dù biết rõ mười mươi chuyện này nhưng vì một số lý do nào đó mà nhiều đơn vị phát hành đã không dám lên tiếng. Trước ngày phát hành Chúc một ngày tốt lành, phía Tiki thông báo tới khách hàng với mức chiết khấu là 35%. Bức xúc trước hành động không đẹp này, Vinabook đã “vùng lên” từ mức chiết khấu 25% nâng lên ngang bằng với Tiki.
Và rồi chỉ trong một ngày, hai bên rượt đuổi nhau không biết mệt mỏi, cho đến khi mức chiết khấu được đẩy lên thành 42%. Đây có thể xem là mức kỷ lục từ trước tới nay của Vinabook với tựa sách bán chạy vừa xuất bản. Riêng với Tiki, những ngày gần đây, độc giả có thể mua một loạt những tác phẩm mới nhất của nhà văn Hồ Anh Thái (do NXB Trẻ ấn hành) với mức chiết khấu được niêm yết là 40%, thậm chí có cuốn 41%.
Theo thỏa thuận giữa các nhà xuất bản với các đơn vị phát hành (trong đó có Tiki và Vinabook), thông thường mức chiết khấu dao động từ 35 – 40%. Với mức chiết khấu đó, các đơn vị phát hành sẽ giảm cho khách hàng từ 10 – 20%, số còn lại phục vụ cho các khâu vận chuyển, chăm sóc khách hàng, tồn kho… Trong cuộc chiến này, với mức chiết khấu 42%, rõ ràng cả Tiki và Vinabook đều bị lỗ nặng.
Biết lỗ mà vẫn “chiến” với nhau, phải chăng Tiki và Vinabook là hai đơn vị phát hành lớn nên được chiết khấu cao từ NXB Trẻ? Trước câu hỏi này, ông Nguyễn Minh Nhựt – Giám đốc NXB Trẻ phủ nhận và cho biết số lượng và chính sách dành cho Tiki và Vinabook hoàn toàn không có gì đặc biệt so với các đơn vị khác. Đồng thời ông tỏ ý lo ngại: “Chúng tôi rất muốn đôi bên bình tĩnh bởi vì xét cho cùng sự cạnh tranh này không phải là một con đường đi lâu dài. Bởi vì chắc chắn hai đơn vị sẽ không thể nào giảm giá sâu như vậy mà trụ được lâu”.
Và có thể trong nay mai, cuộc chiến giữa Tiki và Vinabook sẽ lại tiếp tục nổ ra với tập truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư – Đảo (cũng do NXB Trẻ ấn hành). Trong khi Vinabook đưa ra mức chiết khấu 20% thì phía Tiki đã “đáp trả” bằng mức 31%. Theo đà trên, thì đây vẫn chưa phải là mức chiết khấu cuối cùng mà khách hàng có thể được hưởng.
“Cuộc chiến” chưa biết khi nào sẽ kết thúc và nó làm quan ngại cho những người đang hoạt động trong lĩnh vực xuất bản. Ông Lê Thanh Huy, Giám đốc Công ty sách Bách Việt chia sẻ: “Tôi thấy đây là một cuộc đua không tốt. Cạnh tranh lành mạnh thì mục tiêu quan trọng nhất phải là vì khách hàng, nhưng mục tiêu chính ở đây tôi thấy có vẻ như nhằm tiêu diệt lẫn nhau, điều này đi ngược lại xu thế win-win của thời đại”. Theo ông Huy, cuộc “đua” này dẫn tới những hệ lụy không nhỏ. Các nhà cung cấp sẽ phải tìm cách nâng mức chiết khấu cho các đơn vị phát hành online, lợi nhuận của họ bị “mỏng” đi nhiều, không có nguồn tích lũy và cũng không có động lực để tái đầu tư và độc giả sẽ bị thiệt. Vấn đề thứ hai là khách hàng quen với việc giảm giá nhiều, làm cho đơn vị phát hành bán theo giá bìa hoặc giảm giá ít sẽ gặp khó khăn, thậm chí đóng cửa. Khi đó, nhiều độc giả không quen mua sách online sẽ gặp khó khăn trong việc mua sách, các thể loại sách không phổ biến bán online cũng sẽ hạn chế về chỗ để bán và độc giả cũng khó tìm chỗ để mua.
Một hệ lụy không thể không nhắc tới, đó là các sách có giá trị, được đầu tư cao, không thể nâng thêm chiết khấu sẽ khó bán; trong khi các sách nội dung, chất lượng kém, đầu tư thấp có thể nâng chiết khấu thoải mái, làm cho nhiều độc giả ham sách rẻ sẽ quay sang mua sách kém thay vì sách tốt.
Trong một bức thư gửi tới các đơn vị xuất bản và phát hành sách, giám đốc một nhà sách tại TP.HCM khẩn thiết: “Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta nên ngồi lại với nhau nhân dịp Hội sách lần này để bàn thảo về việc thành lập Hiệp hội sách Việt Nam – trong đó có vai trò điều tiết môi trường kinh doanh bình đẳng và lành mạnh trong làng sách Việt Nam – cho đúng với tinh thần của những người làm sách – làm văn hóa. Chúng ta đã có Ngày sách Việt Nam, vậy tại sao không tiến thêm một bước nữa?”.
Tiến thêm một bước nữa, cụ thể là bao giờ? Câu hỏi này xin dành cho các cơ quan có thẩm quyền.
An Sơn