Đầu tháng Bảy, một thông tin trên mạng khiến dân tình xôn xao “Phụ nữ quá 33 tuổi không được sinh con”. Thế là thế nào? Khỏi phải nói, trên các trang mạng xã hội, các diễn đàn thiên hạ tha hồ bàn tán, thêm thắt hay “ném đá” và cả tiếu lâm gây cười.
Câu chuyện trên mạng lan ra ngoài đời, ngay cả ở các công sở, cơ quan quản lý, nhân viên cũng tham gia tranh luận. Đến khi một tờ báo mạng có uy tín đăng “Người đưa tin sai đã xin lỗi”, dư luận vẫn còn râm ran.
Mới hay, thông tin nhiều, đa dạng, lại thêm quá nhiều trang mạng xã hội mở, ai cũng có quyền tham gia tranh luận, dẫn đến thông tin sai lạc là chuyện phổ biến. Đáng trách ở đây là người nhận thông tin, không qua xử lý đã vội phát ngôn, coi như chuyện thật, lại thêm thắt theo nhận định riêng của mình.
- Xem thêm: Tỉnh táo mạng
Ví dụ, câu chuyện về một phụ huynh đưa con đi thi đại học bị mất 10 triệu đồng nên phát bệnh tâm thần, đem ra ngoài đời đã lên thành 25 triệu. Chưa biết thực hư đã vội loan ra, thêm suy diễn cá nhân và trí tưởng tượng phong phú đã khiến câu chuyện đôi khi thành ra hoang đường.
Nếu chỉ nghe thôi thì không sao, nhưng nếu mang ra tranh luận đôi khi chuyện bé xé ra to, gây tranh cãi, mích lòng. Bởi tính qua loa, đại khái, xem nhẹ thông tin mà nặng về phán đoán, suy diễn ấy mà nhiều người đã gây nhiễu cho xã hội, khiến người ta sa vào mê hồn trận của thông tin để rồi có khi lâm vào bế tắc hay đổ vỡ, làm khổ chính mình.
Thông tin quan trọng thế nào thì ai cũng biết, nắm bắt thông tin trong làm ăn sẽ không bị tụt hậu, chớp được thời cơ. Một ví dụ nhỏ là những sơ đồ chỉ dẫn đường đi. Tại các thành phố lớn, những tấm bảng chỉ đường rất quan trọng, giúp người ta không mất thời gian để hỏi thăm.
Không những thế, người ta còn có thể tự tìm đường đi nhờ vào smartphone. Nhưng ở nước ta, không phải ai cũng chọn cách chỉ dẫn này, bởi thói quen đi tới đâu hỏi tới đó vẫn còn phổ biến. Có thể thấy, đa phần ở các nước chậm phát triển người dân chưa quen lắm với việc chỉ dẫn bằng sơ đồ, vì nhiều khi xem sơ đồ… không hiểu.
Nhiều người lại còn quan niệm thông tin được giữ làm tài sản riêng, không muốn chia sẻ với ai. Những suy nghĩ kiểu đó khiến họ không phát triển được mối quan hệ. Mà, mối quan hệ cũng là một tài sản, là vốn xã hội. Quan hệ nọ đẻ ra quan hệ kia và đẻ ra thêm tài sản.
Có thông tin mới có giao tiếp. Thông tin cần phải rõ ràng, không mập mờ, khó hiểu. Từ chuyện xã hội, nghĩ đến không gian gia đình. Chưa nắm vững thông tin đã đem về nhà bàn cãi đôi khi xảy ra bất hòa lớn, đập bàn xô ghế,… hoàn toàn có thể xảy ra.
- Xem thêm: Giá mà bắt nhanh… như Mỹ
Không phải cho đến bây giờ, vì có quá nhiều thông tin, người ta mới bị hoang mang trong nhận định. Người xưa đã từng khẳng định rằng, nói có sách, mách có chứng, án tại hồ sơ… Không thể tin vào những điều vu vơ mà suy luận không căn cứ gây ra hiểu lầm đáng tiếc hay trầm trọng hơn gây ra mối bất hòa không thể hóa giải được.
Đi trên xa lộ thông tin đa chiều, con người cần phải biết nắm vững thông tin một cách chính xác, có cơ sở. Không nặng về suy diễn, nhẹ về thông tin gây ra lầm đường, lạc lối. Hội chứng bầy đàn gây ảnh hưởng xấu hoàn toàn có thể xảy ra khi thông tin chưa xử lý đến nơi đến chốn.
Như vậy, cho dù phát triển đến đâu, những câu khuyên bảo của người xưa không bao giờ mất tính thời sự, uốn ba tấc lưỡi trước khi nói, lời nói gió bay, đâu còn có đó. Thận trọng khi xử lý thông tin và phát ngôn không bao giờ là thừa!