Một tổng kết vui, từ ngày có điện thoại di động, con người nói dối mỗi ngày nhiều lần hơn. Không cần con số thống kê cụ thể, mỗi người tự suy ra mình thì rõ.
Từ đó, nhiều người cho rằng, vợ chồng đừng bao giờ hỏi kỹ, tìm hiểu tường tận, ngóc ngách vấn đề để khỏi phải nghe lời nói dối hay thất vọng. Hai người yêu nhau, thậm chí đã là vợ chồng đừng nên biết rõ về nhau. Nếu là chơi trên mạng ảo – Facebook chẳng hạn thì nên chặn nhau để khỏi… rườm rà.
Nhiều người quan niệm, đã là vợ chồng, biết rõ nhau mỗi ngày thì quan tâm đến trang Facebook của nhau làm chi. Vợ post hình đẹp tất nhiên mong được khen và có nhiều lượt “thích”. Trong các lời khen ấy, không thiếu những câu tán tỉnh vui vui.
Vợ nhân cơ hội ấy bình luận trả lời cũng kiểu tán tỉnh vui vui. Chỉ là vui chơi mạng ảo, không ảnh hưởng gì đến sinh hoạt gia đình. Vợ không vì thế mà sao nhãng việc nấu cơm hay đón con, dạy con học. Vợ nghĩ bình thường, ai cũng cần chút tự do cuối cùng trong cuộc sống hôn nhân để tạo cảm hứng sống.
Chồng cũng nghĩ như thế. Người ta thấy anh thường xuyên “đi” bình luận hay like “dạo” khắp nơi trên Facebook. Chỉ là những câu bông đùa, tán tỉnh hời hợt, đọc qua một lần rồi quên ngay, chẳng ai để tâm.
Vợ cũng biết nên không chú ý bởi vợ cũng có khoảng trời riêng của vợ. Vậy là thoải mái. Nếu có “lời ong tiếng ve” hay vợ/chồng có ý không thích việc chơi Facebook của chồng/vợ có vẻ tự do quá đáng thì lẳng lặng chặn nhau.
Nhiều người cho rằng, vợ chồng cùng chơi Facebook, theo ý nghĩa có cặp có đôi, khoe hình gia đình, lúc nào cũng đầm ấm vui tươi thì tốt, còn không, mỗi người một “phách”, tự biên tự diễn, đừng can thiệp vào đời sống ảo của nhau, đó mới là biết tôn trọng riêng tư.
Thế nhưng, sự đời không đơn giản vậy. Bây giờ có mốt “ngoại tình ảo”. Cũng chỉ phương châm, vui là chính, tìm cảm hứng sống. Chồng có bạn ảo thấy vui hơn, trước khi đi ngủ, cầm điện thoại tếu táo vài câu với bạn ảo khiến dễ ngủ. Vợ có bạn ảo cũng thấy thích thú bù cho những công việc nhàm chán đời thường.
Một ông bố biện minh khi con gái “kết tội” bố “ngoại tình” khi thấy ngày nào bố cũng chat say sưa, thích thú, với một người nào đó, ông nói vui: “Bố không ngoại tình mà bố nội tình”.
Là sao? Là ông vẫn ở nhà, sống đời thật với con cái, đưa đón con đi học, lương bao nhiêu nộp đủ cho vợ. Tối ông vẫn ngủ với vợ, ngoại tình chỗ nào? Nếu ông có “một chút xao lòng” trên mạng ảo thì ông vẫn ở trong nhà, ông có lang thang ở ngoài đâu mà bảo ông “ngoại tình”?
Lý luận “nội tình” của ông bố quá đúng ấy chứ.
Con người sống có nhiều nhu cầu không chỉ để sống mà còn hưởng thụ, giải tỏa. Mỗi người một cách sống, suy nghĩ khác biệt. Vui chơi không quên nhiệm vụ là tình huống này đây. Chỉ là mạng ảo, tìm chút vui vẻ (lành mạnh) trong đời sống, miễn là không biến nó thành tình thật, đem ra ngoài đời, hẹn hò nhau… Lúc này thì “nội tình” thành “ngoại tình” thật sự rồi!
Nhiều người khuyên rằng, mạng xã hội là chốn vui vẻ, kết nối, tán chuyện, thậm chí trình bày quan điểm, tranh luận. Đóng máy vi tính hay điện thoại là đời thực, cơm áo, gạo tiền, công việc. Nếu tích cực, hãy để mạng làm công việc hỗ trợ cho đời sống.
Gặp vấn đề gì chưa hiểu, quăng lên Facebook một dòng trạng thái kiểu “thắc mắc hỏi phây”, lập tức sẽ có 500 anh em hỗ trợ, thậm chí chỉ vẽ tận tường. Mạng khi ấy thật sự không chỉ vui mà còn có ích. Biết chơi là thế.
Tuy nhiên, đó là trong điều kiện lý tưởng. Trang mạng xã hội là nơi tụ hội nhiều con người, chín người mười ý, không đòi hỏi được sự vẹn toàn là chỉ có vui mà không rước phiền toái vào thân. Bởi thế, chọn lọc luôn là điều kiện cần khi chơi mạng. Để cuộc sống nhẹ nhàng luôn là thách thức cho bất kỳ ai tham gia mạng xã hội.
- Xem thêm: Mạng xã hội – lạnh nhạt ảo, đau khổ thật
“Biết” chưa đủ mà còn phải “hiểu” và tỉnh táo rút lui. Cuộc chơi nào cũng có kết thúc là vì thế. Ý nghĩa kết nối và thư giãn có lẽ là mục đích đầu tiên của người sáng lập ra mạng xã hội. Tuy nhiên, thư giãn hay không, quyết định bởi người sử dụng nó.