Sếp là người cẩn thận với một lịch trình làm việc khá chi tiết và một văn phòng đầy đủ các công cụ để theo dõi thời gian. Sếp cũng có thể có cả một cô trợ lý giúp sếp theo dõi lịch trình công việc. Thế nhưng, sếp vẫn thường xuyên rơi vào tình trạng tham công tiếc việc và đưa quá nhiều công việc cần giải quyết vào lịch làm việc trong ngày đến nỗi bị quá tải và không thể nào hoàn tất được mọi việc. Điều gì đang xảy ra?
Chắc chắn nguyên nhân đầu tiên sẽ là “đã là sếp thì phải bận rộn như thế!”. Nhưng theo một nghiên cứu gây không ít ngạc nhiên cho giới quản lý được Đại học California (Berkeley, Mỹ) thực hiện gần đây và được công bố trên tạp chí Journal of Experimental Social Psychology, nguyên nhân là vì suy nghĩ và cảm nhận về thời gian của các nhà quản lý có thể đã “đánh lừa” họ trong việc ra các quyết định mang tính khả thi về khối lượng công việc có thể giải quyết trong một quỹ thời gian nhất định.
Để đưa ra kết luận nói trên, các nhà tâm lý học Alice Moon và Serena Chen đã nghiên cứu mối quan hệ giữa cảm giác có được quyền lực và nhận thức về thời gian của con người. Những người tham gia khảo sát được đặt vào các tình huống mà họ có thể cảm thấy rằng mình là người có nhiều quyền lực và ngược lại.
Sau đó, những người tham gia khảo sát được hỏi rằng theo họ nghĩ thì họ có bao nhiêu thời gian trống và liệu họ có đang kiểm soát được lịch trình làm việc của mình hay không.
- Xem thêm: Khi nào nhân viên đang bị quá tải?
Trong một thực nghiệm khác, các sinh viên được chỉ định vào vị trí của một “sếp” (với nhiều trang bị kèm theo như một chiếc ghế đặc thù dành cho nhà quản lý để họ có cảm giác mình đang là người có quyền lực), sau đó là vị trí của một “nhân viên”, từ đó khảo sát ảnh hưởng của vị trí, chức vụ (hay cảm nhận về quyền lực) đối với cảm nhận về thời gian của một người.
“Kết quả cho thấy những người cảm thấy mình đang ở những chức vụ cao hơn và có nhiều quyền lực hơn cũng cảm thấy rằng họ có nhiều thời gian hơn. Thực nghiệm nhiều lần đều cho ra một kết quả tương tự”, Chen chia sẻ. Nói một cách khác, các sếp thường chủ quan cảm thấy rằng họ có khả năng kiểm soát thời gian tốt hơn và do vậy “có nhiều thời gian hơn” mặc dù trên thực tế thì quỹ thời gian trong một ngày thì như nhau đối với tất cả mọi người.
Các tác giả cũng cho rằng, cách suy nghĩ trên của các nhà quản lý sẽ dẫn đến hai kết quả không tốt sau đây.
Những vị sếp quá căng thẳng
Theo các nhà nghiên cứu, tâm lý có thể kiểm soát thời gian tốt hơn và có nhiều thời gian hơn khiến cho các sếp thường rơi vào tình trạng tự đưa ra cam kết quá cao so với khả năng của mình. “Vì tự tin vào khả năng kiểm soát thời gian và khả năng giải quyết công việc của mình, các nhà quản lý thường cam kết quá mức”, Chen giải thích.
Do đó, các nhà tâm lý khuyên nếu vào cuối ngày làm việc sếp nhận thấy mình chưa hoàn tất hết những công việc đã lên kế hoạch cho một ngày thì nên dành thời gian để xem xét lại: liệu đây có phải là “chuyện thường ngày” của một nhà quản lý hay vì chính suy nghĩ của sếp đã đánh lừa nhận thức của bản thân về thời gian?
- Xem thêm: Không nên để nhân viên nghiện công việc
Những nhân viên quá tải
Nhận thức nói trên về thời gian của sếp còn dẫn đến một hệ quả khác, đó là làm cho nhân viên bị quá tải. Bởi vì theo suy nghĩ và cảm nhận của các sếp, quỹ thời gian sẽ “dài hơn” nên họ sẽ không tính toán chính xác thời gian cần thiết để hoàn tất các công việc, từ đó giao phó quá nhiều việc không khả thi (về mặt thời gian hoàn thành) cho các nhân viên cấp dưới.
Các kết luận của Alice Moon và Serena Chen trên cũng tương tự với kết quả từ những cuộc thực nghiệm về hành vi khác do các nhà nghiên cứu của Đại học Kent ở Canterbury (Anh) thực hiện gần đây. Theo đó, các giám đốc điều hành doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách, các kỹ sư và những người làm việc ở các vị trí có nhiều quyền lực thường tính toán sai thời gian cần thiết để hoàn thành công việc so với những người khác, và họ cũng không quan tâm đến kinh nghiệm trong quá khứ khi làm việc này.