Bài viết dưới đây của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết thêm về những gập ghềnh trên con đường trở về của Du Tử Lê, dù ông đã được không ít bạn văn trong nước dang tay đón nhận.
LTS. Nhà thơ Du Tử Lê vừa qua đời ngày 7-10 tại Mỹ. Năm năm trước đó, tác giả Khi tôi chết hãy mang tôi ra biển đã có dịp về thăm lại quê hương cùng lúc với gia sản tinh thần của ông được Nhà xuất bản Hội Nhà văn cho in trong nước. Từng là đại úy tâm lý chiến, là phóng viên chiến trường, là thư ký nguyệt san Tiền Phong của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, nhưng Du Tử Lê đã có ý tưởng hòa giải hòa hợp với văn nghệ sĩ quê nhà rất sớm khi ông đưa thơ mình vào tập Two Rivers: new Vietnamese writing from America and Vietnam (2002) do Frank Stewart chủ biên, với sự đồng biên tập của Kevin Bowen và Nguyễn Bá Chung. Tập thơ văn này có sáng tác của Hữu Thỉnh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Minh Châu từ trong nước và hải ngoại có Mai Thảo, Đỗ Kh., Phan Nhiên Hạo, Đinh Linh, Barbara Trần, Nguyễn Quí Đức…
Bài viết dưới đây của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết thêm về những gập ghềnh trên con đường trở về của Du Tử Lê, dù ông đã được không ít bạn văn trong nước dang tay đón nhận.
***
Tôi gặp nhà thơ Du Tử Lê lần đầu rất muộn. Nhưng vừa gặp nhau chúng tôi đã có thể trò chuyện nhiều điều vì trước đó chúng tôi đã đọc một số tác phẩm của nhau. Hơn nữa, cho dù có rất nhiều ngăn cách ở nghĩa này hay nghĩa nọ thì những trí thức, văn nghệ sĩ người Việt đang sinh sống ở trong nước và ngoài nước khi gặp nhau hầu như đều cảm thấy thoải mái và thân thiện.
Có nhiều lý do dẫn đến sự dễ dàng này là bởi họ khá hiểu nhau thông qua tác phẩm của mình và hơn nữa, với trí thức và văn nghệ sĩ thì các biên giới nào đó luôn bị phá vỡ theo cách của họ – cách của những cảm xúc và tâm hồn tự do.
Lần gặp đầu tiên ấy diễn ra ở nhà họa sĩ Lê Thiết Cương cũng là Gallary 39A phố Lý Quốc Sư, Hà Nội. Hôm đó nhà thơ Du Tử Lê ra mắt tập tùy bút tuyển chọn của ông do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành, bìa là tranh Lê Thiết Cương.
Hôm đó, tôi đến với ông trong ba danh nghĩa: thứ nhất là một bạn đọc của ông, thứ hai là đồng nghiệp và thứ ba thay mặt nhà xuất bản cũng như Hội Nhà văn Việt Nam. Thực ra, để thay mặt Hội Nhà văn tôi đã phải đề nghị Chủ tịch Hội Nhà văn hãy có một lẵng hoa chúc mừng tác giả và tôi là người được phân công làm việc đó. Nhưng hôm đó tôi chỉ công khai một danh nghĩa là đại diện Hội Nhà văn Việt Nam.
Tôi muốn nói một điều lớn hơn và cần thiết hơn thông qua danh nghĩa đó chứ không phải vì lý do gì khác. Tôi muốn các tổ chức văn hóa, văn chương nghệ thuật chính thống phải là những người tiên phong trên con đường nhân văn ấy cho dân tộc mình.
Và tôi đã đến đó, đã nói những suy nghĩ của tôi về thơ Du Tử Lê, nói về sự trở về của ông. Sự trở về của Du Tử lê là sự trở về với cố hương ông – Việt Nam và sự trở về của một thi sĩ với bạn đọc của mình.
Sau những chuyến trở về và xuất bản tác phẩm của Du Tử Lê ở trong nước, có một số người đã lên án ông. Nhưng sự lên án này là một thái độ nhỏ nhặt và hơn thế là một sai lầm. Những nhà thơ luôn luôn đồng nghĩa với tự do. Nhà thơ giải Nobel – Derek Walcott, người vùng đảo Saint-Lucia viết dân tộc ông không cần hộ chiếu bởi chân trời không cần hộ chiếu.
Cũng như nhà thơ giải Nobel người Balan, Wislawa Szymborska, viết những đám mây không bao giờ cần hộ chiếu và chúng luôn đi qua mọi biên giới trong tinh thần tự do tối thượng của chúng. Sự trở về và xuất bản các tác phẩm của mình của Du Tử Lê là một sự dũng cảm và thấu hiểu sứ mệnh của một thi sĩ.
Trong mươi năm trở lại đây, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn đã xuất bản năm tác phẩm của ông, bao gồm nhiều thể loại. Sau lần tôi đến dự buổi ra mắt sách của ông và nói về thơ ông, về sự trở về của ông thì một số nhà văn trong nước người thì lo lắng cho tôi, người thì phê phán tôi.
Và tôi nhận ra, con đường đến với nhau của nhà văn trong nước và ngoài nước sẽ còn rất khó khăn và dài lâu bởi trong chính những người cầm bút vẫn không thấu hiểu hết con đường đó có lợi cho đất nước này như thế nào.
Mấy năm trước, tôi sang Mỹ dự kỷ niệm 30 năm chương trình hội thảo văn chương mùa hè của Viện William Joiner (trước kia là Trung tâm William Joiner), một nơi nghiên cứu hậu quả chiến tranh thông qua văn chương.
Trong chuyến đi đó, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, họa sĩ Lê Thiết Cương và tôi đã mang 60kg sách. Đó là cuốn sách song ngữ có tên Những người đi qua biển. Cuốn sách tập hợp những bài viết của các nhà văn cựu binh Việt Nam và nhà văn cựu binh Mỹ viết về nhau sau khi chiến tranh kết thúc.
Họ đã phải đi qua biển một lần nữa nhưng những chuyến đi qua biển sau chiến tranh là những chuyến đi của cái đẹp để dựng lên cây cầu của tình bạn, của văn chương và nhân tính.
Cũng trong chuyến đi này, Lê Thiết Cương đã ôm bức tranh sơn dầu vẽ làm bìa sách sang để tặng cho các nhà văn Mỹ ở Viện William Joiner. Lúc đó là thời điểm Hội Nhà văn chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ chính thức đầu tiên giữa các nhà văn trong nước và nhà văn nước ngoài.
Hội Nhà văn Việt Nam đề nghị tôi gặp gỡ một số nhà văn Việt Nam sống ở Mỹ mà tôi quen biết để mời họ về Việt Nam tham dự cuộc gặp gỡ ấy. Nhưng quá ít các nhà văn sống ở nước ngoài trở về, đặc biệt là các nhà văn ở Mỹ.
Vẫn có những lý do trong sâu thẳm tạo ra một khoảng cách không nhỏ giữa các nhà văn. Đã có những chuyện trở nên gay gắt và có nguy cơ rơi vào sự thù hận một lần nữa sau gần nửa thế kỷ chiến tranh kết thúc, đã công khai trên một vài bức thư trao đổi của các nhà văn.
Tôi nhận ra rằng: khi nói về thi ca là lúc ông không bao giờ do dự, là lúc ông sẵn sàng dấn thân cho dù con đường ấy đầy chông gai và cả thù hận.
Trong chuyến đi đó, tôi gặp một vài nhà văn người Việt sống ở Boston và gọi điện cho hai văn nhân là Trương Vũ và Du Tử Lê. Nhà văn Trương Vũ vẫn là người lịch lãm như tôi gặp lần đầu vào năm 1993, ngôi nhà ông ở gần Washington. Vợ ông đã nấu một nồi riêu cua mời chúng tôi. Nhưng ông nói ông đã chuyển nơi ở về với con trai. Ông đã tám mươi tuổi và không thể đi xa được nữa.
Khi tôi gọi điện cho nhà thơ Du Tử Lê, ông rất vui khi nhận ra giọng nói tôi. Ông mời tôi đến chơi nhà ông. Nhưng tôi không đến được vì thời gian ở Mỹ quá ít và đoạn đường bay cũng khá xa từ Boston đến bang ông sinh sống. Ông dịu dàng hỏi thăm tôi và các nhà văn quen biết trong nước. Khi tôi mời ông về nước tham dự cuộc gặp gỡ ấy, ông im lặng một lúc rồi nói: “Anh cảm ơn Thiều, nhưng tuổi anh đã cao, sức khỏe không tốt nên không đi đâu xa được’’.
Một lúc sau ông nói: “Nếu cá nhân Thiều hoặc ai tổ chức những cuộc gặp gỡ nhỏ giữa các anh em nhà văn trong và ngoài nước thì anh sẽ cố gắng về’’. Tôi hiểu lời từ chối nhẹ nhàng nhưng chứa đựng những thách thức và một thông điệp của ông.
Cách ngày ông đi về cõi vĩnh hằng gần hai tháng, tôi viết thư cho ông và nói với ông rằng Viết & Đọc, chuyên đề mùa thu 2019 (sách chuyên đề văn chương của Nhà xuất bản Hội Nhà văn) muốn in thơ của ông. Ông hào hứng nhận lời. Và tôi nhận ra rằng: khi nói về thi ca là lúc ông không bao giờ do dự, là lúc ông sẵn sàng dấn thân cho dù con đường ấy đầy chông gai và cả thù hận.
Chỉ một tuần sau ông đã gửi cho tôi chùm thơ cùng với một bài ông viết về tập thơ Sự mất ngủ của lửa của tôi và nói: “Anh đề nghị Thiều in bài anh viết về thơ Thiều trên Viết & Đọc’’.
Bài viết về thơ tôi ông đã in trên trang thư viện cá nhân ông, nhưng ông vẫn muốn in trên một tờ báo hay tạp chí văn chương chính thống trong nước. Ông muốn công khai và công bằng. Không phải ông công bằng với thơ tôi mà lớn hơn thế là ông muốn công khai và công bằng với sự thật của thơ ca và những điều liên quan khác. Trong trường hợp này, ông là ví dụ của sự hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích của cái Đẹp.
Tôi viết thư trả lời ông rằng tôi sẽ cố gắng in bài viết đó. Nói vậy nhưng tôi sẽ không bao giờ in bài viết về thơ tôi của ông hay của bất cứ ai về thơ tôi trên một tờ báo, một tạp chí hay một cuốn sách mà tôi làm chủ biên. Còn chùm thơ của ông thì tôi đã in.
Khi chùm thơ này được in ra, đã có người gọi điện cho tôi nói hãy xem lại chùm thơ này. Và tôi đã trả lời họ rằng: cả tôi và họ nên đọc lại chùm thơ ấy để thấy được lòng yêu nước chân thành và đau đớn của một thi sĩ.
Khi tôi chết hãy mang tôi ra biển là một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của ông. Trong chùm thơ của ông in trên Viết & Đọc có bài thơ ấy. Đấy là lời trăng trối cuối cùng của ông, là giấc mơ đẹp mà buồn bã của ông. Giấc mơ ấy thật bình dị và là giấc mơ của hầu hết mọi con người trên thế gian này. Ai cũng muốn trở về cố hương mình cho dù họ đã ra đi bằng bất cứ lý do gì. Đó là nhân tính, đó là số phận và đó là văn hóa.
Tôi chỉ gặp ông dăm ba lần, cũng như những cuộc gặp gỡ của các cá nhân nhà văn Việt Nam khác, nhưng câu chuyện về cuộc đời này và về thơ ca dài gấp ngàn lần thời gian những cuộc gặp gỡ của những cá nhân nhỏ bé trước vũ trụ vô tận này. Và giấc mơ trong những câu chuyện đó lớn hơn tất cả những gì đè nặng trái tim họ.