Tài năng không nhất thiết là bẩm sinh. Theo các chuyên gia tâm lý giáo dục, môi trường thuận lợi, rèn luyện hiệu quả có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến trẻ em trên con đường thành công. Làm thế nào cha mẹ có thể giúp phát triển tài năng của con cái?
Một số người cho rằng tài năng là bẩm sinh. Sự thật về một Mozart bắt đầu chơi piano từ năm 3 tuổi, sau đó soạn nhạc từ năm 5 tuổi càng củng cố niềm tin này.
Nhưng có một khía cạnh khác của lịch sử mà chúng ta không được quên: cha của Mozart cũng là một nhạc sĩ, nhà soạn nhạc và nghệ sĩ biểu diễn thành công. Ông đã dành mọi ưu tiên trong việc rèn luyện Mozart, giúp thần đồng âm nhạc thực hành năng khiếu không mệt mỏi để đạt được sự hoàn hảo.
Tuy nhiên, Mozart chỉ soạn ra kiệt tác đầu tiên vào năm 20 tuổi, sau 15 năm liên tục khổ luyện ở cấp độ cao.
Theo tác giả bài viết này, Kennett A. Kiewra, giáo sư tâm lý giáo dục thuộc Trường Đại học Nebraska-Lincoln, tài năng không nổi lên vào lúc sinh ra, nhưng nó hình thành dần theo thời gian, và từ quan điểm này, nền giáo dục mà cha mẹ mang lại cho trẻ có thể tạo ra sự khác biệt lớn.
Tất cả những nhà vô địch trẻ nhiều triển vọng
Mặc dù nhiều người tin rằng tài năng là cái gì đó quý hiếm, nhà tâm lý học Benjamin Bloom đoan chắc rằng không phải vậy sau khi đã khảo sát những người có kỹ năng biểu diễn tốt nhất trong sái lĩnh vực lớn: “Điều mà một người có thể học được, thì hầu hết những người khác cũng có thể học được, miễn là họ có điều kiện học tập phù hợp nhất”.
Những điều kiện đó bao gồm năm yếu tố: khởi đầu sớm, hấp thu nền giáo dục có chất lượng, thực hành tự tin và kiên trì, ghi danh vào học tại một trường xuất sắc và xác định mục tiêu rõ rệt.
Trẻ em không thể tự mình đề ra và duy trì các yếu tố thành công nêu trên. Ngược lại, như Kennett A. Kiewra viết trong quyển sách của mình, trẻ em cần có một huấn luyện viên, thường là cha mẹ của các em, để phát triển tài năng.
- Xem thêm: Tạo cho con thể hiện bản thân
Các yếu tố thành công và ảnh hưởng của cha mẹ
Khởi đầu sớm
Những hạt mầm tài năng được gieo từ rất sớm và thông thường là trong môi trường gia đình. Một nghiên cứu cho thấy trong số 24 tài năng ở các lĩnh vực khác nhau, từ cờ vua đến trượt băng nghệ thuật, 22 người đã được cha mẹ giới thiệu môn học yêu thích nhất, thường ở độ tuổi từ 2 đến 5 tuổi.
Một số bậc cha mẹ của các ngôi sao thậm chí còn là những nghệ sĩ ưu tú hay huấn luyện xuất sắc. Ví dụ như trường hợp của John Cook, huấn luyện viên đội tuyển bóng chuyền quốc gia, người cha đã sinh ra và nuôi nấng cô con gái Laurent Cook trở thành ngôi sao bóng chuyền Mỹ.
John Cook thừa nhận: “Tôi nghĩ rằng con gái tôi đã thừa kế công việc của tôi. Nó lớn lên trong thế giới bóng chuyền. Khi nó còn bé, chúng tôi đã làm một sân bóng chuyền nhỏ ở tầng hầm. Vợ chồng chúng tôi đã chơi bóng với nó”.
Một số cha mẹ không có mối liên hệ nào với lĩnh vực mà con của họ có thể sẽ tỏa sáng, nhưng họ đã có thể tạo ra môi trường thuận lợi cho con phát triển tài năng. Đó là trường hợp của Adora Svitak, nữ nhà văn và diễn giả thành đạt.
Adora đã xuất bản hai quyển sách ở tuổi 11 và đã thực hiện hàng trăm buổi diễn thuyết quốc tế, bao gồm một cuộc hội thảo TED được hàng triệu người theo dõi trên internet. Cha mẹ của Adora, John và Joyce, đều không phải là tác giả hay diễn giả, nhưng họ đã đặt nền tảng cần thiết cho sự thành công của Adora.
Mẹ của Adora kể: “Chúng tôi đọc những cuốn sách hấp dẫn và bổ ích cho Adora nghe mỗi tối 1 giờ. Thói quen này thật sự đã giúp đánh thức sự yêu thích học tập và đọc sách nơi Adora”.
Ngoài ra, họ khuyến khích Adora trong các tác phẩm đầu tay, hướng dẫn, giúp con gái xuất bản sách và tổ chức các buổi diễn thuyết. Cuối cùng, Joyce đã rời bỏ công việc của mình để quản lý sự nghiệp của Adora.
Joyce cho biết: “Đó là công việc toàn thời gian và không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nhưng tôi không chỉ trông coi sự nghiệp của con gái tôi, mà còn chăm sóc nó”.
Sự giám sát chất lượng
Cha mẹ cố gắng cung cấp hay tổ chức giáo dục chất lượng cao cho con cái. Kayden Troff, vô địch cờ vua Mỹ, đã học chơi cờ từ năm 3 tuổi bằng cách xem các ván cờ đấu giữa cha và anh chị của mình.
Nhận thấy mạng lưới những người chơi cờ quanh nhà ở Utah quá thưa thớt, Dan, cha của Kayden, đảm nhận nhiệm vụ huấn luyện con trai. Để thực hiện điều này, Dan đi học cờ vua từ 10 đến 15 giờ mỗi tuần, trong giờ nghỉ trưa.
Dan đọc sách về cờ vua, xem video và nghiên cứu các trận đấu cờ lớn giữa các cao thủ cờ vua để xây dựng phương pháp huấn luyện con trai vào những buổi luyện tập mỗi tối. Cuối cùng, khi không còn đủ khả năng theo kịp tốc độ phát triển của Kayden, Dan tự sắp xếp để theo các bài học vô địch trên internet.
Để trả 300 đô học phí mỗi tháng, Dan, một nhân viên ngân hàng, và vợ đã làm việc thêm giờ và tổ chức 400 giờ thi đấu cờ vua mỗi năm.
Chương trình nâng cao
Những nhà vô địch tương lai luyện tập thực hành không chỉ đơn giản là thú tiêu khiển, mà có chủ đích rõ rệt nhằm giúp họ vượt qua “mức tầm thường” và nâng cao trình độ.
Caroline Thiel, nữ vô địch bơi lội cấp trung học, mô tả việc rèn luyện hằng ngày: “Một số ngày, tôi như hoàn toàn kiệt sức sau buổi luyện tập. Toàn bộ cơ thể tôi ê ẩm, đau đớn khiến cho động cơ tập luyện của tôi dường như tan biến mất. Não của tôi dừng lại, nhưng cơ thể tôi tiếp tục đau đớn, hơi thở nặng nề, thậm chí nôn mửa. Mọi người khó có thể tưởng tượng được cường độ tập luyện của các vận động viên bơi lội. Có lẽ họ nghĩ chúng tôi phóng xuống hồ bơi chỉ để bơi vài vòng là xong”.
Một môi trường có chọn lọc
Khi được Kennett A. Kiewra hỏi: “Nhờ đâu mà cô có được năng khiếu xuất chúng như vậy?”, Jayde Atkins, nữ vô địch rodéo (môn thể thao chế ngự dã thú) cấp trung học, đáp: “Với những điều kiện mà tôi thừa hưởng, tất cả những mọi thứ đều ủng hộ tôi”. Jayde được nuôi dưỡng và lớn lên tại một trang trại ở trung tâm Nebraska và bắt đầu cưỡi ngựa từ năm 2 tuổi.
Cha mẹ của Jayde, Sonya và J.B, chuyên gia cưỡi ngựa và huấn luyện viên chuyên nghiệp, đã dạy con gái những ngón sở trường của nghề này và dành nhiều giờ mỗi ngày để truyền đạt kiến thức cho Jayde. Họ có những con ngựa được huấn luyện tốt và có một xe kéo để chở ngựa đến các thành phố lân cận thi đấu môn rodéo. Trang trại gia đình là trung tâm huấn luyện rodéo tuyệt vời.
- Xem thêm: Để tiếp thêm động lực cho trẻ
Hầu hết các nhà vô địch tương lai đều không sống gần một trung tâm huấn luyện tốt. Vì vậy, họ phải mất khá nhiều thời gian để đi đến nơi tập luyện. Hãy xem trường hợp của ba vận động viên quần vợt ở Lincoln, thành phố quê hương của Kennett A. Kiewra ở Nebraska.
Với sự may mắn và hỗ trợ của cha mẹ, Jon và Joel Reckewey đã rời gia đình khi họ còn thiếu niên để dời đến nơi ở mới, thành phố Kansas, cách nhà 3 giờ xe. Tại đây, Jon và Joel được luyện tập với câu lạc bộ danh tiếng “Mike Wolf Academy”.
Vô địch giải đôi Wimbledon và US Open, Jack Sock phải đi đi về về từ nhà đến câu lạc bộ Mike Wolf Academy hằng tuần từ khi Jack còn nhỏ cho đến khi cả nhà em dọn về sống tại Kansas.
Với sự khuyến khích của cha mẹ, những hạt mầm thể thao thường đổ về trung tâm huấn luyện danh tiếng như vậy, nơi tập trung những huấn luyện viên tài giỏi nhất và các ngôi sao đang lên.
Kiên trì là yếu tố số 1
Những người tài năng biết cách giữ mục tiêu cụ thể trong tầm ngắm. Một trong những phụ huynh của nhà vô địch trẻ cờ vua đã nói rằng thời gian đặc biệt dành cho cờ vua đã cướp mất đi của trẻ nhiều cơ hội vui chơi và giải trí.
Một phụ huynh khác thổ lộ: “Con tôi không quan tâm đến trường học, chỉ chú trọng đến cờ vua. Nó sống và hít thở với cờ vua”. Một ngày nọ, cũng vị phụ huynh này nói rằng họ không cho con trai chơi cờ vua nữa vì kết quả học tập ở trường quá kém. “Nó rất đau khổ giống bị ai đó đoạt mất linh hồn vậy”, vị phụ huynh đó nói tiếp.
Khi Kennett A. Kiewra hỏi phụ huynh tại sao con em họ đam mê môn cờ vua đến vậy, họ đáp rằng chúng chỉ tìm được niềm vui và hạnh phúc trong việc luyện tập cờ vua. Phụ huynh ủng hộ mục tiêu độc nhất này.
Tuy nhiên, cũng đôi khi phụ huynh phải ủng hộ đến hai đam mê. Ví dụ như McKenzie, vừa là vận động viên nổi tiếng môn bóng chày sân nhỏ (softball) và một ngôi sao âm nhạc đang lên. Scott, cha của McKenzie, là huấn luyện viên của con trai trong thời gian dài, dành hàng ngàn giờ mỗi năm trên sân bóng và giúp McKenzie tập luyện trên sân vườn sau nhà, đồng thời còn là người quản lý của nhóm vận động viên của con trai.
- Xem thêm: Để hiểu con hơn…
Mặc dù có nhiều câu chuyện về cha mẹ khiến con cái họ bị áp lực, nhưng những người mà tác giả bài viết này nói đến thừa nhận rằng con của họ phải tự dìu dắt, lèo lái tài năng của mình với niềm đam mê cao độ, và công việc của cha mẹ chỉ có thể là góp phần cho con trẻ đi đúng hướng.
Cha mẹ đầu tư cho con cái vì họ xác định nhu cầu mà trẻ cần đến, chỉ có cha mẹ mới đáp ứng được. Cha mẹ sẽ không bỏ qua nhu cầu liên quan đến tài năng và sự phát triển của trẻ, tương tự như họ không bỏ qua nhu cầu y tế. Và tất nhiên, họ đầu tư vì yêu con cái và muốn chúng có cuộc sống hạnh phúc và thành công.