Nếu bị một trong các triệu chứng ngứa, nổi mẩn đỏ trên da, sổ mũi, hắt xì, nghẹt mũi, khó thở, khò khè… thì có thể bạn đang bị dị ứng.
Bình thường, hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể chống lại vi trùng, virus và một số chất gây hại bằng cách nhận biết và tiêu diệt chúng.
Tuy nhiên, ở một số người, hệ thống miễn dịch do quá nhạy cảm nên phản ứng luôn cả với những chất không có hại, tức là bị dị ứng. Những chất gây dị ứng là các protein phân tử nhỏ, có thể là phấn hoa, thức ăn, một số sinh vật hoặc hóa chất, thuốc men…
Có nhiều bệnh dị ứng tại đường hô hấp (chẳng hạn viêm mũi, hen phế quản) và trên da (mề đay, chàm, viêm da tiếp xúc, da vẽ nổi…), lại có những trường hợp dị ứng thức ăn và nặng nhất là hiện tượng choáng phản vệ.
Viêm mũi dị ứng thường gặp ở người trẻ hơn người già và thường xảy ra sau khi tiếp xúc với phấn hoa, bụi, không khí lạnh hay ẩm… Người ta nhận thấy ở đây có yếu tố di truyền khá rõ ràng vì khi cha hay mẹ bị viêm mũi dị ứng thì có 30 – 48% khả năng con cái cũng bị.
Các triệu chứng thường gặp là chảy mũi nước, chảy nước mắt, ngứa mũi, hắt xì mỗi sáng, ngay sau khi thức dậy. Cách điều trị thông thường là dùng thuốc xịt mũi, thuốc kháng histamine và tránh xa các tác nhân gây dị ứng.
- Xem thêm: Vì sao ta bị ho dai dẳng?
Hen phế quản xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với một số chất gây tăng mẫn cảm (con mạt, chó, mèo, phấn hoa, khói bụi, khí lạnh, khói thuốc, thức ăn…) nên các phế quản bị co thắt, khiến bệnh nhân ho, khò khè và khó thở.
Để điều trị hen phế quản, cần tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng và sử dụng thuốc làm giãn phế quản.
Mề đay có biểu hiện là các vết mẩn đỏ nổi nhiều trên da, ở bất cứ chỗ nào trên cơ thể, gây ngứa, thường do dị ứng thức ăn, do bị côn trùng cắn hay do tác động của một số loại thuốc (nhưng khó xác định rõ nguyên nhân).
Mề đay có thể tồn tại trong một thời gian rồi tự nhiên biến mất hay nhờ tác dụng của thuốc kháng histamine.
Chàm là một bệnh ngoài da rất thường gặp, có biểu hiện là các vết mẩn đỏ nổi sần trên da, làm cho bệnh nhân rất khó chịu. Điều trị chàm thường bằng thuốc bôi tại chỗ và thuốc kháng histamine theo chế độ lâu dài nên người bệnh phải kiên nhẫn.
Có tới 40% trẻ em bị chàm thường bị dị ứng thức ăn, do đó khi phát hiện được loại thức ăn gây dị ứng thì tránh không ăn, nhờ đó mức độ chàm cũng giảm đi.
Viêm da tiếp xúc là tình trạng da bị mẩn đỏ, ngứa ngáy do chịu một số kích thích đến từ môi trường (thuốc, hóa chất, ánh nắng…).
Triệu chứng viêm da thường xuất hiện trong vòng từ 5 đến 24 giờ sau khi da bị tác động. Xác định nguồn kích thích cụ thể và tránh xa môi trường có nguồn kích thích nguy hiểm là điều kiện tiên quyết trong điều trị.
Chứng da vẽ nổi là một loại mề đay do tác nhân vật lý, cụ thể là khi cào, gãi da hoặc mặc quần áo quá chật thì mấy phút sau da sẽ nổi sần đỏ và ngứa theo những đường kích thích hằn trên da. Các triệu chứng có thể tăng do một số yếu tố như tâm lý, thay đổi nội tiết, thời tiết quá nóng nực…
Để phòng tránh, nên sinh hoạt và làm việc môi trường thoáng mát, giữ cho thần kinh thoải mái, không rơi vào tình trạng căng thẳng.
Dị ứng thức ăn là phản ứng đối với một số thức ăn thường ngày như đậu phộng, hải sản, sữa… Một số chất phụ gia hay chất bảo quản cũng có thể gây dị ứng, ví dụ bột ngọt. Người bị dị ứng thức ăn thường bị sưng mặt, sưng môi, nổi mề đay, ngứa, tiêu chảy, đau bụng, ói và có khi lên cơn hen.
Bệnh tình có thể nhẹ, nhưng cũng có trường hợp rất nặng, gây ra choáng phản vệ với các triệu chứng xỉu, khó thở, tụt huyết áp và tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Vì vậy, nếu bị dị ứng thức ăn thì phải biết rõ dị ứng với loại nào để tuyệt đối tránh.
- Xem thêm: Hỏi đáp về dị ứng thực phẩm
Choáng phản vệ là phản ứng dị ứng nguy hiểm nhất, đã vậy lại rất khó biết được nó sẽ xảy ra khi nào và trong tình huống nào để đề phòng. Nguyên nhân thường do dị ứng thuốc (nhất là với penicillin), thức ăn, nọc ong… Các triệu chứng xảy ra rất nhanh, rất nặng nên phải chuyển ngay người bệnh đến bệnh viện để được xử lý kịp thời, tránh tử vong.
Nhiều nghiên cứu cho thấy có yếu tố di truyền trong phản ứng dị ứng. Nếu cha hay mẹ bị dị ứng thì nguy cơ trẻ bị dị ứng cao đến 48%. Còn trong trường hợp cả cha và mẹ đều bị thì nguy cơ ở con cái lên tới 70%.
Tóm lại, dị ứng có thể xảy ra với bất cứ ai và nếu tiền sử gia đình có cơ địa dị ứng thì nguy cơ bị dị ứng càng cao. Nguyên tắc phòng ngừa tốt nhất là tránh các chất gây dị ứng. Khi bị dị ứng có thể dùng các thuốc kháng histamine, nếu không có hiệu quả thì bác sĩ phải dùng phương pháp giải mẫn cảm.