Những năm gần đây, Việt Nam được báo chí nước ngoài bình chọn và xếp vào một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu thế giới nhờ các lợi thế như có nhiều danh lam thắng cảnh được UNESCO công nhận, văn hóa độc đáo, ẩm thực đặc sắc, con người thân thiện và an toàn.
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam dẫn nguồn từ Tổng cục Thống kê, năm 2016, du lịch Việt Nam đã đạt con số ấn tượng khi lần đầu tiên đón hơn 10 triệu lượt khách quốc tế. Ước tính năm tháng đầu năm 2017, ngành đạt 5,2 triệu lượt khách, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là con số đáng khích lệ cho du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, đâu là những hạn chế cần tháo gỡ, làm thế nào để khách quốc tế tiếp tục quay lại Việt Nam nhiều lần và làm thế nào thu hút thêm lượng lớn du khách mới, là trăn trở từ nhiều chuyên gia và các công ty hoạt động trong ngành.
Tại buổi tọa đàm do Đại học RMIT Việt Nam, Travel Massive và Renaissance Riverside Hotel Saigon đồng tổ chức vào ngày 25-5-2017, các vấn đề trên đã được mổ xẻ và thảo luận sôi nổi. Bên cạnh nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển, các chuyên gia cho rằng, du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức và cần có giải pháp lâu dài để có thể phát triển bền vững, đồng thời cạnh tranh được với các nước khác trong khu vực.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Rob Rankin, Giám đốc điều hành tour Công ty Trails of Indochina, cho biết hiện các dự án phát triển du lịch chưa gắn kết hiệu quả với cộng đồng ngay từ ngày đầu: “Các dự án nếu được điều hành và quản lý tốt sẽ giúp quảng bá chất lượng cũng như dịch vụ du lịch. Việt Nam là lựa chọn hàng đầu của nhiều du khách quốc tế, nên cần phải nắm bắt và thấu hiểu được kỳ vọng của họ, đặc biệt là phân khúc khách hàng cao cấp, từ đó đưa ra những sản phẩm và dịch vụ phù hợp”. Và để thực hiện tốt điều này, ông Rob nghĩ rằng đẩy mạnh hợp tác giữa các doanh nghiệp trong ngành, các cơ sở và học viện đào tạo và chính phủ là rất quan trọng.
Bà Pascale Herry, Giám đốc điều hành TMG Hospitality, lại cho rằng du lịch Việt Nam cần có kế hoạch phát triển tổng thể và xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam đến thị trường quốc tế nhiều hơn nữa, đồng thời cần tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Bà Pascale đánh giá cao những hoạt động đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương, tạo thêm cơ hội việc làm và thu nhập ổn định. Bà nói, nên xem xét phát triển du lịch sinh thái nhằm nâng cao nhận thức về môi trường, giúp bảo tồn di sản thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Ngoài ra, cần tôn trọng bản sắc văn hóa – xã hội của cộng đồng địa phương, bảo tồn di sản văn hóa và giá trị truyền thống. Bà Pascale nhấn mạnh rằng ngành du lịch đang đối mặt với thách thức lớn khi thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, cần gấp rút đổi mới đào tạo để du lịch có thể phát triển bền vững trong tương lai.
Đồng ý với quan điểm của bà Pascale, bà Cherry Sriratanaviriyakul, Giảng viên chương trình Cử nhân Quản trị Du lịch và Khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam, theo nghiên cứu của trường cho biết trong số hơn 2 triệu người đang làm việc trong ngành du lịch và khách sạn ở Việt Nam, chỉ 3,2% có trình độ cao. Bà chia sẻ, hiện ngành đang thiếu hụt trầm trọng nhân lực cho các vị trí giám sát, quản lý cấp trung và cao: “Hầu hết các trường đại học, cao đẳng và trung tâm đào tạo nghề cung cấp chương trình đào tạo du lịch và khách sạn bằng tiếng Việt, rất ít chương trình chú trọng đến lĩnh vực quản trị và chỉ một số ít đào tạo bằng tiếng Anh. Ngoài tiếng Anh, thành thạo thêm ngoại ngữ khác như tiếng Trung, tiếng Nga, tiếng Đức… cũng rất quan trọng”. Bà Cherry nhận định, phát triển giáo dục và đào tạo không chỉ giúp nâng cấp chất lượng dịch vụ mà còn hỗ trợ ngành du lịch Việt Nam phát triển bền vững.
Theo Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn do Bộ Chính trị ban hành ngày 16-1-2017, phát triển nguồn nhân lực cũng là một trong những giải pháp cốt lõi giúp giải quyết các khó khăn, vướng mắc của ngành du lịch.