Những ngày cuối năm 2016, một nhóm gần 20 người Việt trẻ tuổi được Công ty Start Up Study Tour (Công ty du lịch Học tập khởi nghiệp) đưa đến resort Mango Home nằm tại huyện Giồng Trôm, Bến Tre học hỏi cách làm du lịch đồng quê. Chủ nhân resort – thường được mọi người gọi thân mật là dì Nhung trực tiếp “đứng lớp” khóa học hai ngày. Dì Nhung được giới làm homestay (du lịch ở lại nhà dân) biết đến vì đã biến một khu vườn heo hút bên sông trở thành nơi đón tiếp khách ngoại quốc hàng đầu Bến Tre. Bắt đầu từ số vốn không lớn nhưng sau sáu năm, khu vườn dân dã Mango Home đã vươn lên thành khu resort sinh thái với hoạt động kinh doanh chuyên nghiệp, hiệu quả.
Nhiều cơ hội nhưng ít người đủ khả năng nắm bắt
Hiện nay trên khắp các vùng nông thôn Việt Nam, hầu như tỉnh nào cũng có một số nơi tổ chức du lịch homestay thành công. Hệ thống giao thông được cải thiện, nhu cầu nghỉ ngơi của người thành phố tăng mạnh, du khách nước ngoài đến đông đang khiến lĩnh vực kinh doanh này có nhiều cơ hội. Nếu trước đây du khách đến thánh địa Mỹ Sơn chỉ tham quan một buổi rồi về thì giờ đây, khách có thể đạp xe, leo núi và ở lại qua đêm ở thôn Mỹ Sơn theo hình thức du lịch cộng đồng. Du khách khi tham quan cột cờ Lũng Cú xong có thể ở lại trong các ngôi nhà trình tường, tham gia vào những sinh hoạt đậm bản sắc của người dân thôn Lô Lô Chải (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang)…
Dù vậy trên toàn quốc, số lượng nhà nghỉ homestay thất bại luôn nhiều hơn số “làm ăn được”. Điển hình là thời gian qua ở xã Chiềng Yên (xã được quy hoạch làm du lịch cộng đồng của huyện Vân Hồ tỉnh Sơn La), các điểm du lịch như bản Phụ Mẫu 1, bản Phụ Mẫu 2, bản Nà Bai đã bị giảm khách nghiêm trọng. Nhà nghiên cứu dân tộc học Trần Hữu Sơn – nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Lào Cai chỉ rõ nguyên nhân: Phỏng vấn 10 hãng lữ hành đưa du khách đến vùng người Thái ở Hòa Bình, Sơn La và Điện Biên đều nhận được ý kiến chung là du khách chỉ thăm một làng du lịch cộng đồng thì đã biết trước các sản phẩm du lịch của các làng khác.
Xét về tiềm năng cảnh đẹp và văn hóa truyền thống, bản Phụ Mẫu 1, bản Phụ Mẫu 2, bản Nà Bai không thua kém bản Hua Tat cách đó không xa đang có lượng khách ổn định. Tuy nhiên, do đường sá kém được đầu tư và cách bắt chước rập khuôn đã khiến bốn bản đẹp nhất của xã Chiềng Yên không thu hút được khách. Hiện tượng này diễn ra khá phổ biến tại các vùng nông thôn Việt Nam. Tại Đồng bằng sông Cửu Long thậm chí còn diễn ra tình trạng cạnh tranh về giá. Để giữ khách, nhiều nhà nghỉ homestay chấp nhận hạ giá trước sức ép của các đại lý lữ hành làm ăn chụp giật rồi hạ chất lượng, tạo hình ảnh xấu với du khách, gây ảnh hưởng cho cả khu vực.
Không thể cứ trông chờ vào cá nhân
Trở lại với những cá thể làm homestay thành công. Có thể thấy đó là những người được trang bị đủ kiến thức và kỹ năng kinh doanh du lịch như chủ nhân của Mango Home, thứ hai là những nông dân được hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài. Chẳng hạn hình thức du lịch cộng đồng ở Mỹ Sơn được sự tài trợ của tổ chức Lao động quốc tế (ILO), ở xã Mỹ Khánh (TP. Cần Thơ), xã Mỹ Hòa Hưng (tỉnh An Giang) được sự tài trợ của dự án EU do Liên minh châu Âu tài trợ. Nhưng nếu chỉ trông chờ vào hai đối tượng trên thì sự phát triển sẽ mãi lẻ tẻ và manh mún.
Kinh nghiệm từ các nước xung quanh cho thấy phát triển du lịch nông thôn không đơn thuần là xóa đói giảm nghèo và tạo thêm sản phẩm cho ngành du lịch. Đó là chiến lược quốc gia trong việc giảm bớt khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, giảm bớt những bất ổn xã hội khi quá trình đô thị hóa làm biến đổi đời sống của hàng vạn thôn làng. Vì lý do này mà từ 30-40 năm trước, các nước Pháp, Ý, Nhật, Hàn Quốc song song với quá trình công nghiệp hóa đã có những chương trình tầm cỡ quốc gia về phát triển du lịch ở nông thôn. Các nước Trung Quốc, Thái Lan đi sau đó khoảng mười năm và cũng nỗ lực học theo những nước đi trước. Các chương trình này đều kéo dài trung bình hai mươi năm, tổng ngân sách từ vài chục đến cả trăm tỉ đôla Mỹ và có sự tham gia chặt chẽ của nhiều bộ ngành liên quan, nhận được sự hỗ trợ tích cực từ chính phủ về chính sách vĩ mô như quy hoạch, tài chính, luật pháp, thương mại và quảng cáo…
Văn hóa đồng quê Việt Nam sở hữu thế mạnh ít nước nào có
Người dân bản Lô Lô Chải không ai không biết ông Yasushi Ogura. Người đàn ông đến từ nước Nhật này đã giúp vài hộ dân trong bản dựng quán cà phê, tổ chức homestay phục vụ du khách. Yasushi Ogura cho biết nước Nhật chỉ có một dân tộc, còn Việt Nam có tận 54 dân tộc và dân tộc nào cũng có văn hóa đặc sắc, điều ấy làm ông rất thích thú. Từ năm 2002, Hà Giang trở thành điểm đến thường xuyên của ông vì tỉnh này có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và có tới 22 dân tộc cư trú.
Trên thế giới, đối tượng khách yêu thích trải nghiệm văn hóa như Yasushi Ogura đang ngày càng tăng. Một doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt tốt nhu cầu này là Công ty Vietnam And You. Sau 16 năm kinh nghiệm trong tổ chức tour homestay, hiện tại, trung bình mỗi tuần, công ty tổ chức được một tour tri thức bản địa. Theo tour, khách được dẫn đến một ngày chợ phiên hoặc một lễ hội cộng đồng để có cảm nhận tổng thể về địa phương. Sau đó, họ xuống bản, làng của các dân tộc để cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Vietnam And You đã mở rộng dịch vụ homestay tới hầu hết các dân tộc cư trú trên mọi miền đất nước làm nơi lưu trú, ăn uống, trải nghiệm cho du khách, họ đào tạo người trong ngôi nhà đó thành những diễn giải viên cộng đồng… Công ty còn phối hợp với Hiệp hội Làng nghề Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật, làm thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm thủ công truyền thống, các sản vật địa phương cho người dân như: dao, thổ cẩm, mây tre đan, gốm sứ, trà shan tuyết, cà phê, thịt treo, mật ong, thuốc nam… Mức giá tour tri thức bản địa thấp nhất là 1,6 triệu đồng/người/ngày.
Đều đã từng tham gia nhiều tour du lịch đồng quê ở nước ngoài, những người sáng lập Mango Home, Vietnam And You hay Start Up Study Tour có chung điều tiếc nuối: đồng quê Việt Nam có lợi thế lớn về sự đa dạng điều kiện sống đặc thù, tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa… Tuy nhiên vì chưa được quan tâm đúng mức nên thế mạnh này chưa khai thác được bao nhiêu. Để bắt kịp xu hướng của các nước, mô hình du lịch nông thôn rất cần được nghiên cứu và đầu tư bài bản – song song với việc xây dựng các chính sách vĩ mô và ban hành luật định cụ thể.
- Xuân Thu