Khi đã quyết định du học, chắc hẳn bạn trẻ nào cũng muốn đến được điểm đích đến cuối cùng. Tuy nhiên, du học là một con đường không chỉ trải hoa hồng. Nhiều bạn trẻ dễ dàng vượt qua được những khó khăn trong giai đoạn, nhưng với nhiều người, việc du học lại trở thành gánh nặng quá sức. Gặp những trường hợp khó có thể khắc phục, giải pháp tốt nhất mà nhiều gia đình lựa chọn là cho con em mình tạm dừng việc du học để về nước. Vậy nếu đã lên kế hoạch kỹ càng cho sự ra đi, thì việc chuẩn bị cho sự trở về cũng là cần thiết.
Đứt gánh giữa đường làm sao nối?
Chị Thu X., phụ huynh của một học sinh phải trở về nước khi đang du học dở dang chia sẻ: “Tôi gửi con gái đi du học vào cuối năm cháu học lớp 11. Khi sang Mỹ, theo như quy định cháu phải học lại lớp 11. Tôi cũng yên tâm nghĩ rằng học lại như vậy sẽ càng giúp cháu củng cố thêm kiến thức và có thời gian làm quen. Tuy nhiên mọi việc không dễ dàng như vậy. Con tôi ở nhà vốn rụt rè, ít nói, sức học lại không được tốt. Cho con đi du học vì nghĩ nếu tạo điều kiện cho cháu sống tự lập thì cháu sẽ dạn dĩ ra, thêm vào đó nghe nói chương trình học bên đó không quá nặng, lại cởi mở nên nhiều cháu khác đi du học thì sức học được nâng cao. Thời gian đầu, cháu rất hay than thở là sao mọi chuyện khó khăn quá, cả trong cuộc sống lẫn trong việc học tập. Tôi thì muốn tạo tâm lý tích cực cho cháu nên vẫn thường động viên, khuyên cháu là cứ cố gắng rồi mọi chuyện sẽ qua. Đến học kỳ hai thì tần suất than thở của cháu thưa dần làm tôi rất mừng. Khi hỏi đến chuyện gì cháu cũng nói ổn làm tôi cũng yên tâm. Dần dần tôi cũng nghĩ cháu đã làm quen và thích nghi được với nếp sống mới. Nhưng càng ngày cháu càng ít nói chuyện và tâm sự với gia đình hơn, lấy cớ là bận học. Rồi đến cuối năm cháu học lớp 12, tôi mới té ngửa khi cháu thông báo cháu không thể tốt nghiệp lớp 12, nên cũng không thể vào đại học được. Đến lúc này, cháu mới khóc và nói rằng không theo kịp việc học ở đây, thêm nữa bố mẹ cứ toàn nói đến chuyện vào những trường đại học nổi tiếng nên cháu càng bị áp lực. Đến khi tôi bình tĩnh nói cháu cứ cố gắng tốt nghiệp trung học, vào một trường đại học bình thường thôi thì cháu vẫn nhất định không chịu, nói là đã quá mệt mỏi với việc du học rồi. Vợ chồng tôi đành phải đưa cháu về.
Về đến Việt Nam, chuỗi ngày khủng hoảng của gia đình vẫn chưa kết thúc. Lỡ dở cấp 3 mà bây giờ đi học lại thì cháu cũng không còn nhớ kiến thức để bắt kịp nữa. Nhìn thấy con trầm cảm, hoảng hốt mà tôi trách mình rất nhiều vì đã chủ quan, vô tâm, khiến con ra nông nỗi này. Tưởng là trẻ con không biết lo nhưng mỗi lần cháu hỏi “Thế việc học của con tính sao mẹ nhỉ?” là tôi lại thấy xót xa trong lòng”.
Trường hợp của chị Thu X. thật ra không hiếm. Những câu chuyện được các bậc phụ huynh chuyền tay nhau, trong khi đó, lại đa phần là những trường hợp du học thành công. Đi du học đã là một cuộc huy động của cả gia đình về sức người, sức của, thế nên chuyện trở về lại càng khó khăn hơn. Trên thực tế, việc tiếp tục học trong nước sau khi du học lỡ dở không hẳn đã là mối quan tâm cần ưu tiên. Nhiều em sau khi phải trở về giữa chừng đã trở nên tự ti, nhút nhát, sợ gặp bạn bè, người quen. Việc quan trọng đầu tiên là giúp các em lấy lại cân bằng trong cuộc sống.
Vẫn câu chuyện của chị Thu X. “Tôi cũng đã tìm hiểu và làm quen với những bà mẹ rơi vào hoàn cảnh tương tự. Không may là con gái tôi lại rơi vào nhóm chịu tác động tâm lý nặng nề hơn những trường hợp khác. Tôi đã phải xin nghỉ làm một năm, từ từ cùng cháu lấy lại cân bằng cuộc sống, cùng cháu tìm lại niềm vui trong những việc nhỏ nhặt nhất. Lấy cớ bỗng nhiên thích may vá lại, tôi nhờ cháu phụ giúp xỏ kim, khâu nút, rồi dần dần chỉ cháu may, thêu. Tôi cố gắng tìm ra những dự án nho nhỏ mà con có thể làm được, lấy cớ cô này cô kia bạn mẹ đang cần giúp. Cuộc sống của cháu dần dần bận rộn hơn, cháu không còn thời gian đểủ rũ buồn rầu nữa. Rồi gần đến một năm sau thì cháu tự tìm đến tôi để nói chuyện, rằng cháu đã tự tìm hiểu một số chương trình quốc tếở Việt Nam mà cháu có thể theo kịp, còn nếu gia đình không có điều kiện nữa thì cháu sẽ ráng ôn lại kiến thức và học lớp bổ túc để lấy được bằng tốt nghiệp. Lúc này niềm vui lớn nhất của tôi không phải là việc cháu muốn đi học lại, mà là cháu đã vượt qua được giai đoạn khó khăn, đủ mạnh mẽ để cố gắng sống tiếp”.
Không phải hết giải pháp
Việc phải bỏ dở du học giữa chừng có thể nghe rất đáng sợ, nhưng trên thực tế vẫn có rất nhiều giải pháp giúp khắc phục tình trạng này. Lý tưởng nhất là làm sao giúp các em tốt nghiệp được cho xong cấp 3 thì về nước sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Ở Việt Nam, các em hoàn toàn có thể theo học các chương trình đào tạo quốc tế như tại RMIT, ERC hay nhiều trường đại học, cao đẳng nghề khác. Thậm chí, có rất nhiều trường hợp các em đang học dở dang đại học nhưng phải về Việt Nam thì hệ thống tín chỉ cũng giúp các em tiếp tục việc học một cách dễ dàng. Đó cũng là câu chuyện của An H. “Tôi đi du học tại Anh xong hai năm đại học, tức là chỉ còn một năm nữa tốt nghiệp thì mẹ tôi bị bệnh nặng. Không còn cách nào khác, tôi phải trở về Việt Nam. Tôi đã nộp đơn vào học tiếp tục ở Trường RMIT. Tuy có một số tín chỉ không được chấp nhận nhưng phần lớn số môn tôi đã học vẫn được tính. Nhìn lại thì tôi cũng không thấy có gì đáng tiếc vì cũng đã được trải nghiệm cuộc sống du học mà vẫn tốt nghiệp được đại học. Bây giờ sức khỏe của mẹ tôi đã ổn định, tôi đang dự định đi làm vài năm rồi tiếp tục quay về Anh học thạc sĩ”.
Tình huống khó khăn nhất là khi các em không thể tốt nghiệp trung học trước khi về nước. Thường những học sinh này rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, đại học cũng chưa thể học mà bắt nhịp lại chương trình trung học trong nước cũng rất khó khăn. Giải pháp lúc này là theo học một trường trung học có chương trình quốc tế để hoàn tất việc học. Ở Việt Nam, các chương trình trung học quốc tế hiện rất đa dạng, từ A Level, IB cho đến các chương trình trung học Mỹ, Canada, Pháp… Những trường quốc tế có ưu điểm là sĩ số ít, giáo viên có nhiều thời gian quan tâm hơn đến những trường hợp cần sự giúp đỡ đặc biệt. Và các vị phụ huynh vẫn phải nên nhớ, cho dù có tìm được trường để học thì vai trò hỗ trợ, động viên của gia đình vẫn rất quan trọng. Còn với những em vốn chán học, dù có ở Việt Nam hay du học cũng không thể thay đổi, thì việc học tiếp hay thôi học cũng cần phải cân nhắc cho phù hợp.
Nhật Hà (DNSGCT)