Theo nghiên cứu mới của các nhà khoa học Thụy Điển, mùi cơ thể tiết lộ nhiều điều về sức khỏe, điển hình là một số căn bệnh có thể tạo ra mùi duy nhất và dễ nhận biết trên cơ thể.
Hơi thở có mùi trái cây – triệu chứng bệnh tiểu đường
Hơi thở có mùi trái cây là biến chứng của bệnh tiểu đường, được gọi là nhiễm axit xeton (viết tắt là DKA), xảy ra khi insulin trong cơ thể thấp và đường huyết tăng. Những người bị tiểu đường type 1 thường gặp vấn đề này nhiều hơn so với người bị tiểu đường type 2.
Do cơ thể không thể tạo ra năng lượng cần thiết để hoạt động đúng cách, các axit béo bắt đầu phân hủy thành nhiên liệu, từ đó hình thành sự tích tụ các hóa chất có tính axit, gọi là các xeton trong máu. Một trong những axit chính là axeton (thành phần tương tự trong nước sơn móng tay) tạo nên mùi trái cây trong hơi thở. Người bệnh chỉ biết có mùi này khi được người khác phát hiện giùm, nhưng bác sĩ chuyên khoa có thể biết được ngay khi người bệnh bước vào phòng khám.
Nhiễm DKA là điều rất nguy hiểm vì có thể dẫn đến khả năng tử vong. Khi bị nhiễm, người bệnh thường có cảm giác buồn nôn và đi tiểu nhiều, khiến cơ thể bị mất nước, đồng thời có các triệu chứng khác như mệt mỏi, giảm thị lực, sụt cân không lý do. Có khi các triệu chứng trên không xảy ra cùng một lúc nên người bệnh lơ là, không thực hiện việc chẩn đoán sớm và hậu quả là bệnh ngày càng trầm trọng. Do đó, khi phát hiện hơi thở có mùi trái cây kèm theo bất cứ triệu chứng nào kể trên, đặc biệt là mệt mỏi, khô miệng, khó thở hay đau bụng, đau đầu thì bạn nên tìm đến bác sĩ càng sớm càng tốt.
Bàn chân có mùi – triệu chứng nấm da chân
Khi da trên các ngón chân bị khô, đóng vảy, mẩn đỏ và phồng rộp thì đó là biểu hiện của bệnh nấm da chân. Đồng thời, bàn chân cũng tỏa ra mùi khó chịu do vi khuẩn và nấm tác động lên da.
Nếu gãi chân, sau đó bàn tay vô tình chạm vào những phần khác của cơ thể, nấm sẽ có cơ hội lây lan nhanh. Lớp da ở giữa các nếp gấp ngón chân nếu không được chữa trị kịp thời sẽ càng thêm mềm và ẩm, tạo điều kiện cho vi khuẩn thâm nhập mạnh, gây viêm mô tế bào, khiến bệnh càng trầm trọng. Vì thế, khi gặp những triệu chứng nói trên, nên dùng thuốc kháng nấm. Nếu tình trạng đó cứ dai dẳng kéo dài đến hai tuần thì cần đến bệnh viện da liễu để được điều trị.
Do nấm dễ phát triển trong môi trường ẩm ướt, sau khi luyện tập nặng (tập thể hình, chơi thể thao, bơi lội…), cần rửa thật sạch bàn chân, các kẽ ngón chân và tốt nhất là dùng phấn bột để làm khô các ngón chân.
Hơi thở hôi – triệu chứng ngưng thở khi ngủ
Nếu hơi thở vào buổi sáng thường hay có mùi cho dù vẫn chải răng đều đặn thì đó có thể là triệu chứng của tình trạng bị ngưng thở khi ngủ.
Ngưng thở khi ngủ có thể dẫn đến ngáy nhiều khi ngủ và phải thở bằng miệng suốt đêm, gây khô miệng và tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Khi tăng trưởng theo cấp số nhân, chúng sẽ sản sinh ra khí lưu huỳnh nên hơi thở có mùi hôi.
Nếu đã loại bỏ các nguyên nhân khác nhưng miệng vẫn có mùi, đồng thời buồn ngủ trong ngày và ngáy khi ngủ, bạn nên đến gặp bác sĩ. Tình trạng giấc ngủ không ngon, ngưng thở khi ngủ thường liên quan đến bệnh tiểu đường, cao huyết áp và tim mạch nên cần được phát hiện và điều trị sớm để ổn định sức khỏe.
Nước tiểu nặng mùi – triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs) làm cho nước tiểu có mùi hăng giống như mùi của hóa chất. Nguyên nhân là có sự xâm nhập của vi khuẩn E.coli trong niệu đạo và đường tiết niệu, sau đó chúng nhân nhanh theo cấp số nhân trong bàng quang và gây nhiễm trùng.
So với nam giới, nhiễm trùng tiết niệu ở phụ nữ thường hay xảy ra hơn vì niệu đạo của phụ nữ ngắn hơn. Tuy nhiên, đàn ông cũng dễ bị nếu bàng quang không thoát nước. Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể là dấu hiệu báo động của bệnh sỏi thận, tiểu đường hay phì đại tuyến tiền liệt, cần phải phẫu thuật. Vì thế, cần đi khám sức khỏe ngay khi thấy nước tiểu có mùi liên tục trong đôi, ba ngày.
- Hoàng Uyên theo FoxNews