Tháng 4-2017, lần đầu tiên có 10 học sinh câm điếc của Trường Tư thục Giáo dục Chuyên biệt Anh Minh (TP. Hồ Chí Minh) tham gia thi tốt nghiệp lớp 9 cùng các học sinh thuộc các trường phổ thông khác, trong đó có cả môn Anh văn, vốn là một môn học rất khó khăn đối với trẻ câm điếc. Kết quả có ba em tốt nghiệp loại giỏi, bảy em tốt nghiệp loại khá. Kết quả này đã làm những thầy cô tâm huyết với dự án dạy tiếng Anh cho trẻ khiếm thính Hear.Us.Now mừng đến rơi nước mắt.
Một dự án nhiều người cho là “bất khả thi”
Trên cả nước hiện có khoảng 2,6 triệu người khiếm thính hoặc có các khiếm khuyết về khả năng nghe nói, trong số đó có rất nhiều em bỏ học, thậm chí có những em chưa từng có cơ hội đến trường vì lý do khuyết tật. Bà Dương Phương Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Người khiếm thính (CED), Chủ tịch Liên đoàn Khiếm thính châu Á – Thái Bình Dương (APFHD) cho biết: “Ở Việt Nam, người khiếm thính còn chịu nhiều thiệt thòi, phần lớn học không quá lớp 5, do đó họ thường thiếu tự tin khi hòa nhập xã hội”. Quả thật, hệ thống giáo dục dường như đã “bỏ quên” các em khiếm thính. Trên toàn địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện mới có khoảng 15 trường chuyên biệt dành cho trẻ khiếm thính, trong đó hầu hết chỉ dừng ở bậc tiểu học, một vài nơi có mở thêm các lớp trung học nhưng không thường xuyên. Dự án Hear.Us.Now (H.U.N) ra đời với mong muốn trao cơ hội học tập bình đẳng và kỳ vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho trẻ em khiếm thính.
Lê Đình Hiếu, người sáng lập dự án H.U.N cho biết: “Khi tôi bắt đầu dự án này, nhiều người cho rằng tôi đang làm chuyện “bất khả thi”. Nhưng bản thân tôi lại nghĩ không có điều gì là không thể, chỉ cần có quyết tâm. Mẹ tôi cũng là một người khiếm thính nên tôi hiểu những khó khăn mà người câm điếc phải đối mặt hằng ngày. Hơn nữa, tôi đã thấy không ít người bị tàn tật vươn lên trong xã hội. Họ xứng đáng được trao quyền giáo dục bình đẳng và có một tương lai đáng mong đợi hơn”.
Năm 2014, Hiếu bắt đầu dự án H.U.N với ý tưởng về một chiến dịch truyền thông xã hội theo trào lưu photo-voice, theo đó mọi người truyền tải thông điệp về người khiếm thính qua các hình ảnh hoặc câu chuyện trên Facebook và các mạng xã hội khác. Mục tiêu là nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về câu chuyện của những người khiếm thính đang bị gạt ra bên lề xã hội. Thật không may, tất cả các nhà tài trợ đều từ chối đầu tư vì cho đây là dự án quá “viển vông” và dự án khó có thể đạt được mục tiêu kỳ vọng.
Đầu năm 2015, Hiếu và nhóm cộng tác viên đã cùng định hình lại dự án, là dạy Anh văn và Tin học cho trẻ em câm điếc từ 8-15 tuổi. Lần này, Hiếu không kêu gọi đầu tư mà chỉ tự bỏ tiền và tận dụng các mối quan hệ cá nhân cùng sự tình nguyện của bạn bè. Trái với sự hồ hởi của người sáng lập, lớp học đầu tiên khai giảng vào mùa hè năm 2015 chỉ có vài bé câm điếc đến học, mà các em đi học cũng không thường xuyên. Thực tế, cả cha mẹ các em cũng không tin rằng những đứa trẻ còn không nói được tên mình lại có thể học được ngoại ngữ…
Tất cả đều có thể nếu có niềm tin
Đến tháng 9-2015, Hiếu được tin tưởng giao trách nhiệm giảng dạy tiếng Anh và Tin học cho hai lớp ở Trường Tư thục Giáo dục Chuyên biệt Anh Minh. Có thể nói, Trường Anh Minh cùng những nhà hảo tâm đã nỗ lực duy trì chương trình cấp 2 dành cho các em câm điếc này. Để dạy học cho 30 học sinh, Hiếu đã tổ chức một đội ngũ khá chuyên nghiệp và đón nhận sự hồ hởi của nhiều tình nguyện viên trẻ tuổi. Đáng tiếc, không bao lâu sau, các tình nguyện viên bắt đầu cảm thấy mệt mỏi và xin nghỉ. Thực tế, một số em khiếm thính còn bị hạn chế về khả năng tiếp thu nên việc dạy học không hề dễ dàng. Ngoài ra, một số bạn tình nguyện viên chưa có kỹ năng dạy học và làm việc nhóm, nên dễ xảy ra bất đồng. Rồi Hoàng Đại Hưng, một giáo viên “kỳ cựu” nhất của dự án qua đời do đột quỵ, bỏ lại tình cảm yêu quý của các đồng nghiệp, cùng ý tưởng về việc dạy học cho các em câm điếc bằng video vẫn còn dang dở.
Thế nhưng dự án chưa bao giờ dừng lại, những người ở lại tiếp tục kiên trì với công việc đồng thời chào đón các thành viên mới. Từ người sáng lập đến các tình nguyện viên đều tất tả đến với các em khiếm thị ngay sau giờ tan sở. “Để có thể dạy một buổi kéo dài khoảng 90 phút, tôi thường mất đến vài giờ đồng hồ để soạn bài vì chưa có giáo án mẫu. Tôi cũng mất khoảng hai tháng mới đánh giá được mức độ tiếp thu và khả năng nhận thức, ghi nhớ của các em học sinh để đưa bài giảng theo phương pháp trực quan sinh động, dễ hiểu và đơn giản lên màn hình chiếu”, Phạm Hữu Thịnh, giáo viên dạy tiếng Anh cho các em lớp 9 nói. “Tuy thầy trò gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình giao tiếp nhưng các em lại rất ngoan và chăm học. Đó là lý do giúp tôi cố gắng vượt qua sự mệt mỏi để gắn bó với công việc. Nhờ kinh nghiệm làm trợ giảng ở Trung tâm Anh ngữ ILA mà tôi biết kha khá trò chơi tiếng Anh thú vị. Tôi thường lồng ghép các trò chơi tiếng Anh này trong bài học để các em khiếm thính học ngoại ngữ dễ hơn. Các em tham gia trò chơi rất tích cực, lại còn nhường điểm cho nhau. Một số buổi lên lớp, tôi còn được các em dúi vào tay một chai nước hay đĩa gỏi cuốn các em tự làm, thật dễ thương và ấm áp…”.
Tháng 7-2016, Hiếu nộp đơn cho Quỹ Narrow The Gap để biến ý tưởng của Hưng thành hiện thực. Chỉ hai tháng sau, ý tưởng này đã trở thành một trong ba dự án xuất sắc nhận số tiền tài trợ rất lớn. Và từ đây, một nền tảng giáo dục trực tuyến miễn phí cho 3 triệu người câm điếc Việt Nam đã ra đời. Mặt khác, dự án tiếp tục nhận được sự quan tâm và tài trợ của rất nhiều tổ chức và nhà hảo tâm như Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn, Chuyên gia Sơ cấp cứu người Úc Tony Coffey, Tiến sĩ Tâm lý Lê Thị Linh Trang. Đặc biệt, một bạn du học sinh tại Mỹ tên là Huỳnh Tuấn Quốc đã một mình nỗ lực vận động tài trợ từ bạn bè quốc tế, một khoản tiền 20 triệu để giúp dự án. Do đó, công việc dạy tiếng Anh, Tin học cho các em nhỏ ở Trường Anh Minh không những tiếp tục một cách suôn sẻ mà dự án còn thực hiện được những chương trình Huấn luyện Sơ cấp cứu, Trại Kỹ năng tự vệ, các buổi học Phòng chống xâm hại tình dục cho các em…
Sau ba năm đằng đẵng với niềm tin có phần mong manh, những em học sinh câm điếc đầu tiên của Trường Anh Minh đã thành công trong kỳ thi tốt nghiệp vào tháng 4-2017. Các em đã chứng minh được rằng khi niềm tin được lan tỏa thì con người sẽ làm được những điều phi thường. “Khi một vài người hỏi tôi về bí quyết dạy tiếng Anh cho trẻ câm điếc, tôi nói rằng hãy truyền cho các em niềm tin ở bản thân mình!” – Lê Đình Hiếu nói.
- Tường Lam