Lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN (AMM-45) đã không đưa ra được một tuyên bố chung. Nguyên nhân của việc này là bất đồng giữa các thành viên xung quanh việc đề cập đến quan điểm của các bên trong vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh cho biết, trong suốt quá trình trao đổi để xây dựng Thông cáo chung, các nước ASEAN đã hết sức nỗ lực, đóng góp xây dựng, tìm các công thức phù hợp nhất để phản ánh quan tâm chung của các nước thành viên và đã có nhiều cơ hội có thể đạt được đồng thuận và nhất trí chung.
Tuy nhiên, những nỗ lực tích cực, xây dựng nêu trên của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các cơ hội mở ra để đạt được đồng thuận đã bị bỏ lỡ. ViệtNamrất lấy làm tiếc về điều này.
Dù vậy, ViệtNamtin rằng dù không có Thông cáo chung của Hội nghị thì các quyết định đã có của ASEAN vẫn phải được nghiêm túc triển khai.
Hơn bao giờ hết, các nước ASEAN cần phải nêu cao trách nhiệm, duy trì và củng cố đoàn kết ASEAN, phát huy vai trò và đóng góp chủ đạo của ASEAN trong các vấn đề ưu tiên và thiết yếu của ASEAN và khu vực, nhất là về xây dựng cộng đồng; thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực; xây dựng môi trường hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác; tăng cường quan hệ với các đối tác; ứng phó hiệu quả với các thách thức đang nổi lên… vì hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển ở khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký quyết định bổ sung thêm Viện Biển Đông vào cơ cấu Học viện Ngoại giao Việt Nam. Như vậy, Học viện Ngoại giao nay có tổng cộng 17 đơn vị và Viện Biển Đông sẽ đi vào hoạt động từ 1-9 năm nay.
Việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Viện Biển Đông cũng như các đơn vị trực thuộc; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu Học viện Ngoại giao và các đơn vị trực thuộc được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Đây sẽ là cơ quan học thuật phụ trách nghiên cứu các vấn đề liên quan tới Biển Đông, nhất là trong lĩnh vực chủ quyền.