Không thể thành doanh nhân nhưng tôi vẫn ước mơ, những lúc phải củng cố hay dẹp bỏ mơ ước tôi thường hỏi làm doanh nhân sướng hay khổ. Và tôi quan sát họ từ hai vị trí: đứng ngoài nhìn vào và đứng ở vị trí của họ. Vậy đây là những gì tôi cảm nhận.
Họ là doanh nhân
Xin hãy xem họ đi lại. Ở sân bay, hãng hàng không có môt quầy vé dành riêng cho hạng business (chắc chắn phải là cho họ dẫu thiếu chữ “men”). Nơi đó không thấy ai phải chờ ai và trước mặt họ là nụ cười tươi tắn của cô tiếp viên xinh đẹp Nghe nói mua vé lọai ấy thì lúc nào cũng có. Khác hẳn với quầy dành cho những người như tôi, mình đi hạng “ít tiền” (economy), phải xếp hàng để đến lượt gặp cô tiếp viên. Thế cũng còn may vì có khi phải chịu cảnh mà người Mỹ gọi là bị “băm” (bump) tức là đã có chỗ nhưng có người ưu tiên hơn thế là mình bị sang vé chờ. Doanh nhân không “băm” người khác thì thôi chứ không bao giờ họ bị “băm”! Vào trong máy bay, ta sẽ đí qua khu vực dành cho họ trước. Ôi cha! Ghế của họ to đùng, rộng thênh thang, chỉ có bốn hàng. Dù có đi vòng quanh thế giới tới 480 ngày chắc họ vẫn khỏe. Thật khác hẳn với lọai dành cho mình có tới 10 ghế trong một hàng. Các hãng may bay cũng đáng quý lắm, họ gọi hạng mình là “xe ngựa” (coach). Vâng ta đi “xe ngựa”. Doanh nhân đi máy bay! Thảo nào nếu có quen thân một vị giám đốc công ty bạn sẽ được báo “Tôi sắp đi”. Mươi ngày sau có gọi lại thì được cô thư ký bảo: “Sếp đã về nhưng lại đi rồi!”
Bây giờ xin nghe họ. Là người sang – dân đi “đi máy bay” mà – nên lời nói của họ “có gang có thép”. Nó hiệu nghiệm lắm cơ. Nếu bạn đi vay ngân hàng BNP chẳng hạn mà không có tài sản thế chấp nhưng có bạn là doanh nhân quen biết với ngân hàng thì hãy nhờ bạn mình bảo lãnh. Anh ta ký tên, rồi viết vào văn kiện của ngân hàng ba chữ “bon pour aval” (nhận bảo lãnh) là BNP cho bạn vay ngay. Vài ba chục triệu như không! Chỗ thân quen nên không mất gì, chứ nếu thẳng mực tầu là phải trả phí bảo lãnh 2% đấy. Độ “gang thép của họ” có thể đo đạc được luôn. Mỗi chữ trị giá ít ra mười triệu đồng trở lên! Chưa hết! Khi nào bạn được một vị giám đốc mời đến bàn công việc, nếu ông bận chưa ra tiếp được ngay thì sẽ có người bưng ra nào nước, nào khăn, nào quả liên tục. Bạn tình thực mà bảo rằng không phải làm như thế vì chỗ quen biết thì người phụ trách sẽ nói: “Dạ, sếp bảo phải làm vậy”. Giám đốc ở đâu chưa thấy, nhưng lời nói của ông hiển hiện ở đây.
Họ là “nhân doanh”
Nhìn sơ từ ngoài vào họ là như thế. Đứng ở vị trí họ thì thấy gì? Đến đây, để cho rành mạch cực kỳ, tôi xin đảo từ “doanh nhân” sang “nhân doanh”. Nếu “doanh nhân” sướng như thế kia thì “nhân doanh” là mặt đối lập với những cái … khổ.
Doanh nhân thì từ thưở hàn vi đã là người chịu khó, chắt chiu, và khi giầu thì sẵn sàng nhường người khác một bước để giao dịch lâu dài. Họ lấy thiên nhiên làm ra sản phẩm, đem sức người tạo nên dịch vụ. Với họ kiếm một trăm trịệu đồng lúc đầu thì khó, chứ vài tỉ sau này lại dễ. Thiên hạ cứ tìm cách đưa tiền cho họ để hy vọng “ ngồi mát ăn bát vàng”.
Lời họ có gang có thép bởi vì họ có uy tín. Uy tín buộc họ phải nỗ lực liên tục: trước kia – bây giờ – và sau này. Tạo uy tín không dễ. “Nhân doanh” phải giữ lời để không làm người khác thất vọng, phải công bằng với chính mình để không trở thành tham lam, phải chấp nhận mất mát nếu người dưới làm sai. Càng thành công, nhân sự dưới quyền càng đông, cường độ giữ uy tín càng căng. “Nhân doanh” miệng cười nhưng lòng lo. Bạn cứ hỏi đi, không có “nhân doanh” nào không nợ nần tiền bạc ai. Họ đứng trên đống nợ. Cũng may họ cũng là chủ nợ. Thành ra nhiều khi “nhân doanh” đi ngủ mà còn phải cân đối số có và số nợ trong đầu. Con số khô khan che mất bà vợ tươi tắn!
Để duy trì uy tín họ bị buộc phải có mặt ở nhiều nơi; không thể hiễn hiện trước các đối tác Đông Tây chỉ bằng lời nói. Vậy là họ phải đi và về. Thới giờ là tiền bạc nên đi máy bay là bắt buộc. Nếu phải đi nhiều, đi dài, mà đi “xe ngựa” chắc họ sẽ chẳng thọ lâu. Tài cán thế mà để họ chết sớm ư? Không thể được. Ay là mệnh lệnh của trời đất truyền đạt qua đầu óc của các ông chủ hãng máy bay. Phải dành cho họ thảm đó dưới chân, nụ cười trước mặt. Tiếc rằng lúc nào cũng vội nên chưa chắc họ đã nhìn thấy nụ cười rât xinh vì “đã sử dụng dịch vụ của hãng chúng tôi.”
“Nhân doanh” không chỉ có một mình. Người thành công thường là đã có gia đình. Có thế mới có thể “tát cạn Biển Đông” và thành doanh nhân chứ. Nhưng nếu đi họp nhiều. bận ký kết lâu thì “nhân doanh” trở thành Ngưu Lang còn bà vợ bị ép trở thành Chưc Nữ. Ra đến nước ngòai họp hành hay ký kết thì thực ra là đi từ khách sạn (cái phòng hình vuông của mình) đến trụ sở của đối tác (một cái phòng hình chữ nhật). Thành ra họ di chuyển giữa cái hình vuông và hình chữ nhật. Đi lại và ăn ở như thế, dân Mỹ bảo “sống trong một cái hộp”. Chẳng vui gì nhưng không thể ngưng được. Sau lưng “nhân doanh” là cả trăm nhân công chính, ngàn người ăn theo phụ. Để những nguời kia bị túng thiếu vì mất hợp đồng ư? Uy tín không cho phép làm. Thế là tiếp tục ngồi trên lưng cọp! Nếu bạn có hỏi những doanh nhân thành công nhất rằng mối lo của họ là gì thì ai cũng bảo ấy là nhân công; vì nếu chỉ cho họ và gia đình thì ngồi không ăn đến vài đời không hết. Vậy là vợ con họ … biến! Giữa họ, với vợ, với con tất cả biến thành những cái điện thọai di động mà càng ngày càng nhỏ. Em đấy ư? Con đây bố !
Vào thời “ngày đó chúng mình” chắc bà xã họ không hề nghĩ rằng mình sẽ sánh duyên với một … cái điện thọai nhỏ xíu!