Có những cuộc ăn trưa để bàn chuyện làm ăn, nhưng đây là những cuộc ăn trưa chuyện trò thoải mái và thân tình về cuộc sống hàng ngày của những nhân vật mà bạn có thể quan tâm. Câu chuyện mở đầu cho chuyên mục này diễn ra ở Café Central tại Cao ốc Sunwah – 115 Nguyễn Huệ, nơi người được hỏi chuyện từ trên văn phòng của mình tại lầu 5 đi xuống dùng bữa trưa thường ngày. Như anh nói, ăn xong là trở lại bàn làm việc, không la cà đâu khác!
“Xin lỗi, cho mình hỏi chuyện bạn Hải Đông trước”. Vừa ngồi vào ghế, Phạm Phú Ngọc Trai – Tổng giám đốc Pepsi Việt Nam quay sang bắt tay người phóng viên ảnh là con trai của cố họa sĩ Chóe. Anh trầm ngâm: “Mình biết anh Chóe, hôm đám giỗ anh Trịnh Công Sơn, anh Chóe có vẽ một bức ký họa với lời ghi “Hẹn gặp lại”. Thế mà không ngờ anh Chóe ra đi nhanh quá…”. Tôi chợt thấy trong mắt người đàn ông này ánh lên nỗi buồn “một cõi đi về”, khác hẳn sự trẻ trung, yêu đời thường thấy ở anh.
—
Có phải là tổng giám đốc một công ty lớn, anh luôn thấy bận rộn suốt ngày?
Anh Trai cho biết đã “vào nghề” giám đốc gần 12 năm. Trước đây, lúc nào anh cũng thấy bận rộn, thấy chưa hài lòng với những việc đã làm, thấy phải làm việc nhiều hơn, phải dành hết thời gian cho công việc. Nhưng rồi những năm gần đây, anh cười: “Tôi thấy phải stop lại, cố gắng làm việc mỗi ngày đúng 8 tiếng, không hơn. “Hard working không có nghĩa là hiệu quả, là tốt đâu”. Quan trọng là nếu biết tổ chức công việc, từ giám đốc đến nhân viên đều có thể làm việc đạt được năng suất cao trong đúng 8 tiếng”.
—
Họp hành vốn là chuyện nhiều giám đốc thường than vãn mất thời gian quá nhiều, làm sao anh tránh khỏi?
Anh Trai cho biết ở công ty anh không có chuyện họp tràn lan. Đầu giờ mỗi sáng, tổng giám đốc chỉ mất 15 phút để triển khai những công việc cần lưu ý cho thư ký. Còn giám đốc các bộ phận dĩ nhiên đã có công việc của mình. Tổng giám đốc chỉ dành thời gian làm việc với các bộ phận theo các dự án đang triển khai. Mỗi tháng một lần, tùy tình hình, tổng giám đốc tham dự một cuộc họp giao ban chung các bộ phận (Operation report). Sau đấy có một cuộc họp riêng với các giám đốc (Direct report). Hai tuần một lần, các giám đốc có một cuộc họp với tổng giám đốc qua điện thoại hoặc điện thoại truyền hình (video conferencing). Cũng hai tháng một lần, với một công ty hoạt động đa quốc gia như Pepsi, tổng giám đốc phải dự giao ban với các tổng giám đốc của các nước khác bằng phương thức như trên.
—
Vâng, như thế muốn họp ít, tổng giám đốc không làm thay công việc các bộ phận, thế nhưng tổng giám đốc có quyền quyết định ngay tức khắc không? Với anh, quyết định nào phải cân nhắc nhiều nhất?
Anh Trai cho biết, tổng giám đốc là người có đủ quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Với Pepsi, tổng giám đốc công ty ở Việt Nam có đủ quyền quyết định những vấn đề ở thị trường Việt Nam. Trước khi ra quyết định, tổng giám đốc có thể tham khảo ý kiến cấp dưới nhưng vẫn là người có ý kiến quyết định cuối cùng. Quyết định phải cân nhắc nhiều nhất, suy nghĩ căng thẳng nhất chính là những gì liên quan đến cạnh tranh, ví dụ thay đổi một nội dung quảng cáo, giảm giá… Hoặc phải xử lý một tình huống khủng hoảng (thiên tai…).
—
Thế còn cho nghỉ việc cấp dưới nếu có sai phạm?
Buộc phải làm ngay, nhất là với những trường hợp vi phạm chính sách công ty, sau khi các bộ phận trình bày rõ chứng cứ và các khía cạnh liên quan về chính sách công ty, luật pháp, công đoàn…
Quả thật họp ít nhưng điều hành kỹ lưỡng, công ty hoạt động có nề nếp là phương thức hoạt động đúng giúp cho các giám đốc khỏi nhức đầu! Thoát khỏi sự vụ linh tinh, công việc của tổng giám đốc chủ yếu là tập trung cho việc hoạch định chiến lược và hoạt động giao tiếp.
—
Mỗi tuần anh có bao nhiêu cuộc đi ăn trưa, ăn tối vì lý do công việc, kể cả cuộc ăn trưa phỏng vấn này?
Ồ, có lẽ hiện nay chỉ khoảng 20-30%, giảm rất nhiều so với trước kia!, anh cười, tặc lưỡi.
—
Thế nhưng bản thân anh giao tiếp rất rộng, chẳng hạn giới nghệ sĩ, người đẹp, anh có phân biệt đâu là vì công việc, đâu là vì sở thích cá nhân?
Ngành nghề của tôi đòi hỏi phải giao tiếp nhiều với những celebrity (những người danh tiếng). Vì công việc, tôi thường gặp gỡ họ trong những cuộc tiếp tân, những sự kiện ra mắt sản phẩm, những tour quảng bá v.v… Tuy nhiên, tôi vẫn có sở thích của mình, thích ai thì chơi, không coi đó là phương tiện trong kinh doanh!
Vì công việc nên không tránh khỏi chuyện phải gặp gỡ các ngôi sao. Có điều phải biết cách chứ không phải vì ngại mà thôi giao tiếp.
—
Anh có ngại là một doanh nhân xuất hiện nhiều bên cạnh các “ngôi sao” thì dễ gây ra “scandal”?
Anh cười ý nhị: “Tôi cũng ngại chứ, nhưng vì công việc nên không tránh khỏi chuyện phải gặp gỡ các ngôi sao. Có điều phải biết cách chứ không phải vì ngại mà thôi giao tiếp. Tuy nhiên sự giao tiếp chỉ xảy ra trong phạm vi cần thiết của công việc và không vượt ra giới hạn đó.
Trong gia đình anh, cháu trai đã tốt nghiệp đại học, tiếp tục nối nghiệp bố. Còn cháu gái 18 tuổi – Quỳnh Như vừa trúng tuyển trường Luật thuộc Viện Đại học quốc gia Singapore (NUS). Cháu là người Việt Nam đầu tiên và cho đến nay là người duy nhất trúng tuyển trường này. Anh Trai luôn cố gắng mỗi tuần đều có ít nhất 2-3 bữa ăn cơm chung cả nhà. Dù công việc, sự nghiệp bận đến đâu, anh cũng dành được thời gian cho gia đình, con cái. Và dù cuộc sống đầy đủ nhưng gia đình luôn uốn nắn các cháu từ nhỏ đức tính cẩn thận, tiết kiệm, ví dụ ra khỏi phòng phải tắt đèn, tắt quạt. Phần thưởng cho con cái không mang giá trị vật chất là chính yếu. Nếu có, chúng tôi chỉ thưởng cho các cháu những phương tiện phục vụ cho học tập.
—
Bước vào tuổi 50, anh còn ước mơ nào khác?
Anh tư lự một thoáng: “Kể ra, còn nhiều điều tôi hằng ước mơ nhưng chưa thực hiện được. Tôi mê chụp ảnh, thích vẽ, quan tâm đến báo chí, công tác xã hội, thể thao, làm phim, làm sách. Đặc biệt, tôi mong muốn sẽ được đóng góp trong công việc đào tạo. Tôi thích được tham gia làm một ngôi trường đào tạo những nhà quản trị chuyên nghiệp. Đến một lúc nào đấy, không xa, tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn cho những yêu thích này!”.
Tôi mê chụp ảnh, thích vẽ, quan tâm đến báo chí, công tác xã hội, thể thao, làm phim, làm sách. Đặc biệt, tôi mong muốn sẽ được đóng góp trong công việc đào tạo.
—
Thỉnh thoảng lại nghe có dư luận nói anh sẽ thôi làm tổng giám đốc ở Pepsi để đổi sang công ty khác. Chuyện ấy có đúng không?
Anh trả lời rất nghiêm chỉnh: “Tôi yêu nghề đã có, nhưng đôi lúc cũng nghĩ đến những cơ hội hiểu biết các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, trước mắt tôi chưa muốn chuyển đi đâu!”
Một ngày làm việc bình thường của Phạm Phú Ngọc Trai (không kể những lúc phải đi các địa phương khác hoặc nước ngoài).
– 6-8h00 sáng: Thức dậy, tập thể dục, đọc qua các nhật báo (luôn đặt báo đến nhà trước 6h30), đi làm.
– 8h00: Đến sở, mở máy check e-mail, làm việc với thư ký.
– 9-12h30: Làm việc nghiên cứu, hội họp, giao tiếp.
– 12h30-14h00: Ăn trưa.
– 14h00-18h00: Tiếp tục làm việc tại sở hoặc ở bên ngoài.
– Thứ Bảy, Chủ nhật: Đi đánh tennis hoặc đánh golf, đi chơi với gia đình.
Thực đơn ăn trưa: Một bánh sandwich kẹp thịt kiểu Ceasar + một lon nước Pepsi diet, tốn hết 50.000 đồng