Nói đến cách mạng công nghiệp 4.0 phải nhắc tới Cloud (điện toán đám mây), IoT (internet vạn vật), Big Data (dữ liệu lớn), AI (trí tuệ nhân tạo). Trong đó, Cloud là nền tảng dưới cùng, như móng nhà để các ứng dụng còn lại hoạt động.
AI, IoT, Big Data muốn chạy được và thể hiện thế mạnh công nghệ đều phải có điện toán đám mây làm hạ tầng. Xu hướng sản xuất số lượng lớn và cá thể hóa của cách mạng công nghệ 4.0 đòi hỏi những phép tính toán lớn, nhanh và kịp thời. Đây chính là ưu thế của Cloud.
Năm 2018, Việt Nam đạt 41/100 điểm và trở thành nước đứng thứ 14 trong bảng xếp hạng về độ phủ dịch vụ Cloud. Trước đó, mức tăng chi tiêu cho điện toán đám mây ở Việt Nam giai đoạn 2010-2016 là 64,4% – cao nhất ASEAN. Điều này cho thấy mô hình Cloud đang trở nên phổ biến và bắt đầu chiếm ưu thế hơn so với mô hình công nghệ thông tin truyền thống.
Tuy nhiên, trong phát biểu tại hội thảo Điện toán đám mây, nền tảng cho cách mạng công nghiệp 4.0 do Viettel IDC tổ chức ngày 16-7-2018, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Viettel IDC cho biết về con số tuyệt đối, mức chi tiêu cho điện toán đám mây của Việt Nam vẫn còn rất thấp, chỉ đạt 1,7 USD/năm 2016, thấp hơn 107 lần so với Singapore; 6,5 lần so với Malaysia; 2,4 lần so với Thái Lan và 1,3 lần so với Philippines.
Trong vài năm gần đây, điện toán đám mây luôn được ưu tiên lựa chọn bởi các doanh nghiệp mới thành lập hoặc triển khai hệ thống phần mềm mới, song nhìn chung, việc chuyển đổi từ một ứng dụng chạy trên server vật lý lên Cloud tại Việt Nam vẫn còn chậm.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, số lượng đơn vị cung cấp dịch vụ Cloud ở Việt Nam hiện chưa tới mười doanh nghiệp. Để cung cấp dịch vụ Cloud đúng nghĩa, chất lượng tốt, doanh nghiệp phải đầu tư rất lớn và bài bản vào hạ tầng, nhân sự. Về bản chất, dịch vụ Cloud là tài nguyên máy chủ lớn được đầu tư rồi chia sẻ cho các khách hàng dùng chung nhằm tối ưu hiệu quả sử dụng.
Chỉ một số doanh nghiệp lớn trong ngành mới có đủ tiềm lực tài chính để có thể đầu tư hạ tầng lớn như yêu cầu. Ngoài ra, việc nghiên cứu, phát triển cũng như duy trì bộ máy nhân sự kỹ thuật chuyên nghiệp, vận hành dịch vụ 24/7 cho khách hàng là thách thức lớn đối với nhà cung cấp.
Giám đốc Viettel IDC cho rằng so với doanh nghiệp nước ngoài, các nhà cung cấp Cloud trong nước hiện có lợi thế khá mạnh về hạ tầng, tổng chi phí thuê dịch vụ hằng tháng, chăm sóc tư vấn khách hàng. Viettel IDC dự báo, trong 2-3 năm tới, điện toán đám mây sẽ thực sự bùng nổ và trở thành một nhân tố quan trọng cho việc phát triển cách mạng 4.0 ở Việt Nam.
Bên cạnh đối tượng khách hàng doanh nghiệp lớn và Chính phủ, hiện Viettel IDC đang hướng tới hơn 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Việc ứng dụng Cloud có nhiều lợi ích trong việc tối ưu chi phí và hiệu quả sử dụng, thời gian triển khai nhanh chóng so với mô hình công nghệ thông tin truyền thống.