Tại một hội nghị vừa diễn ra tuần qua, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực – thực phẩm TP.HCM cho biết trở ngại lớn nhất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước khi tiếp cận với các hệ thống phân phối bán lẻ – siêu thị là rất khó chào hàng các sản phẩm mới.
Nguyên nhân nằm ở chiết khấu mà các siêu thị đưa ra thường ở mức 15 – 25%, như vậy để có lời các doanh nghiệp sẽ phải đẩy giá cao hơn so với bên ngoài dẫn đến hàng hóa giảm sức cạnh tranh.
Theo ước lượng của các chuyên gia tại diễn đàn Nông dân quốc gia tổ chức tại Hà Nội ngày 14-10-2018, hiện nay tỷ lệ nông sản sạch sản xuất trong nước vào các siêu thị và chuỗi bán lẻ chỉ chiếm từ 7 – 10%, khá khiêm tốn so với năng lực sản xuất của Việt Nam. GS-TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) cho rằng nông sản Việt không tham gia được vào chuỗi, hệ thống phân phối lớn là do chất lượng, mẫu mã cũng như tính ổn định của sản phẩm Việt rất hạn chế.
Về vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết thêm: bên cạnh yếu kém ở khâu sản xuất, lý do quan trọng khác là do sự thiếu trách nhiệm, chèn ép của đơn vị phân phối khi đưa ra mức chiết khấu cao với các nhà cung ứng. Mức chiết khấu 25% cộng với những chi phí bất hợp lý khác là quá cao, ngoài khả năng của nhiều nhà cung ứng.
“Tôi là người mở siêu thị đầu tiên ở Hà Nội, hàng hóa chỉ cần 30 phút kiểm tra là vào được siêu thị chúng tôi với mức chiết khấu bình quân 12,8% nhưng nhiều siêu thị có doanh số bán lớn thường gây sức ép cho nhà cung ứng bằng chiết khấu cao. Ví dụ, 10 đơn vị muốn gửi rau vào siêu thị thì chỉ 1-2 đơn vị đủ khả năng. Đó là chưa kể tình trạng chậm thanh toán nhằm chiếm dụng vốn. Điều này là một báo động cho khâu phân phối. Nếu không cải thiện sẽ làm triệt tiêu nhuệ khí của nông sản Việt”, ông Vinh Phú nhận xét.
Một số chuyên gia khác tại diễn đàn cho rằng, để giải quyết những bất cập trong việc đưa nông sản vào siêu thị nói riêng, giải quyết nút thắt trong khâu phân phối hàng hóa nói chung tại Việt Nam, điểm quan trọng là cần luật hóa khâu phân phối. Hiện nay, Thái Lan đã có quy định trong phân phối nông sản để bảo đảm nông dân được hưởng 70% lợi nhuận, Việt Nam có thể học hỏi cách làm của họ.
Ngoài ra, việc hình thành hệ thống chợ đầu mối, sàn giao dịch nông sản để đảm bảo mua bán được công khai, minh bạch, quản lý an toàn thực phẩm cũng rất cần kíp. Song song đó cần có biện pháp hỗ trợ dự trữ nông sản, bảo quản sau thu hoạch, đi đôi với việc phát triển nhanh hệ thống thương mại hiện đại, hạn chế và tiến tới chấm dứt những hình thức độc quyền của thương mại bán lẻ, cần quan tâm tới xây dựng, cải tạo và phát triển các chợ dân sinh, là nơi hiện nay vẫn tiêu thụ tới 80% hàng hóa nông sản.