Việc lãi suất liên ngân hàng “nổi sóng” trong tuần qua vẫn mang tính ngắn hạn và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn có đủ các công cụ bơm/hút vốn (hạ lãi suất cho vay OMO, giảm lượng phát hành tín phiếu) nhằm điều tiết thanh khoản ngân hàng ở mức hợp lý trong cân đối với mục tiêu ổn định của tỷ giá.
Lãi suất liên ngân hàng “nổi sóng”
Thị trường tiền tệ liên ngân hàng những phiên cuối tuần qua đang cho thấy biến động khá lớn. Cụ thể, lãi suất trên thị trường này tăng mạnh trong hai ngày 23 và 24-10, đặc biệt ở nhóm kỳ hạn ngắn. So với ngày 22-10, lãi suất qua đêm phiên ngày 24-10 nhảy vọt lên 4,44%/năm, tăng 1,12 điểm phần trăm.
Tuy nhiên, khối lượng giao dịch kỳ hạn qua đêm đã thu hẹp lại đáng kể, chỉ bằng khoảng một nửa thông thường (hơn 7.300 tỉ đồng). Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn hai tuần thậm chí còn tăng nhanh hơn (+1,17%) lên mức 4,73%/năm, cao hơn lãi suất kỳ hạn một tháng. Hiện chênh lệch giữa lãi suất VND và USD đang dao động từ 2 – 2,5% – một mức tạm coi là khá an toàn đối với sự ổn định của tỷ giá.
Rất có thể việc lãi suất liên ngân hàng tăng cao cũng đã nằm trong chủ đích của nhà điều hành, nhất là trong bối cảnh đồng nhân dân tệ (CNY) đã giảm khá mạnh trong tuần qua. Tỷ giá USD/CNY hiện đã tăng lên quanh mức 6,96 CNY/USD, vượt mức đỉnh thiết lập hồi trung tuần tháng 8 vừa qua, đồng thời cũng là mức cao nhất kể từ phiên 4-1-2017. Đỉnh lịch sử của cặp tiền tệ này là hơn 6,98 CNY đổi 1 USD và giới hạn đỏ tiếp theo được giới chuyên gia đánh giá sẽ là 7 CNY đổi 1 USD.
Trái ngược với xu hướng mạnh lên của đồng USD, tỷ giá VND/USD bán ra tại các ngân hàng thương mại trong nước tuần qua vẫn khá ổn định, quanh mức 23.400 VND/USD bất chấp tỷ giá trung tâm liên tục được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng nhẹ. Tỷ giá trung tâm hiện lên mức đỉnh 22.723 VND/USD từng thiết lập hôm 9-10. Với biên độ 3%, giá USD được phép giao dịch cao nhất là 23.405 đồng.
Ngoài ổn định tỷ giá, lãi suất liên ngân hàng tăng cũng có thể đến từ nhu cầu vốn của các ngân hàng, nhất là trong dịp kinh doanh cao điểm cuối năm với nhu cầu đi vay chuẩn bị mùa Tết Nguyên đán tăng cao. Một biến động đáng chú ý trong hai ngày giữa tuần qua là lượng đi vay trên thị trường mở (OMO) đã tăng đột biến lên tới 31.000 tỉ đồng. Thống kê của NHNN cho biết, 16.999,9 tỉ đồng đã được bơm ra nền kinh tế sau khi NHNN mua kỳ hạn bảy ngày các giấy tờ có giá từ 10 ngân hàng hôm 25-10.
Trước đó, vào 24-10, đã có chín ngân hàng đi vay 14.000 tỉ đồng thông qua cách thức này. Khoản vay bảy ngày trên OMO phải chi trả lãi suất 4,75%/năm – khá đắt đỏ nên thường chỉ được sử dụng để hỗ trợ thanh khoản nhất thời. Do vậy, diễn biến trên cho thấy có thể cục bộ ở một vài ngân hàng nhiều khả năng đã gặp khó khăn về thanh khoản nên cần nhờ đến nguồn vốn trên.
Cân đối mục tiêu ổn định tỷ giá
Cú hích bất thường của lãi suất liên ngân hàng những ngày qua có thể là hiện tượng nhất thời xuất phát từ sự tăng giá nhanh của đồng USD trên thế giới. Tuy nhiên, một xu hướng không thể phủ nhận là mặt bằng lãi suất đã tăng trở lại, lan tỏa từ thị trường liên ngân hàng đến thị trường dân cư hay thị trường trái phiếu. Lãi suất huy động trên thị trường dân cư cũng được nâng lên trong hai tháng gần đây và trở lại mặt bằng hồi cuối năm 2017, ngay cả ở các ngân hàng nhóm Big 4.
Trên thị trường trái phiếu sơ cấp, lãi suất huy động vốn cũng đã được Kho bạc Nhà nước nâng lên. Như trong phiên đấu thầu hôm 24-10, lãi suất trúng thầu kỳ hạn năm năm đã tăng thêm 0,1 điểm phần trăm so với tuần liền trước. Nhưng các ngân hàng vẫn kỳ vọng cho vay Chính phủ với mức lãi suất cao hơn. Giá trị trái phiếu kho bạc nhà nước phát hành thành công chỉ bằng 45% lượng chào bán dù các thành viên thị trường vẫn đặt thầu gấp 3-4 lần.
Mặc dù vậy, theo quan sát của người viết thì về tổng thể, mức tăng của lãi suất huy động vẫn còn khá khiêm tốn, chưa có bất cứ biểu hiện nào của một cuộc chạy đua. Ở nhiều kỳ hạn, lãi suất vẫn còn thấp hơn cùng kỳ năm trước, hoặc thay đổi chỉ 0,1%/năm, nhỉnh một chút ở vài kỳ hạn cục bộ. Điểm cần chú ý ở lãi suất ngân hàng hiện nay là ở lãi suất không kỳ hạn.
Vài năm trước, nhiều ngân hàng thương mại còn áp lãi suất tiền gửi VND không kỳ hạn ở mức 0,5%/năm. Nhưng nay, lãi suất đó tại những ngân hàng lớn trên chỉ còn 0,1%/năm, tức giảm rất mạnh so với những năm trước. Với nhiều ngân hàng thương mại hiện nay, lượng tiền gửi không kỳ hạn đã tăng khá nhanh, từ mức 10% cơ cấu vốn huy động khoảng năm năm trước hiện đã tăng lên mức 17 – 20%, thậm chí đạt tới 25 – 20%.
Với ngân hàng, tỷ trọng gia tăng nhanh trong khi chi phí giảm mạnh như trên (lãi suất phổ biến ở mức 0,5%/năm trước đây giờ chỉ còn 0,1%/năm), tiền gửi không kỳ hạn trở thành tài nguyên quan trọng trong cân đối nguồn, chi phí hoạt động và cạnh tranh lãi suất cho vay. Về tổng thể, bất chấp những biến động khó lường của thị trường tài chính thế giới trong các phiên gần đây, nhìn chung lãi suất VND và tỷ giá USD/VND đến nay vẫn tương đối ổn định.