Gặp anh ngay tại Bình Quới, giữa một vùng sông rạch đan xen, đúng vào ngày khánh thành bức tượng nhà văn Sơn Nam. Anh say sưa nói về du lịch đến quên cả thời gian. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi đầy ắp tiếng cười…
Chỉ vào đám dừa nước ven sông, những món ẩm thực sông nước được bày bán trên ghe và bát nước sâm nấu bằng rễ cây… nhà văn Sơn Nam tỏ ra rất đắc ý: “Khoai lang nướng mà dân xúm nhau ăn ngon lành, ông kinh doanh thế là giỏi, nên mới “ngồi lâu” như thế trong ngành du lịch chứ (cười)… Giữ được vùng đất đậm chất văn minh sông nước ngay tại Sài Gòn này không phải dễ, bởi ở đây tấc đất tấc vàng…
Môi sinh còn là văn hóa còn. Du lịch Sài Gòn mà làm khách sạn tuốt tận Phú Quốc, Vịnh Hạ Long… Xem ra đây là công ty du lịch lớn nhất Việt Nam…”. Còn anh Cao Lập, Giám đốc khu du lịch Bình Quới “bỏ nhỏ” với tôi: “Không có anh Hai, không thể có Bình Quới, cũng nhờ anh dám quyết, dám làm, nên mới giữ được vùng đất này. Sắp tới anh đang chỉ đạo mở rộng ra hai bên bờ sông và cải tạo lại khu du lịch Văn Thánh thành điểm du lịch văn hóa ba miền, có hát bội, hát bài chòi, hát dân ca…”.
Không như những lời khen tặng của nhà văn Sơn Nam và đồng nghiệp, anh rất ít khi nói chữ “được” trong câu chuyện về du lịch mà chỉ nói toàn “chưa được”, “mới bắt đầu”, “còn nhiều việc phải làm lắm”… Không phải người lãnh đạo nào cũng dám nhìn vào sự thật như anh.
____
Thưa anh, vì sao anh quyết định mời nhà văn Sơn Nam làm cố vấn văn hóa trọn đời cho Du lịch Sài Gòn?
Chúng tôi muốn nhờ ông giúp để tạo ra những sản phẩm du lịch mới, xây dựng cho được những hình ảnh của văn hóa phương Nam, vừa hiện đại, vừa dựa trên đời sống văn hóa, sinh thái của phương Nam. Hình thành vườn tượng danh nhân văn hóa tại đây cũng là ý hướng muốn gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của các bậc danh nhân trong du lịch.
Nhà văn Sơn Nam đã tham gia cùng du lịch trong Lễ hội Đất Phương Nam nhân kỷ niệm Sài gòn 300 năm và từ đó ngành du lịch Sài Gòn luôn theo dõi, nghiên cứu, sáng tác cùng chú những ý tưởng về du lịch sinh thái, ẩm thực, du lịch sông nước, đờn ca tài tử Nam bộ… Nét văn hóa Nam bộ vùng miền Tây rất phong phú và đặc thù, như chợ nổi trên sông, sinh hoạt đờn ca tài tử trên ghe, đám cưới Nam bộ, lễ hội Kỳ Yên… Phải chú ý để nâng cho được ý tưởng văn hóa truyền thống đó, mới có thể trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn…
____
Anh nghĩ gì về sản phẩm du lịch hiện nay của Việt Nam nói chung và SaiGonTourist nói riêng? Nhất là sản phẩm du lịch văn hóa?
Sản phẩm du lịch của ta so với một số nước phát triển chưa bằng, những sản phẩm sinh thái mới chỉ dựa vào những gì sẵn có của tự nhiên, chưa tạo được sự hấp dẫn bằng các dịch vụ kèm theo, điều này phụ thuộc vào quản lý. Phải có kiến thức nhiều về lễ hội, khai phá thiên nhiên, học hỏi thế giới để người ta giúp mình, phát huy văn hóa ở một đỉnh cao mới trong du lịch, đưa lên thành hình ảnh độc đáo mới thắng được người ta.
Đi một số nước, còn rất nhiều điều tôi băn khoăn, cách thể hiện văn hóa, văn nghệ trong hình thức sân khấu hóa của ta chưa làm được như Lào, như Thái Lan. Còn Trung Quốc thì khỏi nói, như Thẩm Quyến chẳng hạn, tour văn hóa đầy hết, tha hồ mà bán vé ăn, vé coi, vé tour… Tôi đi từ Bắc chí Nam, chưa thấy một chương trình văn hóa dân tộc nào hiện đại, hoành tráng, mang tính xác thực, có chủ đề, thu hút từ 5-10 ngàn người…
Chúng ta có làm, nhưng làm chưa “ra”, chương trình nghệ thuật thì gò ép về ý tưởng, chưa hòa nhập được với đặc thù của từng vùng, miền… Các cơ quan chức năng của ngành văn hóa phải có suy nghĩ để hình thành những tour du lịch văn hóa buổi tối, chứ hiện nay, khách du lịch chẳng biết đi đâu, xem gì vào buổi tối. Làm sao suy nghĩ, đầu tư, khai thác và quảng bá được cái này còn đau đầu lắm. Mình nói là hoành tráng, mà không hấp dẫn được du khách là thua.
Làm sao chuyển văn hóa phi vật thể trở thành những hình ảnh sống động có nét đặc trưng? Ngay cả Đầm Sen cũng làm chưa ra một khu du lịch sinh thái, quy hoạch theo kiểu công viên là hỏng. Rừng nguyên sinh mình có, thú hoang mình có, nhưng làm thế nào để tái hiện như thật như khu rừng thú hoang ở Xibêri? Đó vẫn là một dấu hỏi lớn…
____
Cũng đã có những đánh giá khác nhau về số lượng du khách, giữa những con số được báo cáo và lượng khách du lịch thực sự có chênh nhau. Anh có nghĩ như vậy không?
Về số lượng, độ chính xác chỉ là tương đối, vì khách biên giới, khách Việt kiều về thăm gia đình, khách buôn bán sáng qua chiều về… chiếm cũng mấy trăm ngàn… nên hiệu quả thu lại không cân xứng. Đó mới chỉ là con số khách quốc tế vào Việt Nam, chứ chưa phải là con số khách du lịch. Khách du lịch vào Việt Nam hiện nay chưa cao.
Sản phẩm du lịch của ta so với một số nước phát triển, chưa tạo được sự hấp dẫn bằng các dịch vụ kèm theo, điều này phụ thuộc vào quản lý
____
Nghĩa là trong du lịch vẫn còn bệnh thành tích?
Làm du lịch là phải quảng bá, nếu nói mang bệnh thành tích đậm thì chưa đâu. Vì du lịch là loại hình phải làm theo diện rộng, thổi những nét mới hấp dẫn lên. Nhận định của tôi là phải làm quảng bá cho rộng, cho xôm lên nữa. Mặt này mình làm chưa tốt.
____
Theo nhận định của anh, xu hướng trở về với châu Á, với du lịch môi trường, văn hóa đang nở rộ, Việt Nam đã thực sự chuẩn bị và khai thác có bài bản về xu hướng này?
Thực sự theo ý nghĩ cá nhân tôi, chúng ta khai thác chưa tốt, chuẩn bị chưa bài bản, chu đáo, còn mang tính cạnh tranh nhất thời, tự phát, chưa có quy hoạch tổng thể, nên bị xé lẻ. Quy hoạch chưa có tầm cỡ, quy mô lâu dài, mà mang tính chất nôn nóng, chạy theo những nhu cầu kinh tế, đời sống trước mắt…
____
Sau này chúng ta sẽ phải trả một giá đắt về việc này?
Đương nhiên rồi! Tới một giai đoạn nào đó hiệu quả về cạnh tranh sẽ bị thua kém. Ví dụ văn hóa trong đám cưới của mình chẳng hạn, còn rất thấp. Thời điểm này nhu cầu ăn uống là chính, nhưng tới một lúc đời sống nâng cao thì thưởng thức tinh thần, nghỉ ngơi là rất lớn. Phải hình dung văn hóa trong tiệc cưới của 5-10 năm nữa, như một số nước châu Âu vậy đó, vui vẻ, nhảy nhót, như một vũ hội… để chuẩn bị về sản phẩm…
____
Khi làm việc, trao đổi với các tỉnh, anh có tìm thấy sự đồng cảm?
Mình là một đơn vị kinh doanh địa phương, chứ không phải là nhà quản lý, mình nói mà người ta bảo lên lớp thì phiền. Nhưng tôi rất lo khi người làm du lịch bị cuốn theo những lợi ích trước mắt, do tầm vóc, suy nghĩ, thực tiễn nghiên cứu còn hạn chế.
____
Có một số tỉnh lại cứ mơ làm được một công viên như Đầm Sen, trong khi rừng và biển ở đây mới là thế mạnh?
Làm du lịch phải hiệu quả mới bền vững. Hiệu quả ở đây là có khách, ồn ào mà không hiệu quả thì không bền vững. Làm Đầm Sen ở nơi đó thì chỉ phục vụ khách của vùng đó, chứ khách du lịch thì ai đến coi? Phải làm du lịch với tầm vóc một quốc gia, quốc tế. Kiểu “tự cung tự cấp” về du lịch đã quá lỗi thời. Ngay hiện giờ tại TP.HCM, theo tôi biết, ba bốn đề án quy hoạch về du lịch, mà có cái nào được duyệt đâu? Vì không có tính ứng dụng, không tưởng, không thực tế.
Ý tưởng du lịch không đơn giản, không phải là bỏ ra một số tiền xây dựng là có khách tới, vì nó liên quan nhiều cái, đi lại, dịch vụ, đủ chuyện trên đời. Du lịch khác với các ngành sản xuất, đầu ra là khách tới, người thưởng thức du lịch ngày càng đa dạng và khó tính. Đi chơi là tính toán dữ lắm, bỏ ra 5 đồng, phải “cảm” được 10 đồng, đòi hỏi phải hấp dẫn, thoải mái, thuận tiện…
Phải làm du lịch với tầm vóc một quốc gia, quốc tế. Kiểu “tự cung tự cấp” về du lịch đã quá lỗi thời
____
Là người tiên phong trong việc liên kết, liên doanh, anh nghĩ gì về một số công trình khách sạn của Du lịch Sài Gòn ở Phú Quốc, Hạ Long, Đà Lạt, Phan Thiết…?
Muốn Phú Quốc đi lên, phải xây dựng một chỗ dừng chân, từ đó mới có cái nền để phát triển quy mô lên được. Hạ Long, Phan Thiết cũng thế, giai đoạn đầu thì có kết quả, trong nước như thế là tốt, nhưng để có tầm cỡ quốc tế thì chưa.
Sở dĩ muốn làm vậy là để đưa một chất lượng sản phẩm dịch vụ vô đấy để kéo khách du lịch một cách lâu dài. Ý tưởng quy mô chưa có nên buộc các nhà kinh doanh mạnh ai nấy làm, tản mạn, lẻ tẻ, tiêu chuẩn cao cấp thì chưa tới đâu cả. Vì không có đành phải làm bước đệm thế thôi, chứ cứ cạnh tranh lon con, mạnh ai xẻo nấy như chia thịt ngoài chợ thế này thì làm sao phát triển.
____
Về mặt chiến lược, theo anh làm thế nào để du lịch Việt Nam phát triển?
Làm nghề du lịch rất khó, dễ lỗi thời, nên đòi hỏi mình phải luôn đổi mới.
Không có cách nào khác là du lịch sinh thái, văn hóa. Không có cách nào hơn là phải quy hoạch ổn định, quy mô, đồng bộ. Vùng biển của mình chỉ có bao nhiêu đó, đất không phát triển, quy hoạch bãi biển không dễ dàng. Xây dựng lâu dài, văn hóa ra văn hóa, nghỉ dưỡng ra nghỉ dưỡng, đô thị ra đô thị, phải chuyên sâu chứ lầm lẫn là thua. Du lịch bãi biển mà làm con đường ven biển là coi như phá sản, phải làm sao hòa hợp, tôn trọng sinh thái, giữ được thiên nhiên hoang dã. Nếu không sẽ đẻ ra một Vũng Tàu thứ hai.
____
Đi nhiều, thấy nhiều, anh có thể cho biết cái nhìn của những khách nước ngoài về du lịch Việt Nam, về con người Việt Nam? Anh đã kiểm nghiệm những điều người ta nói như thế nào?
Người ta cũng thấy mình có nét độc đáo riêng, nhưng thực sự nhiều người chưa hình dung cụ thể là cái gì. Quảng bá vĩ mô ở nước ngoài thì Nhà nước có quan tâm nhưng làm chưa được, nhất là ở các hội chợ. Cái hay, cái đẹp ở Phú Quốc, những vùng biển miền Trung nước ta ấm quanh năm như ở Bali hay Thái Lan có mấy ai biết đến? Nếu làm tốt quảng bá thì du lịch Việt Nam sẽ thu hút hơn.
Khách nước ngoài cũng rất thích nét hoang sơ của thiên nhiên, văn hóa, như trái cây, chợ nổi, sông nước, có người đến nghỉ suốt mùa đông. Nhưng khi khách tới thì những khu tầm cỡ, dịch vụ chưa đạt. Phải làm sao dịch vụ mặt đất, nhà ga, đi lại dễ dàng hơn. Giá đường hàng không Việt Nam cao hơn Thái cả trăm USD, mà cứ nói lỗ. Hãy cho các hãng nước ngoài vào cạnh tranh lành mạnh, tình hình sẽ khác ngay. Đường bay nội địa, những chuyến bay liên tục từ 50-100 người gặp rất nhiều khó khăn. Những ngành hỗ trợ cho du lịch còn hạn chế…
____
Hoạt động cách mạng từ năm 16 tuổi, nhiều lần vào sinh ra tử, chịu đựng đòn roi tra tấn của kẻ thù trong trại tù Côn Đảo, anh có thể kể về những lần “giáp mặt với tử thần” mà anh nhớ nhất? Những giây phút trải qua giữa sự sống và cái chết, những va đập trong làm ăn thời kỳ đầu mở cửa trong ngành gỗ đã giúp anh điều gì khi bước qua du lịch?
Bây giờ thì có thể cho tôi nói thoải mái ha (cười), giống như tôi kể lại cuộc đời mình vậy đó. Phải kể lại từ đầu… Quê tôi ở Thủ Dầu Một, Bình Dương, vùng tranh chấp ác liệt. Năm 16 tuổi tôi đã tham gia hoạt động phong trào học sinh thành phố, vừa đi làm thợ hồ, thợ hàn, để hoạt động hợp pháp trong tổ chức võ trang Thành đoàn.
Tôi nhớ nhất là ba lần thoát chết trong gang tấc… Lần đầu chưa biết gì về súng ống, ba anh em tôi không làm sao ráp nổi các bộ phận lại với nhau, đành chế ớt bột với muối làm vũ khí phòng thân, để treo băng rôn ở Nhà thờ Bắc Hà vào đúng 5 giờ sáng ngày Chủ nhật phản đối Mỹ trong sự kiện vịnh Bắc bộ. Lần thứ hai là cùng anh em chuẩn bị tổng khởi nghĩa đêm 30 Tết Mậu Thân, trong lần giáp lá cà, tôi bị thương nặng, may nhờ bà con cưu mang còn sống đến giờ này.
Và lần thứ ba là đi chiếc xe đạp vào thẳng trước mặt tên ác ôn bóp cò, khiến hắn chết trân… Cái tính liều lĩnh, gan góc, dám làm dám chịu đã trở thành bản chất con người tôi. Hoạt động võ trang, phong trào quần chúng, để rồi đi kinh doanh… gỗ! Cái số tôi vất vả, đi đến đâu cũng gặp một nội bộ chia năm sẻ bảy, đấu đá nhau dữ dội… Một mặt mạnh dạn lập đề án sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu trực tiếp, đàm phán liên doanh với nước ngoài. Một mặt củng cố nội bộ, thay đổi những cán bộ làm không hiệu quả, xây dựng đề bạt anh em ngay chính nơi đó, chứ không kéo theo bất cứ một ai thuộc ê kíp cũ của mình.
Chất xám của mình trong du lịch không bao nhiêu, phải có tổ chức để thu hút nhân tài làm ăn mới nên chuyện
____
Theo anh, người lãnh đạo ngành du lịch phải có những phẩm chất gì?
Làm du lịch, điều cần nhất là phải quy tụ được chất xám của mọi nguồn lực để làm ra những sản phẩm có tầm cỡ quốc tế. Làm sao huy động một nguồn vốn lớn để liên kết, liên doanh tất cả anh em các tỉnh vô, theo kiểu cổ phần cho những công trình lớn, chứ ôm một mình thì khó lắm.
Muốn thế người đầu trò phải có lực, có cốt, mới có thể quy tụ được anh em. Điều đó quả là không đơn giản. Tôi tự đánh giá khả năng lãnh đạo của mình chưa tới đâu cả, chưa quy tụ được năng lực để với tới tầm phát triển cho tương lai. Phải tìm cho ra những công trình chủ lực lớn, phải tìm cho được những con người có chuyên môn, có tâm huyết, có nghị lực cao, mới có thể lăn xả vô du lịch.
Chất xám của mình trong du lịch không bao nhiêu, phải có tổ chức để thu hút nhân tài làm ăn mới nên chuyện. Người lãnh đạo phải là người thấy ở tầm vóc, ở quy mô. Tôi chưa vừa lòng với thực tế quản lý khách sạn hiện nay, nhìn vào cơ ngơi thì đồ sộ, nhưng phục vụ thì chưa bằng quốc tế. Phải có con người mới quản được con người. Biết sử dụng, quy tụ anh em là một chuyện, người lãnh đạo còn phải biết đôn đốc, kiểm tra.
____
Anh quan niệm thế nào trong kinh doanh và cuộc sống?
Tôi luôn định hướng gói gọn trong ba lĩnh vực: Đầu tư, quy tụ con người; Đầu tư cơ sở vật chất; Đầu tư quản lý. Lấy hiệu quả là chính để phát huy năng lực anh em, xử lý kịp thời.
Không ai từ trên trời rơi xuống đã hay, đã giỏi. Những va chạm trong kinh doanh giúp tôi học hỏi kinh nghiệm thực tiễn. Những chuyến đi trong và ngoài nước giúp tôi kinh nghiệm quản lý. Gần gũi anh em giúp tôi có cái đầu chịu cực, chịu nghĩ. Với tôi, ai cũng là thầy, ai cũng có điều mình phải học, ai tôi cũng chơi được hết, rất vô tư học hỏi.
Dù không được học hành chính quy, nhưng tôi biết mình yếu cái gì và phải khắc phục làm sao. Làm một nghề liên quan đến quan hệ quốc tế, phải tìm tòi học hỏi liên tục. Mười năm gắn bó với ngành du lịch cũng là thời gian tôi hoàn thiện mình.
____
Anh nghĩ gì về gia đình, con cái? Anh dành cho các con của anh điều gì?
Thực ra thời gian tôi dành cho công việc là chính, gia đình luôn “bị” xếp sau công việc, nên vợ con cũng hơi phiền vì tôi (cười). Tôi quan niệm cho con một không khí gia đình êm ấm, biết chia sẻ, để con dễ dàng hòa nhập với xã hội, với cộng đồng là điều quan trọng nhất.
Mấy đứa con tôi bắt đầu vào đời, làm ăn được, có sự tín nhiệm của cơ quan, tôi cũng mừng. Nhưng tôi luôn nói với các cháu: “Hãy biết tự lập, lo lắng cho mình và cho người thân, chia sẻ với mọi người. Cuộc đời còn dài lắm, phải gắn bó với mọi người, mới có thể tồn tại và phát triển”.
____
Tính cách bộc trực của anh có bao giờ trở thành một… trở ngại?
Nó giúp tôi xử lý công việc kịp thời, nhưng cũng làm cho việc tiếp thu thông hiểu của anh em với mình có khi khó chịu. Nhiều anh em chưa hiểu tôi ban đầu cũng phản ứng dữ dội, nhưng tôi không vì thế mà xa cách họ. Tôi luôn nghĩ phải làm cho người ta hiểu mình, tin mình. Chinh phục anh em có thể sượng lúc đầu, nhưng về sau hiểu nhau thì quý mến, cởi mở, gần gũi vô cùng.
Tính tôi nóng, cự cãi, la hét thẳng thừng, cái gì trật, sai là nói liền. Mới đầu cũng có người dị ứng dữ lắm, cho là tôi “hách”. Nhưng mình sống với anh em bằng cái tình, cái nghĩa, nên cũng được anh em thương. Tôi hiểu đâu có ai tròn trịa, nhưng khi đã làm, phải tới nơi tới chốn.
____
Xin cảm ơn anh, chúc anh với một “giấc mơ Văn Thánh” và nhiều giấc mơ nữa mau thành hiện thực.