Cuộc bầu chọn “Cầu thủ vàng 50 năm” của bóng đá Việt Nam đang được sự quan tâm rất lớn của những người hâm mộ bóng đá. Trong lúc sự việc này đang diễn ra và sắp có kết quả sau cùng, tôi thật sự dè dặt với ý định muốn có một cuộc trò chuyện thân mật với cựu cầu thủ – cựu huấn luyện viên lừng danh của đội bóng đá Cảng Sài Gòn Phạm Huỳnh Tam Lang, một trong tám cầu thủ được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam giới thiệu làm ứng viên cho danh hiệu trên.
Nhưng rồi sự dè dặt của tôi đã khiến chúng tôi “việt vị” khi nhận ra con người lịch thiệp hào hoa từ trong lẫn ngoài sân cỏ này không hề tỏ ra màu mè hay tránh né trước vấn đề nhạy cảm đó. Anh làm tôi sung sướng thở phào khi thẳng thắn nói: “Ai được bầu chọn cũng xứng đáng cả. Tôi không có tham vọng gì chuyện đó, cũng không để tâm lắm đến chuyện mình được hay không được chọn”.
____
Anh có thể cho biết những nét chính trong sự nghiệp đá bóng của mình?
Tôi sinh năm 1942; rời Gò Công lên Sài Gòn học trường Pétrus Ký (nay là trường Lê Hồng Phong) đến hết trung học. Năm đó tôi 18 tuổi, bắt đầu đá bóng ăn lương và được triệu tập vào đội tuyển thiếu niên miền Nam Việt Nam. Đá cho đội AJS từ năm 1962 đến năm 1975. Năm 1962, tôi được bầu là Lực sĩ số 1 (chọn trong số các lực sĩ xuất sắc nhất ở tất cả các bộ môn).
Năm 1966 cùng đội tuyển miền Nam vô địch Merdeka, sau đó là Huy chương bạc SEAP Games 1967. Có mặt trong tuyển miền Nam Việt Nam thi đấu với Nhật Bản (thắng một, thua một), với Israel (thắng một, thua một), với hai câu lạc bộ Anh Leicester City và Southampton… Từ 1975 đến 1979, đá cho Cảng Sài Gòn. Từ 1982 đến 2003, làm huấn luyện viên trưởng đội Cảng Sài Gòn, bốn lần vô địch quốc gia, hai lần đoạt Cúp quốc gia. Từ 1997 đến 2001, làm trợ lý huấn luyện viên đội tuyển quốc gia.
____
Về lối chơi của anh, có nhiều câu chuyện thú vị do người hâm mộ truyền tai nhau, chẳng hạn người ta nói rằng mặc dù chơi ở vị trí trung vệ, phải cản phá quyết liệt đối phương, nhưng hơn hai mươi năm thi đấu anh chưa từng bị dính thẻ phạt. Đúng không anh?
Thực ra tôi có bị vài thẻ vàng, còn thẻ đỏ thì không.
____
Còn chuyện này nữa – anh thường xuyên xoạc bóng (tackling) trong trận đấu nhưng không bao giờ té ngã, và trang phục không bao giờ lấm đất?
(Cười) Người hâm mộ thương, thêu dệt thêm đó thôi. Nhưng quả là tôi đã rèn tập cú xoạc bóng này đến mức thiện nghệ.
____
Nhưng trung vệ thì không chỉ có xoạc bóng?
Tất nhiên. Tôi đánh đầu cũng không tệ. Tôi nhớ trong trận gặp đội bóng tầm cỡ Lima (Pêru), tôi đã tranh chấp 5 ăn 5 thua với tiền đạo Gazardo của đội bạn cao hơn tôi một cái đầu.
____
Hình như từ ngày đầu chơi bóng đến giờ anh luôn luôn chơi ở vị trí trung vệ?
Gần như vậy.
____
Và như báo chí thường nói, lối chơi của anh vừa mạnh mẽ quyết liệt vừa đầy kỹ thuật và đẹp mắt. Làm sao có thể hòa trộn hai phẩm chất có vẻ trái ngược nhau ấy thành một?
Ngày nay, chúng ta quen nhìn thấy trên sân cỏ những hậu vệ chém đinh chặt sắt, lấy thịt đè người, tức là chơi thiên về thể lực, nên tưởng đấy là mẫu cầu thủ tiêu biểu của hàng phòng ngự. Thực ra không phải vậy. Anh có thể chơi đầy sức mạnh mà vẫn nhẹ nhàng bay bướm; vấn đề là sự khổ luyện.
Vấn đề còn ở chỗ quan niệm của anh về chơi bóng. Quan niệm của tôi? Bóng đá là nghệ thuật. Trước đây, bà con đi coi đá banh như đi xem hát, và sân cỏ chính là sân khấu; các cầu thủ có mặt trên sân tự thấy mình phải phô diễn hết tài năng và kỹ thuật để cống hiến cho người xem những pha bóng đẹp mắt và một trận cầu đẹp mắt.
____
Không cần chiến thắng sao?
Sao lại không? Rất khát khao chiến thắng nữa là khác, nhưng không phải bằng mọi giá. Chỉ có chiến thắng nhờ kỹ thuật điêu luyện của từng cá nhân và tinh thần đồng đội mới là chiến thắng trọn vẹn.
____
Chiến thắng trọn vẹn? Anh muốn nói đến một chiến thắng cả trong lẫn ngoài sân cỏ?
Vâng, như tôi vừa nói, khán giả đi coi hát trên sân cỏ mà. Đội Cảng Sài Gòn từng thua nhưng được khán giả trên sân đối phương hoan nghênh nhiệt liệt vì lối chơi đẹp mắt và fair play, còn đội nhà tuy thắng nhưng bị khán giả la ó dữ dội vì chơi quá thô bạo.
____
Vâng, fair play. Nói đến Tam Lang là nói đến fair play phải không anh?
Tôi chỉ dám nói là tôi phấn đấu cả đời cho tinh thần đó.
____
Sau khi rời sân cỏ với tư cách cầu thủ để đi tu nghiệp rồi về làm huấn luyện viên, anh đã tìm cách truyền đạt tinh thần và lối chơi “Tam Lang” vào đội Cảng Sài Gòn?
Anh nói chữ nghĩa quá. Nhưng đúng là như vậy. Tôi muốn tạo cho Cảng Sài Gòn một nét riêng.
____
Nhiều người thắc mắc tại sao anh học nghề huấn luyện tại Cộng hòa Dân chủ Đức, là quốc gia có nền bóng đá thiên về thể lực, nhưng khi xây dựng lối chơi cho Cảng Sài Gòn anh lại thiên về kỹ thuật, phối hợp nhỏ?
Như tôi đã nói, thể lực là nền tảng. Trên cái nền thể lực sung mãn dẻo dai, cầu thủ mới có thể thi thố hết tài năng kỹ thuật của mình. Cái sở học về thể lực (và nhiều thứ khác nữa) đã bổ sung, nếu không muốn nói nó là tiền đề lý thuyết để tôi xây dựng nên phong cách Cảng Sài Gòn là nhanh nhẹn, xoay trở khéo léo, phù hợp với thể tạng và tố chất người Việt, cộng với quyết tâm đá hết mình đến phút cuối cùng.
Một số đội châu Âu gặp Cảng Sài Gòn đều tỏ ra khó chịu trước lối đá này. Nhưng Cảng Sài Gòn không chỉ biết chơi phối hợp nhỏ, vì nếu vậy, làm sao thắng được người ta? Tuy nhiên, tôi nghĩ bóng đá không ngừng phát triển, rồi sẽ có những chiến thuật, công thức, lối chơi hiện đại ra đời thay thế những cái lạc hậu; nhưng cái không bao giờ cũ trong bóng đá là đạo đức cầu thủ chuyên nghiệp, là tinh thần fair play. Tôi tâm nguyện điều đó trong suốt đời mình và luôn luôn nhắc nhở các thế hệ học trò của tôi. Đừng chơi xấu! Đừng trả đũa! Phải biết cách tự vệ trước những đối thủ chơi thô bạo! Phải tôn trọng trọng tài!
Khi anh thấy đối phương chơi phạm luật mười mươi, khi anh thấy cầu thủ tấn công của đối phương đã việt vị rõ rệt nhưng trọng tài chưa thổi còi thì anh phải theo bóng đến cùng. Những điều đó không mới nhưng tôi không ngừng nhắc đi nhắc lại, vì kinh nghiệm cho tôi biết, môn chơi đối kháng mạnh mẽ này, môn chơi đông người này luôn có những kẽ hở cho người chơi gian cố ý và trọng tài cũng chỉ là người trần mắt thịt, có lúc cũng sai lầm. Sai lầm của trọng tài là một phần bất biến của bóng đá.
Nhưng người cầu thủ chân chính không nên vì thế mà đánh mất tinh thần fair play, càng không nên lấy cái sai của trọng tài biện minh cho cái sai của mình trên sân cỏ. Tương tự như vậy, trả đũa hành vi chơi xấu cũng tệ hại chẳng thua gì chính hành vi chơi xấu.
Trên sân tập của đội U 20 Trung tâm Thành Long, tôi ôn tồn mà nghiêm khắc căn dặn: “Các em đến đây là để học đá banh, không phải để đá người”. Tóm lại, người cầu thủ phải là người có cái đầu lạnh. Và chơi fair play thì lòng mình luôn thanh thản, không sợ bất cứ điều gì.
Thanh thản để nghĩ tới trận đấu sắp tới; thanh thản để đi suốt con đường gian khó của đời cầu thủ. Chơi xấu trên sân trước sau gì anh cũng sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt của khán giả. Trên tinh thần đó, tôi đã cố gắng xây dựng một đội Cảng Sài Gòn đi vào lòng người hâm mộ như một đội bóng chơi fair play.
Cái không bao giờ cũ trong bóng đá là đạo đức cầu thủ chuyên nghiệp, là tinh thần fair play
____
Nhưng không phải lúc nào anh cũng thành công? Và những điều đáng tiếc đã xảy ra?
Không tránh khỏi có những sự việc đáng tiếc, nhưng không nhiều, không thành hệ thống, và nhất là không gây tai tiếng, làm ảnh hưởng xấu đến màu cờ sắc áo của Cảng Sài Gòn.
Nhiều khán giả trẻ không thấy anh thể hiện “cái đầu lạnh” của mình trên sân, nhưng họ luôn luôn thấy khuôn mặt lạnh như tiền của anh trên băng ghế huấn luyện viên mấy chục năm nay.
____
Đó cũng là một vẻ ngoài Tam Lang nhất quán với sự điềm tĩnh bên trong của mình?
Khi trái bóng bắt đầu lăn là tim tôi cũng bắt đầu đập mạnh. Tôi phải ngồi, không để cho con tim chi phối cái đầu lúc bấy giờ phải căng ra để đọc trận đấu, tính toán căng thẳng như đang đánh cờ vậy. Tôi không thích chạy ra đường biên la hét chỉ đạo, sợ nhiều em mất bình tĩnh không đá được.
Hơn nữa, tôi còn muốn giành cho các cầu thủ trên sân ít nhiều sự sáng tạo cá nhân trên cơ sở tuân thủ những chỉ đạo chiến thuật chung đã được nói rất rõ trước trận đấu và trong giờ giải lao. Tôi hay nói giản dị: “Các em phải cố làm tốt hơn những gì tôi đề ra!”.
____
Anh từng làm trợ lý huấn luyện viên cho các ông thầy ngoại của đội tuyển quốc gia. Anh có nhận xét gì về từng người?
Các vị ấy có điểm chung là hiểu biết sâu rộng về bóng đá hiện đại, nhưng mỗi người đều có cá tính riêng: ông Weigang là người Đức nên tinh thần hệ thống và tinh thần kỷ luật rất cao; ông Murphy người Anh, thẳng thắn; ông Riedle lịch lãm, đàng hoàng, trình độ huấn luyện và khả năng đọc trận đấu cao; ông Dido thì kỹ thuật cá nhân rất giỏi, nhưng tính tình nóng nảy; ông là nghệ sĩ chơi guitar khá hay và đặc biệt rất say mê phụ nữ. Với ai, tôi cũng học được nhiều điều bổ ích cho nghề huấn luyện của mình.
____
Trên thế giới, anh thích đội bóng nào?
Tôi thích Arsenal và hai cầu thủ vừa giàu kỹ thuật, vừa giàu thể lực là Thierry Henry và Pires.
Đúng là bóng đá càng ngày càng khan hiếm tài năng dù tiền bạc đổ vào ngày càng nhiều
____
Có đúng là so với thời của anh, trên cả hai miền của đất nước, bóng đá sau năm 1975 không có nhiều tài năng hơn? Vì sao?
Sau ngày thống nhất đất nước, tài năng bóng đá của hai miền rất nhiều, khó mà nhớ hết; nếu lúc ấy Nhà nước cho đi thi đấu các giải trong khu vực thì chắc chúng ta sẽ gặt hái thành công và danh tiếng. Từ đó đến nay, đúng là bóng đá càng ngày càng khan hiếm tài năng dù tiền bạc đổ vào bóng đá ngày càng nhiều.
Nguyên nhân là do chúng ta làm bóng đá năng khiếu, bóng đá trẻ chưa tốt; chất lượng thi đấu ở các giải lớn không thể nâng cao được vì nhiều yếu tố ngoài bóng đá; một số cầu thủ có triển vọng đã sớm thỏa mãn, lóa mắt vì tiền tài danh vọng, ăn chơi phóng túng, không còn nghiêm khắc với bản thân trong tập luyện và sinh hoạt, đã sớm nghĩ đến hậu vận ngoài sân cỏ của mình,
____
Nhiều năm là cầu thủ ngôi sao, và từng là Lực sĩ số 1 ở miền Nam Việt Nam, anh có được thêm thu nhập nhờ tên tuổi của mình không?
Nói gọn một câu là “Có tiếng mà không có miếng”.
____
Nhưng anh từng có một phần thưởng rất lớn là tình yêu của “cải lương chi bảo” Bạch Tuyết?
Trước khi đội tuyển miền Nam đi dự giải Merdeka năm 1966, đoàn cải lương Dạ Lý Hương, nơi Bạch Tuyết là nghệ sĩ chính, mở tiệc chiêu đãi; sau khi đoạt chức vô địch trở về, hai bên lại gặp nhau một lần nữa, tưng bừng hơn. Chúng tôi yêu nhau, thành vợ chồng, nhưng chỉ sau một thời gian thì chia tay mà không có con. Hiện nay, tôi đang hạnh phúc bên vợ và đứa con trai duy nhất đang học năm thứ nhất đại học.
____
Và anh cũng hài lòng với công việc âm thầm ở Trung tâm huấn luyện Thành Long? Xa bóng đá chuyên nghiệp anh có buồn không?
Tôi hài lòng với công việc hiện nay. Và tôi thấy mình may mắn vì đến tuổi này mà còn được gắn bó với bóng đá. Không chỉ huấn luyện, tôi còn có nhiều thời gian xỏ giày ra sân với các ngôi sao sân cỏ một thời như Tư Lê, Cù Sinh, Ngôn, Võ Bá Hùng… Xa bóng đá chuyên nghiệp tôi không buồn; tôi chỉ buồn khi xa đội bóng Cảng Sài Gòn, đó là những giờ phút không thể quên được của đời tôi, nhưng biết làm sao được, đâu có thể chống lại quy luật cuộc sống.
____
Cảng Sài Gòn có thể không xuống hạng năm ngoái không anh?
Không. Đó là một kết cục gần như không tránh khỏi.
Tôi thấy mình may mắn vì đến tuổi này mà còn được gắn bó với bóng đá
____
Anh đang ấp ủ dự định gì về bóng đá?
Như tôi đã nói, tôi là người sống không tham vọng. Những gì có thể làm tôi đã làm xong một cách trách nhiệm và đam mê. Khi nhìn lại đời mình, tôi cảm thấy thanh thản và tôi thực sự nghĩ rằng mình hạnh phúc vì nhờ đá banh mà được nhiều người biết đến, thương mến. Xuống miền Tây thi đấu, nửa khuya có người chèo xuồng tìm gặp, gởi cho miếng này miếng kia.
Rồi không ít lần gặp rắc rối trong công chuyện hàng ngày, bỗng đâu có người nhận ra mình, ra tay giúp đỡ hết lòng. Nhiều lắm những tình cảm như vậy, không sao kể hết. Chỉ mong qua trang báo này gởi lời cảm ơn đến tất cả. À, tôi đang định vận động thành lập Hội ái hữu cựu cầu thủ Sài Gòn – Thành Phố Hồ Chí Minh.
____
Xin hỏi anh câu cuối cùng. Anh nghĩ gì về kinh tế trong bóng đá?
Vấn đề này quá rộng lớn và quá mới mẻ đối với tôi. Theo thiển nghĩ, cần phải xã hội hóa thể thao nói chung và bóng đá nói riêng sâu rộng hơn nữa, những đại gia về kinh tế sẽ đầu tư vào bóng đá nhiều hơn để kinh doanh thực sự chứ không chỉ để quảng bá thương hiệu như hiện nay; cơ sở vật chất kỹ thuật cho bóng đá (kiểu như Trung tâm Thành Long) sẽ được tăng cường, nhờ đó việc phát hiện tài năng trẻ sẽ được tổ chức rộng khắp.
Tiến trình chuyên nghiệp hóa bóng đá sẽ nhanh lên, đời sống của cầu thủ sẽ khá hơn nhờ thị trường chuyển nhượng hoạt động sôi nổi và hợp pháp. Riêng về cá độ bóng đá thì tôi phản đối dù có được Nhà nước tổ chức đi nữa. Dân ta còn nghèo, không nên tổ chức đánh bạc như vậy. Cứ xem cá độ ở trường đua ngựa đấy, biết bao nhiêu người vì mê say mà khánh kiệt.
(Đã quá khuya. Tiếng ồn xe cộ trên đường Trần Phú thưa vắng dần. Tôi chợt giật mình âu lo vì có thể mình đã không đem đến cho độc giả thông tin gì mới về con người huyền thoại Tam Lang ngoài câu chuyện fair play và phong cách đạo đức cầu thủ mà anh say sưa nói tới. Tôi đã bị cuốn hút vào mạch chuyện đó lúc nào không hay).