Thời gian qua, trong quá trình xây dựng và phát triển, TP.HCM nói riêng, cả nước nói chung đã huy động nhiều nguồn lực trong xã hội để tập trung thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được khống chế, thậm chí nhiều nơi còn có chiều hướng tăng với mức độ khá nghiêm trọng, ảnh hưởng nhiều mặt đến xã hội và sức khỏe, đời sống người dân. Phải nhận thức đúng được vấn đề thì mới tăng cường được các hoạt động bảo vệ môi trường từ các cơ quan chức năng cho đến người dân.
Ô nhiễm không khí và tiếng ồn
Theo nhận định của các chuyên gia môi trường, hiện nay ô nhiễm môi trường ở đô thị có nhiều loại, nhưng đáng báo động hơn cả là ô nhiễm không khí do giao thông gây ra, chiếm tỷ lệ 60 – 70%, là một trong những tác nhân lớn ảnh hưởng đến chất lượng không khí đô thị. Mức độ ô nhiễm không khí vượt ngưỡng cho phép từ 1,5 đến 3 lần, trong đó nghiêm trọng nhất là khói bụi. Nhiều công trình xây dựng mọc lên khiến các con đường thường xuyên phải chịu thêm tải trọng của lượng xe vận chuyển vật liệu xây dựng, hậu quả là hàm lượng bụi trong không khí tăng cao, vượt từ 7 đến 10 lần tiêu chuẩn cho phép. Mỗi chiếc xe đi trên đường kéo theo làn khói bụi dày đặc phía sau khiến không chỉ các gia đình ở tầng trệt mặt tiền đường, mà cả những căn hộở tầng cao nhà mới xây, cửa đóng then cài cả ngày vẫn đầy bụi.
Kẹt xe vào giờ cao điểm tại TP.HCM là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm tiếng ồn lẫn khói bụi
Kết quả quan trắc tại sáu trạm bán tự động ở các nút giao thông trọng điểm của TP.HCM cho thấy về chất lượng không khí, nồng độ CO vẫn nằm trong giới hạn cho phép nhưng nồng độ CO2 và nồng độ bụi ở tất cả các điểm đều vượt chuẩn (năm 2012, nồng độ bụi dao động từ 0,35 đến 0,75mg/m3, trong khi quy chuẩn cho phép là 0,3mg/m3). Các khu vực cửa ngõ thành phố, khu vực cảng như An Sương, Tân Thuận… thường có nồng độ bụi cao hơn.
Tình trạng giao thông với mật độ dày đặc cũng gây ra tiếng ồn và ngày càng nặng nề. Đây là một trong những loại ô nhiễm giống như “sát thủ giấu mặt”, nhưng nhiều người lại chưa nhận rõ được tác hại của nó. Theo quy chuẩn cho phép, ở các khu dân cư xa đường phố, tiếng ồn chỉở ngưỡng 50dB, khu vực thương mại trong phạm vi từ 70 đến 80dB, nhưng trên thực tế thì ở các đô thị lớn như TP.HCM, tiếng ồn thường xuyên vượt mức cho phép nhiều lần. Trên một số trục đường chính buôn bán sầm uất, để thu hút khách hàng, các cửa hàng thời trang, điện thoại di động, điện máy… đều trang bị dàn âm thanh “khủng” và thi nhau mở hết công suất. Người dân dù đã phản ánh với chính quyền, cơ quan chức năng cũng có kiểm tra, nhắc nhở, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn tạm dừng là tình trạng ấy lại tái diễn.
Nguồn nước cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng
Nguồn nước thải từ khu dân cư là một nhân tố không nhỏ góp phần gây ô nhiễm nguồn nước mặt. Chính việc xử lý nước thải sinh hoạt chưa được quan tâm dẫn đến nước kênh rạch càng bị ô nhiễm. Theo kết quả quan trắc các đoạn sông chính trong cả nước, nhiều chất ô nhiễm trong nước sông có nồng độ vượt quá quy chuẩn từ 1,5 đến 3 lần. Còn các khu vực hồ, ao, kênh rạch và các sông trong khu vực nội thành của các thành phố đều bị ô nhiễm nghiêm trọng, chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ và ô nhiễm vi sinh (vi khuẩn coliform). Ở các điểm quan trắc trên các sông lớn như Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè…, lượng coliform tại các điểm quan trắc hầu hết đều vượt quy chuẩn cho phép từ 1,3 đến 24,9 lần.
Nhiều nhà máy, khu công nghiệp hoạt động nhưng chưa tuân thủ tiêu chuẩn an toàn cho môi trường, xả khói gây ô nhiễm
Bên cạnh đó, tình trạng ô nhiễm môi trường nước do nước thải từ các khu công nghiệp cũng rất lớn. Tốc độ gia tăng loại nước thải này cao hơn rất nhiều so với tổng lượng nước thải từ các lĩnh vực khác. Tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, mặc dù tỷ lệ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung khá cao nhưng tình trạng vi phạm các quy định về môi trường vẫn thường xuyên xảy ra.
Kết quả thống kê 826 nguồn thải công nghiệp trên địa bàn TP.HCM từ năm 2010 đến 2012 được thực hiện trên địa bàn 24 quận, huyện cho thấy chỉ có khoảng 60% nguồn thải có hệ thống xử lý nước thải. Các nguồn thải còn lại chỉ qua xử lý sơ bộ (bể tự hoại) trước khi xả ra môi trường. Điều đáng lưu ý là trong số các nguồn thải được khảo sát thì có đến 44% các nguồn thải có lưu lượng nước thải từ 50m3/ngày đêm trở lên. Đây là nguồn thải đóng góp đến 90% cả về lưu lượng và tải lượng ô nhiễm.
Theo nghiên cứu của PGS-TS Nguyễn Văn Phước (Viện Môi trường và Tài nguyên), thống kê nguồn thải theo ngành nghề đã bộc lộ một số ngành thải nhiều chất độc hại ra môi trường là dệt nhuộm, may mặc (21%), sản xuất sản phẩm từ kim loại (11%), hóa chất (9%), thực phẩm (8%). Các ngành nghề có hệ số phát thải cao là dệt nhuộm, giấy, thực phẩm đóng góp đến 56% tổng tải lượng COD (lượng oxy cần để oxy hóa toàn bộ các chất hóa học ở trong nước, gồm cả vô cơ và hữu cơ). Tải lượng ô nhiễm COD cao nhất tập trung ở quận Tân Bình (chiếm 25%) do các nguồn thải có quy mô lớn và nằm trong nhóm ngành nghề có hệ số phát thải cao, tiếp đó là các quận 12 (15%) và Thủ Đức (11%).
Nhìn rõ hơn những tác động xấu của ô nhiễm môi trường
Khi đề cập đến tác động tiêu cực của tiếng ồn, người ta thường chỉ nhấn mạnh tới nguy cơ bị điếc (mất thính giác tạm thời hoặc vĩnh viễn), nhưng hậu quả của ô nhiễm tiếng ồn trên thực tế nghiêm trọng hơn nhiều. Tiếng ồn không làm người ta bị điếc ngay, mà làm giảm khả năng nghe một cách từ từ, dẫn đến rối loạn thính giác, làm thay đổi tâm lý con người, gây stress. Tiếng ồn dai dẳng như tiếng động cơ ôtô, xe máy, xe lửa, còi xe các loại, tiếng cắt gạch hay sắt thép, loa phát nhạc… nếu tác động lâu dài sẽ gây tâm lý căng thẳng, mệt mỏi, mất ngủ, nhất là ở người cao tuổi. Phụ nữ mang thai và trẻ em cũng là hai nhóm đối tượng rất nhạy cảm với tiếng ồn.
Ô nhiễm nước với sự xuất hiện các chất lạở thể lỏng, thể rắn làm cho nguồn nước trở nên độc hại với con người và sinh vật, làm giảm mức độ đa dạng sinh vật trong nước. Hậu quả chung của tình trạng sử dụng nước bị ô nhiễm là cơ thể người mắc phải các bệnh cấp và mãn tính như viêm màng kết, các bệnh về tiêu hóa… Theo Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận, tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có trên 9.000 ca tử vong vì nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém, còn theo Ngân hàng Thế giới (WB), ở nước ta có đến 80% số ca bệnh lỵ và tiêu chảy đều do nguồn nước bị ô nhiễm.
Ô nhiễm môi trường còn tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế – xã hội. Cũng theo số liệu của WB, tình trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam gây thiệt hại đến 5% tổng sản phẩm nội địa (GDP) hằng năm. Đó là chưa kể đến việc còn phải chi ra khoản tiền tương đương 780 triệu USD mỗi năm cho công tác chữa trị những chứng bệnh do ô nhiễm môi trường gây nên. Chi phí trực tiếp cho việc khám chữa bệnh tả, thương hàn, lỵ và sốt rét lên tới khoảng 400 tỉ đồng. Các bệnh liên quan đến ô nhiễm môi trường còn ảnh hưởng đến người thân bệnh nhân, gây thêm nhiều tốn kém cả về sức lực, thời gian, tiền bạc, làm giảm đi khoảng 20% thu nhập của gia đình có người bị bệnh.
Phát triển là xu hướng tất yếu của đô thị, nhưng phải phát triển theo hướng bền vững, đảm bảo tiêu chí an toàn môi trường, gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Muốn làm được điều đó, một mặt các cơ quan quản lý chức năng phải tăng cường công tác hoạch định, kiểm tra, giám sát việc xử lý chất thải và tiếng ồn, mặt khác, cần tuyên truyền sâu rộng hơn về những mối nguy do môi trường bị ô nhiễm để người dân chủ động giảm bớt các hành vi gây ô nhiễm môi trường và tự bảo vệ sức khỏe khi sinh sống và làm việc trong môi trường chưa trong sạch.
Lương An