Trên đường trở thành thủ phủ Đàng Trong, cố đô Huế có những bước phát triển văn hoá vững chắc ở vùng đất mới; thành tựu đó thể hiện qua những ngôi đình làng lần lượt ra đời.
Qua cầu ngả nón trông đình
Theo Đại Việt sử ký toàn thư vào thời vua Lê Thánh Tông (Hồng Đức – 1471) nước ta đã có đình làng. Còn theo sách Đại Nam thực lục thì năm 1570, Chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) được vua Lê cho kiêm lãnh 2 xứ Thuận Hóa – Quảng Nam. Với tài năng thao lược, đức độ và giỏi thuật dụng nhân, Chúa đã tạo lập nên miền đất Phú Xuân – Thuận Hóa phồn thịnh, thái bình. Tác giả Lê Quý Đôn trong sách Phủ Biên Tạp Lục cho biết: “Đến năm 1776, xứ Thuận Hóa có 2 phủ 8 huyện 1 châu.
Trên đường Nam tiến đến đất Thừa Thiên – Huế, những người di dân đã đến khai canh, khai khẩn và lập làng, lập họ rất hoàn chỉnh (1558-1802)”. Chịu ảnh hưởng từ văn hóa lâu đời của vùng đồng bằng Bắc bộ, kết cấu và quy mô xây dựng các ngôi đình làng được bố trí gồm có một tòa đại đình, sân đình, cổng đình, trụ biểu… được liên kết với nhau theo một trục dọc gọi là “trung đạo”. Tuy nhiên, nếu so sánh thì đình làng ở vùng đất mới (Phú Xuân) với đình làng phía Bắc, cấu trúc và các chi tiết cột, kèo, rui, mè, chạm trỗ… phần nhiều nhỏ hơn, đơn giản hơn.
Tính trong phạm vi nội thành của thành phố Huế đến nay, có tuổi đời cao nhất và đẹp nhất là các đình làng Kim Long, Phú Xuân, Vỹ Dạ, Thế Lại, An Cựu… Tuy nhiên, những ngôi đình làng luống tuổi đời xiêu xế ấy hiện nay đều đang xuống cấp trầm trọng. Thời tiết, khí hậu khắc nghiệt của Thừa Thiên – Huế đã tác động trực tiếp đến vật liệu xây dựng (nhiều nhất là gỗ) đã trải qua 4 – 5 thế kỷ, làm chúng bị mục ruỗng, mối mọt.
- Xem thêm: Thương nhớ đình làng
Không đâu xa, ra khỏi thành phố khoảng 3 – 8km, hiện nay có đình làng Lại Thế (xây dựng năm 1741, trùng tu 1780, 1845, 1891) có cấu trúc 3 gian 2 chái kép. Đình làng Văn Xá (xây dựng năm 1829, trùng tu năm 1865) cũng cấu trúc 3 gian, 2 chái kép. Đặc biệt nhất có đình làng Dương Nỗ (xây dựng 1808) có kiến trúc kết hợp giữa mô típ kiến trúc đình làng đặc trưng của Huế, vừa pha trộn kiến trúc cung điện trong Hoàng thành nhà Nguyễn theo ý đồ của Chưởng tượng Tướng quân Nguyễn Đức Xuyên, người đã từng chỉ huy và giám sát các công trình quan trọng bậc nhất Tử Cấm Thành là điện Cần Chánh, cung Trường Thọ, cung Khôn Đức.
Mặc dù quy mô rất lớn, nhưng đình Dương Nỗ vẫn giống như các ngôi đình khác ở Huế với cấu trúc: tòa đại đình, sân đình, cổng đình, hàng trụ biểu và bến đình. Tất cả được liên kết với nhau theo trục dọc hướng Bắc – Nam. Tuy nhiên, đình Dương Nỗ khác biệt là thấp hơn các khu vực lân cận và không có bình phong. Đây là lối kiến trúc “kiến bất diện thủy” (nhìn không thấy nước – do sông Phổ Lợi ở phía trước mặt đình).
Theo quan niệm phong thủy xưa là để dân làng sống hòa thuận với nhau. Phía sau “hậu đình” đắp cao hơn nền đình phía trước, nhằm để các thế hệ sau được vinh hiển hơn. Nói chung, hầu hết lề lối xây dựng, kiến trúc các đình làng Huế đều bị chi phối rất nhiều bởi quan niệm phong thủy, từ cách tính toán tổng thể và quy mô xây dựng lớn, đến các chi tiết nhỏ như phương hướng, thế đất, vị trí cho đến những chi tiết rườm rà là cột kèo, rui, mè, đòn tay…
Ngắm nhìn ngôi đình, người ta có thể đoán được sự thịnh suy của ngôi làng đó. Các ngôi đình cổ tính từ ngoài vào, “tiền đường” đều có sông (các đình làng Dương Nổ, Phú Khê, Nam Phổ, Lại Ân, Quy Lai, Bao Vinh, Thuận An)… Nếu không có sông thì dân làng tự đào hồ thả hoa sen, hoa súng (làng Dưỡng Mông, Cự Lại, Mai Vĩnh). Sau đó, đến các trụ biểu và bình phong án ngữ. Trong sân đình, hai bên tả hữu đều có am miếu (thờ các vị phúc thần). Khi xây đình, dân làng chọn đất cao ráo, thông thoáng về mặt phong thuỷ.
Lưu ý các đình cổ thường không có cửa, khóa kín như sau này. Trụ biểu thường có 4 cái, 2 cái giữa cao hơn 2 cái bên ngoài. Trên đó trang trí câu đối đắp nổi, hoạ tiết con lân, đèn lồng, hoa sen, bát bửu, mai lan cúc trúc. Bình phong che chắn mặt tiền thì trang trí long mã, mặt rồng ngậm chữ thọ, chữ phúc. Nghệ thuật khảm sành sứ được sử dụng tối đa. Diện tích bức bình phong này luôn luôn phù hợp với quy mô ngôi đình lớn hay nhỏ. Đình làng có khoảnh sân rộng.
Gian giữa là chính điện, để cúng tế xuân – thu nhị kỳ. Hai bên tiền đường là tả vu, hữu vu. Kiến trúc nóc và mái dựng hình rồng, lân, quy và phượng. Kiểu cách thờ tự đơn giản hơn đình làng miền Bắc. Ngoài Thành hoàng làng và các vị khai canh khai khẩn, tiên hiền… tuỳ theo tín ngưỡng họ còn thờ Thiên Y A Na hay một vị phúc thần nào đó. Nhìn chung, các cấu trúc gỗ kiểu nhà rường Huế thanh mảnh, đơn sơ hơn miền Bắc vì tuân thủ các quy định xây dựng của triều đình nhà Nguyễn.
Xiêu xế lần theo thời gian
Khoảng 3 thập niên trở lại đây, việc gia tăng dân số từ dân nhập cư, tốc độ đô thị hóa, khiến con người xâm phạm đến di tích, nhất là các ngôi đình nằm trong phố thị. Đình làng Thế Lại Thượng dù được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận Di tích Quốc gia năm 1999, nổi tiếng với kiến trúc cổ 3 gian 2 chái, mái ngói âm dương độc đáo; tuy nhiên, nó vẫn bị sử dụng tạm thời làm Trường Tiểu học Phú Hiệp đến hơn chục năm.
Đình làng Kim Long ở Huế tự nhiên trở thành nơi họp chợ suốt mấy chục năm; thậm chí ngay trong khu vực sân đình người ta còn xây thêm một cái đình chợ thật lớn. Với đình làng Xuân Dương (đường Chi Lăng, phường Phú Hậu) kiến trúc 1 gian 2 chái thì cái mái ngói đã đổ sụp từ lâu, hiện được lợp tạm bằng tôn; khuôn viên thì bị nhiều hộ dân lấn chiếm dần dần.
Đình làng An Cựu (đường An Dương Vương) cũng bị dột nát vì mái ngói xuống cấp trầm trọng; nhà rường gỗ không được sửa chữa đang mục ruỗng. Số phận có phần may mắn hơn là ngôi đình làng Vỹ Dạ đã được xây mới kiên cố; tuy nhiên hình thức và kết cấu thay đổi khác lạ hoàn toàn; lại nằm “lọt thỏm” giữa bốn bề nhà dân cao ngất ngưởng…
- Xem thêm: Chùa làng quê
Vấn đề nan giải hiện nay của các ngôi đình “làng trong phố” là bị xuống cấp mà không có kinh phí tu sửa. Một số ít đình làng được công nhận di tích cấp quốc gia (Phú Xuân, Kim Long, Dương Nổ, Lại Thế, An Truyền) thì may mắn hơn, được nhà nước tu bổ. Trước đây, mỗi làng đều có một số ruộng công, hàng năm cho thuê lấy lợi nhuận để cúng tế và tu sửa đình; nhưng sau này không còn nữa. Từ năm 2007, theo khảo sát ban đầu của Bảo tàng Cách mạng Thừa Thiên – Huế tại 25 phường, xã trong thành phố Huế vẫn còn ít nhất 53 ngôi đình làng. Đáng tiếc, các ngôi đình ấy hàng năm nhiều lắm cũng chỉ còn khoảng 1/3 có tổ chức cúng tế “xuân thu nhị kỳ”; số còn lại, chỉ cúng tế mỗi năm một kỳ chiếu lệ.
Đang lo ngại hơn nữa là ngoài sự lấn chiếm không gian của di tích thì người dân lại phải đối mặt với tệ nạn ăn trộm cổ vật; hơn ai hết, kẻ xấu biết rõ trong đình làng có những cổ vật giá trị! Khổ nỗi, đặc trưng của các đình làng là chốn thờ tự linh thiêng, ở xa khu dân cư nên rất vắng vẻ, hẻo lánh. Mỗi đình làng chỉ có một người làm “thủ từ” lo việc hương khói, vệ sinh; mà lại là người cao tuổi, vì vậy kẻ xấu dễ manh động! theo Tiến sĩ Trần Đình Hằng, Trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia tại Thừa Thiên – Huế: Khó khăn hiện nay là ngành văn hóa chưa thể thống kê đánh giá và có phương án bảo tồn, bảo quản phù hợp đối với các cổ vật, đồ tự khí, hương hỏa, tam bảo. Tính đến 2007, Thừa Thiên – Huế có 156 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 87 di tích cấp Quốc gia và 69 di tích cấp tỉnh, tuy nhiên, lại có 83 di tích đã xuống cấp và cần được tu bổ.
Rốt cuộc, thời gian sẽ làm nhạt phai sắc màu sơn son thếp vàng rực rỡ và những nét chạm khắc tinh xảo. Sinh hoạt văn hóa cộng đồng truyền thống cũng thế. Giờ đây, các ngôi đình chỉ còn là “chứng nhân” chứng kiến bao sự đổi thay của cuộc đời thịnh – suy, thi thoảng đánh động lòng người trở về với nguồn cội.