Trong bối cảnh xã hội hiện đại, trẻ em phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, và điều này khiến các bậc phụ huynh phải cảnh giác hơn. Trong khi ta không thể ở bên cạnh con 24/24, mà trẻ phải tiếp xúc với nhiều môi trường khác nhau, vì thế dạy những kỹ năng an toàn cho trẻ cần được thực hiện càng sớm càng tốt.
An toàn khi tự chơi
Đây được coi là mối quan tâm hàng đầu của hầu hết các bậc phụ huynh trong thời gian gần đây. Hiện nay do tính chất của công việc cũng như điều kiện của mỗi gia đình, việc tự chơi của con trẻ rất phổ biến. Trong quá trình chơi, trẻ có thể gặp phải những mối nguy hiểm từ những đồ vật trong gia đình như phích nước, ổ điện, bếp ga, đồ dùng nhà bếp, cầu thang và những đồ vật nhỏ. Do vậy, cần dạy trẻ hiểu được đâu là đồ chơi, đâu là đồ dùng trong gia đình; đâu là đồ vật an toàn và đồ vật không an toàn,…
An toàn để tránh xâm hại cơ thể
Để đảm bảo cho trẻ có những kiến thức cơ bản về vấn đề bảo vệ thân thể cũng như cách phòng tránh khi bị xâm hại cơ thể, cha mẹ cần trang bị cho con những kiến thức cần thiết. Hãy giúp trẻ hiểu được thế nào là hành động xâm phạm thân thể, nếu bị xâm hại cơ thể các con nên ứng xử ra sao.
An toàn với môi trường nước
Dù trong nhà có bể bơi hay, thì việc dạy trẻ về an toàn hồ bơi là thiết yếu. Ngoài việc cho trẻ tham gia các lớp học bơi, quan trọng không kém là dạy trẻ tránh xa hồ bơi, đập nước, sông, suối hay bể nước khi không có cha mẹ bên cạnh, không bao giờ chạy nhảy gần hồ bơi và luôn bơi giữa làn cờ.
An toàn khi chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng
Ngày nay, trẻ truy cập mạng từ rất sớm, nên dạy trẻ an toàn mạng là điều bắt buộc. Dạy trẻ không bao giờ chia sẻ bất kể thông tin nào như trẻ học trường nào, ở đâu, bao nhiêu tuổi và số điện. Đồng thời, quan tâm và phát hiện kịp thời khi trẻ có dấu hiệu làm theo những hành vi nguy hiểm trên mạng.
An toàn khi tham gia giao thông
Cha mẹ nên giúp trẻ biết được một số loại biển báo cơ bản, tầm quan trọng của biển báo và đèn giao thông, những người có cai trò điều hành giao thông…Lớn hơn một chút, trẻ cần học cách sang đường cũng như cách đi qua các ngã ba, ngã tư. Đồng thời, dạy trẻ cách tuân thủ luật giao thông như đi bộ trên vỉa hè, luôn đi bên phải. Luôn đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp, xe máy, ván trượt…Ngoài ra, khi không có cha mẹ giám sát, dạy trẻ nhìn phải, nhìn trái trước khi băng qua đường. Không chạy nhảy gần đường. Chỉ ra khỏi xe ở bên có lề đường.
An toàn khi đi lạc
Với nhu cầu vui chơi giải trí hiện nay, đã có nhiều trường hợp trẻ bị lạc xảy ra nơi công cộng. Các bậc phụ huynh nên giúp trẻ có những kiến thức ứng xử cần thiết khi bị lạc như trẻ nên gọi sự trợ giúp của ai? Nếu gặp người lạ muốn đưa trẻ về nhà, trẻ nên làm gì? Nên dạy trẻ ghi nhớ tên tuổi, số điện thoại của cha mẹ, địa chỉ nhà. Tuy nhiên, khi trẻ đang hoảng sợ chư chắc đã nhớ chính xác những thông tin này, vì thế tốt hơn hết nên cho trẻ mang theo manh giấy ghi ghông tin liên lạc của cha mẹ trong trường hợp khẩn cấp.
Nói chuyện là cách đơn giản nhất không chỉ giúp trẻ hiểu được vấn đề mà còn giúp kéo gần khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Thường xuyên nói chuyện với con sẽ giúp cha mẹ tạo dựng niềm tin với trẻ. Đây là tiền đề tốt để cha mẹ có thể nắm bắt và giải quyết được những vẫn đề xảy ra xung quanh trẻ một cách tốt nhất. Kỹ năng an toàn được hoàn thiện trong một quá trình lâu dài và theo trẻ trong suốt cuộc đời. Do vậy, việc rèn luyện cho trẻ kỹ năng này sẽ là hành trang quan trọng giúp trẻ tự tin và mạnh mẽ hơn trong cuộc sống hiện đại.