Đình xây nên từ thế kỷ 17, thờ Tản Viên Sơn Thánh – cũng là Thành hoàng làng. Ở góc độ kiến trúc, Tường Phiêu hiện lưu giữ nhiều hình tượng chạm khắc độc đáo, khác biệt hẳn với các đình cổ xứ Đoài…
Trấn Đoài xưa là nơi quần tụ nhiều làng xã, với vết tích còn lại ngày nay là quần thể hơn trăm ngôi đình cổ xứng liệt là “bảo tàng” sống về di sản kiến trúc thuần Việt. Tường Phiêu chính là một trong số những ngôi đình tiêu biểu ấy. Đình xây nên từ thế kỷ 17, thờ Tản Viên Sơn Thánh – cũng là Thành hoàng làng. Ở góc độ kiến trúc, Tường Phiêu hiện lưu giữ nhiều hình tượng chạm khắc độc đáo, khác biệt hẳn với các đình cổ xứ Đoài. Rồng là một chi tiết nổi bật.
Bố cục kiến trúc hình chữ Nhất, mặt quay về núi Tản, đình Tường Phiêu (thuộc Tích Giang, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) từ ngay vẻ ngoài đã có nhiều chi tiết khác biệt với các ngôi đình cổ miền đồng bằng Bắc bộ. Điểm dễ nhận về sự khác biệt đầu tiên ở Tường Phiêu, ấy là vẻ bề thế, đồ sộ của đình.
Được bố cục theo chiều ngang với độ dài 20m, sâu 13m, điểm khác biệt của Tường Phiêu còn ở cao độ rất đăng đối theo góc nhìn tổng thể. Nếu những ngôi đình cổ khác xứ Đoài có niên đại sớm hơn Tường Phiêu (trước thế kỷ 17), thường có chiều cao khiêm tốn, nguyên do bị lệ thuộc vào chất liệu xây dựng khi các cột trụ chính của đình dụng gỗ mít.
Trong dân gian, đặc tính của gỗ mít rất hiếm đạt được cao độ lý tưởng, đình Tường Phiêu khác biệt khi sử dụng nguyên liệu gỗ lim nên giới hạn về cao độ trong kết cấu được xóa bỏ, tạo cho đình Tường Phiêu đạt đến “tỉ lệ vàng” đăng đối cả về chiều rộng, chiều cao và chiều sâu.
Ở phần ngoại thất, nhìn tổng thể trên nóc mái, Tường Phiêu mang kết cấu bốn mái, gồm hai mái chính và hai mái phụ nơi đầu hồi. Trên nóc mái là các chi tiết trang trí lưỡng long triều nhật, đầu hồi có con kìm (long nghê), bờ guột với hàng gạch hoa chanh duyên dáng.
Nhờ cao độ, triền mái của Tường Phiêu tạo thành góc hếch thật thanh thoát, bay bổng. Đường cong của tàu đao quật nơi góc mái lại là một chi tiết trang trí Rồng rất khác lạ khi thể hiện toàn thân của Rồng như đang dũng mãnh hướng tâm về nóc mái. Cũng ở chi tiết này, các đình làng khác thường chỉ có hình ảnh đầu rồng với các đường vân mây hoặc đao lửa mà thôi.
Vào đến phần nội thất, hình tượng Rồng ở các bức cốn lại là một nét khác lạ nữa ở Tường Phiêu. Nhìn chung trong phong cách chạm khắc hình Rồng ở các đình cổ xứ Đoài, với gương mặt hướng ra phía trước, hai mắt to tròn, đôi tai xòe rộng, môi cười lộ hàm răng, đậm yếu tố dân gian, thân thiện, gần gũi.
Điểm khác biệt trong chạm Rồng ở đình Tường Phiêu, chính là các nét đao mác được thể hiện thưa, kích cỡ lỡn. Trên nền đao mác là những hàng trang trí, tỉa nét rất sắc xảo, tinh tế. Đường nét trang trí trên đao mác hòa nhịp ăn ý với các đường vân xoắn trên đầu và chân rồng, tạo thành mảng chạm hoàn chỉnh, đẹp như một kiệt tác trên vì nách.
Có thể thấy, Rồng chạm khắc nơi đình Tường Phiêu tuy có đặc trưng của thế kỷ XVII nhưng lại phảng phất phong cách thời Mạc, thế kỷ XVI. Ngoài ra đình vẫn giữ được nhiều mảng chạm quý nói về cảnh sinh hoạt bình dị của người dân đương thời như mảng chạm người đội lễ lên đình, linh thú, hay các đề tài thần tiên như tiên nữ, tiên cưỡi rồng… rất sinh động.
Tường Phiêu cũng có hội đình, diễn ra vào ngày rằm tháng Giêng (15-1 âm lịch) của các năm có chi Tý – Ngọ – Mão – Dậu. Đặc biệt hội đình có phong tục dựng bốn cây đuốc lớn bằng tre cao khoảng 10m gọi là “đình liệu” đốt soi đường để rước kiệu Thánh đi.
Nhắc đến Tường Phiêu, chính là đề cập đến những khác biệt về kiến trúc, điêu khắc, ví như viên ngọc quý trong vẻ đẹp “Đình Đoài”, là điểm đến lý tưởng để khám phá, chiêm ngưỡng những giá trị vượt thời gian của người xưa.
- Xem thêm: Đình làng Xuân Hiệp