Ngăn chặn sản xuất androgen (ADT – androgen deprivation therapy) là liệu pháp để điều trị ung thư tuyến tiền liệt, có tác dụng làm giảm mức độ của hormone testosterone nam, nhưng cũng có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer về sau. Đó là kết luận của một nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí Clinical Oncology.
Nghiên cứu được tiến hành tại Đại học Pennsylvania (Hoa Kỳ) đã phân tích hồ sơ y tế của hai hệ thống bệnh viện lớn Stanford và Mt.Sinai với hơn 5 triệu hồ sơ bệnh nhân tìm ra khoảng 18 ngàn bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt, trong đó có 16.888 bệnh ung thư không di căn, trong số đó có 2.397 bệnh nhân đã được điều trị bằng liệu pháp ADT, nhưng khoảng 88% trong số họ được chẩn đoán sẽ mắc bệnh Alzheimer ở những năm sau. Các nhà nghiên cứu đã xem xét mối liên hệ giữa ADT và bệnh Alzheimer và còn đưa ra nhận định rằng mức độ testosterone thấp có thể làm suy yếu sức đề kháng với các bệnh thoái hóa thần kinh trong bộ não.
Hiện có khoảng nửa triệu người ở Mỹ sử dụng liệu pháp ADT vì đây là cách điều trị phổ biến các khối u ở tuyến tiền liệt. Các liệu pháp ức chế sản xuất androgen, nội tiết tố nam bình thường giúp kích thích sự tăng trưởng của các tế bào ở tuyến tiền liệt, bao gồm cả những tế bào bị ung thư. Tuy nhiên, giảm đáng kể lượng hormone nam cũng có thể dẫn đến các tác động phụ bất lợi. Có bằng chứng cho thấy mức độ thấp của nội tiết tố androgen (mức testosterone chủ yếu) có liên quan đến các bệnh béo phì, tiểu đường, trầm cảm, liệt dương, đau tim và huyết áp cao.
Nhiều nghiên cứu gần đây cũng cho phép đi tới kết luận rằng mức testosterone thấp có ảnh hưởng xấu đến tư duy và trí nhớ. Ngoài ra, còn có bằng chứng cho thấy nam giới mắc bệnh Alzheimer thường có mức độ testosterone thấp hơn so với những người không mắc bệnh.
Ung thư tuyến tiền liệt là loại bệnh khá phổ biến nhất ở nam giới cao tuổi, cụ thể là cứ bảy người thì có một người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt (độ tuổi trung bình tại thời điểm chẩn đoán là 66).
- A.H.L theo medicalnewstoday.com