Đau thần kinh tọa vừa là một bệnh mãn tính, vừa là một triệu chứng do nhiều nguyên nhân như: thoát vị đĩa đệm thắt lưng, trượt đốt sống, hẹp ống sống thắt lưng, bệnh lý rễ thần kinh, u bướu gây chèn ép dây thần kinh… mà phổ biến nhất là nguyên nhân thoát vị đĩa đệm. Bác sĩ Trương Công Dũng, Tổng thư ký Hội Y học TP. Hồ Chí Minh cho biết cơn đau thần kinh tọa có đặc điểm như sau.
Đau thần kinh tọa là trường hợp đau nặng trong các bệnh về cột sống thắt lưng. Cơn đau đột ngột ở vùng thắt lưng, lan dọc xuống mông, sau đùi, cẳng chân, có thể kèm theo cảm giác tê, bỏng rát. Cảm giác đau tăng lên khi cúi người, ngồi ghế, xoay trở, giảm khi nằm nhưng thường gặp nhất là đau thắt lưng do quá tải trên khớp, dây chằng cột sống và đau do thoái hóa cột sống thắt lưng. Bệnh nhân hay bị đau dữ dội đến mức không đứng đi được, thậm chí không dám ho vì đau đớn.
Tỷ lệ người bị bệnh xương khớp – cột sống nói chung và đau thần kinh tọa nói riêng gia tăng khá nhanh, đến nỗi các bác sĩ chuyên khoa xem bệnh này như là một “đại dịch”, nguyên nhân do đâu?
Vì chúng ta “xài” xương quá nhanh mà không biết cách bảo tồn. Xương không phải là một cấu trúc cố định như nhiều người vẫn nghĩ mà là một mô sống, luôn cần một lượng để bồi đắp cho phần xương mất đi mỗi ngày. Hãy thử tưởng tượng một bãi bồi, nếu không có lượng phù sa bồi đắp thì bờ biển chắc chắn sẽ bị sạt lở nghiêm trọng. Xương chúng ta cũng vậy, hằng ngày xương luôn phải chịu các tác nhân có hại mà lại không được bù đắp bằng các chất hình thành xương thì khó mà có được hệ xương khớp khỏe mạnh.
Xin bác sĩ nói rõ hơn về các tác nhân làm hệ xương khớp suy yếu như hiện nay?
Xương bị tổn thương hằng ngày do cả nguyên nhân chủ động lẫn bị động. Về nguyên nhân chủ động, chúng ta ăn các loại thức ăn chế biến từ nguyên liệu không đạt chất lượng. Người nông dân rút ngắn thời gian vật nuôi cây trồng không đủ thời gian tạo chất dinh dưỡng và dùng nhiều chất kích thích tăng trưởng cho cây cối, vật nuôi. Thức ăn lại qua xử lý quá nhiều khâu trước khi ăn nên mất đi khá nhiều chất bổ dưỡng. Rồi bia, rượu, thuốc lá bào mòn xương mỗi ngày bằng nhiều loại độc tố khác nhau. Về nguyên nhân bị động, hệ xương khớp của chúng ta bị nhiễm các chất độc hại từ không khí, nước và nhất là tác dụng phụ từ thuốc điều trị bệnh. Chẳng hạn như là thuốc kháng sinh (tetracyclin, qinolon) có thểảnh hưởng đến sự phát triển xương khớp trẻ em, các loại thuốc kháng viêm giảm đau, nhất là nhóm corticoid, gây mất chất khoáng trong xương, rối loạn chuyển hóa đường mỡ, suy thượng thận…
Đó là chưa kể đến lối sống hiện tại thiếu vận động đi lại, không có thời gian không điều kiện luyện tập nên cơ – xương – khớp “già” đi khi còn trẻ tuổi. Stress, mất ngủ làm cho hệ nội tiết tố thay đổi, từ đó làm mất đi nhiều chất bổ cần cho xương khớp gồm khoáng chất (canxi, magie, photpho, đồng, kẽm…) và vitamin (B, A), axit forlic… Các nguyên nhân nói trên làm cho nhiều thế hệ chúng ta ngày nay không thể có hệ xương khớp khỏe mạnh, trẻ con thì dễ bị còi xương, người già thì bị loãng xương, ung thư xương, người trẻ thì bị thoái hóa khớp, gout, hoại tử xương.
Trở lại vấn đề đau thần kinh tọa, vì sao người bệnh khó được điều trị dứt điểm?
Như tôi đã nói ở trên, do nhiều tác nhân mà xương khớp người bệnh đã rất yếu nên điều trị khó khăn, việc phục hồi xương dường như là điều không thể. Hơn nữa, điều trị tập trung vào thuốc giảm đau và phẫu thuật thì chưa đủ mà cần có vật lý trị liệu. Vì sau một thời gian bệnh kéo dài thì các cơ xương quanh vùng bệnh cũng yếu đi nhiều, cần phải luyện tập để phục hồi. Mà trên thực tế, thuốc giảm đau và phẫu thuật hiện đang có dấu hiệu lợi dụng quá mức trong khi vật lý trị liệu thì thiếu.
Trường hợp có chèn ép thần kinh do thoát vị đĩa đệm thì vật lý trị liệu kết hợp kéo dãn cột sống bằng máy hoặc tạ có thể thành công đến 80% trong từ 4 đến 6 tuần. Còn về lâu dài, phải dùng các biện pháp hỗ trợ dinh dưỡng để đưa khoáng chất, vitamin và các chất bổ dưỡng nuôi dưỡng xương khớp, chống loãng xương, thoái hóa sụn khớp và đĩa đệm… giúp cột sống tái tạo lại thì mới tránh được tình trạng tái phát.
Còn về những phương pháp vật lý trị liệu trong Đông y như: châm cứu, massage, day huyệt… liệu có hiệu quả cho đau thần kinh tọa?
Các phương pháp này theo tôi là rất tốt, có thể kết hợp với thuốc tây trong điều trị. Tuy nhiên, các phương pháp trên không thể thay thế phẫu thuật, cũng không thể thay thế dinh dưỡng tập thể dục thể thao và thay đổi lối sống.
Bác sĩ có lời khuyên nào về thời điểm cần phẫu thuật, để tránh bị lạm dụng mổ trong điều trị đau thần kinh tọa?
Chúng ta thường nghĩ các trường hợp đau nhiều là phải phẫu thuật. Sự thật không phải như vậy! Phẫu thuật phải được chọn lựa như là biện pháp sau cùng vì phẫu thuật gây đau đớn, tốn kém và tạo nên tổn thương mới tại cột sống. Chỉ định phải phẫu thuật cho các trường hợp đau lưng có tổn thương rõ rệt như: thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống nặng, hẹp ống sống… mà không cải thiện sau khi đã điều trị bằng thuốc men tập luyện như trên tích cực trong vòng vài tuần đến vài tháng, hoặc đau tăng dần, ảnh hưởng nhiều đến công việc sinh hoạt hằng ngày. Chỉ định phẫu thuật sớm trong các trường hợp có dấu hiệu yếu liệt chân hay rối loạn tiêu tiểu do chèn ép thần kinh.
Một số người sau khi mổ có cảm giác yếu đi và cơn đau vẫn còn, trường hợp này phải chăng phẫu thuật không hiệu quả?
Trường hợp này có thể vì bệnh nhân bị tổn thương nhiều vị trí. Khi mổ lần đầu chỉ có thể giải quyết được một vị trí mà thôi, những vị trí khác có vấn đề vẫn còn thì cơn đau vẫn còn. Ngoài ra, việc phẫu thuật đôi khi để lại một số biến chứng. Ngoài các biến chứng do gây mê và do mổ xẻ thông thường, phẫu thuật cột sống có thể có những biến chứng đặc thù như yếu liệt chi, rách màng cứng, viêm thân sống… là các biến chứng nặng. Tuy nhiên, các tai biến biến chứng này rất thấp nếu bác sĩ có kinh nghiệm và tuân thủ đúng các quy trình, đặc biệt tỷ lệ này thấp hơn nữa trong phẫu thuật nội soi hoặc vi phẫu.
Cảm ơn bác sĩ về những thông tin trên.
- Thanh Nhã