Người Việt có khó khăn gì? Đố ai trả lời được câu hỏi ấy. Là vì câu hỏi rất “khổng lồ”, có rất nhiều đáp số, lại đầy mâu thuẫn. Khó vì quá nghèo? Vì xã hội kém phát triển? Vì có nhiều thói hư tật xấu hay vì “trời sinh ra thế”?
Không ai trả lời được. Chỉ luôn luôn “lòi ra” những chuyện chẳng giống ai và đầy mâu thuẫn.
Cô vợ kể ra rất nhanh: Anh xem, lâu lâu lại một vụ ghê người, giết hiếp, lừa đảo, bạo hành, phạm các tội “tân tiến” hơn các cụ ta xưa. Vài ông quan chức phát biểu ngô nghê gây cười té ghế (nếu anh quên em nhắc lại nè, có thật báo đăng hẳn hoi nè chứ chả phản động nào chế ra: ông phụ trách giao thông bảo “TP. Hồ Chí Minh không có kẹt xe vì xe ra đường vẫn… nhúc nhích”. Ông thanh tra này bảo “Tình hình tham nhũng… ổn định”, ông thanh tra nọ bảo “Thực phẩm độc vẫn an toàn”… Ôi kể thêm thì nhiều lắm).
Anh chồng – xưa nay ít bức xúc nên trong các cuộc nói chuyện với vợ thường đóng vai trò “cảm hứng tích cực” liền từ tốn: Xã hội nào chả có tội ác, đói nghèo trộm cướp. Em tưởng Mỹ không có người nghèo sao? Vào các ga tàu điện ngầm mùa đông tuyết rơi, đầy người vô gia cư. Tức là sống ngoài đường không nhà. Nếu cứ thống kê số lượng sống vỉa hè như vậy thì Mỹ phải đông hơn Việt Nam là cái chắc.
- Xem thêm: Giàu… oan
Vợ liền đưa ra ngay con số của “báo Mỹ hẳn hoi”: Đây – tờ Wall Street Journal cho biết các nhà đầu tư Mỹ giờ đây chuyển sang trông đợi nguồn vốn vừa rẻ vừa nhanh của người Việt Nam đi diện EB5 – tức là vét tiền ở xứ ta đổi lấy định cư qua Mỹ đó. Nếu xứ ta sống tốt, sao người Việt mơ làm giàu để ra đi? Việt Nam giờ là một trong năm quốc gia có lượng đi diện EB5 cao nhất thế giới, cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc, Brazil và Ấn Độ.
Chồng đáp ngay: Đó đó, Hàn Quốc phát triển thế người ta vẫn đi, em nói sao? Mà theo chỗ anh biết, nhiều người Việt đi EB5 cho gia đình con cái sang đó, ông chồng vẫn bám ở trong nước tiếp tục kinh doanh, kiếm tiền xứ ta dễ hơn nhé. Rồi xa gia đình, vợ bên kia thấp thỏm ông chồng đại gia “độc thân” trong nước với “tiền bao la thì gái bao vây” liệu có chung tình? Cái gì cũng có giá của nó em ơi.
Vợ lại “trích dẫn” nhiều chi tiết khó cãi: Bạn em sang Tiệp, sang Ba Lan thôi, chưa cần nói Mỹ; nó bảo vào một hàng bún chả gặp cả một gia đình người… Nghệ An cho biết cả họ hàng bà con tới mấy chục người sang đó hết. Nếu xứ ta dễ sống sao họ phải đi?
- Xem thêm: Người Việt phải… “tập đi”
Chồng vẫn lạc quan: Ở đâu cũng có mặt tốt – xấu đan xen em ơi. Nhiều Tây sang Việt Nam bảo dễ kiếm tiền – đi dạy tiếng Anh lương cũng cao, mà sinh hoạt rất rẻ, thuê nhà, ăn uống, vào bar rẻ hơn nhiều. Ở đâu cũng có nhân tài. Em thấy không America Idol vừa rồi một cô gái Việt mới qua Mỹ ít năm, hát xong giám khảo phải thốt lên “không có gì so sánh được với em”.
Người Việt ta đó chứ đâu. Nền giáo dục bị chê bai làm ta hãi sợ nhưng vẫn đẻ ra hàng loạt nhân tài “Đường lên đỉnh Olympia” – sản phẩm của giáo dục Việt đó chứ đâu? Vợ bảo ngay: Nhân tài đó đều “cung cấp” cho nước ngoài, có đứa nào ở lại đất nước mà phát triển tốt đâu?
Hóa ra, cái khó của người Việt chắc là “nhìn góc độ nào cũng đúng” hay sao ấy nhỉ? Vợ chồng nhà ấy là một thí dụ. Cãi kiểu gì cũng… có lý? Còn lâu mới nhất trí… Nên người Việt khó giữ được đoàn kết, ngay cả khi đã lưu lạc xứ người…