Trong bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết: “Châu Hóa! Tổ quốc đã trao cho nó một mảnh đất – đứng giữa ngã ba sông này, và nó đã trụ vững ở đây qua bão táp của bao thế kỷ, giống như một hòn đảo huyền thoại. Châu Hóa! Chiều nay tôi muốn gọi nó bằng cái tên vinh quang một lần đất nước đã tuyên dương Vạn Lý Trường Thành ở phương Nam”. Vùng đất huyền thoại đó bây giờ vẫn còn lưu dấu tích của mấy trăm năm về trước. Những tên đất tên làng như Thành Trung, An Thành, Tây Thành, Tiền Thành hay những đám ruộng Thành Dọc, Thành Ngang cho thấy dấu ấn của thành Hóa Châu đối với vùng đất này.
Tôi vẫn còn nhớ từ năm 2009 đến 2012, khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Huế cùng với các nhà nghiên cứu của Đại học Osaka – Nhật Bản đã tiến hành khảo sát, trắc địa và thám sát để nghiên cứu cấu trúc, niên đại khu vực thành Hóa Châu với 17 hố thám sát tại 15 điểm và đã có nhiều phát hiện mới như: Ngoài đặc điểm chung của các thành cổ Chămpa có hình vuông, dài; thành Hóa Châu không chỉ có hai vòng lũy thành (thành ngoài và thành nội) như một số thành cổ Chămpa mà còn có những lũy thành ngắn khác. Chu vi thành ngoài hơn 4.700 mét, có quy mô chỉ đứng sau thành Chà Bàn ở Bình Định và lớn hơn các thành cổ Chămpa khác ở miền Trung. Bên trong của thành ngoài có hai con sông Kim Đôi và Tiền Thành nối với sông Bồ và phá Tam Giang được cho là hai con sông nhân tạo vì chạy rất thẳng và có chiều rộng đều nhau; hai con sông này có vai trò rất lớn về mặt giao thông thủy của thành. Thành Hóa Châu cũng là thành lũy chứng kiến lịch sử dài nhất ở miền Trung Việt Nam trải qua nhiều thời kỳ văn hóa từ Sa Huỳnh – Chămpa đến Đại Việt…
Cố GS-TS Nishimura Masanari – Đại học Osaka, Nhật Bản, người trực tiếp thám sát ở Hóa Châu từng nhận định: “Nếu không có thành Hóa Châu thì không có lịch sử của Huế bởi Hóa Châu chính là nơi tiếp xúc văn hóa Chămpa với văn hóa Đại Việt, là nơi để Đại Việt làm cơ sở Nam tiến. Cũng cần có một công trình kiến trúc về Huyền Trân Công chúa ở vùng đất này bởi trước khi vào làm dâu Chămpa, Huyền Trân Công chúa đã đến lưu trú ở đây…”.
Kết quả nghiên cứu khảo cổ học về thành Hóa Châu cho thấy, dấu tích thời Trần dày đặc hơn cả các giai đoạn lịch sử khác. Đây cũng là giai đoạn của thành Hóa Châu, có khả năng bắt đầu từ thế kỷ XIV. Trong giai đoạn này, nhà Trần đã đắp đất để mặt bằng cao lên và xây dựng những kiến trúc tương đối kiên cố ở khu vực trong và cả khu vực ngoài của Thành Nội. Vào thời nhà Hồ – đầu thế kỷ XV, việc đắp cao mặt thành và các công trình kiến trúc tiếp tục được thực hiện; đặc biệt kết quả thám sát của các nhà khảo cổ học Nhật Bản cũng cho thấy khả năng vào giữa thế kỷ XV, tường đã được xây dựng trên nền Thành Nội theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Khu vực thành Hóa Châu còn có rất nhiều hào, hố nước kể cả bên trong khu Thành Ngoại. Đây là một đặc trưng thành quách của Hóa Châu. Một kết luận khá thú vị cũng được cố GS-TS Nishimura Masanari đưa ra là: “Vì sao người dân làng Thành Trung lại nổi tiếng với nghề trồng rau, rau Thành Trung từng cung tiến cho vua Nguyễn và rất nổi tiếng với tên gọi rau phường Thành. Bởi vì làng Thành Trung ở ngay trên mặt thành Hóa Châu xưa, được bồi đắp qua nhiều giai đoạn nên bây giờ đất đai của làng Thành Trung cao, không bị lũ lụt và phát triển được nghề trồng rau quanh năm…”.
Kết quả khảo cổ học thành Hóa Châu năm đó còn phát hiện các hiện vật: gốm sứ, sành, gốm thô, đồ gạch, ngói, đồ đá và đồ thủy tinh của nhà Trần, nhà Hồ, Trung Hoa, Chămpa từ thế kỷ IX đến thế kỷ XV; trong đó có một số mảnh thủy tinh có thể được sản xuất tại vùng Trung Ấn? Với tính chất lịch sử, văn hóa quan trọng của thành Hóa Châu, trước khi bị mất vì tai nạn giao thông ở Hà Nội, cố GS-TS Nishimura Masanari đã kiến nghị, cần tiến hành lập hồ sơ để công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa cho khu thành cổ này. Cùng chung quan điểm, ông Đào Lý – một người dân của làng Thành Trung bày tỏ: “Tôi là người đã cùng làm việc với các đoàn khảo cổ, thám sát sử học. So với lần trước thì lần này, các nhà khảo cổ học của Nhật Bản và Việt Nam làm việc khoa học, chuyên nghiệp hơn. Nhiều di tích, di vật đã được tìm thấy cho thấy thành Hóa Châu là một khu thành có vai trò lớn trong lịch sử dân tộc. Chúng tôi mong muốn ngành văn hóa cũng như các cơ quan chức năng tiến hành lập hồ sơ công nhận di tích lịch sử văn hóa cho khu vực thành Hóa Châu…”.
Làng quê từng là trung tâm của thành Hóa Châu xưa bây giờ bình yên trong muôn sắc của rau. Rau từ nhà ra ngõ, rau điểm xuyết cho cảnh sắc của làng. Những ngò, cải, tần ô, rau thơm, xà lách… cứ thế trổ lá đơm hoa là nguồn thu nhập chính của dân làng từ xưa đến nay, mà nói như ngôn ngữ của họ là “mớ rau – thau bạc”. Thành Hóa Châu xưa đã từng chứng kiến những trận chiến của quân dân Đại Việt để giữ yên bờ cõi. Danh nhân Trương Hán Siêu, tác giả của Bạch Đằng Giang Phú từng đến nơi này. Hai cha con anh hùng Đặng Tất, Đặng Dung từng quyết tử ở cửa thành Hóa Châu xưa và để lại cho hậu thế những vần thơ khí khái: Quốc thù vị báo đầu tiên bạch – Kỷ độ long tuyền đới nguyệt ma (Thù nước chưa xong đầu đã bạc – Gươm mài bóng nguyệt đã bao lần).
Tầm vóc của Hóa Châu đối với lịch sử của Huế và của cả dân tộc là vô cùng lớn… Nhưng thành cổ Hóa Châu xưa vẫn chưa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Một sự lãng quên thật đáng tiếc và cũng thật đáng trách. “Lòng ta là những hàng thành quách cũ – Tự ngàn năm bỗng vẳng tiếng loa xưa”. Châu Hóa chiều đầu xuân này, tôi về bỗng như nghe âm âm tiếng trống trận và lời thơ thống thiết của Đặng Dung. Vần thơ yêu nước đó đã lay động qua mấy trăm năm, từ Thuận Hóa – Phú Xuân cho đến Thừa Thiên – Huế ngày nay…