Ngay giữa lúc cao điểm của chiến tranh Việt Nam, không quân Mỹ bị đánh tan tác vì tên lửa SAM-2 của Liên Xô. Vì thế, CIA đã dùng một đoàn máy bay không người lái để tìm hiểu bí mật của loại vũ khí kinh khủng này.
Ngày 13-2-1966, một máy bay trinh sát không người lái bay ở độ cao trên bầu trời Việt Nam với một nhiệm vụ bí mật. Phòng không Miền Bắc phát hiện trên màn ảnh radar chiếc máy bay giả dạng máy bay trinh sát U-2 của Mỹ tiến đến gần Hà Nội. Tên lửa SAM-2 được chỉnh hướng nhắm vào nó, bắn nổ tan tành thành một quả cầu lửa mấy giây sau đó. Nhiệm vụ xem như hoàn thành.
Nhìn từ bên ngoài, cuộc giao chiến nhỏ này rõ ràng là một chiến thắng của Miền Bắc, nhưng chẳng ai biết rằng chiếc máy bay thám thính SAM này được chế tạo chỉ để… bị bắn hạ! Trong vòng 0,2 giây trước khi trúng đạn, hệ thống điện tử của nó sẽ ghi lại mọi chi tiết của radar dò tìm bên trong tên lửa SA 2: hệ thống hướng dẫn và hỗn hợp đầu đạn, gởi về trạm chỉ huy trước khi chết.
Bằng bí danh United Effort (Thống nhất nỗ lực), CIA đã lập kế hoạch và chuẩn bị cho điệp vụ này trước đó 3 năm, hy vọng có được các dữ liệu mà không chiếc máy bay có người lái nào làm được. Một số máy bay không người lái đã cô gắng tìm hiểu bí mật của SAM-2 nhưng đều phải thất bại. Nhưng lần này có khác biệt gì không?
Thoát chết khỏi SAM-2
Tên lửa phòng không SAM-2 do radar điều khiển là nỗi lo sợ ngày càng lớn của không quân Mỹ tại Việt Nam. Năm 1965, lúc khởi đầu sự can thiệp của Mỹ, chỉ có 6 dàn radar vào Việt Nam, đến năm 1967 con số là gần 500. Người Mỹ tuyệt vọng tìm kiếm số liệu vận hành chi tiết của tên lửa, nhưng các pháo thủ Việt Nam lại rất thông minh, luôn giấu kín tối đa tông tích của mình.
Có khi họ di chuyển dàn radar lúc bị phát hiện mục tiêu, có khi họ lừa máy bay bằng một dàn để cho hệ thống thứ nhì bắn hạ. Các dàn pháo được giấu kín và thường xuyên di chuyển, rất khó trở thành mục tiêu tấn công.
Tên lửa hướng dẫn SAM-2 còn có tên là S-75 Dvina, là hệ thống phòng không phổ biến nhất trong lịch sử và đã từng bắn hạ chiếc máy bay trinh sát U-2 tối tân nhất của Mỹ do Francis Gary Power lái vào năm 1960. Đôi khi được gọi là “trụ điện bay” do kích thước khổng lồ của tên lửa – dài gần 10m và đường kính gần 1m – nó mang đầu đạn nổ nặng 180kg và bay nhanh gấp 3 lần tốc độ âm thanh Mach 3.
Điều làm cho SAM-2 cực kỳ lợi hại là nó không cần đánh trúng vào máy bay, mà chỉ cần các mảnh vụn văng tứ tung gần đó chừng vài chục mét là đủ để hạ gục mục tiêu giống như khẩu súng hơi bắn hạ con voi. Do thành công khủng khiếp đó mà Liên Xô đã cung cấp ồ ạt cho các nước anh em của mình như Cuba, Bắc Triều Tiên và Bắc Việt Nam.
Nhưng không hề hay biết, các nhà thiết kế tên lửa Liên Xô có một nhược điểm mà CIA nghĩ rằng có thể khai thác được. SAM-2 kích nổ đầu đạn bằng một ngòi nổ tiếp cận, nhận diện được mục tiêu bằng phản xạ sóng vô tuyến. Nếu CIA có thể tìm thấy những đặc tính sóng vô tuyến phản xạ của ngòi nổ, các kỹ sư điện tử có thể khắc chế để cho nó “tịch ngòi” hay phát nổ từ một khoảng cách an toàn.
Điệp báo và mọi cố gắng khác để nắm được dữ liệu đều thất bại. Máy bay đến gần các đài radar chỉ làm cho nó trở thành mục tiêu tốt hơn. Người Mỹ cố kiếm được một bản sao quyển sổ tay của các sĩ quan huấn luyện, nhưng các chi tiết đều quá mơ hồ, không thể biết được số liệu kỹ thuật chính xác.
Chẳng bao lâu sau, chỉ còn lại một chọn lựa duy nhất: thu thập thông tin ngay tại chiến trường. Nhưng làm sao chộp được tín hiệu vô tuyến dùng để hủy diệt chính mình chỉ sau đó vài phần trăm giây? Câu trả lời: dùng máy bay không người lái!
Máy bay không người lái nhỏ, sải cánh dài
CIA có đầy thiết bị điện tử trinh sát đặt trên các máy bay như SR-71 Blackbird, và U-2, nhưng không có loại nào đủ gọn nhẹ để lắp trên một chiếc drone (máy bay không người lái) nhỏ bé. Vì thế, các kỹ sư đã thu gọn Hệ thống X nặng 630kg xuống còn 78kg. Stever Miller, thuộc đại đội Trinh sát 99 đóng quân tại Việt Nam, đã từng sử dụng loại máy bay không người lái này, cho biết: “Thiết bị chỉ tập trung vào bộ tiếp nhận tối đa các loại sóng vô tuyến”.
Từ năm 1948, Công ty Hàng không-Không gian Ryan đã chế tạo nhiều loại máy bay trinh sát không người lái cho Không quân, Hải quân và Bộ binh để thăm dò mạng lưới phòng không của đối phương. Sau khi chiếc U-2 của Gary Powers bị Liên Xô bắn hạ vào năm 1960, Không quân Mỹ cần có một loại máy bay không người lái khác để trinh sát trong vùng nguy hiểm. Sau mấy lần thất bại, người ta đã chọn chiếc Ryan Firebee cải tiến: kéo dài thân để gắn thêm camera và chứa nhiên liệu. Máy bay sẵn sàng hoạt động trinh sát từ năm 1964.
Nó có chiều dài 7,2m sải cánh 4,5m, gắn động cơ phản lực, sức đẩy 765kg, đạt vận tốc tối đa 1.120km/giờ. Một chiếc máy bay vận tải C-130 Hercule gắn hệ thống điều khiển, phóng đi 2 máy bay không người lái. Kết thúc nhiệm vụ, nó nhảy dù xuống đất để cho máy bay trực thăng đến thu hồi xác. Thân máy bay làm bằng sợi thủy tinh và động cơ phản lực được bọc lưới sắt để giảm phát hiện của radar. Nhân viên sử dụng có thể lập trình đường bay tự động hay điều khiển nó từ xa qua sóng UHF. Tên của nó là Ryan 147 D và mang bí danh “Cánh tay dài”, 3 chiếc đầu tiên được sản xuất.
“Cánh tay dài” phải bắt lấy tín hiệu trong vòng 0,2 giây trước khi bị bắn hạ nên phải chẻ dữ liệu ra thành nhiều thành phần gọi là multiplexing và chuyển đi ngay tức khắc, cho một trạm ở cách xa hàng trăm dặm có tên là RB-47H Stratojet. Điều khiển máy bay không người lái với kỹ thuật của thập niên 1960 không phải là chuyện dễ dàng. Miller cho biết nhân viên điều khiển ngồi trên chiếc máy bay vận tải Hercule C-130 ngay giữa chiến trường để gỡ rối các vấn đề.
- Xem thêm: Cú lừa tình báo thế kỷ của CIA
Mặc dù một chiếc “Cánh tay dài” bị rơi khi thử nghiệm, 2 chiếc còn lại được gởi sang Cuba vào năm 1963, nơi SAM-2 luôn đe dọa các chuyến bay trinh sát của Mỹ. Nhưng chiếc máy bay nhỏ bé đó không đủ sức gây chú ý cho các pháo thủ SAM 2, nên họ hoàn toàn phớt lờ chúng. Các kỹ sư phải chỉnh sửa lại cho giống với chiếc U-2 hơn.
Nhưng khi chúng sẵn sàng để khiêu khích trở lại, tình hình chính trị tại Cuba đã thay đổi vào năm 1964. Hai chiếc 147 D được chuyển sang châu Á, thử thời vận tại Bắc Triều Tiên. Trong vòng 2 tháng, quân đội Bắc Triều Tiên mắc mưu, nhưng họ vẫn phải thu hồi vì không thu lượm được thông tin có giá trị nào. Miller cho biết: “Vấn đề là chúng bay quá thấp, mà radar Triều Tiên lại quá giỏi với các loại máy bay tốc độ nhanh nên chẳng có gì cho chúng thu thập”.
Bay cao hơn và thông minh hơn
CIA lại cho ra đời thế hệ trinh sát cơ KNL mới mang tên 147 E, mở rộng sải cánh từ 4,5m lên 9m và bay cao đến 6.000m, có nhiều thời gian hơn để đối phó với tên lửa và máy bay săn đuổi Mig-21. Lần này, nó được đưa đến Việt Nam để thử lửa. Chuyến bay đầu tiên 147 E không bị bắn hạ, nhưng hệ thống điện tử không hoạt động. Sau khi phân tích, các kỹ sư phát hiện máy móc quá nóng. Họ phải giải nhiệt bằng ammoniac. Nhưng vì mùi quá thối khi bị rò rỉ nên các chuyên gia phải bỏ chạy khi sửa chữa!
Đầu năm 1966, mồi nhử SAM-2 trở lại Việt Nam. Chuyến bay đầu tiên của thế hệ mới này cũng phải rút về vì không thu thập được tin tức nào có giá trị. Đến ngày 13.2.1966, mọi việc hoàn toàn thay đổi. Chiếc 147 E thu thập được toàn bộ thông tin về radar và ngòi nổ tiếp cận, trước khi bị bắn hạ. Nó còn ghi được cả lực của sóng khi máy bay nổ tung. Không quân Mỹ dùng tin tức đó để tạo ra thiết bị cảnh báo và làm nhiễu sóng ngòi nổ. Thiết bị này làm cho mọi tên lửa SAM-2 đều không phát nổ khi đến gần chiếc máy bay được trang bị nó.
Nhưng làm sao để thử nghiệm mà không làm cho phi công phải gặp nguy hiểm? Lại là máy bay không người lái! Các kỹ sư của Ryan lại cho ra đời chiếc 147 F với hệ thống gây nhiễu sóng, gọi là “cây xeo gót giày”. Máy bay của Hải quân Mỹ bay trên bầu trời Việt Nam với mồi nhử SAM-2 vào tháng 7.1966. Nó thu hút được ít nhất 11 tên lửa nhắm vào mình, nhưng tất cả đều không nổ! Cuối cùng, đến quả thứ 12, nó mới bị bắn rơi.
“Cây xeo giày” trở thành cốt lõi cho hệ thống phản công AN/APR-26 được lắp đặt trên mọi máy bay của Mỹ, từ pháo đài bay B-52 cho đến chiến đấu cơ F-4, Phantom 2, và cả máy bay vận tải Hercules C-130. Nó cảnh báo cho phi công biết mình đang xuất hiện trên màn hình radar để có cơ may chuyển hướng đi, thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Nó cũng báo động một tên lửa đang tiến đến gần để tránh né. Trong giai đoạn cuối cùng khi tên lửa SAM-2 tiếp cận và ngòi nổ phát động, nó rú lên liên tục cho phi công trổ tài lạn lách giữa bầu trời hay là chết. Miller nói: “Yếu tố quan trọng nhất để tránh né là đảo vòng tròn hay lặn sâu xuống, trước khi SAM-2 phát nổ. Tín hiệu hiện trên màn hình là “Né ngay bây giờ”!”.
- Xem thêm: Cuộc đua vũ khí hoá không gian
Với kỹ thuật này, tỉ lệ máy bay Mỹ “sống sót” trước tên lửa SAM-2 tăng cao nhanh chóng. Năm 1965, một năm trước khi điệp vụ của CIA thành công, cứ 4 tên lửa SAM-2 bắn đi, chỉ có 1 trúng đích. Đến năm 1967, con số này là 50.
Thành công này đã khiến cho Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Eugene Fubini đã gọi điệp vụ nhử SAM-2 là đóng góp có ý nghĩa nhất cho trinh sát điện tử trong suốt 20 năm qua. Một thành công đáng giá hơn toàn bộ chương trình trinh sát bằng máy bay không người lái.
Nhưng đó chưa phải là kết thúc của thảm kịch Chiến tranh lạnh. Biết được khả năng tránh né tên lửa mới được phát hiện, các kỹ sư Liên Xô đã nâng cấp hệ thống phòng không của mình, tạo ra nhiều phiên bản SA-2 mới. Mỗi lần nâng cấp là một lần tình báo Mỹ phải lao theo để điều chỉnh dữ liệu. Và rồi cứ thế tiếp tục: SA-3, SA-4, SA-5… cho đến hiện nay của Nga là S-400 tức… SA-21! (theo tư liệu của NATO).
Máy bay trinh sát tự sát 147 D và E đã mở đầu cho một thế hệ mới mà hiện nay không ai biết tên gọi là gì. Nhưng năm 2019, một tên lửa Iran đã bắn hạ chiếc máy bay trinh sát KNL RQ-4 Global Hawk của Mỹ. Đó thực sự là sức mạnh cơ bắp của người Iran hay là Mỹ muốn lượm lặt thông tin dữ liệu tên lửa? Bởi vì khi bạn cần thu thập dữ liệu từ tình huống của một vụ nổ, cách tốt nhất là gởi đến một chiếc máy bay không người lái!