Mối đe dọa của một Chernobyl thứ hai
Sự khi Liên Xô chính thức tan rã vào tháng 12-1991, phần còn lại của thế giới bắt đầu bận tâm hơn nhiều với câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra với kho vũ khí hạt nhân hạt nhân khổng lồ? Kho dự trữ đầu đạn hạt nhân của Liên Xô mang lại sức mạnh quân sự to lớn, nhưng cũng gây ra mối nguy hiểm không kém đối với những vùng lãnh thổ vừa trở thành 4 quốc gia riêng biệt: Nga, Belarus, Kazakhstan và Ukraine.
Ban đầu, ông Vladimir Yeltsin, tổng thống mới của Nga, tuyên bố nước này sẽ không đơn độc kiểm soát đối với toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô. Tại Almaty vào ngày 21-12-1991, cả 4 quốc gia kế thừa kho vũ khí hạt nhân Liên Xô đồng ký kết hiệp ước về kiểm soát chung. Đến 9 ngày sau, đại diện của 4 quốc gia tiếp tục gặp lại nhau ở Minsk và ký một hiệp ước khác nhằm thiết lập một bộ chỉ huy “lực lượng chiến lược” chung.
Vào ngày 25-12-1991, tức trong khoảng thời gian giữa 2 cuộc họp ký hiệp ước, ông Mikhail Gorbachev (người vừa từ chức lãnh đạo Liên Xô) đã trao chiếc cặp hạt nhân cho ông Boris Yeltsin. Hiệp ước cũng quy định bất kỳ quyết định nào về việc phóng vũ khí hạt nhân đều phải được Nga đưa ra trong sự phối hợp ràng buộc về mặt pháp lý với người đứng đầu Ukraine, Kazakhstan, Belarus đồng thời tham khảo ý kiến các quốc gia thành viên khác của CIS (Cộng đồng Các quốc gia độc lập).
Vilen Tymoshchuk, đại tá đóng quân tại Ukraine trong Quân đoàn tên lửa 43 – một trong những đơn vị tên lửa mạnh nhất nước này, nói: “Cả tổng thống Ukraine và bất kỳ ai trong nước đều không có ảnh hưởng gì đến vụ phóng tên lửa hạt nhân bởi vì hệ thống mật mã sẽ phải kích hoạt từ Bộ Chỉ huy trung tâm ở Nga”. Thế nhưng, Mỹ – quốc gia trung gian hòa giải chính trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân – thúc đẩy một giải pháp khác: toàn bộ kho vũ khí hạt nhân chỉ còn lại ở Nga.
Ngoại trưởng Mỹ James Baker lưu ý trong một cuộc phỏng vấn năm 2012: “Chúng tôi thực sự muốn thỏa thuận với 1 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân chứ không phải 4”. Nhưng làm thế nào để thuyết phục 3 nước khác từ bỏ quyền lực to lớn này? Tại các cuộc đàm phán đằng sau cánh cửa đóng kín, cụm từ “thảm họa Chernobyl thứ 2” được nghe thấy thường xuyên. Vấn đề là tuổi thọ của nhiều đầu đạn hạt nhân dự trữ ở các nước Cộng hòa Xô viết hết hạn vào năm 1997.
Các cơ sở lưu trữ tại thời điểm đó đều đã tận dụng hết công suất trong khi việc đảm bảo công tác bảo trì và tháo dỡ an toàn cần nguồn lực tài chính mạnh và công nghệ mũi nhọn. Do đó, nỗi lo sợ ghê gớm là trong trường hợp thảm họa tự nhiên hoặc khẩn cấp, tất cả các kho dự trữ này có thể bị nổ tung! Theo lãnh đạo Ukraine lúc đó là ông Leonid Kravchuk, ông Yeltsin đã đưa ra tối hậu thư rằng Nga sẽ không còn chấp nhận bất kỳ “đầu đạn nổ” nào sau năm 1997 và bây giờ chúng phải được bàn giao.
- Xem thêm: Những điều chưa biết về bức tường Berlin
Cuối cùng, hai bên đã đồng ý tương đối dễ dàng về sự “trao đổi”. Trong khi đó, Kazakhstan – nơi kế thừa địa điểm thử nghiệm hạt nhân lớn thứ 2 trên hành tinh tại Semipalatinsk – đã bàn giao kho vũ khí của mình mà không có bất kỳ phiền phức nào. Kazakhstan lo ngại về sự an toàn và đồng thời rất hài lòng khi nhận được các khoản đầu tư và phần cứng quân sự – cựu Tổng thống Nurseult Nazarbayev nói trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Nhật Bản. Đến năm 1992, mọi thứ đã được sắp xếp ở đây.
Về phần mình, Belarus ký một hiệp ước về việc rút kho vũ khí vào năm 1994 để đổi lấy sự đảm bảo an ninh. Nhưng về sau, Belarus tin rằng đã thực hiện một thỏa thuận tồi tệ và cảm thấy hối tiếc điều này. “Thực ra, không nên làm điều đó mà chúng ta nên bán quyền sở hữu cực kỳ quan trọng này của chúng ta bởi vì đó là một mặt hàng có giá trị để có được khoản tiền kha khá” – lãnh đạo đất nước Alexander Lukashenko nói. Vấn đề còn lại là ở Ukraine, nơi không muốn từ bỏ vũ khí hạt nhân. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, Kiev sở hữu kho vũ khí hạt nhân mạnh thứ 3 trên thế giới chỉ sau Mỹ và Nga.
Các tên lửa liên lục địa nhắm trực tiếp vào Mỹ, với 1.240 đầu đạn nằm trên lãnh thổ Ukraine. Tình huống này cũng có vấn đề đối với Mỹ và nước này đặt một điều kiện. Về sau, ông Leonid Kravchuk nói: “Họ [người Mỹ] nói rằng trừ khi loại bỏ đầu đạn ra khỏi Ukraine nếu không hậu quả sẽ không chỉ là gây sức ép mà còn là lệnh phong tỏa Ukraine. Các lệnh trừng phạt và phong tỏa đối với họ là những từ được sử dụng một cách thẳng thắn”.
Do đó vào năm 1994, Kiev ký một bản ghi nhớ để đổi lấy sự toàn vẹn lãnh thổ và cam kết hỗ trợ về kinh tế. Ukraine nhận 175 triệu USD từ Mỹ để xử lý vũ khí hạt nhân. Năm 2000, Nga xóa nợ cho Ukraine với khoản tiền lên đến 1.099 triệu USD, mặc dù Kiev yêu cầu đền bù 3 tỷ USD. Nhưng điều quan trọng nhất là vào cuối năm 1996, sau khi việc rút kho vũ khí hạt nhân khỏi các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đã hoàn tất; Nga và Mỹ – theo các thỏa thuận – bắt đầu tiến trình giảm thiểu kho vũ khí hạt nhân của họ.
Hợp tác khoa học bảo đảm an toàn hạt nhân giữa Nga và Mỹ
Sau năm 1991, các nhà khoa học và chuyên gia kỹ thuật ở cả Mỹ và Liên Xô cũ đã cùng nhau xắn tay áo để quản lý và ngăn chặn vấn đề hạt nhân. Một trong những nhà lãnh đạo trong mối quan hệ này là giáo sư kỹ thuật Đại học Stanford (Mỹ) Siegfried Hecker, người từng là giám đốc của Viện thí nghiệm quốc gia Los Alamos trước khi đến Stanford với tư cách là thành viên cao cấp tại Trung tâm Kiểm soát vũ khí và An ninh Quốc tế (CISAC).
Ông là một chuyên gia nổi tiếng thế giới về khoa học plutonium, giảm mối đe dọa toàn cầu và an ninh hạt nhân. Trong cuốn sách mới tựa đề “Sự hợp tác tất yếu: Các nhà khoa học Mỹ và Nga hợp lực để ngăn chặn một số nguy cơ hạt nhân lớn nhất sau Chiến tranh Lạnh như thế nào”, Hecker dẫn lời một chuyên gia người Nga cho biết “bây giờ chúng ta cần lo ngại đến khủng bố”. “Có được cả niềm tin khoa học và chính trị là một chìa khóa”, Hecker nói.
Người Nga tự hào về thành tựu khoa học và có năng lực cao trong nghiên cứu hạt nhân – và họ đã tìm cách thể hiện điều này với các nhà khoa học Mỹ – những người rất tin tưởng vào khả năng kỹ thuật của đối tác Nga khi tìm hiểu thêm về tổ hợp hạt nhân và tham quan các phòng thí nghiệm. Nhưng các chuyên gia hạt nhân phải đối mặt với một vấn đề lớn. Hecker cho biết Liên Xô sở hữu khoảng 39.000 vũ khí hạt nhân ở nước họ và ở Đông Âu cùng với khoảng 1,5 triệu kg plutonium và uranium rất giàu (nhiên liệu cho bom hạt nhân).
Hãy xem xét rằng quả bom mà Mỹ thả xuống thành phố Nagasaki của Nhật Bản năm 1945 chỉ là 6kg plutonium, Hecker nói thêm. Trong khi đó, Mỹ sở hữu khoảng 25.000 vũ khí hạt nhân vào đầu thập niên 1990. Hecker và phần còn lại của người Mỹ quan tâm sâu sắc về một triệu người Nga làm việc trong các cơ sở hạt nhân. Nhiều người phải đối mặt với áp lực tài chính nghiêm trọng trong một xã hội đang rối tung và do đó tạo thành rủi ro an ninh tiềm tàng rất lớn.
Một thách thức mà Nga phải đối mặt với sự sụp đổ của nền kinh tế là rất lớn và các nhà khoa học Nga có động lực để hành động có trách nhiệm bởi vì họ nhận ra sự hủy diệt khủng khiếp mà một quả bom hạt nhân có thể phá hủy – Hecter bình luận trong một cuộc phỏng vấn. Hecker cũng lưu ý rằng một nhà khoa học người Nga đã nói với ông: “Chúng ta đang trong thế kỷ hạt nhân và tất cả cùng trong một chiếc thuyền cho nên một động thái của bất kỳ ai cũng sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người”.
Do đó, chính phủ Mỹ và Nga phải chấp nhận hợp tác chặt chẽ với nhau. Trong một thời gian ngắn, các nhà khoa học đã phát triển sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau để giải quyết kịch bản vũ khí hạt nhân được quản lý một cách lỏng lẻo. Chính quyền George H.W. Bush lúc đó đề nghị một số sáng kiến hạt nhân để tạo sự dễ dàng cho chính phủ Nga. Ví dụ, Mỹ đưa vũ khí hạt nhân ra khỏi tàu mặt nước của Hải quân để kích thích người Nga làm điều tương tự. Quốc hội Mỹ cũng thông qua đạo luật “Hợp tác cắt giảm mối đe dọa Nunn-Lugar” (CTR), giúp tài trợ cho một số nỗ lực kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, không có sự kiện hạt nhân quan trọng nào xảy ra do sự giải thể của Liên Xô và tổ hợp hạt nhân của nó. Hecker cho rằng các nhà hoạch định chính sách của chính phủ cần hiểu rằng các nhà khoa học và kỹ sư có thể làm việc cùng nhau và tiến tới giải quyết các vấn đề khó khăn, nguy hiểm.
Hecker lập luận: “Chúng tôi không muốn mất thế hệ tiếp theo từ việc hiểu những gì thực sự có thể được thực hiện bằng cách làm việc cùng nhau. Vì vậy, chúng tôi muốn chứng minh với họ rằng: Hãy nhìn xem, đây là những gì đã được thực hiện khi các nhà khoa học quan tâm nhiệt tình và khi chính phủ cho chúng tôi đủ điều kiện để có thể làm điều đó”.
Hecker cho biết sự hợp tác khoa học này đã mở rộng tới hàng ngàn nhà khoa học và kỹ sư tại các địa điểm của Nga và tại các viện thí nghiệm hạt nhân của Mỹ – chủ yếu là 3 viện thí nghiệm quốc phòng: Lawrence Livermore, Los Alamos và Viện Thí nghiệm quốc gia Sandia. Nhiều cuộc trao đổi kỹ thuật và các chuyến thăm giữa các nhà khoa học ở Nga và Mỹ đã diễn ra. Hecker nhớ lại đã đến thăm một số địa điểm hạt nhân ở các thành phố bí ẩn của Nga.
- Xem thêm: Cuộc đua vũ khí hoá không gian
“Những thành phố này rất bí mật, và thậm chí không xuất hiện trên bản đồ Liên Xô. Khi Liên Xô sụp đổ, bản chất của mối đe dọa hạt nhân đã thay đổi”, Hecker nói. Mối đe dọa trước đây là một trong những sự hủy diệt lẫn nhau, nhưng bây giờ mối đe dọa đã thay đổi thành những gì sẽ xảy ra nếu tài sản hạt nhân bị mất, bị đánh cắp hoặc bằng cách nào đó nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ. Hecker nói: “Từ quan điểm của người Mỹ, chúng tôi gọi chúng là ‘4 mối nguy hiểm hạt nhân lỏng lẻo’”.
Điều này bao gồm đảm bảo các vũ khí hạt nhân lỏng lẻo ở Liên Xô và Đông Âu; ngăn chặn vật liệu hạt nhân hoặc nhiên liệu bom rơi vào tay kẻ xấu; yếu tố con người liên quan đến những người làm việc trong tổ hợp hạt nhân Liên Xô; và cuối cùng, vấn đề một người nào đó cố gắng bán vật liệu hạt nhân hoặc các thành phần kỹ thuật cho các nhóm tội phạm nào đó ở nước ngoài như là bọn khủng bố.
Đối với Hecker, đây không chỉ là một câu chuyện của người Mỹ. Đó là về một sự hòa giải vị tha với một kẻ thù lâu năm vì lợi ích toàn cầu lớn hơn, một mối quan hệ không bị hủy hoại bởi sự khác biệt về ý thức hệ hay dân tộc, nhưng phản ánh lợi ích chung.