Lễ tịch điền hay lễ cày tịch điền (cày ruộng) là một lễ hội trước đây tại một số quốc gia như Việt Nam và Trung Quốc, do nhà vua đích thân khai mạc. Nghi thức chính của lễ hội là người đứng đầu (vua, chủ tịch nước) sẽ đích thân ra cày cấy để làm gương, khuyến khích nông nghiệp.
Tịch điền (籍 田) theo từ điển Hán Việt có nghĩa là ruộng do đích thân nhà vua xuống cày. Lễ Tịch điền được tổ chức nhằm khích lệ nông dân phát triển nông nghiệp, lấy nghề nông làm gốc, đặc biệt là việc triển nông nghiệp lúa nước. Ở Việt Nam chúng ta, lễ Tịch điền được tổ chức lần đầu tiên dưới triều đại nhà Lê, Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: Mùa xuân, năm 987 vua Lê Đại Hành lần đầu cày ruộng Tịch điền ở núi Đọi(*) được một hũ nhỏ vàng. Lại cày ở núi Bàn Hải, được một hũ bạc nhỏ, nhân đó đặt tên là ruộng Kim Ngân. Đây là lễ Tịch điền đầu tiên mà một vị vua Việt Nam thân hành đi cày được sử sách ghi nhận lại.
Sau đó, đến thời nhà Lý, các lễ này được tổ chức long trọng hơn và là một trong những ngày hội chính của đất nước vào mùa xuân. Vào thời Lý, Vua Lý Thái Tông là người rất chăm lo cho nông nghiệp nước nhà, vua đã nhiều lần tự mình xuống ruộng cày:
“Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 1, vua ngự đến Tín Hương ở Đỗ Động giang cày ruộng Tịch điền, có nhà nông dâng một cây lúa chiêm có 9 bông thóc. Xuống chiếu đổi gọi ruộng ấy là ruộng Ứng Thiên…” (ngày 1 tháng 4 năm Nhâm Thân, 1032).
“Mùa xuân, tháng 2 (năm Mậu Dần, 1038), vua ngự ra cửa Bố Hải cày ruộng Tịch điền. Sai Hữu ty dọn cỏ đắp đàn. Vua thân tế Thần Nông, tế xong tự cầm cày để làm lễ tự cày. Các quan tả hữu có người can rằng đó là công việc của nông phu, bệ hạ cần gì làm thế? Vua nói: Trẫm không tự cày thì lấy gì làm xôi cúng, lại lấy gì cho thiên hạ noi theo? Nói xong đẩy cày ba lần rồi thôi”.
“Mùa xuân, tháng 3 (năm Nhâm Ngọ, 1042) vua ngự ra cửa biển Kha Lãm cày ruộng Tịch điền rồi về Kinh sư”,…
Những việc làm ấy của vua Lý Thái Tông được Sử thần Ngô Sĩ Liên nhận xét: Vua Lý Thái Tông khôi phục lễ cổ, tự mình cày ruộng Tịch điền để nêu gương cho thiên hạ, trên để cúng tông miếu, dưới để nuôi muôn dân, công hiệu trị nước dẫn đến dân đông, của giàu, nên thay!…
Đến đời Trần, do bận việc giữ nước, chống ngoại bang nên lễ cày Tịch điền không hưng thịnh như trước. Tuy nhiên, khi có điều kiện, các vua vẫn đích thân điều hành lễ này. Đến thời nhà Hồ, thì hầu như phong tục này không còn được giữ.
Dưới vương triều Nguyễn, lễ hội này được khôi phục lại, tổ chức quy củ và long trọng hơn xưa. Sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ đã ghi chép vào tháng 2 năm Mậu Tý (1828), vua Minh Mạng đã ban hành lời Dụ về việc cày ruộng Tịch điền:
Vua bảo bầy tôi rằng: “Đời xưa vua cày ruộng Tịch điền, để lấy gạo làm xôi tế Giao Miếu, nhân thể để xét thời tiết làm ruộng khuyên giúp nông dân, thực là việc lớn trong vương chính. Cái điển ba đường cày, sách vở còn chứng. Nước ta đời Trần đời Lê bị gián hoặc có làm nghi điển ấy, nhưng phần nhiều giản lược. Trẫm từ thân chính đến nay, chăm nghĩ đến dân, thường lấy việc dạy dân chăm nghề gốc làm gấp. Hiện nay triều đình nhàn rỗi, giảng tìm phép xưa, thực là việc nên làm trước. Nên chọn đất ở Kinh thành làm chỗ Tịch điền. Bèn sai đặt ở hai phường Hậu Sinh và An Trạch, bên tả dựng đài Quan canh, đằng trước làm ruộng đế tịch, đằng sau làm điện thay áo, bên hữu đặt đàn Tiên Nông và đình Thần Thương thu thóc. Sai Trung quân Tống Phước Lương coi làm. Thưởng tiền cho thợ và biền binh làm việc 5.000 quan. Lại đặt sở Diễn canh (tập cày) ở phía Bắc cung Khánh Ninh, gọi là vườn Vĩnh Trạch. Sai Bộ Lễ bàn định điển lệ. Hàng năm cứ tháng trọng Hạ (tháng 5) chọn ngày tốt làm lễ”.
Vua Minh Mạng xét lại các nghi thức cử hành đại lễ này dưới các triều đại trước và cho rằng nghi lễ còn quá giản lược nên đã giao cho Bộ Lễ soạn thảo chu đáo các điển lễ làm thành luật lệ lâu dài:
Trước 5 ngày, Vua ngự ở vườn Vĩnh Trạch xem tập cày. Trước 1 ngày quan phủ Thừa Thiên lĩnh đệ 1 cái roi, 1 cái cày, 1 thùng thóc đặt lên án vàng trên thềm giữa điện Cần Chính. Vua thân xem đồ nông cụ xong, quan bộ Hộ mang giao cho quan phủ Thừa Thiên nhận mang ra cửa Tả Túc, đặt vào long đình. Nghi trượng nhã nhạc dẫn trước, tàn lọng che lên, đến cửa Tả Đoan.
- Xem thêm: Lịch sử của một người thợ chiêng
Rồi lấy roi, cày, thúng thóc chia làm 12 phần, đặt ở Thái đình, theo thứ tự đi sau đến ruộng Tịch điền, chiếu thứ vị bày ra, giờ Tỵ ngày hôm ấy, vua đến Cung Khánh Ninh trú chân. Biền binh đứng bày hàng ở tả hữu đường vua đi. Lại bày lính và voi cờ súng ống ở ngoài tường ruộng Tịch điền. Giờ Tý ngày ấy, Hữu ty bày lễ phẩm lên đàn Tiên Nông. Canh năm, trống nghiêm ba hồi, thị vệ bày lỗ bộ ở ngoài cửa cung Khánh Ninh.
Đến giờ Mão vua đội mũ cửu long, áo hoàng bào, đai ngọc lên kiệu, người dẫn trước, người theo sau đúng nghi vệ. Nhã nhạc có bày nhưng không cử. Đến tường phía Nam đàn Tiên Nông, các quan mang mũ áo thường triều quỳ đón ở phía trong cửa phường. Vua đến bên đông đường thần lộ xuống kiệu vào tế.
Tế xong, vua ngự đến điện cụ phục thay mang mũ Đường cân cửu long, áo long bào chẽn tay, thắt đai ngọc. Bộ Lễ xin làm lễ cày Tịch điền. Vua đến chỗ cày, đứng trông hướng Nam, các quan đứng chầu ở tả hữu đài Quan Canh; quan Thái Thường tự xướng, quan bộ Lễ dâng cày, quan phủ Thừa Thiên dâng roi. Vua tay phải cầm cày, tay trái cầm roi, kỳ lão và nông phu đều 2 người dắt trâu, thị vệ hai người đỡ cày.
Ca sinh hát bài “Hòa từ”, nhạc sinh múa cờ màu, nhã nhạc cử nhạc. Phủ Thừa Thiên bưng thùng thóc đi theo. Hoàng tử cùng quan Bộ Hộ đều cử một người theo sau vãi thóc. Vua cày 3 đường đi, 3 đường lại xong, ngự lên đài quan canh. Các quan ở dưới đài chia hai bên đứng hầu. Các hoàng tử và thần công theo cày, đều đội mũ vàng mặc áo đỏ, cầm cày cầm roi cày 5 đường đi, 5 đường lại, kế đến văn võ đại thần 9 người, quan văn đội mũ văn công, quan võ đội mũ hổ đầu, đều mặc áo lam, cùng cầm cày cầm roi cày 9 đường đi 9 đường lại. Đều dùng thuộc lại kinh huyện đi theo sau bưng thùng thóc vãi thóc. Lễ xong, vua ngự điện cụ phục, thay mặc áo long bào rộng tay, lên kiệu.
Nhã nhạc nổi lên, các quan lại ở trong cửa phường quỳ tiễn. Vua về cung Khánh Ninh, các quan làm lễ khánh hạ, ban yến và ban thưởng theo thứ bậc. Quan phủ Thừa Thiên cho nông dân cày hết số ruộng Tịch điền hơn 4 mẫu 4 sào, lấy hơn 2 mẫu 9 sào trồng lúa nếp, hơn 1 mẫu 4 sào trồng lúa tẻ, sau khi gặt lúa, quan phủ Thừa Thiên hội đồng với Bộ Hộ chọn lúa giống để riêng, còn thừa thì cho vào kho Thần Thương, gặp các tiết lễ Giao Miếu thì thổi xôi.
Sau đấy, hàng năm việc tế đàn Tiên Nông đều sai Kinh doàn khâm mạng làm lễ. Lễ cày ruộng Tịch điền nếu có quan phụng mạng làm thay, cùng những năm vua đi thăm địa phương thì cũng do Kinh doãn cày thay. Đặc biệt, khi làm lễ bao giờ cũng ca bài hát về lúa. Bài này gồm 36 câu được đặt ra từ năm Minh Mạng thứ 9. Bài hát nhằm ca ngợi cảnh thái bình no ấm và công đức của nhà vua đối với dân như câu kết thúc:
Doanh chỉ gia gia phú cái tàng
Âu ca chí trị tụng ngô hoàng
Dịch nghĩa:
Nhà nhà đầy đủ kho đụn nhiều
Ca hát thịnh trị chúc tụng vua ta
(Theo sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ)
Đến thời vua Tự Đức, nghi lễ được chỉnh sửa cho bớt rườm rà và phù hợp với hoàn cảnh hơn. Từ nghi thức cho đến cách tổ chức, người được cày đều được quy định rất cụ thể, rõ ràng, nghiêm túc, thành kính vì nhà Nguyễn xem đây là một nghi lễ hết sức quan trọng thể hiện sự coi trọng nông nghiệp của nhà vua.
Theo đó, sau nghi lễ, vua sẽ là người đầu tiên xuống ruộng cày, 3 lần đẩy cày đi, 3 lần đẩy cày lại, sau đó đến các vị hoàng công thân phiên, chỉ những người chức cao bổng hậu mới được tham dự, cày 5 lần rồi đến bá quan văn võ mỗi người cày 9 lần, cuối cùng là các vị kỳ lão hương thôn và lão nông tri điền…lần lượt cho đến khi kết thúc.
Sau khi nhà Nguyễn cáo chung, lễ hội này cũng bị gián đoạn một thời gian khá dài, đến năm 2009, phong tục tốt đẹp này được phục hồi lại. Vào năm 2010, lần đầu tiên Chủ tịch nước Việt Nam (ông Nguyễn Minh Triết) cũng đã đến mặc áo nông dân cầm cày thực hiện nghi lễ Tịch điền ở Đọi Sơn, Hà Nam.
Đặc biệt là vào sang ngày 11.2.2019 (tức ngày 7.1.2019), Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trong bộ quần áo màu nâu đã thực hiện nghi thức xuống đồng cày ruộng đầu năm trong lễ hội tịch điền. Năm nay là năm thứ 10 lễ hội đươc phục dựng theo tích vua Lê Đại Hành về chân núi Đọi làm Lễ Tịch điền (cày ruộng) đầu tiên trong lịch sử Việt Nam (năm 987).
- Xem thêm: Độc đáo ‘bảo tàng’ nông cụ vùng Bảy Núi
Trong nhiều năm trở lại đây, vào đầu xuân tỉnh Hà Nam đã phục dựng thành công, tái hiện lại truyền thống “Dĩ nông vi bản” để khuyến khích nông nghiệp, tổ chức các nghi thức trang trọng của Lễ hội với quy mô lớn, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Việc tổ chức Lễ hội Tịch điền chứa đựng nhiều phong tục đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam, khơi dậy và giáo dục truyền thống văn hóa của dân tộc cho các thế hệ con cháu, nhắc lại truyền thống tốt đẹp của cha ông, từ vua đến người nông dân đều yêu lao động, cần cù lao động trên mảnh đất thân yêu của mình.
(*) Núi Đọi: tên chữ Hán là Đội Sơn hoặc Long Đội Sơn, ở xã Đại Sơn, huyện Duy Tiên nay thuộc tỉnh Hà Nam.