Con số những chiếc cầu xưa cũ nhất thế giới không có nhiều, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cho đến nay, chúng vẫn còn sử dụng được và chứa đựng những câu chuyện văn hóa thú vị.
Cầu Tello (tên cũ: Girsu) ở Iraq
Thành phố cổ Girsu của người Sumer, nằm giữa hai thành phố hiện đại Baghdad và Basrah ở miền Nam Iraq, là một trong những thành phố được biết đến sớm nhất trên thế giới. Ít nhất đã 5.000 năm tuổi, Girsu là thủ đô của vương quốc Lagash, một đô thị thiêng liêng để tôn thờ vị thần anh hùng Ningirsu của người Sumer, cho đến nay nơi đây vẫn là trung tâm tôn giáo sau khi quyền lực chính trị đã chuyển sang thành phố Lagash.
Chính tại Girsu, bằng chứng về nền văn minh của người Sumer lần đầu tiên đã được phát hiện dưới dạng hàng ngàn phiến đá có khắc chữ tượng hình với những ghi chép về kinh tế, hành chính và thương mại của thành phố. Hơn 50 năm khai quật của khu vực khảo cổ rộng lớn này đã mang lại ánh sáng cho một số trong những di tích quan trọng nhất của nghệ thuật và kiến trúc Sumer, trong đó có một chiếc cầu xưa 4.000 năm xây bằng gạch nung, chiếc cầu lâu đời nhất được phát hiện trên thế giới cho đến nay.
Di tích Girsu lần đầu tiên được khai quật bởi một nhóm nhà khảo cổ người Pháp vào năm 1877; thật ra, đây là điều không may bởi vì khu vực này đã được khai quật quá sớm trước khi các kỹ thuật khai quật và bảo tồn hiện đại đã được phát minh. Người Pháp cũng không tuân thủ những quy định đồng thời không mấy để ý đến việc bảo quản hiện vật kiến trúc. Sau đó, những thợ săn kho báu cướp đi số lượng lớn những phiến đá và những cổ vật khác, bán chúng cho các nhà sưu tập. Người ta ước tính đã có từ 35.000 đến 40.000 phiến đá đã bị lấy đi từ Girsu và sau đó xuất hiện trên thị trường; ngược lại, chỉ có 4.000 phiến do người Pháp khai quật.
Cầu Girsu được khám phá lần đầu tiên vào những năm 1920. Vào thời điểm đó nó đã được nhiều giải thích khác nhau, từ ngôi đền, đập nước cho đến một thủy lộ cổ xưa. Chỉ cho đến gần đây cấu trúc này đã được xác định là một cây cầu bắc qua một đường thủy xưa cũ. Kể từ khi được khai quật gần một thế kỷ trước, cây cầu vẫn tiếp túc mở ra và tiếp xúc với nắng mưa, không có nỗ lực nào được thực hiện để bảo tồn hoặc có kế hoạch quản lý khu vực.
Tên gọi theo tiếng Ả Rập hiện đại của Girsu là Tello và quang cảnh này thuộc quyền sử dụng của Viện Bảo tàng Anh quốc, với sự tài trợ từ chính phủ Anh, nhằm đào tạo các nhà khảo cổ học Iraq về quản lý di sản văn hóa và những kỹ năng khảo sát thực tế. Theo một thông báo gần đây của Viện Bảo tàng, việc khôi phục cây cầu 4.000 tuổi sẽ là một phần trong chương trình đào tạo.
Chiếc cầu ở Tello có tên hiện nay là Cầu Tello (tức cầu Girsu cũ) được xây dựng vào thiên niên kỷ thứ 3 trước Công nguyên, được xem là cây cầu xưa cũ nhất còn hiện diện. Công trình tồn tại đáng chú ý này sẽ được bảo quản bởi một nhóm những nhà khảo cổ thuộc viện Bảo tàng Anh quốc và các chuyên gia di sản Iraq hiện vẫn đang được huấn luyện để bảo tồn các quang cảnh cổ đại đã từng bị tổn hại bởi bàn tay của Daesh (tức nhóm khủng bố khét tiếng IS). Quá trình tôn tạo cây cầu 4.000 năm tuổi sẽ là một biểu tượng mạnh mẽ đối với một quốc gia đã trải qua mấy chục năm chiến tranh.
Việc khôi phục cây cầu có thể một ngày sẽ dẫn đến một quang cảnh chào đón những khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới để tìm hiểu về di sản phong phú của Iraq. Cùng với công trình khảo cổ, dự án cũng xúc tiến hình thành một trung tâm du lịch tại cảnh quan, hy vọng sẽ dẫn đến sự trở lại của du khách quốc tế đến khu vực, những người đã từng tránh xa Iraq trong các cuộc xung đột gần đây. Các nhóm du khách từ bên ngoài Iraq có thể bắt đầu đến thăm địa điểm vào năm 2020.
Cầu Arkadiko
Cầu Arkadiko (còn gọi là cầu Kazarma) ở Hy Lạp là cây cầu vòm lâu đời nhất còn lại và vẫn còn được sử dụng. Người ta tin rằng đã được xây dựng trong thời kỳ đồ đồng Hy Lạp, vào khoảng năm 1300-1200 trước Công nguyên, nghĩa là nó đã trải qua rất nhiều năm dài cho đến ngày nay.
Trong thời kỳ Mycenaean, cây cầu hoạt động như một phần của hệ thống đường quân sự giữa các thành phố Tiryns và Epidauros. Nó có bề ngang rộng rãi hơn so với một chiếc cầu bộ hành bình thường, với một con đường rộng khoảng 2,5m. Các sử gia tin rằng bề rộng này được thiết kế sao cho các chiếc xe có thể đi lại trên cây cầu. Thậm chí điều làm cho nó trở nên ấn tượng hơn nữa, đó là được làm hoàn toàn từ những tảng đá vôi, không sử dụng tác nhân liên kết nào giữa các tảng đá để giữ cho cây cầu được nguyên vẹn. Điều đó có nghĩa là cây cầu đã kéo dài hơn ba thiên niên kỷ chỉ với kỹ năng xây dựng của người Mycenae và đã tồn tại cho đến nay.
Cầu có cấu trúc dài 22m, rộng 5,6m ở chân cầu và cao 4m. Bề rộng của phần đỉnh cao nhất trên cầu là 2,5m. Được xây dựng vào cuối thời Helladic III (Helladic: một nền văn hóa thờ đồ đồng ở Hy lạp cổ, vào khoảng năm 1300-1190 trước Công nguyên). Cầu có một cống thoát nước rộng khoảng 1m, được làm theo phong cách xây dựng từ đá Cyclopean của người Mycenae.
Những chiếc cầu khác thuộc thời kỳ Mycenaean ở Argolis
Cầu Arkadiko là một trong 4 chiếc cầu vòm Mycenaean gần Arkadiko, tất cả đều nằm dọc theo đường cao tốc Bronze Age giữa hai thành phố cũng như tất cả đều có cùng một kiểu dáng thiết kế và cùng niên đại như nhau. Một trong số đó là cây cầu Petrogephyri băng qua một dòng suối chảy dài tới 1km tới phía tây cầu Arkadiko. Ngoài sự tương tự về kích thước và hình dáng, cấu trúc có một nhịp cầu lớn hơn và còm cầu cao hơn một chút. Hiện tại nó vẫn còn được sử dụng như một lộ trình địa phương.
Chiếc cầu Mycenaean thứ năm còn được bảo quản tốt tọa lạc ở một khu vực rộng lớn hơn tại Lykotroupi, đây là một phần của con đường chính Mycenaean khác. Những số đo của nó gần giống như cầu Arkadiko: rộng 5,20m ở phần dưới, 2,4m ở trên đỉnh và có một nhịp cầu vòm cung rộng hơn một mét một chút. Con đường vẫn có các lề đường để hướng dẫn các xe cộ di chuyển nhanh.
Cầu An Tế (Anji)
Còn có tên là cầu Triệu Châu (Zhaozhou), đây là câu cầu đá hình vòm cung bắc ngang qua sông Hào, thuộc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. An Tế là cây cầu cổ xưa nhất ở Trung Quốc, được xây dựng vào năm 605. Bạn có thể nói rằng nó được thiết kế vì mục đích lâu dài như tên gọi của nó có nghĩa là “Chiếc cầu vượt an toàn” và được xem là một trong những chiếc cầu tốt nhất thế giới.
Vào thời điểm đó, nó là cây cầu có kỹ thuật tiên tiến nhất vì có vòng cung lớn nhất. Một thời gian sau khi xây dựng, cây cầu đã được trao giải thưởng: Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Mỹ đã đánh giá nó là chiếc cầu dân dụng quốc tế đứng hàng thứ 12 và được trao tặng một tượng đài bằng đồng.
Trên thực tế, cây cầu đã bền vững hơn cả sự mong đợi, đã trụ được qua 12 trận lũ, 8 cuộc chiến tranh và vô số trận động đất. Trong khi đó, nó chỉ yêu cầu sửa chữa 9 lần trong suốt tuổi thọ đã được ghi nhận của nó.
Cầu Tarr Steps
Được tìm thấy ở Exmoor, phía tây nam nước Anh, cầu Tarr Steps còn có tên là cầu lưỡi, một cây cầu được làm hoàn toàn bằng những phiến đá, phiến này gối lên phiến khác. Với một công trình như vậy, thật khó để nói về thời điểm nó được xây dựng, dù vậy người ta có thể sự đoán cầu đã được hình thành trong giai đoạn từ năm 3.000 trước Công nguyên cho đến thời Trung cổ. Tài liệu mô tả sớm nhất về Tarr Steps xuất hiện vào thời kỳ Tudor (triều đại cai trị vương quốc Anh và các lãnh thổ từ năm 1485-1603), nghĩa là niên đại của nó ít nhất vào những năm 1500.
Theo truyền thuyết địa phương, Tarr Steps được xây dựng bởi chính lũ quỷ, quỷ thề sẽ giết bất cứ ai dám vượt qua cầu. Khi dân làng cho một con mèo chạy qua cầu để kiểm tra lời nguyền này, con mèo đã biến mất. Sau đó, họ lại cử một giáo sĩ đi qua cầu (ông này có lẽ rất lo sợ bản thân mình sẽ có số phận giống như con mèo) và ông ta đã gặp quỷ giữa cầu.
Sau khi tranh cãi với quỷ, quỷ đã đưa ra một giao kèo: bất cứ ai cũng có thể sử dụng cây cầu, nhưng nếu quỷ muốn sử dụng khu vực này để tắm nắng, lệnh cấm sẽ phải thi hành. Nếu người nào muốn đi qua cầu Tarr Steps, phải bảo đảm không có những con quỷ đang tắm nắng thì mới được qua.
Điều đáng tiếc là cầu Tarr Steps có một thay đổi nhỏ đối với những xu hướng bất biến của chiếc cầu vốn đã tồn tại qua nhiều năm tháng. Người ta cho rằng những đống đá không có các nền móng chắc chắn, các phiến đá đã bị vùi lấp bởi lũ lụt suốt chiều dài lịch sử. Vì lý do đó, tất cả các phiến đá đều phải được đánh số để có thể được phục hồi và được đặt trở lại nơi chúng đã từng hiện diện trước kia và điều này nhằm duy trì tính xác thực. Vì thế, cho dù đã được đặt lại với nhau nhiều lần, nhưng nhìn chung cây cầu dường như vẫn không có gì thay đổi.