TS Trần Hữu Sơn là người mà người ta dễ nhận thấy nội lực, tâm huyết về nghề qua dáng người nhỏ bé của ông. Trong các cuộc bàn thảo về quản lý lễ hội, bao giờ ý kiến của ông cũng thu hút được sự chú ý của mọi người về tính thực tế và cách lập luận thuyết phục.
Nhưng rất tiếc, những ý kiến ấy lại không được các chuyên gia xây dựng chính sách quan tâm. Tuy nhiên, những gì ông đã và đang làm cho sự bảo tồn tính đa dạng văn hóa bản địa ở địa phương vẫn mang lại cho Lào Cai một “bộ mặt” mới bởi sự linh hoạt trong bài toán “bảo tồn và phát triển”. Chính vì lẽ đó, ông vừa được nhận giải Nhất cuộc thi sáng tạo của tỉnh và bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Học chuyên ngành Dân tộc học, khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, cuối năm 1978, ông Trần Hữu Sơn bảo vệ luận văn tốt nghiệp về đề tài “Khảo sát tôn giáo tín ngưỡng người H’Mông”. Ngày 1-3-1979, khi biên giới Hoàng Liên Sơn (tỉnh cũ của Lào Cai, Yên Bái) đang ngập tràn khói súng, mưa đạn của quân xâm lược Trung Quốc, một đoàn sinh viên mới tốt nghiệp của Trường Tổng hợp gồm bảy người, trong đó có ông đã được tăng cường lên Hoàng Liên Sơn công tác. Sau một thời gian, bốn người chuyển về xuôi. Riêng ông Sơn vẫn ở lại ngành, cặm cụi nghiên cứu và đi học chương trình cao học của Viện Văn hóa Nghệ thuật, chương trình nghiên cứu sinh của Trường Đại học Tổng hợp. Năm 1995, ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ với đề tài “Văn hóa người H’Mông ở Lào Cai – truyền thống và biến đổi”. Suốt 35 năm qua từ khi còn là cán bộ của Phòng Nghiệp vụ Văn hóa đến khi trở thành giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Lào Cai như hiện nay, ông vẫn miệt mài nghiên cứu về văn hóa dân tộc, đặc biệt là các dân tộc H’Mông, Dao, Hà Nhì. Kết quả đã có 10 đầu sách (viết riêng và viết chung) về văn hóa các dân tộc ở Lào Cai được xuất bản, trong đó có nhiều đầu sách được giải thưởng của Ủy ban Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam và giải thưởng Phansipan (giải thưởng cao nhất của UBND tỉnh Lào Cai). Đặc biệt cuốn Sách cổ người Dao của ông đã được Nhà xuất bản Dân tộc Bắc Kinh dịch và xuất bản năm 2011… Cũng vì lẽ đó, cuộc trò chuyện giữa chúng tôi luôn “quay về” với những vấn đề văn hóa, đặc biệt là công tác quản lý lễ hội.
____
Sự lộn xộn trong lễ hội ngày nay được cho là do sự thiếu hiểu biết của những người tham gia lễ hội. Đánh giá đó có vẻ không công bằng. Tôi cho rằng, tình trạng ấy có sự “góp phần” không nhỏ, nếu không muốn nói là quan trọng của những người tổ chức, nơi thờ tự. Ý kiến của ông như thế nào, thưa ông?
Sự lộn xộn trong lễ hội ngày nay có nhiều nguyên nhân. Một nguyên nhân khách quan là do lễ hội ngày nay phát triển mạnh vì nhu cầu, tâm thế của người dân đi dự lễ hội khác xưa. Quy mô của lễ hội ngày càng lớn, không còn đóng khung trong phạm vi làng xã, mà đã trở thành lễ hội mang phạm vi vùng, cả nước (nhất là các lễ hội tín ngưỡng). Người dân đi lễ hội không chỉ có nhu cầu giải trí, thư giãn mà còn có nhu cầu mong muốn được đáp ứng những điều cuộc sống thực tại khó đáp ứng hoặc cầu xin những điều hằng mong đợi (cầu về sức khỏe, tiền tài, thăng chức…). Vì thế, lễ hội thường được mở rộng phạm vi, không gian, số lượng người đi lễ hội ồạt… cũng gây rất nhiều khó khăn cho việc quản lý lễ hội hơn xã hội cổ truyền xưa kia. Điều này cũng là lẽ đương nhiên.
Tình trạng lộn xộn trong lễ hội do sự thiếu hiểu biết của người tham dự lễ hội chỉ là một phần, phần quan trọng hơn chính là do trách nhiệm của các ban tổ chức. Hoặc là ban tổ chức lễ hội chưa phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và chính quyền để tổ chức các lễ hội lớn, phức tạp mà lại có tư tưởng “kinh doanh” lễ hội, coi lễ hội là dịp để tổ chức các dịch vụ “tận thu” khách thập phương dẫn đến những tình trạng lộn xộn như đấu thầu lễ hội, “chặt chém” các dịch vụ trông xe, ăn, nghỉ, bán vé… Ở những di tích quan trọng, những nơi thờ cúng nổi tiếng linh thiêng thì vai trò của những người trụ trì, quản lý di tích, thủ nhang, thủ đền… rất quan trọng. Không chỉ là lộn xộn mà gần đây còn xảy ra cả tình trạng biến tướng những nghi lễ và thực hành nghi lễ lễ hội.
“Lễ hội dân gian chủ yếu cầu người yên vật thịnh, cầu được mùa. Khi cơ chế thị trường thâm nhập đến các làng xã thì lễ hội cũng phản ánh sự vận hành cơ chế đó. Mục đích người đến dự lễ hội đã thấm đẫm chất “thị trường” và những người coi lễ hội là một dịp kinh doanh bằng mọi giá.”
____
Ông có thể dẫn chứng cụ thể về những sự biến tướng ấy?
Tuần qua, Bộ VHTTDL tổ chức sơ kết tình hình lễ hội từ đầu năm đến nay, qua đó cho thấy có những hành vi chưa từng xảy ra trước đó ở đền Trần – Nam Định. Đó là hành vi người dân ào ào xô nhau vào vuốt, xoa tiền lên kiếm trên ban thờ và xoa tiền vào bất cứ vật dụng đồ thờ cúng nào có ở trong đền – sau lễ khai ấn. Cùng với sự biến đổi về quy mô, lễ hội dân gian ở miền núi cao cũng có hiện tượng biến tướng trong nghi lễ như “khoác” cho nó những ý nghĩa tâm linh, thần bí, mê tín dị đoan, không đúng với bản chất, ý nghĩa nguyên bản.
Lễ hội là một sự kiện quan trọng của cộng đồng, là đỉnh điểm của các loại hình văn hóa dân gian như tín ngưỡng, nghệ thuật ngôn từ, nghệ thuật âm nhạc, nghệ thuật múa, ẩm thực, trò chơi dân gian,… Trong xã hội tiểu nông, lễ hội phản ánh nếp sống của người tiểu nông. Lễ hội dân gian chủ yếu cầu người yên vật thịnh, cầu được mùa. Khi cơ chế thị trường thâm nhập đến các làng xã thì lễ hội cũng phản ánh sự vận hành cơ chế đó. Mục đích người đến dự lễ hội đã thấm đẫm chất “thị trường”, cầu mong “trúng quả”, “mua rẻ bán đắt”, được lên chức, thêm quyền, và những người coi lễ hội là một dịp kinh doanh bằng mọi giá. Quan niệm cũng trở thành nguyên nhân gây ra sự lộn xộn ở lễ hội… Vì thế mà lễ hội Bà Chúa Kho với hình thức vay vốn của bà để làm ăn có sức thu hút hàng chục vạn người tham dự. Thậm chí khi điều kiện kinh tế khó khăn người ta không thu được “lãi” ở đời thường thì lại đi lễ hội để cầu lãi của lực lượng siêu nhiên. Lễ hội cũng phản ánh sự bất an trong hoạt động kinh tế… Vì vậy, có thể nói lễ hội là tấm gương phản ánh xã hội đương thời.
____
Thưa ông, phải chăng đó là sự can thiệp quá sâu của chính quyền địa phương vào lễ hội dân gian truyền thống – nơi, đáng ra, người dân phải là chủ thể của lễ hội?
Trước đây trong các lễ hội làng cổ truyền, người dân thực sự là chủ thể của lễ hội. Các hội làng hầu hết do chủ làng và hội đồng quản lý của làng thực hiện. Nhưng hiện nay, hầu hết các lễ hội ở làng quê, miền núi đều do chính quyền các cấp chỉ đạo. Người dân – chủ thể của lễ hội bị “gạt ra rìa” và đóng vai trò thụ động như các du khách. Như vậy, vai trò của người dân – chủ thể sáng tạo của lễ hội cổ truyền đã bị đánh mất. Chỗ này, tôi muốn nói rộng thêm về các lễ hội hiện đại cũng vậy, ban tổ chức thuê các công ty sự kiện, các đoàn nghệ thuật đứng ra dàn dựng chương trình, đứng ra làm dịch vụ tổ chức… thậm chí ở nhiều chương trình ngành văn hóa chỉ được tham gia với tư cách đi làm thuê cho các công ty này mà thôi.
____
Nhưng hình như ông đã từng phản đối quan điểm “của dân thì trả lại cho dân”?
Chính xác thì tôi phản đối cả hai khuynh hướng: Khuynh hướng chính quyền “trả lại lễ hội cho dân” để dân tự phát tổ chức và khuynh hướng chính quyền quản lý quá chặt các nghi thức, nghi lễ dân gian cổ truyền, áp đặt ý muốn chủ quan vào chương trình lễ hội (như mít tinh, diễn văn khai mạc…), “gạt” người dân ra ngoài. Bởi với sự biến đổi mạnh mẽ về quy mô lẫn sự biến tướng trong thực hành nghi lễ như hiện nay thì có “trả lại cho dân” thì họ cũng không có đủ năng lực để tổ chức. Lễ hội có hàng nghìn hàng vạn người tham gia thì các khâu dịch vụ ăn, nghỉ giải quyết ra sao? Còn chuyện an toàn thực phẩm, an ninh xã hội? Những vấn đề đó mà không có chính quyền thì không thể giải quyết được. Hơn nữa, chính quyền địa phương cũng chính là người dân nơi có lễ hội. Tuy nhiên, ban tổ chức phải tôn trọng những gì được coi là văn hóa truyền thống.
____
Vậy, theo ông, cụ thể phải làm thế nào để đưa lễ hội dân gian trở lại đúng với ý nghĩa tốt đẹp của nó, trong bối cảnh vừa muốn bảo tồn, vừa không thể cưỡng lại sự phát triển tới mức khó kiểm soát như hiện nay?
Một số cơ quan truyền thông cũng như không ít nhà quản lý đã từng đề xuất các biện pháp mang tính hành chính như “cấm”, “bỏ”. Theo tôi, nhận thức sự biến đổi của lễ hội cổ truyền cũng như các loại hình lễ hội mới là một yếu tố khách quan quan trọng trong đời sống văn hóa hiện nay. Từ đó phải có những nghiên cứu mang tính khoa học hẳn hoi chứ không thể chỉ nói khơi khơi “phải thế nọ”, “phải thế kia”, rồi ra những chính sách (văn bản, chỉ thị…) chủ yếu là để “chữa cháy”. Tuy nhiên, tôi cũng muốn nhấn mạnh, chính sách nào thì chính sách, nhưng mỗi địa phương phải có sự áp dụng, sáng tạo, không thể áp dụng một cách máy móc, nguyên xi; phải đảm bảo người dân được tham gia các quá trình tổ chức lễ hội… Không coi nhẹ việc quản lý của nhà nước đối với lễ hội, nhưng phải đề cao vai trò tự quản của người dân, tôn trọng cộng đồng.
____
Là người quản lý văn hóa ở một vùng đất giàu văn hóa như Lào Cai, ông có nhận xét thế nào về sự biến đổi văn hóa nơi đây, thưa ông?
Lào Cai là một tỉnh đa dân tộc, giàu bản sắc văn hóa. Không là ngoại lệ, quy mô tổ chức lễ hội ở nhiều nơi cũng được “nở” ra, vì thế nhiều lễ hội không còn là lễ hội làng mà đang có xu hướng biến thành lễ hội vùng, thậm chí là lễ hội chung của huyện. Lễ hội Gàu Tào (ở Pha Long, Mường Khương), trước đây chỉ là lễ hội của vùng Pha Long, nhưng ngày nay đã trở thành lễ hội chung của người H’Mông ở các huyện miền đông tỉnh Lào Cai – không chỉ thu hút người H’Mông ở huyện Mường Khương (Bắc Hà, Lào Cai) mà còn thu hút người H’Mông ở huyện Sín Mần (Hoàng Su Phì, Hà Giang) và cả cư dân H’Mông ở châu Vân Sơn (Vân Nam, Trung Quốc) cũng nhưở Thượng Lào, Bắc Thái Lan… Lễ hội Roóng Poọc của người Giáy (thôn Tả Van, Sa Pa) từ cuối thế kỷ XX trở về trước chỉ là hội làng, có vài trăm người tham dự, nhưng đến nay đã trở thành lễ hội của cả vùng hạ huyện Sa Pa. Chủ nhân của lễ hội trước đây là người Giáy thì đến giờ, có thêm cả cộng đồng người H’Mông, người Dao, người Tày cùng tham gia tổ chức và trở thành một điểm đến của hàng vạn du khách trong và ngoài nước… Các cánh đồng tổ chức lễ hội xuống đồng cổ xưa hay các ngọn đồi tổ chức lễ hội Gàu Tào đều trở nên quá tải… Từ sự quá tải này cũng nảy sinh hàng loạt các vấn đề bức xúc về vệ sinh môi trường, dịch vụ, hành lễ…
“Nhận thức sự biến đổi của lễ hội cổ truyền cũng như các loại hình lễ hội mới là một yếu tố khách quan quan trọng trong đời sống văn hóa hiện nay. Tuy nhiên, chính sách nào thì chính sách, mỗi địa phương phải có sự áp dụng sáng tạo, không thể áp dụng một cách máy móc, nguyên xi; phải đảm bảo người dân được tham gia các quá trình tổ chức lễ hội…”
____
Tuy nhiên, Lào Cai vẫn được đánh giá là một tỉnh có phương án giải quyết bài toán giữa bảo tồn và phát triển văn hóa khá ổn…?
Chúng tôi xác định các yếu tố văn hóa tộc người luôn chi phối mọi hoạt động thực tiễn trên địa bàn Lào Cai. Yếu tố văn hóa tộc người ảnh hưởng đến xóa đói giảm nghèo, ảnh hưởng cả phát triển kinh tế hàng hóa cho đến tổ chức các chương trình và mô hình học tập ở cơ sở. Đặc điểm văn hóa tộc người còn chi phối nhiều đến hoạt động VHTTDL ở Lào Cai. Các di sản văn hóa đã trở thành nguồn lực để phát triển du lịch. Vì thế từ năm 2001, Lào Cai đã xây dựng và triển khai “Đề án bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”. Trong đó có các mục tiêu trùng tu, tôn tạo các di tích nhằm tăng cường giáo dục truyền thống yêu nước ở vùng biên giới và xây dựng các di tích trở thành điểm đến của du lịch. Lào Cai cũng xây dựng chương trình “biến di sản thành tài sản”, khai thác, phát huy các di sản văn hóa dân gian của cộng đồng các dân tộc anh em xây dựng thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn như khơi dậy, phục hồi nghề thêu dệt thổ cẩm, chạm khắc bạc trở thành ngành sản xuất đồ lưu niệm có thương hiệu. Quy hoạch, xây dựng hệ thống chợ phiên trở thành các điểm đến của du lịch. Lào Cai cũng xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái ở Sa Pa, Bắc Hà, Mường Khương, Bát Xát, góp phần vào xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… và có lẽ quan trọng hơn là chúng tôi đã xác định được vai trò của chính quyền trong tổ chức lễ hội như thế nào cho phù hợp. Ngành VHTTDL đã tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản thành lập các ban quản lý các di tích trọng điểm, phân cấp sự quản lý các di tích cho các cấp hành chính ở địa phương (cấp huyện và cấp xã). Nhờ có ban quản lý di tích hoạt động hiệu quả nên đã giảm hẳn các tệ nạn tiêu cực trong lễ hội. Điển hình là việc tổ chức lễ hội Đền Thượng ở thành phố Lào Cai đã trở thành một hình mẫu về nội dung, cách tổ chức lễ hội quy mô cấp thành phố và cấp tỉnh được nhiều tỉnh đến tham quan học tập.
____
Chuyển sang câu chuyện về cá nhân ông một chút. Trong các nghiên cứu các tộc người, người H’Mông có vẻ được ông quan tâm nhiều hơn. Hẳn có lý do đặc biệt gì, thưa ông?
Trong tổ chuyên ngành Dân tộc học chúng tôi có anh Vương Duy Bảo, là con trai của nhà tri thức người H’Mông nổi tiếng Vương Quỳnh Sơn. Chúng tôi được nghe bác Vương Quỳnh Sơn và nhà văn Tô Hoài kể nhiều về đặc điểm văn hóa người H’Mông. Những câu chuyện như gợi mở, như khuyến khích chúng tôi đi nghiên cứu về người H’Mông, dẫu biết rằng đường đến các “giao” – làng người H’Mông muôn ngàn gian khó. Đến khi làm luận văn tốt nghiệp tôi đã chọn đề tài “Khảo sát tôn giáo tín ngưỡng người H’Mông huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ Tĩnh”. Chúng tôi đã đi bộ hai ngày liền tới các làng người H’Mông, “ba cùng” với đồng bào suốt ba tháng trời. Kết quả của chuyến điền dã không chỉ là bản luận án mà quan trọng hơn là những bài học khi đi điền dã, kinh nghiệm sưu tầm tư liệu, và trên hết là cảm nhận được tình cảm chứa chan của người H’Mông đối với người nghiên cứu. Tình cảm của người H’Mông, bản sắc văn hóa H’Mông càng cuốn hút tôi trong những chặng đường công tác sau này. Văn hóa H’Mông vừa thống nhất nhưng lại vừa đa dạng. Chính tính thống nhất, cố kết tộc người đã giữ cho văn hóa H’Mông trường tồn trước âm mưu đồng hóa của người láng giềng phương Bắc. Tôi đang ấp ủ và đã sưu tầm được nhiều tư liệu để viết một số cuốn sách chuyên khảo về văn hóa H’Mông như“Tìm hiểu văn hóa H’Mông qua hệ thống biểu tượng”, “Sự biến đổi của tôn giáo tín ngưỡng người H’Mông”, “Lễ hội Gàu Tào – tấm gương phản ánh xã hội người H’Mông”,….
____
Theo ông, điều gì khiến cho “Sách cổ người Dao” gây được sự chú ý của giới học giả Bắc Kinh để họ quyết định dịch và in, phát hành? Ông viết cuốn sách ấy khi nào?
Tháng 4-1994 trong một đợt điền dã ở bản Khem, xã Long Phúc, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, tôi phát hiện ra những cuốn sách cổ (được gác trên các gác bếp) đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa của người Dao. Các ông thầy cúng muốn tổ chức một lễ cấp sắc, lễ làm ma khô hay các nghi lễ cầu mùa đều phải đọc trong sách cổ. Những thanh niên muốn thắng cuộc trong các cuộc thi “Hát qua làng” đều phải thuộc một số bài hát mẫu trong sách cổ. Thậm chí người phụ nữ Dao Tuyển muốn thêu tấm khăn dùng trong ngày cưới cũng phải nhờ ông thầy tìm chữ trong sách cổ. Sách cổ thực sự là công cụ bảo tồn văn hóa Dao, dù xuất hiện hàng nghìn năm nay vẫn luôn định hướng cho người Dao noi theo bằng những giá trị nhân văn sâu sắc. Từ đó, tôi ấp ủ xây dựng dự án khảo sát bảo tồn sách cổ người Dao. Năm 2008, dự án đã được quỹ Ford tài trợ, Sở VHTTDL tỉnh Lào Cai đã tổng kiểm kê, phân loại, lên danh mục kho tàng sách cổở 644 làng của người Dao ở tỉnh. Năm 2009, tôi và một số nghệ nhân, cộng tác viên đã biên soạn và xuất bản ba tập sách cổ người Dao về truyện thơ, về những bức thư ca, về những bài ca giáo lý,… chúng tôi dự định sẽ xuất bản 15 tập. Năm 2010 đoàn nghiên cứu của Hội Dao học Trung Quốc do giáo sư Ngọc Thời Giai dẫn đầu sang nghiên cứu ở Lào Cai. Giáo sư rất tâm đắc vấn đề bảo tồn sách cổ người Dao. Vì vậy khi về nước giáo sư đã tổ chức hội thảo khoa học “Dao học xuyên biên giới”. Trong hội thảo này, tôi có trình bày bài tham luận “Những vấn đề về bảo tồn sách cổ người Dao”. Nhà xuất bản Dân tộc Bắc Kinh Trung Quốc rất quan tâm và đã quyết định dịch cuốn “Sách cổ người Dao” tập 1.
____
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!