Song song với chương trình Hội sách TP.HCM diễn ra tại công viên Lê Văn Tám, một cuộc triển lãm đặc biệt hứa hẹn rất thu hút người xem cũng khai mạc vào ngày 19-3 tại đường sách TP.HCM (đường Nguyễn Văn Bình).
Với tên gọi “Sưu tập – thú chơi của người phong lưu”, triển lãm do đơn vị Quán sách Mùa Thu khởi xướng và phối hợp với các nhà sưu tập giới thiệu 5 nội dung: sách xưa, bộ sưu tập quạt Marelli, các bản nhạc tờ tiền chiến, phụ bản tranh xưa, gốm xưa (thương hiệu gốm Thành Lễ).
Từ ý tưởng gợi lại thú chơi sưu tập – một hoạt động tao nhã của những người phong lưu nơi đất Sài Gòn có từ xưa, tại Đường sách TP.HCM lần này giới thiệu các sản phẩm đẹp, và tồn tại qua thời gian trong niềm ngưỡng mộ của không chỉ giới sưu tập mà cả công chúng gần xa.
Mảng sách xưa lần này trích xuất từ bộ sưu tập của ông Nguyễn Ngọc Hoài Nam. Bạn đọc sẽ có dịp chiêm ngưỡng các sách in từ cuối thế kỷ 19 đến nay vẫn còn bảo quản tươm tất: Sách quan chế của Paulus Của Huỳnh Tịnh in năm 1888, Ấu học khải mông của Trương Minh Ký in năm 1893, cuốn Comedie Annamite của Trần Bồ in năm 1887…
Đây là các sách ra đời vào thời kỳ đầu của chữ quốc ngữ, buổi sơ khai của nền xuất bản và in ấn trên đất nước ta, cũng là hiện thân của các công trình quan trọng về văn hóa xã hội Việt Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Tiếp theo là một bộ sưu tập tranh với chủ đề “Bộ lạc tự do thiểu-số của xứ sở” gồm gần 30 bức tranh của họa sĩ Bùi Văn Dưỡng vẽ con người vùng cao nguyên Lang Biang, ấn hành tại Đà Lạt năm 1955.
Đây có thể xem là một bộ tài liệu dân tộc học, ghi chép hình ảnh con người vùng cao nguyên vào khoảng giữa thế kỷ 20 – một giai đoạn mà cả xã hội Việt Nam có nhiều xáo trộn về địa bàn cư trú của nhiều thành phần dân tộc.
Một bộ sưu tập các tờ nhạc chủ đề “Nhạc tình tiền chiến” ấn hành hơn 60 năm về trước cũng được giới thiệu trong dịp này.
Bạn đọc sẽ gặp lại những bản nhạc nổi tiếng một thời được in thành từng “tờ” gấp đôi, bìa ngoài được minh họa bằng tranh của những họa sĩ tài danh, kỹ thuật in ấn, kẻ chữ… cũng được ưu ái để các bản nhạc được trình bày đẹp, phản ánh đời sống tinh thần phong phú của người Việt Nam lúc bấy giờ và trở thành đối tượng sưu tầm của giới sưu tập về sau.
Và chạm đến không gian của sưu tập ắt phải lưu tâm đến những gì cổ kính, những hiện vật cụ thể tồn tại qua năm tháng, nếu là đồ vật từng được ưa chuộng, hay sản phẩm của một nhãn hàng từng nổi đình nổi đám trong quá vãng và dư âm còn đến cả ngày nay…, thì người sưu tập đang sở hữu các hiện vật ấy cũng như người có duyên nối được những câu chuyện của một thời, xuyên qua những thịnh suy, vượt cả không gian và thời gian đến với những ai còn quan tâm tìm hiểu.
Để rồi trong những đợt triển lãm hiếm hoi, những vật phẩm ấy hiện ra như chứng nhân còn đó của một phần đời sống từng có thực trên xứ sở này.
Bộ sưu tập Quạt cổ Marelli của nhà sưu tập Trần Hoài Thơ ở đây có ý nghĩa như vậy. Marelli là thương hiệu quạt nổi tiếng của Ý, vào Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 (1892 – 1893), vốn được người Hà Nội lúc đó hết sức ưa chuộng không chỉ bởi công năng tiện ích mà còn ở kiểu dáng đẹp như một tác phẩm nghệ thuật.
Một dòng sản phẩm mỹ nghệ trong triển lãm lần này nữa là gốm Thành Lễ – thương hiệu gốm Việt Nam nổi lên tại đất Bình Dương từ cuối những năm 1950.
Lần này nhà sưu tập Nguyễn Huyên mang đến triển lãm bộ sưu tập “Hình tượng Việt Nam trên gốm mỹ thuật Thành Lễ”, giới thiệu các sản phẩm gốm ra đời khoảng những năm 1960 – thời điểm rực rỡ nhất của gốm mỹ thuật Thành Lễ, từng đưa hình ảnh Việt Nam ra với cộng đồng thế giới.
Đặc biệt vào lúc 8h30 ngày 25-3, các nhà sưu tập kể trên cùng có một cuộc giao lưu với công chúng tại Đường sách để chia sẻ câu chuyện sưu tập, các mối quan tâm và những giá trị tiềm ẩn trong từng hiện vật đang cần được bảo tồn.
Trong suốt đợt triển lãm, tại gian hàng Quán sách Mùa Thu cũng sẽ trưng bày bức tranh màu nước của Tạ Tỵ vẽ chân dung nhà sưu tập Vương Hồng Sển vào năm 1965.
– Theo Lam Điền / TTO