Cho rằng từ ngày 1-8-2013 đến nay giá điện không thay đổi, trong khi giá dầu, giá than, giá khí đều tăng, rồi chênh lệch tỷ giá, thuế tài nguyên nước tăng…, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề nghị Chính phủ điều chỉnh giá bán điện tăng 7,5%, tương ứng mức giá bình quân 1.622,05 đồng/kWh từ ngày 16-3 tới. Theo ý kiến của lãnh đạo doanh nghiệp này, việc tăng giá như vậy sẽ giúp EVN tránh được khoản lỗ 12.000 tỉ đồng, tăng được doanh thu trong năm nay 13.000 tỉ đồng mà vẫn giúp nền kinh tế đạt mức tăng trưởng GDP 6,2% và lạm phát chỉ khoảng 5%. Sau cuộc họp nghe Bộ Công thương báo cáo phương án điều chỉnh giá bán điện năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho phép tăng giá điện như đề nghị của EVN.
Theo tính toán của EVN, hộ dùng dưới 100 số điện/tháng sẽ phải trả thêm khoảng 5.000 đồng/tháng, dùng từ 100 đến 300 số/tháng sẽ phải trả thêm 18.900 đồng/tháng, còn hộ dùng nhiều hơn phải trả thêm ít nhất 59.064 đồng/tháng (cao hơn giá hiện nay khoảng 180 đồng/kWh). Các doanh nghiệp do bị tăng chi phí đầu vào nên sẽ phải tăng giá bán hàng hóa cũng như chi phí dịch vụ, vì vậy chắc chắn mặt bằng giá trong thời gian tới sẽ tăng mạnh. Tất nhiên, trong nền kinh tế thị trường, giá thành cần phải được tính đúng, tính đủ nhưng giải trình của EVN về đầu vào, đầu ra, về năng suất lao động, tổn thất đường dây, tổ chức bộ máy…, đặc biệt là chuyện lỗ – lãi xem ra vẫn chưa có tính thuyết phục. Nhiều người cho rằng đề xuất tăng giá điện của EVN rất khó hiểu và vô lý. Trong khi tất cả mọi thứ liên quan đến sản xuất đều giảm, riêng giá xăng dầu giảm mạnh trong suốt hơn nửa năm qua mà giá điện vẫn tăng thì có điều gì đó chưa ổn. Cho nên, EVN cần phải minh bạch hóa các số liệu thống kê và hạch toán kinh tế của mình để người dân hiểu rõ và chấp nhận.
Nguyễn Thắng (DNSGCT)