Năm 2020 là một năm quan trọng trên chính trường Hoa Kỳ khi cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào thứ Ba đầu tiên của tháng 11, tức ngày 3 tháng 11 tới. Bên cạnh tổng thống đương nhiệm sẽ tái ứng cử nhiệm kỳ hai, các cá nhân hay đảng phái chính trị khác cũng sẽ chọn ứng viên đại diện ra tranh cử tổng thống.
Theo Hiến pháp Mỹ, tất cả công dân Hoa Kỳ trên 35 tuổi, sinh trưởng tại Mỹ và cư ngụ trong lãnh thổ Mỹ 14 năm đều có quyền và có thể tuyên bố ra tranh cử tổng thống với tư cách cá nhân, hay đại diện đảng phái chính trị mình tham gia. Hệ thống chính trị ở Mỹ là đa đảng nên ngoài hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ được xem là chính yếu, còn có hàng chục đảng lớn nhỏ khác nhau cũng đang hoạt động tuy ở mức độ kém quy mô và không đại chúng như Đảng Xanh (Green Party), Đảng Cải Cách (Reform), Đảng Hiến Pháp (Constitution), Đảng Liên Minh (Libertarian)…
Các đảng này cũng có thể chọn người đại diện ra tranh cử. Mỗi ứng viên có những suy nghĩ, chính sách và phương cách điều hành quốc gia theo cách riêng của mình sẽ được thể hiện qua cuộc vận động tranh cử. Khi các ứng viên này cùng trong một đảng phái chính trị thì họ sẽ thuyết phục và chứng tỏ khả năng cùng bản lĩnh của mình qua các chính sách đưa ra với cử tri đảng mình trong các cuộc tranh luận (debate), và trải qua vòng bầu cử sơ bộ.
Do đó, quá trình bầu cử được bắt đầu với cuộc bầu cử sơ bộ của mỗi đảng. Hiến pháp không đặt ra quá trình này sẽ thực hiện như thế nào nên điều này phụ thuộc vào mỗi đảng chính trị, và có thể thay đổi theo thời gian. Nói chung, việc bầu cử này được tiến hành theo hai thể thức khác nhau là các cuộc bầu cử sơ bộ (primary election) và nghị hội địa phương (Caucus) tùy mỗi tiểu bang bầu cử sơ bộ (primary election) và nghị hội địa phương (Caucus), tùy mỗi tiểu bang chọn lựa một trong hai, hoặc có thể đồng thời cả hai thể thức này.
Thể thức bầu cử sơ bộ là các cuộc bỏ phiếu kín như các cuộc bầu cử thông thường do tiểu bang và chính quyền phương điều hành, trong khi hội nghị Caucus do chính đảng phái chính trị tổ chức điều hành, đó là những cuộc họp của cử tri địa phương và sẽ bỏ phiếu sau khi bàn luận. Quá trình này thông thường bắt đầu từ cuối tháng Một hay đầu tháng 2 trong năm bầu cử và kéo dài đến tháng 6. Thời gian các cuộc bỏ phiếu đầu tiên này để các ứng viên có thể tập trung việc vận động thu gọn tại từng tiểu bang một, trước mỗi cuộc bầu cử sơ bộ, thay vì vận động đồng thời trên bình diện quốc gia.
Cử tri có thể tham gia cuộc bầu cử sơ bộ này với bất cứ đảng nào, ví dụ đảng Cộng Hòa hay Dân Chủ, nhưng chỉ một đảng mà thôi. Có nghĩa là đã tham gia bầu cử sơ bộ với Cộng Hòa thì không thể cùng lúc tham gia bỏ phiếu sơ bộ cho đảng Dân Chủ và ngược lại. Vòng bầu cử sơ bộ cấp tiểu bang này được xem như là những cuộc bầu cử gián tiếp, thay vì chọn trực tiếp ứng viên nào sẽ ra tranh cử, các cử tri sẽ chọn ra Đại biểu cử tri (electorate) để bỏ phiếu tại đại hội đảng toàn quốc, tùy chọn theo tỉ lệ phiếu mà các ứng viên nhận được, thay vì nhận trọn vẹn phiếu cử tri đoàn kiểu “được ăn cả, ngã không” như tại cuộc bầu cử tổng thống chính thức.
Mỗi đảng sẽ có số lượng đại biểu tiểu bang này khác nhau. Bên cạnh đại biểu đại diện và bỏ phiếu theo chọn lựa cử tri thì sẽ còn các “siêu” đại biểu (super delegate) thường là cấp lãnh đạo của đảng tại các tiểu bang, có lá phiếu tự do, không bắt buộc phải bỏ theo kết quả bầu cử sơ bộ. Thông thường, từ hàng chục ứng viên ban đầu, các ứng viên sẽ lần lượt chấm dứt việc tranh cử của mình, bỏ cuộc khi hoặc không đủ điều kiện để được xuất hiện tranh luận, hoặc nhận sự ủng hộ ít ỏi tại vòng bầu cử sơ bộ. Hai cuộc bầu cử sơ bộ mở màn và quan trọng là tại Iowa Caucus và New Hampshire, cũng là hai cuộc bầu cử thu hút sự chú ý của giới truyền thông nhiều nhất.
Lịch sử các kỳ bầu cử tổng thống ghi nhận là kết quả từ hai cuộc bỏ phiếu này đã dẫn đến sự bỏ cuộc của một vài ứng viên đang tranh cử, và cũng có nhiều kết quả bất ngờ. Vòng bầu cử sơ bộ tại South Carolina cũng được xem là quan trọng, đặc biệt với đảng Cộng Hòa, vì đây sẽ là tiểu bang đầu tiên của miền Đông bỏ phiếu. Và cuối cùng là ngày “siêu” thứ Ba (Super Tuesday) trong tháng 2 và tháng 3, khi nhiều tiểu bang cùng lúc tổ chức bầu cử sơ bộ hay nghị hội, cho thấy sự ủng hộ của cử tri trên bình diện quốc gia ra sao. Sau ngày thứ Ba này, với số phiếu đại biểu cử tri nhận được đã bắt đầu cho thấy ứng viên nào có cơ hội sẽ được đề cử đại diện đảng mình ra tranh cử tổng thống tại đại hội đảng quốc gia.
Trong mùa bầu cử tổng thống năm nay, từ 29 ứng viên ban đầu, đảng Dân Chủ hiện tại còn lại 8 ứng viên đang ráo riết tranh cử để giành quyền ra tranh cử cùng tổng thống đương nhiệm Donald Trump. Có thể diễn ra đến 2 vòng bỏ phiếu tại đại hội đảng Dân Chủ vào tháng 6 tới để chọn ứng viên. Tại vòng bỏ phiếu đầu tiên, ứng viên được đề cử cuối cùng phải nhận được quá bán số đại biểu cử tri từ vòng bầu cử sơ bộ, tức 1.900 đại biểu trong số tổng cộng 3.979 đại biểu cam kết theo kết quả bầu cử sơ bộ tại các tiểu bang.
Nếu không có ứng viên nào đạt đến số phiếu này thì sẽ diễn ra vòng bỏ phiếu thứ 2 có sự tham dự thêm của 771 “siêu” đại biểu, nâng tổng số phiếu lên 4.750 phiếu. Điểm đặc biệt là ở vòng thứ nhì này, việc bỏ phiếu theo quyết định các đại biểu mà không bị ràng buộc theo cam kết, theo kết quả ở các cuộc bầu cử sơ bộ, nên họ có thể dồn phiếu sang ứng viên nào đó. Và ứng viên nào nhận cũng được tổng cộng phiếu bầu quá bán, tức 2.376 phiếu thì sẽ chính thức là người đại diện đảng ra tranh cử với tổng thống đương nhiệm. Tại đại hội này, ứng viên được chọn cũng sẽ chính thức thông báo ứng viên phó tổng thống đứng chung liên danh với mình.
Theo thông lệ, ngày 3-2-2020, tiểu bang Iowa mở đầu vòng bầu cử sơ bộ chọn ứng viên tổng thống trong đảng Dân Chủ. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu đã không đưa ra được bất cử kết quả nào, cho dù là tạm thời. Do đó, hiện tại vẫn còn quá sớm để biết được ai sẽ là ứng viên cuối cùng đại diện đảng Dân Chủ ra tranh cử tổng thống năm nay. Tuy nhiên, dư luận đang chú ý đến 4 gương mặt sau: Ông Joe Biden, cựu Phó Tổng thống Mỹ; ông Bernie Sanders, ứng viên Tổng thống năm 2016; bà Elizabeth Warren, Thượng Nghị sĩ bang Massachusetts và bà Kamala Harris, Thượng Nghị Sĩ bang California. Về phía cử tri một số ít đã quyết định lá phiếu của mình sẽ dành cho ai, tuy nhiên những cử tri độc lập, họ vẫn đang còn cân nhắc trước khi lựa chọn. Trong khi các cuộc bầu cử tổng thống luôn thu hút sự quan tâm và tham dự của đông đảo cử tri thì những kỳ bầu cử cấp địa phương xem ra cũng không kém phần quan trọng khi chúng can dự trực tiếp đến các hoạt động và quyền lợi của người dân.
Bàn về các cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ, cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, trong cuốn sách Lý Quang Diệu – Bàn về Trung Quốc, Hoa Kỳ và thế giới, cho rằng:
“Chế độ bầu cử của Mỹ đòi hỏi ứng cử viên phải cho đi thật nhiều để giành được phiếu bầu, để đánh bại đối thủ trong cuộc bầu cử tiếp theo lại phải cho đi nhiều hơn nữa. Một quá trình đấu giá không bao giờ chấm dứt – còn chi phí, các khoản nợ nần sẽ do thế hệ sau trang trải…”.