Hiện tượng biến đổi khí hậu đang đe dọa tốc độ tăng trưởng hấp dẫn của ngành nuôi yến ở Việt Nam – đó là một nội dung đáng chú ý tại hội thảo khoa học “Phát triển bền vững nghề nuôi chim yến tại Việt Nam” tại Khánh Hòa mới đây.
Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Đại học Bách khoa Hà Nội, biến đổi khí hậu làm cho nhiệt độ và độ ẩm môi trường trở nên bất thường đã ảnh hưởng rất lớn tới sự sinh sống, phát triển và làm tổ của chim yến.
Quần thể chim yến ở Việt Nam dễ bị tổn thương, được xác định trong nhóm loài bảo tồn quan trọng hàng đầu dưới tác động của biến đổi khí hậu.
Những ngày rét đậm, chim yến không kịp di cư đã chết hàng loạt trong nhà yến. Thời tiết nắng nóng và khô, khi độ ẩm xuống thấp dưới 60% thì số chim làm tổ sẽ ít đi, dễ bị rộp chân và dễ bị rơi.
Các nhà nghiên cứu cũng đưa ra cảnh báo sự nóng lên toàn cầu có thể thay đổi toàn bộ quần xã sinh thái khiến cho thức ăn và vật liệu làm tổ mà chim yến phụ thuộc vào có thể không còn nữa. Chim yến có thể đối mặt với con mồi mới, ký sinh trùng, đối thủ cạnh tranh và động vật săn mồi mà chúng không thể thích nghi.
Theo số liệu công bố tại hội thảo, cả nước hiện có 42 tỉnh, thành phố hình thành và phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà với tổng số trên 8.540 nhà yến; nhiều nhất là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tiếp đến là khu vực Đông Nam bộ, khu vực duyên hải miền Trung.
Đến cuối năm 2018, sản lượng yến sào của cả nước đạt khoảng 63.400kg. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học, như quy trình kỹ thuật ấp nở chim yến nhân tạo, dẫn dụ chim yến, kỹ thuật xây nhà nuôi yến… ngày càng được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người nuôi.
Bên cạnh đó, việc bảo tồn, phát triển các đàn chim yến sống trên các đảo tự nhiên đã được chú trọng, với sản lượng khai thác năm 2018 đạt khoảng 4.500kg. Chỉ riêng vùng duyên hải Nam Trung bộ, nơi tập trung phần lớn các đàn chim yến tự nhiên, đã có 223 hang yến đảo tự nhiên.
Tuy nhiên, ngoài lợi thế về tự nhiên, các nhà khoa học trong nước cần tăng cường nghiên cứu về kỹ thuật để khai thác, phát triển nghề nuôi chim yến, mang lại hiệu quả kinh tế cho các địa phương.
Ngoài ra, Việt Nam cần phải tiến hành quy hoạch các vùng nuôi chim yến trong cả nước, đồng thời có những giải pháp đồng bộ về thể chế quản lý, chính sách ưu tiên phát triển, công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Đào Tứ Xuyên – nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Yên kiến nghị, cần xây dựng “hương ước bảo vệ chim yến” để người dân sống trong vùng có chim yến tự nguyện ký tên tham gia bảo vệ chim yến, không có hành vi xâm phạm đến chim yến.
Còn TS Nguyễn Xuân Niệm – Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang, nơi có gần 1.000 nhà nuôi yến (nhiều nhất cả nước) bày tỏ lo ngại về việc kiểm soát dịch bệnh lây lan ở chim yến; trong khi nhiều cơ sở nuôi chim yến chưa có biện pháp bảo vệ môi trường, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Chính vì thế, cần quy hoạch vùng nuôi chim yến phù hợp với tự nhiên cho chim yến sinh sống và phát triển, xa khu dân cư, diện tích đảm bảo với tiềm năng phát triển nghề nuôi chim yến ở từng địa phương.
Tại hội thảo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Yến sào Khánh Hòa, ThS Lê Hữu Hoàng cho biết: Công ty Yến sào Khánh Hòa đã nghiên cứu chuyên sâu về ấp nở và nuôi nhân tạo chim yến, chủ động nguồn chim yến giống. Kết quả tỷ lệ nở trên 90%, nuôi chim con trưởng thành đạt tỷ lệ trên 95%.