Thanh niên ngồi quán trà, ông già tập thể dục. Đó là hình ảnh một thời ở Hà Nội, sớm mùa đông rét mướt co ro, lại… thất nghiệp nữa, nhiều thanh niên trai trẻ lấy quán nước chè chén làm nơi trú ngụ giết thời gian. Các anh chàng này nhìn ngoài đường thấy… các cụ tập thể dục thì nhìn như chuyện của ai, ở đâu chẳng dính đến mình. Mình trai tráng, còn lâu mới… chết. Các cụ già thì… đến nơi rồi.
Nhiều người bận rộn quanh năm, cũng có nghe nói căn bệnh tim mạch tiểu đường, cũng nghe nói phải tập thể dục, nhưng chưa sắp xếp được thời gian. Bận rộn quá. Vừa đi làm, còn học thêm lên cao nữa, có khi làm thêm ở một công ty nữa là thôi, mọi dự định đi tong.
Đời người ai cũng phải có kế hoạch, có những thời gian trọng điểm, giống như tập trung cho chiến dịch, cho những cú đấm quyết định. Mấy năm hết khóa cao học, mấy năm đứng vững trong nghề, còn bao giờ yêu đương đám cưới có con. Bao giờ con lớn chút xíu, bao giờ, bao giờ.
- Xem thêm: “Thảm họa già”
Lúc nào cũng lo hết. Cuộc đời căng thẳng nên phải học thiền, yoga, theo một môn thể thao, võ hay múa, đàn,… chẳng có lúc nào để thở.
Có người bận tối mắt mũi, nói “khi nào nghỉ hưu, tôi sẽ học vẽ, mà phải vẽ bán ra tiền hẳn hoi, không chơi hươu vượn tốn kém”. Hoặc có người khác, “khi nào… hưu rồi sẽ tập thể dục đều. Sẽ gia nhập vào đội quân thể dục đường phố”. Như cô X đó, sáng dậy, con cháu, chồng ra khỏi nhà như ma đuổi, đi làm đi học hết, cô ra ven sông hay công viên, ai nhảy đầm có nhảy đầm, ai thích thể dục dụng cụ nhẹ thì có dụng cụ.
Mà hay ghê, trong thành phố có con sông, vườn hoa bóng mát, người ta mắc những dụng cụ tập nhẹ rất hợp với sức người hưu trí. Đứng lên đu, lắc nhẹ, xoay hông, đạp xe. Thanh niên trai trẻ có xà đơn xà kép. Ở đó hay có “một hội” rủ nhau tập xong tụ lại dưới quán nước dưới bóng cây, ngồi ăn sáng, trò chuyện. Nhiều người thong thả nhàn hạ được đến trưa. Ăn xong, nghỉ trưa một giấc. Đời thấy êm ả.
Tất nhiên câu chuyện của họ chỉ có mấy chủ đề: Nhắc lại thời sự giật gân trên báo trên mạng, hỏi han trao đổi kinh nghiệm trị bệnh, mua sắm, nấu ăn, đi du lịch.
Nhiều người ở tuổi hưu rồi thấy vẫn “phong độ” chán. Một ông kể: “Lâu rồi mới về thăm quê hương. Cũng là thành phố thôi, nhưng cứ xa đô thị lớn một cái là thấy ngay. Đi thăm mấy đứa bạn ngày xưa cùng lớp, mới ngoài sáu mươi mà trông… như ông cụ.
Nhà ven đô, nửa quê nửa tỉnh, vào nhà thấy chỏng chơ. Hắn ngồi trên giường ho sù sụ, cổ khoác chiếc chăn dạ cũ sờn. Cứ như ông lão sắp chết đến nơi. Trời ngoài đó lạnh. Cái lạnh nguy hiểm thế đấy, con người co ro, không có nắng nên mọi thứ trở nên xám xịt. Phải nói đúng chữ là “lầm than”. Trong nhà vắng lặng, bếp im hơi, chẳng có cái gì ngon lành mà ăn…”.
Cứ so với bạn cũ, cùng là hưu cả, một đằng thì thịnh vượng nhanh nhẹn, phóng xe vù vù, tập thể dục thể thao, xoay ra bắt đầu vẽ tranh. Thiếu gì người có học trường lớp gì đâu, cũng vẽ rất ghê.
Ông nào ôm mộng văn chương thì bắt đầu làm thơ, viết hồi ký in chơi. Con cái thành đạt, nhà cửa đẹp đẽ, cha mẹ già cũng “già sang, già khỏe”, “cứ như thanh niên”. Một đằng thì nếu không te tua kiếm sống thì cũng ngồi “khoác chăn dạ” nói không ra hơi như ông kia mà thôi. Những ông đó, hưu tính không kịp nữa rồi.
- Xem thêm: Thứ gì đắt nhất?
Thế là tha hồ chứng minh sự khôn ngoan, lối sống tích cực này nọ. Nhưng mà, lạ một điều, ai cũng biết sống thế nào là “hợp vệ sinh” nhưng lại không mấy ai duy trì bắt tay vào sớm. Thể dục mà phải… chờ hưu mới có thì giờ. Khổ, cái thì giờ lại cứ chơi khăm người ta. Rõ ràng nhiều việc biết rằng càng bắt đầu sớm càng có lợi, vậy mà nhiều khi phải tặc lưỡi: “Để… hưu tính”.