Tiến sĩ Lê Nguyên Phương, nhà tâm lý học người Việt ở Mỹ, là một người rất tâm huyết với hệ thống tâm lý học đường tại Việt Nam. Ông là người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Liên hiệp phát triển tâm lý học đường Việt Nam vào năm 2009, tên đăng ký tại bang California, Hoa Kỳ là Liên hiệp phát triển tâm lý học đường quốc tế [CASP-I]. Ngoài ra, ông cũng rất tích cực trong các hoạt động nhằm xây dựng một môi trường giáo dục bình an và hạnh phúc cho trẻ thông qua các chương trình hội thảo về tâm lý học đường diễn ra hằng năm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Hãy giúp trẻ học tập, thực hành các kỹ năng giao tiếp xã hội, để khi cần chúng có thể chia sẻ với mọi người.
____
Người bận rộn như ông mà vẫn dành nhiều thời gian về Việt Nam để phát triển các chương trình tâm lý học đường, chắc phải có một lý do đặc biệt nào đó?
Từ những ngày theo học về tâm lý học đường ở Mỹ, tôi đã nghĩ: “Giá như mỗi trường ở Việt Nam đều có người tham vấn tâm lý, thì trẻ em nước mình sẽ hạnh phúc hơn”. Bản thân tôi trước đây cũng từng trải qua tuổi thơ khó khăn vì trong trường không có người tham vấn tâm lý. Đến năm 2007, tình cờ tôi nghe tin về vụ án của Huỳnh Thị Ngọc Trâm, một học sinh tiểu học ở Đồng Tháp bị nghi lấy 47.800 đồng. Em bị công an hỏi cung trong điều kiện không có cha mẹ, người thân đến mức hoảng loạn, phải vào điều trị ở bệnh viện tâm thần.
Câu chuyện của em đã tác động mạnh đến tôi, thôi thúc tôi phải về nước ngay. Tôi thấy mình có trách nhiệm phải làm một điều gì đó để không có em nhỏ nào phải rơi vào hoàn cảnh đáng thương như vậy nữa. Vì vậy, trong mười năm qua, tôi đã kết nối với nhiều đồng nghiệp, cả Việt Nam lẫn quốc tế, để thúc đẩy sự hình thành ngành, nghề, và dịch vụ tâm lý học đường tại Việt Nam.
____
Nói đến vấn đề tâm lý học đường, người ta thường nhắc đến nỗi cô đơn trong thế giới hiện đại. Dường như nỗi cô đơn không chỉ được đề cập đến trong thơ ca, mà nó hiện diện ngay trong mỗi con người, nhất là ở giới trẻ…
Đúng là nỗi cô đơn ngày càng lan nhanh trong thế giới mà cộng đồng ảo tương tác với nhau nhiều hơn xã hội thật. Theo một nghiên cứu của giáo sư Martin Pinquart (Trường Đại học Phillips ở Marburg – Đức) và giáo sư Silvia Sörensen (Đại học Y Rochester – Mỹ) thì có đến 80% trẻ dưới 18 tuổi và 40% người trên 60 tuổi từng có cảm giác này. Nhưng có phải trạng thái một mình trong thế giới hoàn toàn là tiêu cực hay không? Câu trả lời là không.
Nhà văn – nhà phê bình Cao Hành Kiện (Trung Quốc) nói rằng: “Chỉ khi một đứa trẻ đối diện với nỗi cô đơn, nó mới bắt đầu trở thành người lớn. Chỉ khi một con người đối diện với nỗi cô đơn thì họ mới thật sự trưởng thành. Cô đơn khuyến khích sự độc lập và làm tăng sức mạnh nhân cách trong các hoàn cảnh xã hội. Trong thế giới ồn ào hối hả hôm nay, một cá nhân muốn lắng nghe tiếng nói từ tim mình, thì cần trải qua trải nghiệm cô đơn. Và khi cô đơn không biến thành một nỗi cô độc, thì nó là điều kiện để cá nhân xác lập chính mình và đạt được các thành tựu”.
“Muốn con cô đơn tích cực và không bị rơi vào cô độc, thì cha mẹ, thầy cô hãy đồng hành cùng con trẻ chứ đừng làm “kẻ áp giải”. Chúng ta hãy có mặt bên các em bằng tình thương chứ không phải là nỗi ám ảnh về những kỳ vọng, tín điều.”
____
Vậy làm sao để con cái chúng ta chỉ cô đơn tích cực chứ không bị rơi vào “bệnh” cô độc?
Muốn như vậy thì cha mẹ, thầy cô hãy đồng hành cùng con trẻ chứ đừng làm “kẻ áp giải”. Chúng ta hãy có mặt bên các em bằng tình thương chứ không phải là nỗi ám ảnh về những kỳ vọng, tín điều. Khi cảm thấy bình yên và tin cậy, con trẻ mới dễ dàng thổ lộ những tâm sự sâu kín mà không sợ bị chê trách, hoài nghi, mắng mỏ… Hãy giúp trẻ học tập, thực hành các kỹ năng giao tiếp xã hội, để khi cần chúng có thể chia sẻ với mọi người. Khi có kỹ năng cùng sự tự tin, trẻ em sẽ xem nỗi cô đơn hay cả những tổn thương của mình là một trải nghiệm bình thường trong cuộc đời có thể vượt qua, từ đó chúng sẽ biết đứng vững trên đôi chân của mình để tự xây cho mình một bảng giá trị đúng đắn. Để làm được điều này thì không có cách nào khác hơn là cả cha mẹ và thầy cô cùng chuyển hóa để tạo nên một môi trường bình an và yêu thương cho các em.
____
Vì sao sự chuyển hóa bắt đầu từ cha mẹ và thầy cô lại quan trọng đối với con trẻ, chứ không bắt đầu từ sự thay đổi về văn hóa, điều kiện sống hay chính sách xã hội…?
Theo mô hình hệ thống sinh thái của nhà tâm lý giáo dục người Mỹ gốc Nga Urie Bronfrenbrenner, thì hệ thống vi mô có tác động trực tiếp và mạnh mẽ nhất đến môi trường giáo dục trẻ em. Hệ thống này bao gồm các thành viên tương tác thường xuyên với trẻ, mà quan trọng là gia đình và nhà trường rồi đến xã hội.
Vì vậy, cải thiện hệ thống vi mô thì trẻ em sẽ có một môi trường giáo dục hạnh phúc, đồng thời các hệ thống khác cũng sẽ thay đổi theo, như: (1) Hệ thống sinh lý: là yếu tố sức khỏe thể chất tinh thần có được do di truyền và môi trường nuôi dưỡng trong gia đình. (2) Hệ thống giao hội là khi các hệ thống vi mô tương tác với nhau, tạo các tương tác giữa gia đình với trường học; giữa trường học với tôn giáo… (3) Hệ thống ngoại vi là những môi trường có tác động gián tiếp đến đứa trẻ, chẳng hạn áp lực trong công việc của cha mẹ, điều kiện cuộc sống gia đình, các phương tiện truyền thông nghe nhìn… (4) Hệ thống vĩ mô: liên quan đến văn hóa tập tục xã hội, hệ thống kinh tế chính trị, chính sách quốc gia… Và (5) Hệ thống thời gian: các điều kiện lịch sử xã hội và sự sắp xếp các sự kiện của môi trường và các thay đổi đặc biệt trong suốt cuộc sống; các tác động bởi thời gian và các giai đoạn phát triển then chốt.
Khi chúng ta không hạnh phúc và bình an thì dù có nói những lời hoa mỹ hay dùng những khẩu hiệu sâu sắc đến đâu cũng không thể giúp người khác bình an và hạnh phúc. Hầu hết cha mẹ, thầy cô đã mang trong mình nhiều đau khổ vì những áp lực, tổn thương trong quá khứ. Khi trưởng thành, họ lại bị áp đặt bởi một bảng giá trị của gia đình, xã hội nên luôn đè nặng trên vai. Rồi phải chăng, nỗi đau khổ của người lớn lại đổ xuống trẻ thơ?
____
Vậy chúng ta phải chuyển hóa thế nào để có cuộc sống bình an?
Chuyển hóa là đối diện với các chấn thương, nội kết, tìm cách “làm hòa” với quá khứ, hàn gắn những tổn thương trong tâm hồn. Nếu không được hóa giải, những tật nguyền tâm lý sẽ mãi còn đó, vết thương lúc nhỏ sẽ “mưng mủ” đến cuối đời.
Với tôi, chuyển hóa là một quá trình dũng cảm, vì việc đối diện với những chấn thương, nội kết (những khúc mắc khó tháo gỡ) của đời mình là không dễ dàng. Tôi cũng đã trải nghiệm và thấm thía nỗi đau này khi chạm đến những tổn thương trong quá khứ. Nhưng nỗi đau sẽ lớn hơn nếu ta cứ giấu và bắt con trẻ gánh chịu hậu quả của những vô minh đó. Chính vì vậy, chuyển hóa chính mình là con đường đầy hy vọng của cha mẹ và thầy cô để tạo một môi trường hạnh phúc, bình yên cho con cái chúng ta.
Chuyển hóa còn là hành trình giải thoát tri kiến (nhận biết các hiện tượng thông qua sự giác ngộ về chúng), xóa bỏ cách nhận thức sai lầm của mình về thế giới do định kiến trước đây, để nhìn nhận mọi thứ như bản chất vốn có. Nói theo nhà triết học người Đức Friedrich Nietzsche, muốn trở thành một con người tự do thì phải biết phá vỡ bảng giá trị của xã hội gia đình áp đặt lên chúng ta để tự xây dựng một bảng giá trị của riêng cho mình.
“Đối diện và hóa giải với những tổn thương trong quá khứ là điều không dễ dàng. Nhưng nỗi đau sẽ lớn hơn nếu ta cứ giấu và bắt con trẻ gánh chịu hậu quả của những vô minh đó.”
____
Trong xã hội Việt Nam hiện nay, phải chăng bảng giá trị mà xã hội áp đặt lên người đàn ông nặng nề hơn phụ nữ, vì họ thường được kỳ vọng phải vừa là trụ cột trong gia đình, lại “phải có danh gì với núi sông”?
Tôi không nghĩ rằng gánh nặng trách nhiệm hay bảng giá trị mà xã hội áp đặt lên đàn ông nặng nề hơn phụ nữ. Ngược lại, ở một góc nhìn khác, có thể thấy bảng giá trị áp lên người phụ nữ còn có vẻ nặng nề hơn. Với điều kiện xã hội như hiện nay, phụ nữ vừa phải “giỏi việc nước” lại phải “đảm việc nhà”. Họ phải vừa là một người phụ nữ có tri thức, làm việc kiếm tiền, lại vừa phải chu toàn việc nội trợ, chăm sóc chồng con. Trong khi đó, đàn ông chỉ có nhiệm vụ phát triển sự nghiệp.
Nói như vậy, nhưng trong những lần tham vấn tâm lý cho một số gia đình, tôi cũng cảm thấy đồng cảm và chia sẻ đối với người đàn ông Việt Nam. Họ vẫn mệt mỏi với gánh nặng là người kiếm tiền chính trong gia đình. Họ phải bảo đảm mang lại cho vợ con những điều kiện vật chất tối thiểu và phải làm sao để con cái thành đạt, gia đình nề nếp… Không ít người đàn ông cảm thấy rất đau khổ, thất vọng… khi rơi vào cảnh kiếm tiền ít hơn vợ, vai trò trụ cột gia đình bị lung lay, không kiểm soát được gia đình…
____
Điều này là do định kiến đã tồn tại lâu năm trong xã hội, phải không thưa ông?
Một phần cũng là do người đàn ông tự đặt ra cho mình những trách nhiệm lớn lao, họ tự đóng khung mình vào những bảng giá trị cứng nhắc, nên khi có thay đổi vượt ra ngoài khung giá trị đó thì họ căng thẳng, khổ đau vô cùng. Khi đó, đàn ông thường “đối phó” bằng cách trút cơn tức giận lên vợ con, đồng nghiệp hoặc bị trầm cảm kéo dài, cố gắng tìm quên trong công việc, rượu chè… Tình trạng bất đắc chí này rất hay gặp ở đàn ông Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng.
Tôi nói về điều này không phải ở vị thế người đứng ngoài hay đứng trên, mà là người đứng trong cuộc, đã từng cảm nhận sâu sắc nỗi khổ đau, bất lực của chính mình khi mang trên vai một bảng giá trị sai lầm trong suốt nhiều năm trưởng thành. Hậu quả là nó biểu hiện thành những cơn giận dữ với gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, đó là nguyên nhân gây đổ vỡ nhiều mối quan hệ tốt đẹp của tôi lúc đó. Tôi chỉ mới nhận ra và chuyển hóa từ năm 2011, vì không muốn chết như một ông già cáu bẳn (tiếng Anh gọi là “a grumpy old man”).
____
Cơ duyên nào giúp ông nhận ra và chuyển hóa sau nhiều năm sống trong “vô minh”?
Bây giờ tôi vẫn vô minh đấy chứ, càng lúc càng thấy mình vô minh hơn. Năm 2011, tôi đã tham dự lễ “Quán đảnh Thời Luân” (nguyên tiếng Phạn là Kalachakra), do Đức Đạt Lai Lạt Ma thủ lễ. Đây là nghi lễ tiếp nhận một giáo pháp của Kim Cang thừa, dành cho những người muốn tu tập và giải thoát mà không cần xuất gia. Sau sự kiện này, cùng với dịp được gặp lại vị Hòa thượng Viên Minh (trụ trì chùa Bửu Long) sau bao năm “lưu lạc trời Tây”, tôi bắt đầu có quyết tâm chuyển hóa. Thực ra, tôi nghĩ chúng ta cần những nghi lễ chính đạo để thể hiện quyết tâm, chứ không cần phải theo một tôn giáo hay đạo giáo nào. Từ sau khi quyết tâm chuyển hóa chính mình, tôi trở nên nhạy bén và minh mẫn hơn với vô minh của mình. Chỉ cần mở mắt, mở tai rộng ra, thì tôi dễ dàng nhận diện các cơ hội, bài học trong cuộc sống, để mình học hỏi và chuyển hóa nhanh chóng.
____
Động lực và mục tiêu nào để ông quyết tâm chuyển hóa?
Vì tôi thấy mình khổ quá, chỉ có chuyển hóa là con đường giải thoát chính mình khỏi khổ đau. Và như tôi đã nói, chuyển hóa để không chết như một ông già cáu bẳn. Tôi đã từng tiếp xúc với những người càng già càng cáu kỉnh, khắc nghiệt, thành kiến, lạc hậu. Khi tiếp xúc với họ, tôi hay liên tưởng tới những trái táo khô quắt queo, mà sự xấu xí hiện diện trong tâm hồn, chứ không phải là sự lão hóa thể hiện trên khuôn mặt. Lẽ ra, họ có thể trở thành những ông lão bà lão dễ chịu, vui vẻ, cởi mở, phóng khoáng. Như vậy, chuyển hóa là con đường tôi chọn để có cuộc sống nhẹ nhàng, an vui chứ không phải để có thể đạt được một danh hiệu nào, hay trở thành đấng quyền năng nào cả.
Tôi phát hiện ra những vấn đề của mình và nhận biết mình cần chuyển hóa nhờ ba yếu tố. Thứ nhất, tôi là một nhà tâm lý học nên có sự hiểu biết về con đường chuyển hóa. Từ việc đọc sách, tham khảo, đào sâu nghiên cứu về tâm lý giáo dục, tâm lý học đường đến việc tham vấn tâm lý, điều trị tâm lý cho tôi nhiều kinh nghiệm thực tế. Thứ hai là tôi tự học thêm về Khoa học thần kinh, trong đó có ba bộ môn quan trọng là Khoa học thần kinh, Tâm lý học thần kinh và Thần kinh học tiến hóa. Những bộ môn này cung cấp kiến thức đặc biệt về sinh lý học, giúp tôi nhận biết nguồn gốc sinh lý học của những cảm xúc tích cực cũng như tiêu cực. Thứ ba là tôi thực hành thiền quán, quan sát ý niệm, cảm xúc của mình. Qua đó, tôi sẽ nhận ra được nội kết, chấn thương của mình đến từ đâu và tôi sẽ biết cách để hóa giải nó.
Tôi cho rằng thật vô lý khi một nhà tâm lý học không biết quan sát, nhận diện những trạng thái tâm lý của mình và hóa giải nó. Anh không biết cách chấm dứt khổ đau của mình thì làm sao biết cách làm lành những vết thương của người khác. Nhà tham vấn tâm lý mà không thể hóa giải tổn thương của mình thì hóa ra anh ta chỉ biết dùng các công cụ được cung cấp từ các khóa học nào đó như một túi đồ nghề chữa bệnh không hơn không kém. Thậm chí một số trường hợp tệ hơn là túi đồ nghề chỉ có vài công cụ đơn lẻ được dùng để can thiệp cho bách bệnh, vô vàn nỗi đau khác nhau. Con người không ai giống ai và nỗi đau thì muôn hình, vạn trạng. Người tham vấn, điều trị tâm lý không thể chỉ dùng một vài kiến thức, kinh nghiệm hời hợt. Hơn ai hết, người làm tâm lý phải hạnh phúc thì mới giúp cho người khác hạnh phúc được.
“Nhà tham vấn tâm lý mà không thể hóa giải tổn thương của mình thì hóa ra anh ta chỉ biết dùng các công cụ được cung cấp từ các khóa học nào đó như một túi đồ nghề chữa bệnh không hơn không kém.”
____
Có thể hiểu như thế nào là hạnh phúc, thưa ông?
Hạnh phúc mà đưa ra khái niệm để định nghĩa định hình thì không còn là hạnh phúc nữa. Người ta suốt ngày tìm kiếm hạnh phúc vì nghĩ hạnh phúc có thể quy thành những đặc tính, những cung bậc, để rồi khi đạt được rồi người ta lại cảm thấy chưa đủ, và họ lại tiếp tục tìm kiếm những đặc tính, cung bậc mới cho hạnh phúc.
Một số người hỏi tôi về cảm giác khi lái chiếc xe Mercedes, có lẽ họ mong đợi tôi sẽ nói về cảm giác sung sướng, hãnh diện. Nhưng cảm giác lái chiếc xe tốt chỉ có trong ba tuần đầu, sau đó chiếc xe sang trọng đến mấy cũng trở nên bình thường như mọi chiếc xe khác. Nếu lại mong muốn đổi một chiếc xe sang hơn, tôi cho là mình rất “dại”. Cuộc truy đuổi nhu cầu vật chất chỉ mang lại ganh tỵ và khổ đau mà thôi.
Nếu buộc phải đưa ra một định nghĩa về hạnh phúc, thì tôi cho đó là sự thảnh thơi vô sự, không còn bị ám ảnh bởi các mục tiêu hiện tại hay tương lai, chẳng hạn về một chiếc ghế trong sự nghiệp, một ngôi nhà ven sông, hay một món tiền lớn trong tài khoản ngân hàng. Và sự thảnh thơi vô sự đó, chúng ta có thể trải nghiệm ngay tại phút giây này khi biết xả ly. Đó cũng là con đường mà chúng ta hãy dẫn con đi, để con không bị những mưu cầu tiền bạc, danh vọng ảnh hưởng đến hạnh phúc và thành công của mình.
____
Cảm ơn ông về những chia sẻ trên.