Sau khi xây dựng được chiến lược phát triển tốt, hợp lý thì một trong những đòi hỏi lớn đối với doanh nghiệp là có đủ nguồn lực để triển khai thành công chiến lược đó hay không và ai sẽ là người thực thi?
Không phải mọi người trong doanh nghiệp sẽ cùng xếp hàng, tiến lên theo hàng ngang để thực thi, mà chỉ có những người đủ khả năng tạo ra sức cạnh tranh mạnh mẽ trên thực tế. Vậy họ là ai và những dấu hiệu nào giúp nhận ra họ?
Có nhiều cách để nhận diện những người đặc biệt ấy. Có thể tham khảo ví dụ về mẫu nhân viên sau đây. Người này tỏ ra có nhiều khác biệt so với số đông còn lại vì:
– Lên kế hoạch trong khi những người khác đang mải chơi.
– Nghiên cứu trong khi những người khác đang còn ngủ.
– Quyết định trong khi những người khác còn trì hoãn.
– Chuẩn bị trong khi những người khác còn mơ mộng.
– Bắt đầu trong khi những người khác đang lưỡng lự.
– Làm việc trong khi những người khác ngồi ao ước.
– Tiết kiệm trong khi những người khác đang lãng phí.
– Lắng nghe trong khi những người khác vẫn mải nói.
– Mỉm cười trong khi những người khác cau mày.
– Khen ngợi trong khi những người khác chỉ trích.
– Kiên trì trong khi những người khác đã bỏ cuộc.
Để sở hữu được những người có những tố chất như vậy, có nhiều cách để chọn lựa. Cách đầu tiên là lấy cả 11 điều nêu trên làm tiêu chuẩn tuyển chọn người vào doanh nghiệp. Có thể sẽ đạt được mục tiêu, nhưng cách này chắc sẽ tốn kém.
Cách thứ hai là quay lại quan sát và đánh giá đội ngũ nhân viên hiện có để tìm ra những người tỏ ra hội đủ 11 điều đó, đồng thời tuyển thêm một số người mới từ bên ngoài. Cách này hẳn nhiên cũng còn tốn kém.
Còn một cách nữa là tiến hành quan sát, đánh giá lại đội ngũ nhân viên hiện có để nhận biết từng người có những tố chất đặc biệt nào và mức độ cao thấp của tố chất đó ra sao. Sau khi đã có được kết quả đánh giá, có thể xây dựng một chương trình đầu tư nhằm nâng trình độ của đội ngũ nhân viên lên một tầng nấc mới, hướng tới mục tiêu có được “đội hình trong mơ”. Cách này cũng tốn kém, nhưng có một số điểm đáng lưu ý:
- Doanh nghiệp vẫn hoạt động liên tục và có một số tiêu chí, chuẩn mực cụ thể dành cho đội ngũ nhân viên để họ phấn đấu vươn tới mà công việc không bị gián đoạn.
- Do đội ngũ nhân viên đã được rèn luyện phong cách làm việc của doanh nghiệp, đã hiểu và biết vận dụng nền văn hóa doanh nghiệp trong công việc và ứng xử nên việc hướng mọi người cùng vươn đến những tiêu chí, chuẩn mực cao hơn sẽ không khó khăn lắm.
- Khi đánh giá lại đội ngũ nhân viên, có thể thấy rất hiếm người hội đủ được ngay mọi tiêu chuẩn đặt ra. Thậm chí nhiều người cần được rèn luyện lại từ một điểm xuất phát rất thấp trong lộ trình vươn lên chiếm lĩnh các tiêu chí, chuẩn mực cao hơn. Tuy nhiên, khi đã xác lập được các tiêu chí, chuẩn mực mới và truyền đạt được chúng đến mọi người thì mọi việc kế tiếp sẽ trôi chảy như ý của lãnh đạo doanh nghiệp.
Tất nhiên mẫu nhân viên nêu trên đây chỉ là một ví dụ tham khảo. Doanh nghiệp không nhất thiết phải chọn nếu thấy không cần thiết đối với hoạt động của mình. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần chọn ra một hệ thống tiêu chí, chuẩn mực về năng lực làm việc của từng vị trí trong sơ đồ tổ chức doanh nghiệp.
- Xem thêm: Dùng “chim hoàng yến” trong doanh nghiệp
Sau đó phải là lập kế hoạch giúp đội ngũ nhân viên mình đạt được các tiêu chí, chuẩn mực mới đã được doanh nghiệp chọn lựa. Các biện pháp khác nhau như đào tạo, kèm cặp, cố vấn, hoặc gửi đi đào tạo bên ngoài được tính đến tùy từng trường hợp cụ thể.
Xét cho cùng, mọi nỗ lực trên là nhằm làm cho đội ngũ nhân viên giỏi hơn, có khả năng đưa doanh nghiệp vươn lên, đi đầu trong các hoạt động trong ngành nghề mà doanh nghiệp đã chọn lựa. Có vậy, doanh nghiệp mới cạnh tranh thành công trong môi trường kinh doanh đầy áp lực ngày nay.