Ngay khi bộ phim Kong: Skull Island bắt đầu được công chiếu, nhiều công ty du lịch trong nước và nước ngoài đã chào bán tour đến Quảng Bình, Ninh Bình, Hạ Long, đưa khách ghé thăm những địa điểm có trong cảnh quay của bộ phim.
Lợi ích thu về từ bộ phim có thể thấy rõ: lượng khách mua tour đến các thắng cảnh trên tăng từ 10% đến 40% tùy công ty. Trước đó, kinh phí cho các cảnh quay tại Việt Nam của Kong: Skull Island vào khoảng 30 triệu USD; những cảnh quay tại Quảng Bình chiếm một nửa ngân sách này. Câu hỏi nhiều người đặt ra là làm sao để có thêm nhiều đoàn phim nước ngoài chọn Việt Nam làm bối cảnh. Bởi xét về cảnh quan thiên nhiên thì Việt Nam được cho là đẹp và phong phú hơn Thái Lan. Tuy nhiên, số lượng các bộ phim quốc tế được quay ở Việt Nam vẫn còn quá khiêm tốn so với ở nước bạn. Số liệu của Văn phòng Phim ảnh thuộc Bộ Du lịch Thái Lan cho biết từ năm 2010 đến nay Thái Lan đã thu hút hơn 4.470 dự án phim ảnh quốc tế, mang lại cho nước này gần 400 triệu USD. Từ lâu, Thái Lan và Hàn Quốc đã đi đầu ở châu Á trong những chính sách thu hút và hỗ trợ các đoàn làm phim nước ngoài. Hàn Quốc tài trợ khoảng 20% chi phí làm phim cho các bộ phim nước ngoài quay tại nước này. Hàn Quốc cũng chủ động cử các đoàn khảo sát tới các nước để giới thiệu và tìm kiếm cơ hội thu hút đoàn làm phim…
Theo ông Trần Nhất Hoàng, Phó cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì hiện nay, chính sách và kỹ năng hợp tác với các hãng phim Hollywood là điều Việt Nam cần thúc đẩy. Phát biểu trên website của Tổng cục Du lịch, ông Trần Nhất Hoàng cho biết: “Chúng tôi mong tiến tới có được các chính sách ưu đãi dành riêng cho các dự án quay phim lớn như một số nước đã có, trong đó quan trọng nhất là chính sách hoàn thuế. Chúng ta cũng cần có những người chuyên nghiệp trong công tác này để hợp tác với các hãng phim quay phim tại Việt Nam bằng cách cử đi đào tạo tại các nước lân cận giàu kinh nghiệm. Ngoài ra, chúng ta cũng cần khuyến khích và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp chuyên nghiệp mời gọi các hãng phim quốc tế và Nhà nước hỗ trợ họ khi cần, từng bước công tác này sẽ sôi động hơn, chúng ta sẽ thu được nhiều hơn, nhất là quảng bá quốc gia”.
Nhận xét về những khó khăn trong thu hút các đoàn làm phim, giám đốc một công ty tổ chức sự kiện của nước ngoài cho biết rào cản đầu tiên khi vào Việt Nam chính là quy trình xin visa và thông quan nhập khẩu hàng hóa tổ chức sự kiện. Mỗi đoàn quốc tế thường mang theo hàng trăm tấn đạo cụ, hàng trăm người đủ các quốc tịch vào bằng máy bay chuyên cơ, mang theo máy bay trực thăng để quay phim, hàng trăm bộ đàm, hàng ngàn cục pin, máy nổ, các mô hình đạo cụ cỡ lớn… Bộ máy hải quan làm việc kém hiệu quả so với các nước xung quanh khiến Việt Nam bỏ lỡ nhiều cơ hội.
Còn nhớ vào năm 1997, Việt Nam từng từ chối đoàn phim James Bond – Tomorrow Never Dies, sự kiện này gây tiếc nuối vô cùng lớn trong dư luận bởi Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới đã từ chối một dự án phim có kinh phí cả trăm triệu USD. Phải mất đến 20 năm, một bộ phim bom tấn mới đến với nước ta lần nữa. Và sẽ lại là một niềm tiếc nuối nếu khi dư âm của Kong: Skull Island qua đi, kế hoạch đưa Việt Nam trở thành điểm đến quay phim hấp dẫn ở châu Á vẫn chưa được vạch ra cho rõ ràng.